Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; sản xuất và phân phối điện tăng 21,6%, đóng góp 1,9 điểm phần trăm; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 7,3%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP tháng 01/2024 so với tháng trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 3,3%; Thái Nguyên tăng 3,2%; Đồng Nai tăng 2,4%; Quảng Ninh tăng 2,1%; Bắc Ninh giảm 14,7%; Hải Phòng giảm 13,8%; Long An giảm 8,3%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 4,5%; Hà Nội giảm 3,7%; Bình Dương giảm 0,7%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do thời gian nghỉ Tết Giáp Thìn năm nay tập trung vào tháng 2, trong khi năm trước nghỉ Tết vào tháng 1 nên thời gian sản xuất tháng 1 năm nay đủ tháng, còn cùng kỳ năm trước thời gian sản xuất ít hơn. Mặt khác, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 năm 2024, có 1.758 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quay trở lại hoạt động, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng/giảm chỉ số sản xuất tháng 01/2024 của một số ngành trọng điểm cấp II so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 66,7%; dệt tăng 46,2%; sản xuất thiết bị điện tăng 43,3%; sản xuất kim loại tăng 39,4%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất cùng tăng 38,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 34,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác và sản xuất trang phục cùng tăng 20,9%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 17,2%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 13,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,6%; sản xuất đồ uống tăng 3,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,1%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Quảng Ninh tăng 157,9%; Bắc Giang tăng 57,7%; Nam Định tăng 56,9%; Vĩnh Long tăng 51,2%; Kiên Giang tăng 47,7%; Phú Thọ tăng 39,4%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Trà Vinh tăng 151,4%; Hải Phòng tăng 105,7%; Thanh Hóa tăng 68,3%; Thái Bình tăng 66,0%; Phú Thọ tăng 37,5%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm. Trong đó, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Quảng Trị tăng 8,5%; Thừa Thiên - Huế tăng 7,9%; Tuyên Quang tăng 6,2%; Thái Nguyên tăng 4,7%; Bắc Ninh giảm 12,6%; Cà Mau giảm 9,2%; Lào Cai giảm 2,3%.
Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm: Thái Nguyên tăng 3,9%; Thừa Thiên - Huế tăng 2,1%; Sơn La giảm 31,5%; Lào Cai giảm 8,4%. Địa phương có ngành khai khoáng tháng 01/2024 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm: Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 0,3%; Thái Nguyên giảm 15,4%; Cà Mau giảm 9,3%.