TÓM TẮT:
Viễn thông là ngành đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nói chung, cũng như thuộc chính sách ưu tiên tài trợ của các ngân hàng thương mại cổ phần (NH TMCP) nói riêng trong nhiều năm trở lại đây. Tài trợ viễn thông được xem là một lĩnh vực tài trợ an toàn và chất lượng tín dụng tốt nhất của các ngân hàng do ngành có tốc độ tăng trưởng tốt, được sự quan tâm, quản lý sát sao của Chính phủ cũng như phù hợp với định hướng phát triển của đất nước. Tuy nhiên, lợi ích và hiệu quả các doanh nghiệp viễn thông mang lại cho các NH TMCP lại chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng của ngành. Vậy, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần phải làm gì để có thể khai thác sâu hơn và hiệu quả hơn đối với đối tượng khách hàng này? Bài viết phân tích thực trạng tài trợ và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả tài trợ cho các doanh nghiệp ngành Viễn thông của các NH TMCP tại Việt Nam.
Từ khóa: Ngành Viễn thông, tài trợ, ngân hàng thương mại cổ phần, chính sách tín dụng, Việt Nam.
1. Thực trạng phát triển ngành Viễn thông tại Việt Nam
Theo số liệu Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngày 23/12/2016, trong năm 2016, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, truyền thông ước đạt hơn 1.337.000 tỷ đồng, tăng 9,36% so với năm 2015 và cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước (ước đạt 6,7%).
Cùng với sự tăng trưởng doanh thu, mức độ phổ cập công nghệ và bao phủ của mạng lưới viễn thông ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ tỷ lệ thuê bao di động, internet băng rộng cố định và thuê bao băng rộng di động đạt lần lượt 131 thuê bao; 10 thuê bao và 50 thuê bao/100 dân (so với năm 2015 đạt lần lượt là 130 thuê bao, 8 thuê và và 3 thuê bao/100 dân). Cả nước đã có 62,76% dân số sử dụng Internet, tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%.
Kết quả tăng trưởng như trên là phù hợp với tình hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và vai trò của ngành Viễn thông trong nền kinh tế. Và cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông đã trở thành đối tượng khách hàng ưu tiên trong chính sách tín dụng của nhiều ngân hàng, đặc biệt là các NH TMCP, với nhu cầu sử dụng dịch vụ tương đối đa dạng (thanh toán quốc tế để nhập khẩu các máy móc thiết bị đầu tư mới, nâng cấp hạ tầng mạng, vay trung dài hạn, đặc biệt là nguồn tiền gửi lớn và được duy trì khá thường xuyên). Tuy nhiên, do dặc thù ngành, các NH TMCP vẫn còn một số vướng mắc trong hoạt động tài trợ của cho các doanh nghiệp này, dẫn đến quy mô và hiệu quả tài trợ chưa cao.
2. Một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế về quy mô và hiệu quả tài trợ đối với các doanh nghiệp viễn thông của các NH TMCP Việt Nam
Thứ nhất, mức độ tập trung của thị trường cao, theo đó 90% thị phần của ngành viễn thông tập trung ở 03 DNNN lớn là Viettel, VNPT và Mobifone. Số lượng các doanh nghiệp lớn, hoạt động thực sự tốt và ổn định trong ngành không nhiều, do đó để tiếp cận được, các NH TMCP phải cạnh tranh nhau nhiều bằng các chính sách phí, lãi suất và chất lượng dịch vụ. Theo thống kê CIC 30/09/2016 của 20 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông lớn nhất trên thị trường (thuộc Top VNR 500 2015), hầu hết các đơn vị đều có quan hệ với 2-3 TCTD, trong đó doanh nghiệp có quan hệ nhiều nhất lên tới 06 TCTD. Việc phải chia sẻ thị phần và cạnh tranh bằng giá như trên dẫn đến quy mô cấp tín dụng cũng như lợi ích thu lại của các NH TMCP không cao.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong ngành thường có tiềm lực tài chính cao, vòng quay vốn nhanh, dòng tiền dư thừa nhiều dẫn đến nhu cầu vay ngắn hạn rất hạn chế - đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông. Thống kê số liệu BCTC 2014, 2015 của hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh thương mại thiết bị viễn thông cho thấy, vòng quay KPT và HTK bình quân của các doanh nghiệp này đạt lần lượt 4 vòng và 8 vòng/ năm, VLĐ ròng bình quân đạt từ 100-200 tỷ đồng.
