Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 4/2021 đạt 32,2 nghìn tấn, trị giá 105,22 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 3/2021, so với tháng 4/2020 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 45,5% về trị giá.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 93,6 nghìn tấn, trị giá 284,3 triệu USD, giảm 19,6% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 4/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.265 USD/tấn – ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, tăng 10,6% so với tháng 3/2021 và tăng 62,2% so với tháng 4/2020.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.039 USD/tấn, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu sang một số thị trường đạt mức cao, như: Thái Lan đạt 3.930 USD/tấn; Đức đạt 3.796 USD/tấn; Hà Lan đạt 3.786 USD/tấn.
Diễn biến giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hạt tiêu năm 2020 – 2021
(ĐVT: USD/tấn)
Tháng 4/2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường giảm so với tháng 4/2020, như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Hà Lan, Ai Cập, nhưng xuất khẩu sang các thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Pa-ki-xtan, Đức, Anh, Hàn Quốc, Phi-líp-pin tăng.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính giảm, nhưng xuất khẩu sang thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh tăng so với cùng kỳ năm 2020.
10 thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021
Vụ thu hoạch hạt tiêu ở Việt Nam về cơ bản đã kết thúc. Người dân gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho vụ mùa mới khi tại nhiều địa phương tại Tây Nguyên có mưa to.
Trong 18 ngày đầu tháng 5/2021, thị trường hạt tiêu trong nước diễn ra khá ảm đạm. Các doanh nghiệp trong nước đã mua đủ lượng hàng nên cũng không đẩy mạnh việc thu mua, trong khi người dân cũng hạn chế bán ra nhằm tránh giá tiếp tục giảm mạnh. Trong bối cảnh giá hạt tiêu biến động, ngành hạt tiêu Việt Nam cần chuyển dịch cơ cấu nguồn cung.
Hạt tiêu hữu cơ là một trong những hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị sản phẩm so với các loại hạt tiêu trồng truyền thống. Các doanh nghiệp ký hợp đồng mua hạt tiêu trồng hữu cơ, bảo đảm chất lượng có giá bán cao hơn thị trường 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Ngày 18/5/2021, giá hạt tiêu đen trong nước giảm ở hầu hết các khu vực sản xuất, nhưng ổn định ở huyện Chư Sê tỉnh Gia Lai. So với ngày 29/4/2021, giá hạt tiêu đen giảm từ 1,4 – 3,1%, xuống mức 63.500 – 68.000 đồng/ kg. Giá hạt tiêu trắng ở mức 100.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 4/2021, nhưng tăng mạnh so với 61.500 đồng/kg cùng kỳ năm 2020.
Tháng 5/2021, giá hạt tiêu toàn cầu tăng ở hầu hết các nước sản xuất, nhưng mức tăng đã chậm lại. Dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ tăng trong thời gian tới, song mức tăng không lớn. Theo báo cáo của Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), nguồn cung hạt tiêu toàn cầu hạn chế do diện tích giảm, năng suất thấp do yếu tố thời tiết không thuận lợi và kỹ năng bảo quản chưa tốt.
IPC nhận định sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2021 dự kiến đạt 555 nghìn tấn, giảm 21 nghìn tấn so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam dự kiến đạt 220 nghìn tấn, giảm 20 nghìn tấn so với năm 2020.