TÓM TẮT:
Bài báo này tập trung đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bằng sử dụng các phương pháp Phân tích thống kê và so sánh trên nền tảng số liệu thứ cấp của niên giám thống kê tỉnh thành ĐBSCL và Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, các DNNVV tỉnh Trà Vinh có năng lực cạnh tranh (NLCT) yếu hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các tỉnh ĐBSCL, muốn phát triển các doanh nghiệp này trong thời gian tới cần cải thiện và nâng cao NLCT của các doanh nghiệp này.
Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đóng góp khoảng 15% GRDP, 12% việc làm và hơn 10% ngân sách của tỉnh. Sự đóng góp này khá khiêm tốn so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện số lượng DNNVV chỉ là 2.627 DN với quy mô vốn lao động, doanh thu và hiệu quả kinh doanh khá khiêm tốn so với tiềm năng của chính doanh nghiệp và so với các tỉnh ĐBSCL. Phát triển DNNVV được địa phương coi là một trọng tâm lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Trà Vinh. Bài báo này tập trung đánh giá thực trạng phát triển DNNVV với những thành công và hạn chế làm cơ sở đề xuất giải pháp phát triển trong những năm tới.
2. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường của nhiều nước hiện nay trên nhiều phương diện. Chính vì vậy, nghiên cứu phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được quan tâm bởi chính phủ và các nhà hoạch định chính sách.
Một quốc gia giàu mạnh và có năng lực cạnh tranh cao trên thế giới là quốc gia ở đó có nhiều doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao M. Porter (1990). Điều này cũng hàm ý rằng doanh nghiệp có thành công và phát triển hay không phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của nó. Theo Porter (1998), năng lực cạnh tranh (NLCT) của doanh nghiệp là khả năng duy trì, mở rộng thị phần và đạt được lợi nhuận cao nhờ năng suất cao trên cơ sở không ngừng nâng cao trình độ công nghệ, trình độ lao động, trình độ quản trị và năng lực tài chính. Theo Sanchez & Heene (2004), năng lực cạnh tranh của một công ty là khả năng duy trì, triển khai, phối hợp các nguồn lực và khả năng theo cách giúp công ty đạt được mục tiêu của nó. Theo cách tiếp cận NLCT, phát triển doanh nghiệp chính là quá trình không ngừng cải thiện và nâng cao NLCT của doanh nghiệp.
Kết quả các nghiên cứu thực tiễn ở Việt Nam. Ở Việt Nam có nhiều nghiên cứu trong các thời kỳ khác nhau và đề cập tới nội dung này trên nhiều khía cạnh. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, năng lực quản trị, tài chính yếu (Lê Xuân Bá và nhóm tác giả (2006); Nguyễn Thị Kim Lý (2020); Các doanh nghiệp này của Việt Nam có chiến lược kinh doanh chưa theo kịp xu thế chung của thế giới và thể hiện năng lực quản trị doanh nghiệp yếu (Phạm Thúy Hồng (2004)). Hay trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các DNNVV của chúng ta càng bộc lộ sức cạnh tranh yếu đặc biệt là năng suất và hiệu quả thấp (Phạm Quang Trung, Vũ Đình Hiển, Lê Thị Lan Hương (2009)).
Như vậy, phát triển DNNVV là quá trình cải thiện và nâng cao NLCT của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tồn tại và không ngừng mở rộng sản xuất - kinh doanh chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Số liệu: Nguồn số liệu bao gồm số liệu niên giám thống kê tỉnh Trà Vinh và các tỉnh trong vùng; Các báo cáo kinh tế - xã hội, tình hình doanh nghiệp; Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh, vùng và Việt Nam.
