TÓM TẮT:
Sử dụng các công cụ học tập trực tuyến đã trở thành phương pháp giảng dạy hiện nay tại các trường đại học. Nghiên cứu chỉ ra thực trạng sử dụng các công cụ học tập trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ này trong hoạt động dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
Từ khóa: học tập, trực tuyến, trường đại học, sinh viên, Trường Đại học Lạc Hồng.
1. Đặt vấn đề
Học tập trực tuyến đã trở thành một mô hình học tập không chỉ phổ biến trên thế giới mà còn khá thịnh hành tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo bằng cách đổi mới phương pháp giảng dạy, trong đó có việc sử dụng các công cụ học tập trực tuyến. Đã có nhiều công trình nghiên cứu đưa ra định nghĩa về học tập trực tuyến. Theo Curtain (2002) được trích dẫn tại Sinngh & Thurman, Nguyễn Hữu Cương tạm dịch: “Học trực tuyến có thể được định nghĩa là việc sử dụng internet để nâng cao sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Giảng dạy trực tuyến bao gồm cả các hình thức tương tác không đồng bộ như công cụ đánh giá và cung cấp tài liệu khóa học dựa trên web và tương tác đồng bộ thông qua email, nhóm tin tức và các công cụ hội thảo, chẳng hạn như nhóm trò chuyện. Nó bao gồm cả dạy học dựa trên lớp học cũng như các phương thức giáo dục từ xa. Trong đó, các thuật ngữ khác đồng nghĩa với học trực tuyến là "giáo dục dựa trên website" và "học trực tuyến". Theo Welsh và cộng sự (2003), học tập trực tuyến sử dụng công nghệ kết nối mạng máy tính trên môi trường internet để cung cấp thông tin cũng như hướng dẫn cho cá nhân có nhu cầu. Nhà nghiên cứu Rosenberg (2000) chia sẻ một định nghĩa tương tự, trong đó đề cập đến học tập điện tử là sử dụng các công nghệ internet để cung cấp các giải pháp khác nhau cho người học. Bên cạnh đó, Holmes và Gardner (2006) cho rằng, học trực tuyến cung cấp cho chúng ta quyền truy cập vào các tài nguyên thúc đẩy việc học ở mọi nơi và mọi lúc. Theo Vũ Thị Thanh Nga (2022), mặc dù các định nghĩa về học tập trực tuyến có thể khác nhau nhưng đều xoay quanh các vấn đề cơ bản là học tập có ứng dụng công nghệ và sự kết nối. Nghiên cứu của Oliver và Towers (2000) đã chỉ ra rằng nếu không có môi trường kết nối, thiết bị phù hợp và sự dễ dàng truy cập, sẽ rất khó hoặc không thể thực hiện được các hoạt động học tập trực tuyến. Như vậy, công nghệ là một điều kiện không thể tách rời khi đánh giá học tập trực tuyến.
Tại Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động học trực tuyến của sinh viên. Nghiên cứu của Nguyễn Văn Thấu (2021) đã chỉ ra nguyên nhân gây mất hứng thú của sinh viên khi học trực tuyến bao gồm nội dung khó hiểu, phương pháp giảng dạy nhàm chán, vai trò giảng viên, thiết bị đường truyền và một số yếu tố khác. Nghiên cứu của Đỗ Anh Đức (2021) cũng đã chỉ ra một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến tại các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Nghiên cứu của tác giả Vũ Thị Thanh Nga (2022) cũng chỉ ra các nguyên nhân gây ra việc giảm hiệu quả học tập trực tuyến gồm nguyên nhân trực tiếp (Kỹ năng sử dụng công nghệ; tâm lý chán nản…) và nguyên nhân gián tiếp (Thiết bị; không gian học tập; chất lượng đường truyền…). Từ đó cho thấy, vấn đề nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến là vấn đề cần được quan tâm và nghiên cứu.
