Trước đó, tháng 6/2020, Hoa Kỳ chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu.
Tháng 7/2021, Hoa Kỳ công bố sẽ áp thuế đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam ở mức thuế chống bán phá giá là 0% - 22,27% và thuế chống trợ cấp là 6,23% - 7,89%. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp (chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe ô tô của Việt Nam sang Hoa Kỳ) vẫn được xác định không bán phá giá, đồng nghĩa với việc sản phẩm của các doanh nghiệp này không bị áp thuế chống bán phá giá.
Do đó, tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung thấp nhất trong số các nước, vùng lãnh thổ bị điều tra trong vụ việc này, như Hàn Quốc (14,72% - 27,05%), Đài Loan - Trung Quốc (20,04% - 101,84%), Thái Lan (từ 14,62% - 21,09%).
Ngày 6/9/2022, DOC khởi xướng điều tra rà soát hành chính thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô trong giai đoạn 10/11/2020-31/12/2021 theo đề nghị của 1 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Ngày 29/9/2023, DOC đã ban hành Kết luận cuối cùng trong vụ việc.
Trên cơ sở xem xét thông tin từ các bên liên quan bao gồm Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nguyên đơn (ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC xác định doanh nghiệp này không nhận được trợ cấp/lợi ích riêng biệt nào từ Chính phủ Việt Nam đối với 26/27 chương trình bị cáo buộc.
Đối với 01 chương trình bị cáo buộc còn lại (định giá thấp tiền tệ), căn cứ thông tin của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, DOC tính toán mức thuế trợ cấp cuối cùng đối với doanh nghiệp là 1,34% trong giai đoạn 10/11-31/12/2020 (tăng 0,08% so với mức sơ bộ trước đó là 1,26% do sai số tính toán của DOC) và 0% trong giai đoạn 01/01-31/12/2021 (giữ nguyên so với sơ bộ).
Như vậy, mức thuế chống trợ cấp cuối cùng là 1,34%, giảm đáng kể so với mức thuế hiện hành áp dụng cho doanh nghiệp này là 6,46%.
Ngoài ra, ngày 11/9/2023, DOC cũng đã đăng thông báo khởi xướng rà soát hành chính lần thứ hai thuế chống trợ cấp lốp xe ô tô nhập khẩu từ Việt Nam đối với thời kỳ rà soát từ 01/01/2022 - 31/12/2022.
Theo quy định, trong vòng 35 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng rà soát (dự kiến ngày 16/10/2023), DOC sẽ tiến hành lựa chọn các doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc trong các vụ việc dựa trên lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp từ cao tới thấp theo số liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP).
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng, các bên có thể rút đơn yêu cầu rà soát của mình (dự kiến ngày 10/12/2023). DOC dự kiến ban hành kết luận rà soát muộn nhất vào ngày 31/7/2024.
Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại, tính đến hết tháng 8/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 234 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (129 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (34 vụ việc) và chống trợ cấp (24 vụ việc).
Trong đó, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, với 56 vụ việc, chiếm khoảng 24% tổng số vụ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị nước ngoài điều tra.
Trong năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục điều tra đối với các vụ việc đã khởi xướng từ những năm trước như điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng, thép không gỉ dạng tấm và dải, chống bán phá giá với mật ong. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó chủ yếu là điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (11 vụ), đối với các mặt hàng như các sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ, ghim dập, bìa kẹp hồ sơ…
8 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã chiếm tới 4 trong 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm 3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy và 1 vụ việc xem xét phạm vi sản phẩm đối với bánh xe kéo bằng thép.
Tại Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện ngày 10-11/9/2023, Hoa Kỳ đã “hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ”.
Đặc biệt, Hoa Kỳ đề cập “ngày 8/9/2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định”.
Theo quy định của Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ quyết định có khởi xướng xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường đối với Việt Nam hay không trong vòng 45 ngày và ban hành kết luận trong vòng 270 ngày kể từ ngày Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, việc được công nhận vấn đề kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của ta.