Phương pháp phân tích: Nghiên cứu sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, trong đó chủ yếu là Phân tích thống kê và so sánh. Phân tích thống kê được sử dụng xem xét tình hình và xu thế biến động kinh tế - xã hội, số lượng doanh nghiệp, năng lực doanh nghiệp theo thời gian và không gian để định vị sự phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Phương pháp so sánh được sử dụng trong xem xét, đánh giá thực trạng về phát triển DNNVV so với kế hoạch, so với quá khứ và so với các địa phương khác trong vùng để xác định vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Tình hình phát triển DNNVV giai đoạn 2015 - 2020
Số lượng DNNVV tỉnh Trà Vinh tăng khá nhanh từ năm 2015 đến 2019. Năm 2015 là 1.306 DN và năm 2019 là 2.627 DN, tăng 1.321 DN và tăng trưởng trung bình là 19% năm. Quy mô vốn, lao động của DNNVV cũng tăng nhanh. Quy mô vốn tăng 5491 tỷ và lao động tăng 27.151 người, trung bình 14.6% năm. Năm 2015, số DN trên 10.000 dân là 1.3 thì năm 2019 là 2.6 tăng gấp 2 lần, tỷ lệ DN trên 10.000 lao động là 2.19 và 4.54 DN tăng 2.34 DN.
Bảng 1. Số lượng, quy mô và mật độ DNNVV tỉnh Trà Vinh
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ta so sánh với các tỉnh ĐBSCL về số lượng, quy mô và mật độ DNNVV tại thời điểm năm 2018 trên Hình 1 và 2. Trên Hình 1, Trục hoành biểu thị lượng TSCĐ và đầu tư dài hạn năm 2018, trục tung biểu thị số lượng lao động trong các DNNVV hoạt động có kết quả SXKD và diện tích hình tròn là số lượng DN năm 2018. Ở đây cho thấy vị trí của Trà Vinh nằm ở dưới lệch bên phải - hàm ý rằng quy mô và số lượng DNNVV còn khiêm tốn so với các tỉnh trong vùng. Trên Hình 2, vị trí của Trà Vinh ở cuối cùng, cho thấy mật độ DNNVV của tỉnh kém nhất ở đây.
Hình 1: Vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL theo mật độ DN
Hình 2: Vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL theo số lượng và quy mô
Nguồn: Xử lý từ số liệu thống kê các tỉnh ĐBSCL năm 2016 và năm 2020
Về cơ cấu doanh nghiệp DNNVV tỉnh Trà Vinh: Tỷ trọng của doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm khoảng 70% và không thay đổi nhiều trong thời gian qua. Doanh nghiệp nhỏ chiếm khoảng 27-28% và doanh nghiệp vừa chiếm chưa tới 3%. Xét theo loại hình công ty, tỷ lệ công ty TNHH 1TV chiếm đa số và xu thế tăng dần, năm 2016 là 57.7% thì năm 2019 là 72.1% tăng 14.5%. Trong khi đó, tỷ lệ công ty TNHH 2TV giảm dần, năm 2018 còn 11.9% giảm 7.7% so với 2015. Số lượng công ty cổ phần chiếm khoảng gần 6% không thay đổi nhiều. Số lượng công ty tư nhân hiện chiếm khoảng hơn 10% (Bảng 1). Như vậy, các DNNVV thường lựa chọn hình thức tổ chức quản lý phù hợp với quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Các DNNVV tỉnh Trà Vinh chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ, với tỷ lệ gần 60%. Trong lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, tỷ trọng DNNVV có xu thế giảm nhẹ từ gần 42% năm 2016 giảm xuống còn 39% năm 2019. Số lượng doanh nghiệp này trong nông nghiệp chiếm chỉ khoảng 3.7%. Các DNNVV của tỉnh đều có phân bổ ở khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, tuy nhiên không phân bổ đồng đều. Khoảng hơn 50% doanh nghiệp chọn địa bàn thành phố Trà Vinh và huyện Châu Thành để đặt cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Về vốn, lao động, trình độ công nghệ DNNVV tỉnh Trà Vinh: Số lượng vốn kinh doanh của DNNVV tăng nhanh, quy mô vốn tăng 5.491 tỷ đồng từ năm 2016 tới năm 2019. Do số lượng DNNVV tăng khá nhanh và tập trung vào nhóm siêu nhỏ trong giai đoạn 2016 - 2019 nên quy mô vốn và lao động/1 DN giảm dần. Năm 2016 trung bình là 5.4 tỷ đồng/doanh nghiệp thì năm 2019 là 4.7 tỷ đồng/doanh nghiệp, giảm 0.7 tỷ đồng. Ngược lại với xu thế trên, giá trị TSCĐ và ĐT dài hạn lại tăng nhanh trong giai đoạn 2016 - 2019 nên giá trị TSCĐ và ĐT dài hạn/1 DN tăng trong thời gian này. Điều này là tín hiệu tích cực với nền kinh tế và phát triển DNNVV.