2. Thực trạng hiệu quả sử dụng các công cụ học tập trực tuyến tại Trường Đại học Lạc Hồng
Trong những năm gần đây, để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ số hóa, Đại học Lạc Hồng đã triển khai nhiều công cụ trực tuyến vào hoạt động dạy và học. Hệ thống học tập trực tuyến tại trường được xây dựng dựa trên nền tảng nhu cầu của giảng viên và sinh viên. Điều này đã tạo ra nhiều bước phát triển mới trong hoạt động đào tạo của Trường. Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 200 sinh viên đang theo học tại Trường. Trong đó, tỷ lệ sinh viên theo học khối kỹ thuật là 43.4 % và khối ngành kinh tế, ngôn ngữ học là 56.6%, trong đó 100% sinh viên được khảo sát đều sử dụng internet để ứng dụng vào học tập. Điều này cho thấy việc sử dụng internet vào học tập ngày càng được phổ biến mạnh mẽ, đặc biệt đối với sinh viên của Trường.
Biểu đồ 1: Mục đích sử dụng internet của sinh viên trong học tập
Về mục đích sử dụng internet của sinh viên trong học tập, kết quả nghiên cứu chỉ ra có 36.7% sinh viên dùng internet để học trực tuyến, như: học trên Zoom, Google Meet, Quizzi, Padlet, Canva và hệ thống E - learning của Nhà trường. Đây là mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất đối với việc sử dụng internet phục vụ cho học tập. Bên cạnh đó, đứng vị trí thứ hai là mục đích tìm kiếm tài liệu với 32.7%. Các bạn sinh viên được khảo sát cho rằng hoạt động tìm kiếm tài liệu phục vụ học tập rất quan trọng. Để đạt được kết quả học tập cao, sinh viên cần phải có thêm nhiều thông tin ngoài bài giảng và giáo trình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra có 21.3% sinh viên dùng internet để làm bài trực tuyến và 9.3% sinh viên phục vụ cho các mục đích khác như tra cứu thông tin, tương tác phục vụ học tập, thiết kế báo cáo…
Biểu đồ 2: Tỷ lệ sinh viên hài lòng với việc sử dụng các công cụ học tập trực tuyến
Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra tỷ lệ sinh viên hài lòng đối với việc sử dụng các công cụ học tập trực tuyến. Đối với hệ thống học tập trực tuyến E-Learning, có 75.5% sinh viên được khảo sát hài lòng với việc sử dụng hệ thống. Hệ thống học trực tuyến của trường (E-Learning) là hệ thống do Nhà trường tự thiết kế và xây dựng nhằm phục vụ cho sinh viên học trực tuyến, kết hợp song song với học trực tiếp. Theo khảo sát, sinh viên đánh giá cao hệ thống này do giao diện dễ sử dụng, có hỗ trợ về song ngữ, bài học đa dạng. Sinh viên có thể tham gia khóa học, làm bài kiểm tra, thảo luận nhóm, theo dõi quá trình đánh giá của giảng viên… Tồn tại của hệ thống này là thiếu sự giao tiếp hai chiều trực tiếp giữa giảng viên, sinh viên và thỉnh thoảng bị lỗi gián đoạn hoặc mất kết nối. Tiếp theo đó là Canva với tỷ lệ sinh viên hài lòng chiếm 71.1% nhờ sự hỗ trợ tốt về mặt học tập như thiết kế bài báo cáo, trình chiếu video, học từ xa thông qua bài giảng từ Canva… Google Meet là công cụ có tỷ lệ sinh viên hài lòng là 67.3%. Đây là công cụ học trực tuyến được sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng sử dụng phổ biến để học trực tuyến cùng giảng viên, thảo luận nhóm… Công cụ này miễn phí, dễ sử dụng nên rất phù hợp với sinh viên. Zoom là công cụ học tập có tỷ lệ sinh viên hài lòng 65.7%. Công cụ này có giao diện và các chức năng dễ cho sinh viên thích nghi. Tuy nhiên, Zoom có sự giới hạn về số lượng sinh viên tham gia lớp học và muốn nâng số lượng tham gia phòng học thì phải trả phí. Hiện tại, Nhà trường đã mua các tài khoản Zoom có bản quyền để phục vụ tốt cho việc học của sinh viên, nhưng số lượng còn hạn chế. Quizzi (62.6%) và Padlet (57.8%) là các công cụ hỗ trợ rất tốt trong việc giúp sinh viên của Trường nắm bắt bài học tốt, cũng như làm tăng hứng thú cho sinh viên viên khi tham gia các lớp học, đặc biệt là học trực tuyến. Hạn chế của các công cụ này là mức độ giao tiếp giữa giảng viên và sinh viên chưa cao. Một số các công cụ khác như Kahoot, Google Class cũng có tỷ lệ hài lòng ở mức 52.2% do mức độ ít phổ biến của nó.
