Ở các địa phương Gia Lai, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Phước, và tại các hội nghị phổ biến EVFTA cho doanh nghiệp, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương không chỉ làm rõ những cam kết, cơ hội, mà còn hỗ trợ tổ chức lại sản xuất đáp ứng các điều kiện để được hưởng các ưu đãi.
Bắt đầu từ hỗ trợ địa phương thu hút nhà đầu tư cho chế biến nông sản; đưa các nhà đầu tư có tiềm năng làm việc với địa phương về xây dựng hạ tầng thương mại, xây dựng chợ đầu mối nông sản; quy hoạch vùng nguyên liệu; giúp địa phương tiếp cận với đối tác có nghệ lớn trong tạo giống, canh tác, bảo quản, đóng gói; cung cấp thông tin và giải pháp về hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là những quy định về truy xuất nguồn gốc của các FTA thế hệ mới.
Các thành viên trong đoàn công tác cũng dành nhiều thời gian khuyến khích các địa phương quan tâm đến những hình thức thương mại mới gắn với xuất khẩu nông sản như Sàn giao dịch hàng hóa hay Kênh thương mại điện tử. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ đề nghị Sở giao dịch hàng hóa nước ta về các địa phương bồi dưỡng kỹ năng cho các doanh nghiệp.
Tại Lâm Đồng, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ làm việc với Hiệp hội chợ đầu mối quốc tế để hỗ trợ Đà Lạt xây dựng chợ đầu mối đạt chuẩn.
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các sàn giao dịch nông sản lớn trên thế giới để hỗ trợ Lâm Đồng. Sau khi có sàn giao dịch rồi, nông sản Lâm Đồng dễ dàng kết nối được với các sàn giao dịch khác trên thế giới.
Tại Bình Phước, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Công nghiệp làm việc với Sở Công Thương rà soát phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, khai thác được thế mạnh địa phương; gắn với các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA để đón các dòng đầu tư vào công nghiệp chế biến gỗ, điện tử, dệt may, da giày… và cả những ngành công nghiệp mới như chế tạo thiết bị cho năng lượng tái tạo.
Tại Hải Phòng, Bộ trưởng đề nghị thành phố thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp, thương mại, nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, các cấp, đội ngũ CBCC, viên chức và doanh nghiệp để tận dụng những lợi thế mà hội nhập mang lại.
Ở Gia Lai và Quảng Trị, Đăk Nông Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh, với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, khi chúng ta đã có nhiều FTA rồi, để khai thác được cơ hội, yếu tố số 1 bây giờ là tổ chức sản xuất chứ không phải thị trường.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh chú trong đến khâu tổ chức sản xuất với hàng nông sản, theo tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật được nhiều nước công nghiệp phát triển công nhận.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả khả quan ban đầu. Về nhận thức, theo khảo sát trong PCI 2018 của VCCI, có 88% doanh nghiệp trong nước đã biết về EVFTA, tăng lên đáng kể so với 83% của năm 2016. Năm 2020, chưa có báo cáo nào định lượng cụ thể nhưng có thể thấy con số này có lẽ đã tiệm cận đến tuyệt đối.
Khi nguồn cung nguyên liệu ách tắc vì Covid-19, Hóa Dệt Hà Tây, cùng nhiều doanh nghiệp khác cũng chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu để đáp ứng đơn hàng FOB.