Bảng 1. Báo cáo tài chính năm 2014, 2015 của 40 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa viễn thông
Thứ ba, việc tài trợ các doanh nghiệp viễn thông có một số đặc thù chưa phù hợp với khẩu vị rủi ro của các NH TMCP do hầu hết các ngân hàng vẫn coi trọng việc có tài sản bảo đảm (TSBĐ) và quản lý được nguồn doanh thu cụ thể. Tuy nhiên, theo đặc thù ngành Viễn thông, các đặc điểm trên khó có thể đáp ứng được, do TSBĐ mang tính đặc thù, kỹ thuật cao, nhỏ lẻ và phân tán, khó định giá, quản lý và xử lý khi phát sinh rủi ro; Xu hướng hàng hóa và dịch vụ trong ngành càng ngày càng có tính vô hình cao (dịch vụ viễn thông, dung lượng băng thông…) khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn và kết quả kinh doanh trên thực tế; Dòng tiền nhỏ lẻ, phân tán, tỷ lệ doanh thu tiền mặt cao - đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Việc chuyển tiền phụ thuộc vào thiện chí của khách hàng…
3. Chiến lược tiếp cận và mở rộng quy mô tài trợ ngành Viễn thông của các NH TMCP
Với những đặc thù ngành như trên, trong thời gian tới, các NH TMCP Việt Nam có thể xây dựng chiến lược tiếp cận và mở rộng quy mô tài trợ ngành Viễn thông dựa trên 03 điểm chính. Cụ thể là:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao thị phần tài trợ ngành trên cơ sở tập trung tài trợ cho các đơn vị đầu ngành (Viettel, VNPT, Mobifone).
Như đã phân tích ở trên, viễn thông là ngành có mức độ tập trung thị trường cao. Các đơn vị đầu ngành có năng lực mạnh, thị phần lớn, nhu cầu đầu tư hàng năm rất lớn và mức độ rủi ro khi tài trợ thấp. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các dịch vụ phi tín dụng như tiền gửi, thanh toán trong nước và quốc tế cũng cao. Do đó, chiến lược nâng cao thị phần qua các đơn vị này là hợp lý. Ngoài ra, thông qua đó, các TCTD cũng có thể mở rộng tiếp cận các đơn vị đầu vào thường xuyên của Viettel, VNPT, Mobifone, docác đơn vị này có nguồn thanh toán là chắc chắn.
Thứ hai, đón đầu cơ hội đầu tư trung dài hạn của thị trường, như đầu tư hạ tầng 4G, quang hóa cáp viễn thông, đầu tư nhà trạm cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông thuê…
Hạ tầng viễn thông tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khá sơ khai và còn độ trễ nhất định so với các nước trên thế giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, công nghệ viễn thông của Việt Nam thường đi sau thế giới từ 3-5 năm. Cùng với đó, hạ tầng viễn thông viễn thông cũng cần được đầu tư nâng cấp hàng năm tiếp tục hiện đại hóa.
Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, nhu cầu đầu tư trong nước chủ yếu tập trung vào 02 mục tiêu chính là Ngầm hóa mạng cáp viễn thông, chỉnh trang hệ thống ăng ten theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Phát triển mạng truy nhập băng thông rộng và mở rộng vùng phủ sóng 3G thông qua việc xây dựng, mở rộng tuyến cáp quang mặt đất, cáp quang biển quốc tế, nội địa với dung lượng lớn 02 xu thế lớn của ngành Viễn thông trong thời gian tới là đẩy mạnh triển khai mạng 4G và quang hóa cáp viễn thông. Cụ thể:
Đối với đẩy mạng xây dựng, triển khai hạ tầng mạng 4G: Nhu cầu của thị trường lớn, mạng 3G được 6 -7 năm và tốc độ mạng 3G đã đạt đến giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân ở các thành phố lớn. Do đó, người dùng cần một tiêu chuẩn mạng di động mới có tốc độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu sử dụng, nhất là khi đã có tới hơn 5.000 thiết bị có thể sử dụng được mạng 4G LTE, từ những thiết bị cao cấp như iPhone cho đến các smartphone giá rẻ. Đó là những nguyên nhân khiến 4G không thể triển khai chậm hơn nữa.
Đối với việc quang hóa cáp viễn thông: Xu hướng dịch chuyển từ cáp đồng sang cáp quang là điều mà các nhà mạng lớn đã dự liệu từ trước bởi đó là xu thế chung toàn cầu. Đón đầu xu thế, vài năm gần đây, các nhà mạng như FPT Telecom, VNPT, Viettel đã chủ động chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn nhằm cung cấp cho khách hàng sự lựa chọn tốt hơn trong thời kỳ bùng nổ thiết bị truy cập internet.
Như vậy, với xu hướng đầu tư như trên, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn và là cơ hội tốt để các TCTD tiếp tục mở rộng tài trợ với doanh nghiệp trong ngành.
Thứ ba, điều chỉnh quan điểm và chính sách tài trợ để phù hợp với đặc thù ngành, như ưu tiên tài trợ trung dài hạn, thiết kế các biện pháp quản lý dòng tiền, xây dựng công cụ đánh giá, quản trị rủi ro riêng cho ngành.
