Biến động của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: Toàn cảnh thế giới và Việt Nam

ThS. LƯƠNG NGUYỆT ÁNH (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây là ngoại lực bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế. Đại dịch Covid -19 là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong hơn 2 năm qua và cũng là nguyên nhân chính khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gặp nhiều biến động. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm chung của FDI toàn cầu thì vẫn có những quốc gia và vùng lãnh thổ duy trì được tăng trưởng bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, vốn FDI giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Việc đánh giá sự sụt giảm và sự tăng trưởng của dòng vốn FDI trên thế giới và tại Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là cần thiết nhằm rút ra được những bài học kinh nghiệm thu hút FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Từ khóa: dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam.

1. Những tác động của đại dịch Covid-19 tới dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu

Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng từ năm 2020 đến nay do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng vốn bị ngưng trệ, việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn hơn bởi lệnh giãn cách xã hội hay tâm lý lo sợ dịch bệnh khi đi mua sắm,… Điều này cũng khiến dòng vốn FDI toàn cầu bị suy giảm mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ duy trì được tăng trưởng dương của dòng vốn này.

1.1. Sự suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Theo báo cáo “Investment Trends Monitor” của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 24/01/2021, năm 2020, tổng vốn FDI trên toàn cầu đạt mức thấp nhất kể từ những năm 1990 và thấp hơn 30% so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ước đạt 859 tỷ USD, giảm 42% so với năm 2019. Mức suy giảm của dòng vốn FDI là khác nhau giữa các khu vực và nền kinh tế nhưng giảm sâu nhất đối với khối các nước phát triển với tổng FDI năm 2020 ước tính 229 tỷ USD, giảm 69% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Trong đó, khu vực đồng EURO rơi vào tình trạng trầm trọng nhất với mức âm 4 tỷ USD vốn FDI - giảm 101,2% so với năm 2019 với nhiều quốc gia có vốn FDI thấp kỷ lục như Hà Lan (-150 tỷ USD), Thụy Sỹ (-88 tỷ USD). Khu vực có mức giảm vốn FDI lớn thứ hai trong khối các nước phát triển chính là EU27 với sự sụt giảm vốn FDI diễn ra trong tất cả các nước thành viên, ước đạt 110 tỷ USD, giảm 70,5% so với năm 2019. Tại khu vực Bắc Mỹ, FDI năm 2020 giảm 46% so với năm 2019, ước đạt 166 tỷ USD. Trong số đó, FDI vào Mỹ chỉ đạt 134 tỷ USD, giảm 49% so với năm 2019 do ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại với Trung Quốc bên cạnh nguyên nhân chính là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu khiến dòng vốn đầu tư suy giảm chung. Các nước đang phát triển có mức sụt giảm FDI thấp hơn nhiều so các nước phát triển với mức giảm 12% so với năm 2019, ước đạt 616 tỷ USD năm 2020. Các nước đang phát triển tại châu Á có mức sụt giảm FDI thấp nhất là 4% so với 2019, ước đạt 476 tỷ USD. Trong khi đó hầu hết các khu vực khác trong khối các nước đang phát triển đều có mức giảm hai con số so với năm 2019 như khu vực Mỹ la tinh và vùng biển Ca-ri-bê (giảm 37%), khu vực châu Phi (giảm 18%),… Khu vực Đông Nam Á có vốn FDI giảm 31% so với năm 2019, ước đạt 107 tỷ USD với mức giảm mạnh nhất là ở Malaysia (68%), đứng thứ hai là Singapore (37%),… trong sự suy giảm của vốn FDI trên toàn cầu năm 2020, đáng chú ý là dòng vốn vào châu Phi. Đây là châu lục có mức vốn đầu tư FDI thấp nhất toàn cầu, do đó mặc dù mức giảm chỉ khoảng 18% của năm 2020 so với năm 2019 nhưng lại cho thấy số lượng FDI của châu lục này đang ở mức rất thấp. Điều này khiến nhiều quốc gia tại châu Phi phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu vốn cho phát triển kinh tế ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội. (Bảng 1)

Năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát mạnh trên thế giới, tỷ lệ tử vong cao khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng hơn so với năm 2020, dòng vốn FDI theo đó cũng tiếp tục bị giảm. Theo UNCTAD, các nước Bắc Phi vẫn duy trì trạng thái sụt giảm của dòng vốn FDI, thậm chí năm 2021 có mức FDI còn thấp hơn 2020 (đạt 9 tỷ USD so với mức 10 tỷ USD của năm 2020 và 14 tỷ USD năm 2019). Tại Nam Á, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh năm 2021, chỉ đạt 76% so với năm 2020, bằng 91,5% của năm 2019 - năm trước khi đại dịch Covid-19 toàn cầu bùng nổ. Cùng chung xu hướng đó là sự giảm xuống liên tục của dòng vốn FDI tại châu Đại Dương với mức giảm 22% giai đoạn 2020 - 2021.

Như vậy, thống kê số liệu về FDI toàn cầu năm giai đoạn 2019 - 2021 của UNCTAD cho thấy suy giảm của dòng vốn FDI trên toàn cầu là khác nhau giữa các khu vực, vùng lãnh thổ hay các quốc gia.

1.2. Sự tăng trưởng FDI tại một số quốc gia, khu vực trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Trái ngược với xu hướng giảm xuống của dòng vốn FDI toàn cầu, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đón nhận những tín hiệu tích cực từ việc tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tại châu Âu, theo báo cáo của UNCTAD, năm 2020, Thụy Điển có FDI tăng 141,7% so với năm 2019, ước đạt 29 tỷ USD; Tây Ban Nha ước tăng 52% so với năm trước. Nếu như tổng thể FDI của châu Á năm 2020 giảm so với cùng kỳ 2019 thì khu vực Đông Á và Nam Á có kết quả ngược lại. FDI vào khu vực Đông Á năm 2020 tăng 12% so với năm 2019, ước đạt 283 tỷ USD. Trong đó, FDI có mức tăng mạnh nhất của Đông Á là tại Hồng Kông (tăng 40%). Trung Quốc mặc dù là quốc gia đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19, chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả đại dịch và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nhưng dòng vốn FDI vẫn duy trì mức tăng năm 2020 so với năm 2019 (tăng 4%, ước đạt 163 tỷ USD), lần đầu tiên vượt Mỹ trở thành quốc gia thu hút FDI lớn nhất thế giới. Khu vực Nam Á có FDI ước đạt 65 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019. Trong đó, Ấn Độ trở thành điển hình cho thu hút FDI của khu vực này với FDI tăng trưởng 13% năm 2020 so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 57 tỷ USD. Theo báo cáo của UNCTAD, năm 2021,  FDI toàn cầu tăng 77% so với năm 2020; từ mức 929 tỷ USD lên ước tính 1.647 tỷ USD năm 2021, vượt qua mức 1.473 tỷ USD trước đại dịch Covid-19. Trong đó, năm 2021, các nền kinh tế phát triển có mức tăng vốn FDI mạnh nhất từ trước đến nay, tăng 199% so với năm 2020, ước tính đạt 777 tỷ USD trong năm 2021. Châu Âu là khu vực có mức tăng FDI mạnh nhất so với năm 2020 với mức tăng 1.450%, nhưng vẫn thấp hơn mức vốn FDI năm 2019.

Tuy nhiên, tại châu Âu, hơn 80% vốn FDI gia tăng là nhờ sự thay đổi lớn trong các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực. Trong khi đó, dòng vốn FDI vào Mỹ tăng hơn gấp 2 lần, do sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A). Dòng vốn FDI đổ vào các nền kinh tế đang phát triển có mức tăng 30% so với năm 2020, ước đạt 870 tỷ USD, trong đó khu vực Đông và Đông Nam Á tăng 20%, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận sự phục hồi gần mức trước đại dịch. Năm 2021, các nước kém phát triển nhất (LDC) cũng ghi nhận sự tăng trưởng chung của dòng vốn FDI, nhưng nhìn chung mức tăng còn tương đối thấp (19%).

Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc dòng vốn FDI tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở trên tiếp tục duy trì tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn duy trì được các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tốt, tạo ra lợi thế cạnh tranh cao. Điển hình, hai nước thuộc khối EU là Tây Ban Nha và Thụy Điển, đã có những chính sách thông thoáng trong thu hút FDI như áp dụng giảm hoặc miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, hỗ trợ đào tạo nguồn,… Do cùng thuộc khối EU nên tại 2 quốc gia này cũng có hệ thống luật hầu hết đều theo tiêu chuẩn chung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong khối. Bên cạnh đó, năm 2020, quy định vốn cổ phần tối thiểu giảm xuống một nửa, chỉ còn 25.000 SEK trong Luật thành lập doanh nghiệp Thụy Điển có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 được cho là cú hích lớn khiến vốn đầu tư tiếp tục gia tăng vào nước này bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Thứ hai, hệ số triển vọng tín nhiệm quốc gia cao. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi quyết định đầu tư vào một quốc gia nào đó. Hệ số này càng cao thì mức độ rủi ro khi đầu tư càng thấp. Đông Á là khu vực có số lượng các quốc gia được các tổ chức Moody’s, Fitch và DBRS xếp hạng hệ số tín nhiệm quốc gia nằm ở mức cao trong bảng xếp hạng toàn thế giới. Điển hình có thể kể tới như Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc đều được đánh giá ở mức điểm trung bình đạt trên 80/100. Thụy Điển và Tây Ban Nha là một trong số những quốc gia có hệ số tín nhiệm quốc gia nằm ở nhóm cao trên thế giới.

Thứ ba, nguồn lực lao động chất lượng cao với chi phí nhân công thấp. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, Đông Á và Nam Á đều là khu vực có nguồn lao động dồi dào và có mức tăng năng suất lao động ở mức cao nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây với mức tăng lần lượt là 5,1% và 5% năm 2021. Các nước Đông Âu có mức tăng trưởng năng suất lao động cao thứ hai với 3,4%, sau đó là khu vực Trung tâm và Tây Á. Đây chính là sức hút lớn đối với những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này.

2. Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Tại Việt Nam, vốn FDI chiếm một tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã giải ngân và tổng vốn đăng ký cấp mới đều sụt giảm so với năm 2019. Trong đó, các dự án FDI đã giải ngân được 19,98 tỷ USD (bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD (bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019). Có 19 ngành lĩnh vực được đầu tư FDI trong năm 2020, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,15 tỷ USD. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%. Xuất nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2021 tăng liên tục trong cả năm, xuất siêu gần 28,5 tỷ USD. Năm 2022, Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng về dòng vốn FDI khi Chính phủ đang thực hiện chính sách “bình thường mới” đưa các hoạt động xã hội và kinh tế quay trở lại quỹ đạo hoạt động “bình thường mới”. Trong 3 tháng đầu năm 2022, vốn FDI thực hiện vào Việt Nam tăng 7,8% so với cùng kỳ 2021. Số dự án đăng ký mới tăng 37,8% với 322 dự án trong ba tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, vốn điều chỉnh tăng cao tới 93,3% so với cùng kỳ năm 2021 với 228 lượt điều chỉnh vốn. Tổng giá trị góp vốn mua cổ phần là chỉ số có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 102,6% với tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần là 1,63 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số tăng trưởng trên, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 cũng đối mặt với sự sụt giảm của tổng vốn đầu tư và vốn đăng ký cấp mới.

Theo đó, tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam giảm 12,1% so với cùng kỳ, trong khi vốn đăng ký cấp mới giảm mạnh tới 55,5%. Sự sụt giảm của FDI vào Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay nguyên nhân lớn nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến cho cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành trong, hạn chế giao thương và đi lại với các quốc gia có dịch khiến việc tiếp cận thị trường Việt Nam trong giai đoạn qua của nhiều nhà đầu tư bị hạn chế, các nhà đầu tư đang có mặt tại Việt Nam cũng hạn chế mở rộng vốn. Cùng với đó là sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020 đã cộng hưởng khiến sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trên cả số lượng vốn đăng ký, vốn cấp mới.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn 2020 đến nay có sự sụt giảm so với giai đoạn trước khi dịch Covid-19 bùng phát nhưng vẫn ở ngưỡng thấp so với mức giảm trung bình trên thế giới. Điều này là do 4 nhóm nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Việt Nam có những chính sách ưu đãi hấp dẫn liên quan tới thuế, thuê mặt bằng; năng suất lao động không ngừng tăng cao với chi phí thuê rẻ,… đã thu hút nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam. Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Asean. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bình quân giai đoạn 2016 - 2018, năng suất lao động tại Việt Nam tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.

Thứ hai, Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Nhờ khả năng khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh tốt song song với phát triển kinh tế, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dương năm 2020. Cũng trong năm 2020, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia gồm Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực - đây là tín hiệu cho thấy sự ổn định và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ ba, việc Việt Nam đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU trong năm 2020 đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU, mở ra cánh cửa rộng hơn chào đón các quốc gia trong khối tới đầu tư tại Việt Nam.

Thứ tư, tình trạng “đứt gãy chuối cung ứng toàn cầu” và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo nên xu hướng đa dạng hóa địa điểm đầu tư, tránh sự tình trạng đầu tư tập trung vào Trung Quốc. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn ưu tiên hàng đầu khi chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp FDI do địa thế nằm cạnh Trung Quốc. Vị trí địa lý nằm giáp biển Đông với 3.000 km bờ biển của Việt Nam cũng là điều kiện thuận lợi trong các giao dịch kinh tế quốc tế, tạo cơ hội cho nước ta trở thành trung tâm kết nối của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kết nối khu vực này với các nền kinh tế ở khu vực phía Tây bán đảo Đông Dương.

Như vậy, nhờ 4 ưu điểm chính như đã phân tích ở trên, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 toàn cầu, Việt Nam vẫn tạo được tín nhiệm cao và sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài.

3. Kết luận và khuyến nghị nhằm tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu đã khiến nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng liên tiếp hơn 2 năm qua và dòng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh nhất kể từ những năm 1990. Dịch bệnh khiến nhiều quốc gia phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, nhiều biên giới phải đóng cửa gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu - đây được coi là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm mạnh. Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia và vùng lãnh thổ tận dụng được lợi thế của mình, duy trì được sự tăng trưởng của dòng vốn FDI. Thông qua những phân tích về dòng vốn FDI toàn cầu và Việt Nam trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhằm tăng cường thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong giai đoạn tới, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, duy trì và nâng cao các nhóm ưu thế đã giúp Việt Nam thu hút các dự án FDI có số lượng lớn các doanh nghiệp đầu tư và lượng vốn cao gồm: ưu đãi liên quan tới thuế, thuê mặt bằng đất; tận dụng lợi thế về nguồn lao động và nâng cao năng suất lao động; thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 song song với phát triển kinh tế; thực hiện tốt các cam kết trong EVFTA và EVIPA và mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại với các nước trong khối nhằm mở cửa thu hút đầu tư; xây dựng và cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm thu hút các nhà đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các thể chế, chính sách liên quan tới đầu tư nước ngoài. Cần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục, điều kiện đầu tư đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ phận, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép lao động, quản lý thị thực, thủ tục hải quan, thuế,…

Thứ ba, thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Chiến lược thu hút FDI cần phải được đặt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, phải quy định rõ những ngành, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc ưu tiên những ngành và lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước còn đang yếu kém. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước hoạt động ở các lĩnh vực còn yếu để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý và kinh doanh hiện đại. Đồng thời, Chính phủ cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. UNCTAD (2022), “Investment Trends Monitor”. ISSUE 40.
  2. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê (2022), truy cập tại địa chỉ: https://www.gso.gov.vn/

 The fluctuations in FDI flows under the COVID-19 pandemic’s impacts: An overview of the world and Vietnam

Master. Luong Nguyet Anh

Thuongmai University

Abstract:

Foreign direct investment (FDI) plays an important role for all countries in the world. This is an external force to supplement capital, technology, management capacity, business capacity to a country and it supports a country to take part in the global supply chain, promoting this country’s growth and international economic integration process. The COVID-19 pandemic had caused a global economic recession since 2020 and created fluctuations in global FDI flows. Although the COVID-19 pandemic caused the reduction in the global FDI, some countries and territories still record increases in FDI flows. Vietnam also experiences many positive signs about the FDI flow. It is necessary for Vietnam to assess the fluctuations in FDI flows in the world and in Vietnam under the COVID-19 pandemic’s impacts to draw lessons about attracting FDI into Vietnam in the coming time.

Keywords: the flow of foreign direct investment, the impact of the COVID-19 pandemic, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2022]