Số lượng lao động của DNNVV tăng nhanh. Quy mô lao động tăng 27.151 người, trung bình 14.6%. Do số lượng DNNVV tỉnh Trà Vinh tăng khá nhanh và tập trung vào nhóm siêu nhỏ từ năm 2016 đến năm 2019 nên quy mô lao động/1 DNNVV giảm dần. Lao động bình quân/doanh nghiệp giảm từ 28.6 lao động xuống 24.5 lao động, giảm 4.1 người trong giai đoạn này. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của nền kinh tế thấp, tuy tăng dần cũng chỉ 12% (tiêu chuẩn của Bộ LĐ và TBXH). Nhưng, tỷ trọng lao động qua đào tạo của DNNVV đã chiếm 55% năm 2019 tăng 3.2% so với năm 2016.
Vị thế của DN Trà Vinh theo các vốn và TSCĐ ở vùng ĐBSCL chưa cao xét trên tổng thể do số lượng DN ít hơn.
Quy mô vốn DNNVV tỉnh Trà Vinh được so sánh với chỉ tiêu này của các tỉnh ĐBSCL năm 2018 trên Hình 3. Giá trị TSCĐ và đầu tư dài hạn cũng như nguồn vốn của DN của Trà Vinh thấp hơn của Long An, Cần Thơ, Kiên Giang và cao hơn của các tỉnh còn lại. Vị trí trên Hình 4 cho thấy cả số lượng và hiệu quả sử dụng lao động của DNNVV tỉnh Trà Vinh ở cuối so với các tỉnh trong vùng.
Hình 3: Vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL theo tổng vốn
Nguồn: Xử lý từ số liệu thống kê các tỉnh ĐBSCL 2020
Về cơ bản, các chỉ tiêu phản ảnh trình độ công nghệ của doanh nghiệp đều tăng từ năm 2016, hay nói cách khác là trình độ công nghệ của DNNVV được cải thiện, theo đó mức trang bị TSCĐ và đầu tư dài hạn/1 DN tăng gần 28 tỷ đồng trong giai đoạn 2016 - 2019, tỷ lệ C/V tăng hơn 11 lần hay trang bị TSCĐ và đầu tư dài hạn tăng gấp hơn 11 lần so với chi phí lao động, NSLĐ tăng 16.8 triệu đồng.
Hình 4: Vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL theo lao động
Nguồn: Xử lý từ số liệu thống kê các tỉnh ĐBSCL năm 2016 và năm 2020
Về kết quả kinh doanh của DNNVV tỉnh Trà Vinh: Kết quả kinh doanh của các DNNVV khá tốt, doanh thu tăng đều, kinh doanh có lợi nhuận, các chỉ số hiệu quả khá tốt, tuy nhiên lợi nhuận và các chỉ số hiệu quả có xu hướng giảm.
