TÓM TẮT:
Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, toàn ngành Nông nghiệp Việt Nam đã tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại. Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và 4 quy hoạch ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Từ khóa: nông nghiệp, bền vững, sản xuất, công nghệ, Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII.
1. Đặt vấn đề
Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Sản xuất nông nghiệp cả nông, lâm, thủy sản vẫn duy trì ổn định, phát triển và tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tăng 3,36% so với cùng kỳ; xuất khẩu gần 7 triệu tấn gạo và nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác với tổng kim ngạch hơn 53 tỉ USD. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 3,5%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải phấn đấu đạt từ 55 tỷ USD trở lên; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và nâng cao chất lượng rừng; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 80%; 280 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp quy chuẩn 60%.... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh và linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm.
2. Thực trạng phát triển ngành Nông nghiệp thời gian gần đây
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Sau khi được ban hành, Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo nên những đổi thay to lớn, sâu sắc theo chiều hướng tích cực đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta. Cụ thể:
- Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Năm 2022, ngành Nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt trên 73%. Diện tích lúa cả năm 2022 ước đạt 7,1 triệu ha, giảm 127,7 nghìn ha so với năm trước; năng suất ước đạt 60,2 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8%; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%. Toàn ngành tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021.
Hết quí I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tính đến trung tuần tháng ba, cả nước gieo trồng được 2.922,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.478,7 nghìn ha, bằng 98,1%, đã cho thu hoạch 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, năng suất đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 145,4 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm 28,1 nghìn ha. Quý I năm 2023, sản lượng thu hoạch nhiều loại cây lâu năm tăng so với cùng kỳ năm 2022 do thời tiết thuận lợi, giá bán sản phẩm ổn định. Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá, dịch bệnh được kiểm soát.
- Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phát huy lợi thế so sánh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng.
Nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao; bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân và tăng mạnh xuất khẩu, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn với thị trường trong nước và quốc tế; phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu… Giai đoạn từ năm 2008 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp đạt 3,01%/năm, quy mô GDP (theo quy mô điều chỉnh, tính giá so sánh) toàn ngành tăng gấp 1,4 lần. Năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, gấp hơn 4 lần so với năm 2008. Quy mô xuất khẩu nông sản tăng bình quân 8,01%/năm; năm 2020 đạt 42,34 tỷ đô la Mỹ; năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD. Nông sản của Việt Nam có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, hiệu quả, như mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, “chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến, phân phối sản phẩm khép kín”…
- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn.
Đời sống nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có những đổi thay rõ rệt. Từ một nước thường xuyên thiếu đói, hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm bình quân 1,8%/năm; trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật của nông dân được nâng lên rõ rệt. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, phổ cập giáo dục, văn hóa, thông tin, thể thao được quan tâm và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp năm 2022 cũng gặp nhiều khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá một số nông sản vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường được đẩy mạnh, nhưng thị trường các nước phát triển luôn có những thay đổi, đòi hỏi cao về chất lượng, trong khi để người nông dân hiểu và thay đổi sản xuất theo phương thức mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu cần nhiều thời gian hơn...
Để có thể tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng ngành Nông nghiệp nói chung cần thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra năm 2030 theo Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII.
3. Giải pháp phát triển ngành Nông nghiệp đến năm 2030 theo Nghị quyết Trung ương Đảng khóa XIII
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Từ đó, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, thống nhất cao về nhận thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển "nông nghiệp sinh thái, bền vững; nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường và xu thế hội nhập; khai thác và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, nhất là những lợi thế đặc thù của địa phương.
Hai là, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các khu nông nghiệp chuyên canh tập trung. Rà soát quy hoạch không gian sản xuất trên các lĩnh vực ngư, nông, lâm nghiệp.
Ba là, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp; củng cố, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản hàng nông sản giá trị gia tăng cao. Ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất gắn với đẩy mạnh thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là quy hoạch hệ thống giao thông đường sông, đường biển để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất giống nông nghiệp. Đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu, nhà máy chế biến thức ăn phục vụ sản xuất. Nâng cao năng lực khuyến nông cơ sở nhằm nâng cao chất lượng cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp. Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, từng bước thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư cải tiến công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng chế biến tinh, chế biến sâu; giảm dần xuất khẩu nông sản thô; đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có lộ trình cụ thể sắp xếp nhà máy chế biến thủy sản vào các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đảm bảo theo quy hoạch.
Bốn là, tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo liên kết chuỗi giá trị. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất thông qua nâng cao năng lực và vai trò các tổ chức kinh tế tập thể của nông dân từ các khâu cung cấp dịch vụ đầu vào, bảo quản, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường. Xây dựng cơ chế ràng buộc về quyền lợi và trách nhiệm đảm bảo tính bền vững trong liên kết. Nâng cấp mô hình chuỗi thành dự án chuỗi hợp tác, vùng liên kết, tiểu vùng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp với các tỉnh, thành phố. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với sự tham gia của doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP.
Năm là, mở rộng thị trường, phát triển thương mại tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới có triển vọng; tăng cường triển khai ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong tiêu thụ nông sản. Thu hút đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các chợ nông sản thực phẩm, hệ thống các kênh liên kết tiêu thụ nông sản. Điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu thị trường. Hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác kiểm soát chất lượng hàng nông sản, thị trường nông sản.
Sáu là, làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời, coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thônlà một trong những quyết định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Đảng trong thời kỳ đổi mới.
- Tổng cục Thống kê (2022), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quí IV năm 2022.
- Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế xã hội quí I năm 2023.
Solutions for the development of Vietnam’s agriculture sector by 20230 in accordance to the Resolution of the 13th Party Central Committee
Master. Ly Thi Thuy
Faculty of Finance, Banking and Insurance, University of Economic and Technical Industries
Abstract:
To implement Vietnam’s 10-year Socio-economic Development Strategy for the period of 2021 - 2030 and 5-year Socio-economic Development Plan for the period of 2021 - 2025, the entire agriculture sector of Vietnam has focused on restructuring towards the improvement of added value and the sustainable development associated with the transformation of growth model and the development of modern ecological agriculture. Besides achieved results, Vietnam’s agriculture sector has faced difficulties in the digital transformation process due to the COVID-19 pandemic. As a result, it is necessary for the agriculture sector to focus on implementing the Sustainable Agriculture Development Strategy for the period of 2021-2030, with a vision to 2050; strategies for the development of cultivation, husbandry, fisheries, forestry and aquaculture for the period of 2021 - 2030; the Agricultural Restructuring Plan for the period of 2021 - 2025; and four national-level master plans for the agricultural sector for the period of 2021- 2030.
Keywords: agriculture, sustainability, production, technology, Resolution of the 13th Party Central Committee.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023]