Biểu đồ 3: Khó khăn khi sử dụng công cụ học trực tuyến
Về khó khăn khi sử dụng các công cụ học tập trực tuyến, kết quả nghiên cứu cho thấy có 4 khó khăn chủ yếu bao gồm: Kết nối internet không ổn định (26.4%), Thiếu sự tương tác (22.5%), Thiết kế bài học nhàm chán (18.5%), Giao diện khó sử dụng (17.3%) và Khó khăn khác như căng thẳng, bị bắt buộc, áp lực bài tập, hứng thú học tập, không gian học (15.3%). Kết nối internet thiếu ổn định làm cho quá trình học và làm bài trên các hệ thống trực tuyến của sinh viên bị gián đoạn. Đường truyền mạng không ổn định, khiến sinh viên không thể bắt kịp được bài giảng cũng như đáp ứng được kịp thời những yêu cầu của giảng viên. Điều này ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, khi học trực tuyến, sự tập trung của sinh viên cũng giảm, quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên cũng ít hơn. Một số công cụ không hỗ trợ tương tác hai chiều. Điều này cũng gây khó khăn cho sinh viên trong quá trình học. Một số môn học giảng viên chưa quan tâm nhiều trong thiết kế bài giảng sinh động, điều này dẫn đến việc một số sinh viên không thích học trực tuyến. Ngoài ra, một số phần mềm giao diện khó sử dụng, sinh viên phải mất nhiều thời gian để làm quen với các chức năng của phần mềm. Sinh viên cũng gặp phải một số khó khăn khác gây giảm hiệu quả thông qua việc sử dụng các công cụ học tập trực tuyến như căng thẳng, áp lực do nhiều bài học và bài tập, không sắp xếp được thời gian học hợp lý, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ còn yếu kém… Một số sinh viên thiếu các thiết bị hỗ trợ học tập như máy tính và không gian học tập yên tĩnh, khả năng tập trung cao cũng là vấn đề cần được xem xét.
3. Một số biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ trực tuyến của sinh viên tại Trường Đại học Lạc Hồng
Từ thực trạng sử dụng các công cụ học tập trực tuyến của sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng như trên, nhóm tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này như sau:
Một là, ổn định hệ thống Internet phục vụ cho việc sử dụng các công cụ trực tuyến trong học tập. Hoạt động dạy học trực tuyến luôn được giảng viên kết hợp trong quá trình dạy trực tiếp. Do đó, hệ thống internet ổn định là một yếu tố cần thiết. Hiện tại, một số cơ sở học tập của Trường như hệ thống internet còn chưa ổn định. Nhà trường cần tăng cường đầu tư trang thiết bị và ổn định đường truyền đảm bảo hệ thống mạng tốt nhất cho người học. Đồng thời, việc kiểm tra, bảo trì hệ thống thường xuyên tại các cơ sở học tập, thư viện… giúp tránh hiện tượng gián đoạn kết nối hoặc lỗi kết nối khi sinh viên truy cập vào các chương trình học trực tuyến của Nhà trường, đặc biệt là hệ thống E-Learning. Bên cạnh đó, việc hợp tác, ký kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để nâng cấp hệ thống mạng cho sinh viên khi sử dụng internet các thiết bị điện tử cũng là cách giúp sinh viên có thể sử dụng tốt các công cụ học tập trực tuyến không chỉ ở Trường, mà còn cả ở nhà. Để giúp sinh viên có thể lựa chọn địa điểm học trực tuyến có kết nối internet mạnh và ổn định, Nhà trường có thể tổ chức các buổi hướng dẫn và cài đặt các phần mềm liên quan đến việc kiểm tra độ mạnh yếu của wifi hoặc hệ thống mạng cố định.