Bảng 2. Các chỉ tiêu về kết quả kinh doanh của DNNVV Trà Vinh
Nguồn: Xử lý từ số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Niên giám thống kê tỉnh Trà Vinh 2020
Kết quả kinh doanh của DNNVV Trà Vinh thể hiện trên Bảng 2. Doanh thu của các doanh nghiệp Trà Vinh tăng đều từ năm 2015, năm 2018 đạt hơn 49.3 ngàn tỷ đồng tăng hơn 23.8 tỷ đồng so với năm 2015. Lợi nhuận năm 2015 là 823 tỷ chỉ tăng ở năm 2016 sau đó giảm dần, năm 2018 chỉ còn 212 tỷ đồng. Xu hướng này cộng với vốn của doanh nghiệp lại tăng lên kéo theo các chỉ số hiệu quả thấp dần.
Vị thế của doanh nghiệp Trà Vinh ở ĐBSCL về kết quả kinh doanh tốt ở các chỉ số hiệu quả nhưng kém ở doanh thu và lợi nhuận (hình 5). Vị thế của Trà Vinh thấp nếu xét về doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ doanh nghiệp có lãi (Bên trái Hình 5), nhưng lại tốt khi xét về các chỉ số hiệu quả (Bên phải Hình 5).
Hình 5: Vị thế DNNVV tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL theo DT, LN và KQKD
Nguồn: Xử lý từ số liệu thống kê các tỉnh ĐBSCL năm 2016 và năm 2020
3.2. Những hạn chế yếu kém của DNNVV tỉnh
Từ phân tích trên đây có thể rút ra:
Thứ nhất, số lượng, quy mô và mật độ DNNVV tỉnh Trà Vinh tăng nhanh trong thời kỳ 2015 - 2019, nhưng còn khiêm tốn so với các tỉnh trong vùng.
Thứ hai, DNNVV của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, lựa chọn hình thức công ty TNHH 1 TV và tập trung kinh doanh thương mại dịch vụ hay hình thức cấu trúc công ty giản đơn.
Thứ ba, năng lực về vốn, lao động và công nghệ tuy được cải thiện, nhưng vẫn kém so với mặt bằng chung của các tỉnh ĐBSCL.
Thứ tư, hiệu quả kinh doanh có được cải thiện ở mốt số chỉ tiêu nhưng vẫn còn khá thấp so với các tỉnh trong vùng.
Thứ năm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế còn hạn chế và chưa như kỳ vọng.
4. Những lợi thế, định hướng và mục tiêu phát triển DNNVV
Về lợi thế: Trà Vinh là tỉnh ven biển đồng bằng sông cửu Long có lợi thế tiềm năng lớn phát triển các ngành nuôi trồng, khai thác đánh bắt và chế biến thủy hải sản; có 143 chùa Khmer và trên 10 di tích lịch sử, kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 1 bảo vật quốc gia, cùng nhiều loại hình văn hóa văn nghệ, lễ hội làng nghề truyền thống, cùng với nhiều cù lao cồn nổi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây là lợi thế để phát triển DNNVV trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ phục vụ du lịch và ngành công nghiệp chế biến, các ngành hàng có lợi thế tiềm năng như dừa, trái cây, thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng và chế biến thủy sản và phát triển sản phẩm du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn, sông nước, gắn với làng nghề và sản phẩm đặc thù của người dân tộc Khmer.
Về định hướng phát triển DNNVV: Phát triển DNNVV theo hướng vừa cải thiện năng lực cạnh tranh DNNVV hiện có, vừa tăng số lượng thông qua kết hợp khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và cùng với chuyển đổi hộ kinh doanh, không ngừng cải thiện cơ chế chính sách và môi trường cạnh tranh của tỉnh.
Về mục tiêu: DNNVV tỉnh Trà Vinh có số lượng tăng ổn định và bền vững, vị thế, trình độ và năng lực cạnh tranh bằng tốp đầu các tỉnh vùng ĐBSCL, khả năng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đúng với tiềm năng, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có tổng số lượng DNNVV là 5.000 doanh nghiệp.
5. Giải pháp phát triển DNNVV giai đoạn 2021-2025
Để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới cần thực hiện tập trung đồng bộ các giải pháp sau đây:
5.1. Giải pháp gia tăng số lượng DNNVV mới tỉnh Trà Vinh ổn định và bền vững, cụ thể:
- Duy trì các DNNVV hiện có bằng cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động nhóm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV.
- Tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế chính sách tập trung khuyến khích và hỗ trợ thành lập DNNVV mới, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường ưu tiên tập huấn các kiến thức về xây dựng ý tưởng kinh doanh/khởi nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh và khởi nghiệp.
- Tiếp tục tăng cường công tác vận động, khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ các HKD chuyển đổi lên DN thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động và trợ giúp cho HKD chuyển đổi lên DN. Tổ chức tập huấn định kỳ về các yêu cầu bình đẳng giới (BĐG), dân tộc và môi trường cho chủ doanh nghiệp.
- Thu hút các doanh nghiệp vừa và lớn đầu tư vào tỉnh từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đóng vai trò đầu đàn, cốt lõi của các chuỗi thuộc ngành trọng tâm và ưu tiên phát triển.
5.2. Nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV tỉnh Trà Vinh
5.2.1. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp
Thứ nhất, Nâng cao hiểu biết, nhận thức và kỹ năng quản trị DN cho chủ DN. Các kiến thức kỹ năng như: (i) Quản lý, điều hành tổ chức hay doanh nghiệp; (ii) Xây dựng Đề án/kế hoạch/chiến lược kinh doanh khả thi cho DN; (iii) Xây dựng và thực thi chiến lược marketing, thực hiện xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, liên kết, thương lượng và ký kết hợp đồng mua bán; (iv) Quản trị năng suất, chất lượng hàng hóa/dịch vụ, suất xứ hàng hóa; (v) Quản trị nhân sự; (vi) Quản trị sản xuất; (vii) Quản trị rủi ro;…
Thứ hai, Nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng và kỹ năng sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) và thông tin hữu ích cho chủ DNNVV;
Thứ ba, Tổ chức học tập kinh nghiệm về quản lý, xúc tiến mời gọi, khuyến khích đầu tư thúc đẩy phát triển DN, đồng thời hỗ trợ chủ DN tiếp cận và học tập các mô hình, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh nhất là với DN thuộc các ngành hàng ưu tiên;
Thứ tư, Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho các hiệp hội nghề nghiệp, câu lạc bộ doanh nghiệp.
5.2.2. Cải thiện và nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp
Thứ nhất, Cải thiện vận hành hiệu quả hơn các nguồn quỹ hiện có của tỉnh, đó là: Quỹ Đầu tư Phát triển; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; Quỹ Phát triển KHCN; Quỹ Khuyến công địa phương.
Thứ hai, Kết nối tháo gỡ những khó khăn về tài chính cho DNNVV, nhất là với các ngân hàng thương mại.
Thứ ba, Tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn quỹ Trung ương và kết nối các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn quỹ của Trung ương để mở rộng phát triển, như: Quỹ Phát triển DNNVV; Quỹ Phát triển KHCN quốc gia; Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Khuyến công quốc gia; Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho các DN muốn đầu tư mua sắm máy móc và chuyển giao công nghệ;
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các DN thuộc nhóm ngành hàng ưu tiên tiếp cận các chương trình hỗ trợ và tài trợ từ các dự án;
Thứ năm: Hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và môi trường.