Hiện tại, các TCTD còn khá e dè đối với các phương án cho vay trung dài hạn đầu tư hạ tầng viễn thông trong nước. Quan điểm này chưa thực sự phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư và kinh doanh của ngành, do nhu cầu đầu tư hạ tầng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông lớn, rủi ro có thể coi là thấp hơn so với các phương án thương mại do các doanh nghiệp có hạ tầng mạng chính là các đơn vị có thị phần dẫn đầu thị trường, có tính bền vững trong hoạt động kinh doanh cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp thương mại.
Việc chuyển dịch quan điểm tài trợ là cần thiết. Theo đó, các TCTD cần quy định cụ thể định hướng tỷ trọng dư nợ ngắn hạn, trung dài hạn đối với ngành và xây dựng các công cụ tương ứng để chuyển dịch được hiệu quả.
4. Giải pháp nâng cao hiệu quả tài trợ đối với các doanh nghiệp viễn thông của các NH TMCP
Cùng với việc mở rộng quy mô, các NHTMCP cũng cần nâng cao hiệu quả và lợi ích mang lại từ việc tài trợ cho các doanh nghiệp trong ngành, do đây mới là đích đến cuối cùng của việc tài trợ. Các giải pháp cần đồng bộ, phù hợp với đặc thù ngành và có khả năng cạnh tranh cao. Các NH TMCP có thể xem xét áp dụng đơn lẻ hoặc đồng thời một số giải pháp sau:
Một là, xây dựng gói sản phẩm và chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp viễn thông. Việc bán sản phẩm theo gói có thể tăng tính tiện ích cho khách hàng, đồng thời thu được nhiều phí hơn cho ngân hàng. Ví dụ: gói sản phẩm tài trợ trung hạn phục vụ nhu cầu đầu tư thường xuyên hàng năm theo tốc độ phát triển mạng lưới, có bao gồm các sản phẩm cho vay, thanh toán quốc tế, tiền gửi với lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, sản phẩm dành cho các doanh nghiệp viễn thông cần có tính số và hàm lượng CNTT cao, tiện ích vượt trội hơn so với các ngành khác.
Hai là, tối đa hóa lợi ích từ tiền gửi.Dòng tiền luân chuyển nhanh và dư tiền trong ngắn hạn là lợi thế rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông. Các NH TMCP cần nắm bắt lợi thế này và xây dựng các chính sách thích hợp để thu hút dòng tiền, tối đa hóa lợi ích từ tiền gửi.
Ba là, giảm thiểu các chi phí hoạt động trong quá trình cấp tín dụng cho khách hàng như giảm chi phí nhân sự và chi phí dự phòng rủi ro thông qua việc chuẩn hóa sản phẩm và xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng; giảm thiểu và số hóa hồ sơ, chứng từ cần cung cấp.Các tiêu chí đặc thù của ngành cần được cân nhắc đưa vào mô hình và các yếu tố chấm điểm tín dụng cho ngành như: tốc độ tăng trưởng thuê bao, tỷ lệ bao phủ của mạng lưới,tốc độ đường truyền…
5. Kết luận
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn còn bị giới hạn như hiện nay, việc chọn lọc đối tượng khách hàng tài trợ đảm bảo an toàn và mang lại nhiều lợi ích là vô cùng quan trọng với các NH NHTM để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận mà vẫn hạn chế được rủi ro. Viễn thông là một trong số ít các lĩnh vực kinh doanh đáp ứng cả hai tiêu chí này. Do đó, các NH TMCP cần tận dụng tối đa thế mạnh của mình và chuyển đổi năng lực, cách thức tài trợ phù hợp để có thể thu hút và tối đa hóa lợi ích từ nhóm khách hàng này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Thông tin CIC quan hệ tín dụng tháng 9/2016 của Ngân hàng nhà nước.
3. Báo cáo tài chính 2014, 2015 của 40 DN viễn thông do tác giả tự thu thập (bao gồm 20 BCTC kiểm toán/ thuế và 20 BCTC nội bộ).
SOLUTIONS TO IMPROVE THE FINANCING
EFFICIENCY OF TELECOM ENTERPRISES
OF JOINT STOCK COMMERCIAL BANKS
MA. NGUYEN THI THU THUY
ABSTRACT:
Telecommunications plays an important role in the economy in general, as well as under the preferential policy of commercial joint stock banks in particular in recent years. Telecommunication financing is considered to be one of the safest areas for sponsoring as well as having best banks credit quality as the industry is growing at a good rate, given the attention and management of the government as well as its relevance with the development orientation of the country. However, the benefits and efficiency of telecommunication enterprises to commercial banks are not high and not commensurate with the potential of the sector. Therefore, What do credit institutions (CIs) need to do to be more effiencent with these type of customers? The article analyzes the status of funding and proposes some solutions to improve the efficiency of financing for telecom enterprises of the commercial banks in Vietnam.
Keywords: Telecommunications, finance, joint stock commercial banks, credit policies, Vietnam.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây