Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới trong suốt thời gian qua vẫn diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, khi bắt đầu đến thời điểm chính vụ thu hoạch để tiêu thụ và xuất khẩu cũng như thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hàng năm, vẫn tồn tại tình trạng ùn ứ, tồn đọng nông sản, trái cây cục bộ tại cửa khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nguyên nhân do lượng nông sản, trái cây khi vào chính vụ thu hoạch để xuất khẩu được đưa lên khu vực cửa khẩu tăng đột biến tại cùng một thời điểm, trong khi phía Trung Quốc cũng trùng thời điểm chính vụ thu hoạch với Việt Nam đối với một số loại trái cây, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng sụt giảm nhất định.
Bên cạnh đó, năng lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mặc dù đã được cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng còn rất hạn chế so với nhu cầu xuất khẩu, dẫn đến việc không thể đáp ứng được lưu lượng xe đưa lên quá lớn tại cùng một thời điểm như hiện nay.
“Trên thực tế, vấn đề này sẽ không thể giải quyết căn cơ nếu không có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mang tính lâu dài”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết.
Chủ động thông tin, khuyến cáo doanh nghiệp
Thông tin về giải pháp giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hàng năm trước khi vào chính vụ thu hoạch các loại trái cây chủ lực hoặc trước khi bước vào thời gian cao điểm lễ tết, Bộ Công Thương đều chủ động thông tin, khuyến cáo về tình hình thị trường, về diễn biến thông quan tại cửa khẩu... đến các địa phương vùng trồng trọng điểm, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan để có phương án điều tiết giao nhận hiệu quả, tránh gây thiệt hại, bị ép cấp, ép giá.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai…) theo dõi sát tình hình để kịp thời triển khai chủ động các giải pháp, biện pháp điều tiết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu như phân luồng giao thông; ưu tiên thông quan xe chở nông sản, trái cây; huy động lực lượng chức năng thực hiện thủ tục hải quan, kiểm dịch thực vật, cấp C/O để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng nông sản, trái cây được thông quan nhanh nhất.
“Thậm chí làm thêm giờ; chủ động trực tiếp làm việc, trao đổi kịp thời với phía Trung Quốc để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định được thông quan thuận lợi, an toàn”, đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đưa các vấn đề vướng mắc trong quan hệ thương mại song phương nói chung và thương mại song phương về nông, thủy sản nói riêng trao đổi, vận động phía Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hoặc dành thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu, thực hiện các chính sách mới, tháo gỡ khó khăn trong thông quan hàng hóa tại các dịp cao điểm trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước, đồng thời vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.
Những thông tin về sản lượng, mùa vụ, cung cầu… của Trung Quốc đối với một số loại nông sản, trái cây mà Việt Nam có thế mạnh cũng như diễn biến thông quan tại cửa khẩu đều được Bộ Công Thương và UBND các tỉnh biên giới (Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh…) đăng tải, công bố thường xuyên nhằm khuyến cáo, giảm thiểu tình trạng liên tiếp đưa hàng lên khu vực cửa khẩu biên giới trong cùng một thời điểm để xuất khẩu, gây ra tình trạng quá tải và ùn ứ.
Sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương
Hiện nay, Bộ Công Thương đã và đang thường xuyên phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang; chỉ đạo các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc tăng số lượng và đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại hàng năm tại Trung Quốc theo hướng tập trung trọng tâm, trọng điểm với từng chủng loại sản phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên toàn quốc về lợi thế trong các Hiệp định, Thỏa thuận giữa hai nước và diễn biến thông tin thị trường để kịp thời có biện pháp ứng phó với vướng mắc phát sinh.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, để xử lý triệt để tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu mỗi dịp lễ, Tết hằng năm, còn cần sự chung tay, đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương sở tại.
Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu, UBND các tỉnh biên giới phía bắc cần thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình xuất khẩu tại các cửa khẩu trọng điểm, nhất là vào dịp cao điểm; kịp thời phối hợp với các địa phương sản xuất trọng điểm cảnh báo thông tin và điều phối hàng hóa đưa lên biên giới; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực biên giới, tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp của các lực lượng chức năng hai nước tại khu vực biên giới và cửa khẩu; quán triệt chủ trương thúc đẩy thương mại “chính ngạch”, từng bước giảm dần xuất khẩu “tiểu ngạch”.
Công tác phổ biến, định hướng và hướng dẫn các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tái cơ cấu sản xuất đáp ứng yêu cầu của phía bạn, đồng thời thay đổi nhận thức, quan điểm về cách thức xuất khẩu thành “chính ngạch”, theo thông lệ quốc tế cần UBND các tỉnh thực hiện quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, đánh giá tình hình, thống nhất công tác tổ chức sản xuất đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của phía Trung Quốc nhằm điều tiết lượng hàng hóa lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu, đặc biệt là thời gian cao điểm chính vụ; đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường với phía Trung Quốc, mở rộng danh sách các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch; tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh tập trung, có quy mô, chất lượng đồng đều và đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Đối với các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, cần phải nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng với đó, chủ động nắm bắt thông tin, thị hiếu và nhu cầu thị trường, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng của Trung Quốc và các khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước; thay đổi cơ bản tư duy tiếp cận thị trường, phương thức giao dịch, tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh lâu dài, bài bản với doanh nghiệp Trung Quốc; chú trọng xây dựng mạng lưới phân phối phù hợp với thị trường; tăng cường công tác phát triển thương hiệu, mẫu mã và bao bì, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ thương mại, hiểu biết về ngôn ngữ nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, thị hiếu của thị trường.