Đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản của Việt Nam giai đoạn 2013 - 2017

ThS. LÊ THỊ MAI ANH (Bộ môn Kinh tế quốc tế, Khoa Tài chính quốc tế, Học viện Tài chính)
TÓM TẮT:
Bài viết tập trung đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản trong giai đoạn 2013 - 2017. Từ những hạn chế tồn tại của ngành Thủy sản cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu về sản xuất sạch, truy nguồn gốc, đặc biệt là yêu cầu quản lý nghề cá của khu vực và quốc tế, tác giả đề xuất ngành Thủy sản cần phải tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển mới của ngành.
Từ khoá: Ngành Thủy sản, tái cơ cấu, Việt Nam.

1. Giới thiệu

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành Thủy sản đã có những bước tiến rõ rệt được cụ thể hóa qua kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành trong giai đoạn 2013 - 2017. Mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng sản xuất thủy sản vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao, năm GDP thủy sản theo giá thực tế năm 2017 đạt 163.433 tỷ đồng, tăng gấp 1,27 lần so với năm 2013. Theo giá so sánh đạt 98.874 tỷ đồng tăng gấp 1,19 lần so với năm 2013, bình quân tăng 4,99%/năm, đóng góp khoảng 0,15% vào tăng trưởng kinh tế chung toàn quốc và ngành Nông nghiệp năm 2017.
Trước những hạn chế, tồn tại của ngành Thủy sản cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu về sản xuất sạch, truy nguồn gốc trong bối cảnh Hiệp định CPTPP sắp có hiệu lực, ngành Thủy sản cần phải tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển mới của ngành. Vì vậy, bài viết tập trung đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành Thủy sản trong giai đoạn 2013 - 2017, nhằm chỉ rõ những tồn tại và hạn chế của ngành Thủy sản Việt Nam hiện nay. Từ đó, đưa ra một số giải pháp kiến nghị giúp ngành Thủy sản cải thiện những tồn tại, hạn chế đó.

2. Những kết quả đạt được

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay 36/63 tỉnh, thành phố đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản. Đặc biệt, nhiều địa phương có những hoạt động cụ thể hóa mục tiêu đề án như duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành Thủy sản, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Sau 4 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành Thủy sản đã đạt được những thành tựu sau:
Năm 2017, GPD thủy sản đóng góp khoảng 21,24% vào GDP chung ngành Nông nghiệp, đạt 60,6 - 70,8% so với chỉ tiêu Quy hoạch tổng thể ngành Thủy sản đề ra đến năm 2020, được dự báo khó đạt chỉ tiêu đã đề ra là đóng góp khoảng 30 - 35% GDP ngành Nông nghiệp vào năm 2020. Để đạt được chỉ tiêu này chủ yếu do có sự tăng mạnh sản lượng và giá trị nuôi, khai thác các đối tượng thủy sản chủ lực có giá trị kinh tế cao như tôm nước lợ, cá tra, cá ngừ...
Về giá trị sản xuất thủy sản, theo giá so sánh đạt 212.985 tỷ đồng, tăng gấp 1,21 lần so với năm 2013, bình quân tăng trưởng 4,8%/năm.
Về tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản, giai đoạn 2013 - 2017 chỉ đạt 80% so với chỉ tiêu TCC thủy sản đề ra đến năm 2020; Đạt 48 - 60% so với chỉ tiêu Chiến lược thủy sản đề ra đến năm 2020. Chất lượng tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản chưa đạt yêu cầu đề ra, cụ thể tốc độ tăng trưởng GTSX thủy sản tăng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản (tăng trưởng GTSX chỉ đạt 4,8%/năm; trong khi đó sản lượng tăng trưởng 4,86%/năm). Riêng giá trị kinh tế thủy sản (KTTS) đã đạt vượt 66,33% so với chỉ tiêu TCC ngành Thủy sản đề ra đến năm 2020, để đạt được thành tựu này chính là nhờ các chính sách của Nhà nước cho phát triển nghề cá, chuyển đổi từ ven bờ ra xa bờ, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao như nhóm cá nổi lớn, đặc biệt là cá ngừ đại dương...
Về tổng sản lượng thủy sản, năm 2017 đạt 7,28 triệu tấn, bình quân tăng trưởng 4,86%/năm, đạt vượt 2,52% so với chỉ tiêu TCC thủy sản đề ra đến năm 2020; đạt vượt 3,99% so với chỉ tiêu Chiến lược thủy sản và Quy hoạch tổng thể ngành Thủy sản đề ra đến năm 2020. Về cơ cấu tỷ trọng sản lượng thủy sản không đạt theo yêu cầu TCC, Chiến lược và Quy hoạch thủy sản đề ra đến năm 2020, sản lượng NTTS đạt 65% nhưng thực tế chỉ đạt 53%.
Về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, năm 2017 đạt 8.399 triệu USD, bình quân tăng trưởng 5,71%/năm, đạt 93,32% so với chỉ tiêu Chiến lược phát triển thủy sản đề ra đến năm 2020; và đạt 76,35% so với chỉ tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đề ra đến năm 2020.

