Ngày 8/6, Quốc hội bắt đầu phiên làm việc toàn thể đầu tiên tại đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIV, theo hình thức tập trung. Theo đúng chương trình dự kiến, ngay trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA)
Tại phiên họp thông qua Nghị quyết EVFTA và Nghị quyết EVIPA cũng có sự tham dự của đại diện Đại sứ quán các nước Liên minh châu Âu tại Hà Nội.
Đối với EVFTA, có 457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tương đương 94,62%. Trong đó, 457/457 đại biểu bấm nút tán thành Nghị quyết phê chuẩn EVFTA, tương đương 94,62%. Điều này có nghĩa, tỷ lệ bấm nút thông qua EVFTA đạt 100%.
Đối với EVIPA, có 461 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, tương đương 95,45%. Trong đó, 460/461 đại biểu bấm nút tán thành Nghị quyết phê chuẩn EVIPA, tương đương 95,24%; 1 đại biểu không biểu quyết, tương đương 0,21%.
Với kết quả này, Hiệp định EVFTA và EVIPA đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn. Ngay khi Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết, EVFTA sẽ quay trở lại con đường ngoại giao và được xúc tiến thống nhất với EU về ngày có hiệu lực chính thức, dự kiến vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau đó, tức đầu tháng 8/2020.
Nhằm triển khai thực thi Hiệp định có hiệu quả, Bộ Công Thương cho biết đã hoàn tất dự thảo các nội dung chính của Kế hoạch hành động của Chính phủ để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, trong đó xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các đơn vị phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA sáng nay, dự thảo Kế hoạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ chính thức ban hành, nhanh chóng đưa Hiệp định vào đời sống.
Về phía mình, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi Hiệp định sau này, không đợi đến khi Hiệp định có hiệu lực, ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định triển khai một số hoạt động chuẩn bị cho việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định EVFTA giai đoạn từ tháng 3/2020 đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ.
Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) thì Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.