5.2.3. Cải thiện và nâng cao trình độ lao động của DN, đặc biệt là DN thuộc các ngành hàng ưu tiên
Thứ nhất, Cải thiện và nâng cao năng lực và chất lượng các cơ sở giáo dục dạy nghề tại tỉnh; xác định nhu cầu lao động có tay nghề đặt hàng dài hạn của DN để kết nối tổ chức đào tạo nghề lao động;
Thứ hai, Thực hiện kết nối đào tạo nghề giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, các doanh nghiệp có điều kiện có thể tham gia vào đào tạo nghề cho chính mình. Cải tiến các chương trình đào tạo theo thị trường và theo địa chỉ để cung cấp lao động chất lượng cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo nghề của trung ương tại tỉnh như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hay chương trình, đề án về việc làm cho thanh niên. Tổ chức tham vấn và xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ tư, Củng cố, nâng cao và quản lý chất lượng của các cơ sở giới thiệu việc làm, khuyến khích các cơ sở có uy tín từ TP. HCM hoạt động tại Trà Vinh, giúp các DN giảm chi phí tuyển dụng lao động.
5.2.4. Cải thiện và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất
Thứ nhất, Tiếp tục thực hiện các ưu đãi/khuyến khích/hỗ trợ đầu tư cho nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất và ưu tiên sử dụng các Quỹ của tỉnh như Quỹ Đầu tư Phát triển; Quỹ Khuyến công địa phương nhất là Quỹ Phát triển KHCN hỗ trợ các DNNVV thực hiện các dự án các chương trình hiện đại hóa công nghệ, quy trình sản xuất, phát triển sản phẩm mới;
Thứ hai, Cần thực hiện ngay những chính sách và nỗ lực của các cơ quan của tỉnh, hoạt động của các hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện mong muốn lớn nhất của các DNNVV cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua cải tiến hay nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất;
Thứ ba, Tiếp tục và đẩy mạnh cải cách đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho nỗ lực cải tiến hay nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất của DN.
Thứ tư, Thực hiện kết nối với các cơ sở khoa học để chuyển giao và tư vấn cải tiến hay nâng cao kỹ thuật công nghệ sản xuất - kinh doanh của DN.
Thứ năm, Hỗ trợ về tài chính để nâng cao công nghệ sản xuất, hoạt động này hiện vẫn chưa đáp ứng yêu câu của DN.
Thứ sáu, Hướng dẫn và hỗ trợ tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động này mạnh hơn trong DN.
5.2.5. Cải thiện hạ tầng cơ sở phục vụ DNNVV
Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng KCN, KKT để tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận sản xuất, ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến;
Thứ hai, Đầu tư hệ thống giao thông cho các vùng nguyên liệu trọng điểm cụ thể và thiết thực hơn;
Thứ ba, Kiến nghị trung ương và dành đầu tư nhiều hơn để xây dựng mới và nâng cấp các công trình giao thông trọng điểm phục vụ DN;
Thứ tư, Tiếp tục duy trì đầu tư của tỉnh cho các công trình điện nước phục vụ các cơ sở sản xuất - kinh doanh;
Thứ năm, Tạo điều kiện tốt hơn về pháp lý và minh bạch hơn để DN có thể tiếp cận, có được và ổn định mặt bằng sản xuất - kinh doanh.
5.3. Cải thiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính
Thứ nhất, Tiếp tục ban hành và triển khai hiệu quả các văn bản của địa phương để triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN tốt hơn;
Thứ hai, Tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá, bổ sung/điều chỉnh và xây dựng mới có tính đột phá các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN và ưu đãi đầu tư phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương, đặc biệt chú trọng khuyến khích chuyển đổi HKD lên DN, khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo, du lịch cộng đồng;
Thứ ba, Thay đổi phương pháp và công khai minh bạch hóa quá trình hoạch định chính sách, mở rộng việc tham vấn và tham gia ý kiến của các hiệp hội DN, tổ chức và các DNNVV;
Thứ tư, Tiếp tục nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật triển khai chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cấp công thông tin điện tử của tỉnh để mở rộng danh mục dịch vụ trực tuyến với dịch vụ công của tỉnh;
Thứ năm, Tiếp tục nỗ lực hơn thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận “một cửa” tại Trung tâm hành chính công của tỉnh nhằm giảm thời gian và các loại chi phí của DN, đặc biệt là đối với các DN ưu tiên;
Thứ sáu, Tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy chế phối hợp hỗ trợ DN, tất cả hoạt động phối hợp liên ngành về hỗ trợ DN đều được xây dựng quy chế;
Thứ bảy, Củng cố và cải thiện hoạt động các network giữa các ban ngành, chính quyền tỉnh với các đơn vị chức năng hỗ trợ DN của các Bộ, Hiệp hội ngành hàng trong và ngoài nước;
Thứ tám, Tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy quản lý nhà nước thông qua thực hiện tiêu chuẩn công việc ở mỗi vị trí;
Thứ chín, Tiếp tục duy trì thường xuyên các cuộc đối thoại (café doanh nhân), tọa đàm để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN.