Ngoài các chỉ tiêu trên, trong TCC, Chiến lược và Quy hoạch ngành Thủy sản còn đề ra một số chỉ tiêu khác như: Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,5 - 3,0 lần so với hiện nay; Giải quyết việc làm cho khoảng 5 triệu lao động; Số lao động nghề cá được đào tạo 40 - 50%; Giảm tổn thất sau thu hoạch từ 20% hiện nay xuống còn 10%; 70% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xây mới đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các chỉ tiêu này chưa có số liệu thống kê chính xác, vì vậy không có cơ sở khoa học để so sánh, việc đưa ra các chỉ tiêu này chỉ mang tính hình thức và định hướng, đây là một hạn chế rất lớn tới việc đánh giá tổng kết TCC ngành Thủy sản.

3. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu các lĩnh vực thủy sản và một số giải pháp kiến nghị

3.1. Những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản

Thứ nhất, trong giai đoạn 2013 – 2017, chất lượng tăng trưởng kinh tế ngành Thủy sản vẫn mức trung bình thấp, chủ yếu phụ thuộc vào tăng vốn đầu tư chiếm 64,37%; lao động chiếm 4,06%; đóng góp của yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp TFP còn ở mức trung bình 31,58%.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế lĩnh vực KTTS còn thấp, thể hiện trong 100% phần tăng thêm giá trị sản xuất KTTS bình quân giai đoạn 2013 - 2017 có đến 88,5% là do tăng sản lượng tạo ra, yếu tố tăng giá chỉ chiếm 11,5%. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế ngành KTTS vẫn theo chiều rộng, ra tăng sản lượng để tăng giá trị.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế lĩnh vực NTTS còn ở mức trung bình, thể hiện trong 100% phần tăng thêm giá trị sản xuất NTTS bình quân giai đoạn 2013 - 2017 có đến 60,3% là do tăng sản lượng tạo ra, yếu tố tăng giá chỉ chiếm 39,7%. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế ngành NTTS vẫn theo chiều rộng, ra tăng sản lượng để tăng giá trị.