Hai là, nâng cao chất lượng bài giảng trực tuyến của giảng viên. Hoạt động giảng dạy có sử dụng các công cụ trực tuyến sẽ làm phong phú và đa dạng bài giảng truyền đạt tới sinh viên. Do đó, Nhà trường cần tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ dạy và học trực tuyến, cách sử dụng các công cụ học tập trực tuyến. Nhà trường có thể mời các chuyên gia về công nghệ trao đổi chia sẻ, tập huấn nâng cao sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến cho giảng viên. Chất lượng bài giảng trực tuyến của giảng viên trên E-Learning, trên Zoom, Google Meet… cần được đầu tư nhiều hơn về chất lượng âm thanh, hình ảnh, giọng nói, tính sinh động... Đồng thời, giảng viên cần nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ dạy học số, công nghệ thông tin, khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống liên quan đến dạy học trực tuyến. Để làm được điều đó, giảng viên cần tham gia đầy đủ các buổi hướng dẫn, hội thảo được tổ chức liên quan đến vấn đề này. Những bài giảng trực tuyến có chất lượng cao nên được chia sẻ rộng rãi, tạo ra các tác động tích cực đến chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, việc cải thiện sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên là vấn đề cần được lưu ý trong các buổi học trực tuyến. Giảng viên nên có biện pháp kiểm soát số lượng sinh viên tham gia lớp học trực tuyến và tương tác tích cực với sinh viên. Trong các buổi học này, giảng viên kết hợp với nhiều công cụ khác nhau như Padlet, Quizzi… để tăng hiệu quả và chất lượng bài học cho sinh viên.
Ba là, chú trọng cải tiến hệ thống E-Learning và các công cụ học tập trực tuyến khác. Hệ thống E-Learning được Trường Đại học Lạc Hồng thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả học tập cho sinh viên. Trên hệ thống này, sinh viên và giảng viên có thể tiến hành tất cả các hoạt động bao gồm trao đổi bài học, học trực tuyến, làm bài tập trực tuyến, kiểm tra trực tuyến… Hệ thống này được sinh viên và giảng viên đánh giá cao. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả và chất lượng học tập cho sinh viên, giao diện cần được cải tiến nhiều hơn như về màu sắc, cách bố trí nội dung hợp lý hơn… Nhà trường nên khắc phục một số lỗi như gián đoạn hệ thống hoặc nâng cao dung lượng tải bài giảng, tài liệu của hệ thống. Việc bổ sung thêm một số hoạt động giải trí hữu ích, các trò chơi… nhằm giúp sinh viên vừa học, vừa giải tỏa áp lực học tập trên hệ thống cũng là khía cạnh Nhà trường có thể cân nhắc thêm. Nhà trường có thể hỗ trợ thêm cho giảng viên và sinh viên bằng cách đầu tư thêm nhiều tài khoản bản quyền như Zoom, Padlet, Canva… để gia tăng hiệu quả học trực tuyến. Những buổi hội thảo hoặc tập huấn về các công cụ này sẽ giúp khắc phục các khó khăn về việc sử dụng.