5.4. Cải thiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV
Thứ nhất, Nghiên cứu xây dựng và ban hành các chương trình/chính sách đặc thù để hỗ trợ DNNVV;
Thứ hai, Xây dựng và cập nhật hệ thống CSDL, thông tin hỗ trợ phục vụ phát triển DN, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin liên kết cung cầu, tiếp cận thị trường;
Thứ ba, Công khai, minh bạch các tài liệu quy hoạch/ kế hoạch, chính sách về kinh tế - xã hội, môi trường… Thành lập, kiện toàn “đơn vị đầu mối thu thập và cung cấp thông tin cho DN”; các thông tin được thu thập và cập nhật, cung cấp có chủ đích đến DN;
Thứ tư, Cải thiện năng lực điều phối liên ngành, năng lực hỗ trợ phát triển DNNVV của các cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức khối công.
Thứ năm, Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển cung cấp các dịch vụ cho các DNNVV trên địa bàn như dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường; dịch vụ tư vấn về pháp luật; dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh; dịch vụ xúc tiến thương mại; dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính phục vụ DNNVV.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Porter M.E. (1990). The Competitive Advantage of the Nations. New York: The Free Press.
- Porter M.E. (1998). Clusters and New Economics of Competition, Harvard Business Review, Nov-Dev/1998, 77-91.
- Sanchez & Heene. (2004). The new strategic management: Organization, competition and competence. New York: Wiley.
- Nguyễn Đình Hương (2002), Giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
- Phạm Thúy Hồng (2004), Chiến lược cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia.
- Lê Xuân Bá và nhóm tác giả (2006), Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia.
- Phạm Quang Trung, Vũ Đình Hiển, Lê Thị Lan Hương (2009), Tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sách chuyên khảo, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
- Nguyễn Thị Kim Lý (2020), Một số giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 3-2020, truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-thuc-day-doanh-nghiep-nho-va-vua-phat-trien-325683.html
SOLUTIONS FOR THE DEVELOPMENT
OF SMALL AND MEDIUM-SIZED ENTERPRISES LOCATED
IN TRA VINH PROVINCE IN THE PERIOD FROM 2021 TO 2025
• Master. NGUYEN VAN QUOC BINH
Vice Dean, Faculty of Political Theory, Tra Vinh University
• Master. PHAM VAN BE SAU
Deputy head, General Adminstration - Economics - Education Unit,
Department of Planning and Investment - Tra Vinh Province
ABSTRACT:
This paper assesses the current development of small and medium-sized enterprises (SMEs) by using the statistical analysis and the comparison methods with secondary data sets. The data sets were collected from the statistical yearbooks of provinces of Mekong Delta provinces and the national statistical yearbooks. This paper’s findings indicate that the competitiveness of SMEs located in Tra Vinh Province is much lower than the average regional competitiveness of Mekong Delta. It is necessary for Tra Vinh Province to enhance the competitiveness of provincial enterprises in the coming time.
Keywords: Small and medium-sized enterprises, enterprise development, competitiveness, competitiveness of enterprise.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]