Thứ hai, tư duy sản xuất các lĩnh vực sản xuất thủy sản còn lạc hậu, đa số hoạt động theo phong cách truyền thống, tự phát nhỏ lẻ, chưa hình thành được chuỗi sản xuất thủy sản bền vững, nên chưa đủ điều kiện áp dụng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất.
Thứ ba, các lĩnh vực thủy sản chưa tạo được liên kết trong chuỗi sản xuất bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm quốc gia và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm thủy sản chủ lực.
Thứ tư, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất thủy sản đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Nhất là đối với hạ tầng phục vụ khai thác như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; hạ tầng vùng sản xuất giống và nuôi tập trung…
Thứ năm, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa cao, thu nhập của lao động nghèo trong ngành Thủy sản chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, cho đến nay ngành Thủy sản vẫn chưa có được hệ thống đầy đủ các số liệu thống kê chi tiết đến từng lĩnh vực và từng đối tượng thủy sản cụ thể được cập nhật thường xuyên hàng tháng, quí, năm… Đặc biệt là các chỉ tiêu của Đề án tái cơ cấu đề ra đến năm 2020 liên quan đến chỉ tiêu về tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản xây mới đáp ứng các quy chuẩn về bảo vệ môi trường; Thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2,5 lần so với hiện nay, vì vậy không có cơ sở khoa học cho việc đánh giá, tổng kết và so sánh kết của đạt được của Đề án.
Thứ bảy, mặc dù đề án đề ra giải pháp cơ cấu lại vốn đầu tư cho thủy sản cho giai đoạn 2016 - 2020 phải chiếm 10% toàn ngành Nông nghiệp, nhưng thực tế tổng vốn đầu tư cho thủy sản hiện nay từ ngân sách nhà nước do Bộ NN&PTNT quản lý chỉ chiếm 1,65%, bởi thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, các nội dung của Kế hoạch hành động thực hiện chỉ đạt 58%, còn lại 42% các nội dung liên quan đến đầu tư vẫn chưa thực hiện được. Đây cũng là một yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế thủy sản trong giai đoạn 2013 - 2017.
Thứ tám, thực tế hiện nay có rất ít địa phương triển khai xây dựng đề án tái cơ cấu riêng lĩnh vực thủy sản mà hầu hết thường lồng ghép lĩnh vực thủy sản vào tái cơ cấu chung ngành Nông nghiệp ở địa phương. Chính vì vậy rất khó để tổng kết tình hình thực hiện đề án trên toàn quốc.
Thứ chín, mặc dù đề án yêu cầu các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các địa phương gửi kế hoạch hành động thực hiện đề án ngay sau khi được phê duyệt. Định kỳ hàng năm, đánh giá giai đoạn 5 năm/lần, các đơn vị tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện báo cáo Ban chỉ đạo trước ngày 01/12 hàng năm, nhưng thực tế rất ít địa phương gửi báo cáo. Vì vậy, không có cơ sở để tổng kết đánh giá cụ thể, nguyên nhân chính chủ yếu là do các địa phương không có đề án riêng cho thủy sản mà được lồng ghép vào Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương.

3.2. Một số giải pháp kiến nghị

Các biện pháp cần thiết để khắc phục những khó khăn của ngành Thủy sản trong thời gian tới đó là:
Một là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào nuôi trồng để nâng sản lượng, giảm chi phí, giảm giá thành thủy sản;
Hai là, ứng dụng hiệu quả công nghệ vào tái cơ cấu ngành Thủy sản ở tất cả các mặt như cơ cấu giống, nuôi trồng, khai thác, hậu cần nghề cá và chế biến thủy sản để nâng cao giá trị thủy sản Việt Nam;
Ba là, kiểm soát tốt giá vật tư chuyên ngành Thủy sản không để tăng chi phí đầu vào, kéo giá thành thủy sản Việt Nam lên cao trong điều kiện giá cả thủy sản một số nước trên thế giới đang cạnh tranh gay gắt với thủy sản Việt Nam. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các chính sách theo Nghị định 67;
Bốn là, quản lý khai thác thủy sản phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm đảm bảo được sự bền vững của nguồn lợi thủy sản…

4. Kết luận

Nhìn chung, để đạt được những mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản, các cấp, ngành phải thống nhất nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, phải xây dựng chương trình, đề án ở cấp mình một cách cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị để tái cơ cấu phải thực sự là giải pháp căn cơ, toàn diện, lâu dài cho sự phát triển của ngành Thủy sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới nhiều thách thức và cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía, trên nhiều mặt như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2010). Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013). Quy hoạch Tổng thể ngành Thủy sản Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013). Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2013). Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
5. FAO (2016). Số liệu thống kê ngành Thủy sản toàn cầu và Việt Nam các năm giai đoạn 2005-2016.
6. VASEP (2017). Số liệu thống kê xuất khẩu thủy sản của Việt Nam các năm giai đoạn 2005 - 2017.
7. ICAFIS (2017). Tài liệu Hội nghị Ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.

ASSESSING THE RESTRUCTURING OF VIETNAM’S FISHING INDUSTRY FROM 2013 TO 2017

Master. Le Thi Mai Anh

Department of International Economics, Faculty of International Economics, Academy of Finance

ABSTRACT:

This paper focues on assessing the restructuring of Vietnam’s fishing industry from 2013 to 2017. From existing constraints of the industry as well as requirements of the import markets including clean production, traceability and especially requirements about for regional and international fisheries management, the author suggests that the fishing industry of Vietnam restructures itself toward enhancing the added value and promoting the sustainable development in order to adapt to the actual situations and the new development orientation of the global fishing industry.

Keywords: Fishing industry, restructuring, Vietnam.