Bốn là, nâng cao ý thức của sinh viên về việc học và sử dụng các công cụ học tập trực tuyến. Hoạt động học trực tuyến khá mới mẻ với sinh viên trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của nhiều công cụ học tập mới khiến cho nhiều sinh viên bỡ ngỡ và khó thích nghi. Bên cạnh những sinh viên có thái độ học tập nghiêm túc, còn tồn tại một số sinh viên ý thức học tập chưa cao khi tham gia các lớp học trực tuyến. Do đó, việc tuyên truyền về vai trò và lợi ích mang lại khi sử dụng các công cụ học tập trực tuyến rất quan trọng. Việc động viên, khuyến khích sinh viên tham gia các lớp học, khóa học trực tuyến là hết sức cần thiết. Các hoạt động khuyến khích, động viên sinh viên tham gia đầy đủ các lớp học trực tuyến cần được chú trọng. Giảng viên có thể thông qua các công cụ đánh giá kết quả học tập như điểm thưởng, điểm ưu tiên… để tạo động lực học tập cho sinh viên. Nhiều sinh viên nản chí, không hứng thú trong học tập là do thiếu kỹ năng về việc sử dụng các hệ thống học trực tuyến, các công cụ học trực tuyến. Do đó, đối với sinh viên, Nhà trường cần bổ sung thêm các lớp hướng dẫn sử dụng các công cụ số và những điều nên làm khi học trực tuyến. Bên cạnh việc chấp hành đúng nội quy lớp học, sinh viên cũng nên tự nâng cao ý thức của bản thân, hiểu được sự cần thiết của việc học trực tuyến và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định riêng của lớp học trực tuyến.
4. Kết luận
Nghiên cứu đã phân tích thực trạng hiệu quả sử dụng các công cụ học tập trực tuyến tại Trường Đại học Lạc Hồng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những khó khăn của sinh viên khi tham gia vào các hoạt động học tập trực tuyến tại đây. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng các công cụ trực tuyến phục vụ học tập. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng các công cụ học tập trực tuyến sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Anh Đức (2021). Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong các trường đại học tại Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp 4.0. Tạp chí Công Thương, số 16/2021.
- Nguyễn Văn Thấu (2021). Hiện trạng và giải pháp tạo hứng thú học trực tuyến cho sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Tạp chí Công Thương, số 24/2021.
- Vũ Thị Thanh Nga (2022). Biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động học tập trực tuyến tại Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh Covid-19. Tạp chí Khoa học, Số 60, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
- Arbaugh B. (2000). Virtual classroom versus physical classroom: An exploratory comparison of class discussion patterns and student learning in an asynchronous Internet-based MBA course. Journal of Management Education, 24(2).
- Chen P. S. D., Lambert A. D., & Guidry K. R. (2010). Engaging online learners: The impact of Web-based learning technology on college student engagement. Computers and Education, 54(4), 1222-1232.
- Welsh E. T., Wanberg c. R., Brown K. G. & Simmering M. J. (2003). E-leaming: Emerging uses, empirical results and future drections. International Journal of Training and Development, 7, 245-58.
- Holmes B., Gardner (2006). E-learning: Concepts and Practice. London: Sage Publications.
- Oliver Towers (2000). Uptime: Students, learning and computers, ICT access and ICT literacy of tertiry students in Australia. Canberra, Department of Education, Training and Youth Affairs.
- Rosenberg M. J. (2001). E-learning: Building successful online learning in your organization. McGrow Hill, New York, NY, USA.
Solutions to improve the effectiveness of student’s use of
online learning tools at Lac Hong University
Phan Thi Hoi
Nguyen Minh Phu
Lac Hong University
ABSTRACT:
Using online learning tools has become a current teaching method at universities. This study shows the current use of online learning tools by Lac Hong University’s students. The study also proposes some solutions to enhance the effectiveness of using online learning tools in teaching and learning activities, contributing to improving the university's training quality.
Keywords: learning, online, university, student, Lac Hong University.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]