Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 tăng 5,61%
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2023 tăng 0,1% so với tháng 8/2023 và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Nhờ những nỗ lực thường xuyên, kịp thời của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế nên tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%).
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III/2023 tăng 4,57% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% (quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%).
Tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.
Mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,51 điểm phần trăm.
Dự báo sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng cao nhất
Theo kết quả kỳ khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2023 do Tổng cục Thống kê thực hiện, 67,6% doanh nghiệp nhóm ngành này đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tích cực hơn so với quý II/2023 với 30,1% đánh giá tốt hơn và 37,5% cho rằng giữ ổn định), còn lại 32,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.
Đối với quý IV/2023, dự báo tình hình tiếp tục khả quan hơn với 76,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 so với quý III/2023 giữ ổn định và tốt hơn (trong đó 39,1% dự báo tốt hơn, 37,2% dự báo giữ ổn định), tuy nhiên vẫn có 23,7% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý cuối năm sẽ khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát đối với hơn 5.600 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 66,6% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới trong quý III/2023 tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (27,6% tăng, 39% giữ nguyên); 33,4% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng mới quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 47,8%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 46,7%.
Dự báo về số lượng đơn đặt hàng mới quý IV/2023 so với quý III/2023 tăng với 76,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (37,3% tăng, 39,4% giữ nguyên), 23,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 65,7% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2023 tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (23% nhận định tăng, 42,7% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 34,3%.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 44,9%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định về đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhiều nhất với 51,9%.
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý IV/2023 khả quan hơn với 75,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2023 (30,9% tăng, 44,7% giữ nguyên); 24,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
Đối với chi phí sản xuất, kết quả khảo sát cho thấy, quý III/2023 có 90,9% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (30,1% tăng, 60,8% giữ nguyên); 9,1% doanh nghiệp nhận định giảm so với quý II/2023.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất đồ uống có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 41,6%. Ngược lại, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 giảm nhiều nhất với 16,3%.
Dự báo quý IV/2023 so với quý III/2023, có 90,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (24,8% tăng, 65,4% giữ nguyên); 9,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Về công suất sử dụng máy móc, thiết bị, trong quý III/2023, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 72,5%. Có 43,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong khoảng từ 70% đến dưới 90%; 26,4% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 19,2% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 10,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%.
Theo ngành kinh tế, ngành dệt là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị cao nhất với 80%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị thấp nhất với 64,6%.
Nhận định về khối lượng sản xuất, 67,4% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (31% tăng, 36,4% giữ nguyên); 32,6% doanh nghiệp đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 50%. Ngược lại, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 45,9%.
Khối lượng sản xuất quý IV/2023 so với quý III/2023 khả quan hơn với 77,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (38,7% tăng, 38,4% giữ nguyên); 22,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Về giá bán sản phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 tăng và giữ nguyên là 86% (15,6% tăng, 70,4% giữ nguyên), 14,0% doanh nghiệp nhận định giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 20,7%. Ngược lại, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm nhiều nhất với 32,6%.
Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý IV/2023 so với quý III/2023, có 89,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (17,6% dự báo tăng, 72% giữ nguyên), 10,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về tồn kho thành phẩm, theo kết quả khảo sát, có 20,2% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý III/2023 tăng so với quý II/2023; 49,2% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 30,6% đánh giá giảm.
Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 tăng cao nhất với 30,8%. Ngược lại, ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý III/2023 so với quý II/2023 giảm nhiều nhất với 39,8%.
Dự báo quý IV/2023 so với quý III/2023, có 16,5% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 52,8% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 30,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.
Để tiếp tục hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp mong muốn bình ổn giá điện, nước, nhiên liệu để hạn chế gia tăng chi phí sản xuất sản phẩm. Đồng thời đề nghị đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thị trường trong nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, mong muốn được giảm lãi suất vay vốn và được hỗ trợ quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn nhanh hơn để doanh nghiệp có nguồn vốn sản xuất kinh doanh kịp thời và hiệu quả hơn.