Giải quyết thách thức về an ninh con người trong Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean

Bài báo nghiên cứu "Giải quyết thách thức về an ninh con người trong Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean" do Nguyễn Thị Hà (Trường Đại học Luật, Đại học Huế ) thực hiện.

Tóm tắt:

Bài viết tập trung phân tích nội dung, đặc điểm của thuyết “an ninh con người” phân tích những thách thức về an ninh con người tại khu vực Đông Nam Á hiện nay và đưa ra một số ý kiến giải quyết thách thức về an ninh con người trong Asean. Theo đó, an ninh con người (ANCN) được Asean đặc biệt chú trọng và đã trở thành một trong vấn đề trọng tâm của Asean bởi tinh thần cốt lõi của Asean là “lấy người dân làm trung tâm và hướng đến người dân”, đây cũng là mục tiêu và động lực của tiến trình xây dựng Cộng đồng Asean. Tuy nhiên, bản thân nguyên tắc hoạt động của Asean hay “Phương cách Asean” lại là trở ngại đối với khối này trong việc phát huy vai trò giải quyết các thách thức về ANCN ở khu vực.

Từ khóa: Cộng đồng Chính trị - An ninh, an ninh con người, Asean, Đông Nam Á.

1. Đặt vấn đề

Quan niệm của Asean về an ninh là “an ninh toàn diện”, theo đó an ninh bao gồm các khía cạnh an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa - xã hội. Quan niệm này của Asean được phản ánh rõ trong nhiều văn kiện cơ bản như Tuyên bố Ba-li II về xây dựng các cộng đồng, đặc biệt Cộng đồng Chính trị - An ninh và Hiến chương Asean.[1]

Cách tiếp cận an ninh toàn diện của Asean xuất phát từ thực tế các thách thức an ninh mà Asean và các quốc gia thành viên hiện nay đang phải đối mặt cũng rất toàn diện, bao gồm cả những thách thức an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống. Những thách thức an ninh truyền thống bao gồm những vấn đề như: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biên giới đất liền, tranh chấp biển, đảo giữa các nước thành viên với nhau và với các quốc gia ngoài khu vực. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống cũng xuất hiện ngày càng nhiều và tác động trực tiếp tới an ninh chung của khu vực như: An ninh kinh tế, an ninh năng lượng, các vấn đề môi trường, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh con người, khủng bố, an ninh biển.

Với cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh, thừa nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường của sự phát triển, Cộng đồng Chính trị - An ninh thúc đẩy từ bỏ xâm lược, không đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc những hành động khác không phù hợp với luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Ở góc độ này, Cộng đồng Chính trị - An ninh đề cao các công cụ chính trị của Asean như: Tuyên bố về Khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do và trung lập; Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á; Hiệp ước vì một Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Cùng với sự kết thúc của “chiến tranh lạnh”, sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó yếu tố con người được đặt vào vị trí trung tâm khiến thế giới quan tâm nhiều hơn đến việc xem xét đối tượng, cách tiếp cận về an ninh con người, khái niệm chứa đựng nhiều nội dung hết sức nhạy cảm như vấn đề chủ quyền và nhân quyền, thay đổi chức năng của nhà nước trong bối cảnh mới hiện nay.

2. Khái quát về thuyết “an ninh con người”

Thuật ngữ “an ninh con người”, tuy được diễn giải bằng nhiều cách, nhưng chung quy là sự sinh tồn, của cải vật chất và sự tự do của con người không bị uy hiếp và xâm phạm. Nói cách khác, nguy cơ đe dọa sự sinh tồn, cuộc sống thường ngày và phẩm giá của con người được loại khỏi đời sống xã hội của con người. Trong bối cảnh quốc gia - dân tộc là chủ thể chính, chi phối đời sống trong nước và quốc tế, khái niệm “an ninh con người” không phủ nhận vai trò của nhà nước và các quan niệm an ninh truyền thống, mà chỉ là sự bổ sung, đổi mới cách tiếp cận và là một bộ phận cấu thành quan trọng của quan niệm an ninh quốc gia mới.

Năm 1994 trong "Báo cáo hằng năm về sự phát triển con người" của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã đưa ra khái niệm về an ninh con người. Theo bản báo cáo này, có 7 phương diện liên quan đến an ninh con người, bao gồm: An ninh kinh tế (bảo đảm việc làm và thu nhập); An ninh lương thực (không bị thiếu ăn); An ninh sức khỏe (không bị dịch bệnh); An ninh môi trường (không bị ô nhiễm về không khí, nguồn nước); An ninh thân thể (không bị đe dọa hay dùng vũ lực); An ninh cộng đồng (duy trì bản sắc văn hóa, đặc trưng của dân tộc); An ninh chính trị (bảo đảm quyền tự do cơ bản của con người).

Như vậy, có thể khái quát những đặc điểm chính của thuyết an ninh con người như sau:

Thứ nhất, khái niệm an ninh con người được đưa ra là một thách thức đối với quan niệm an ninh truyền thống (coi quốc gia - dân tộc và chính quyền nhà nước là chủ thể chính, đóng vai trò trọng tâm trong bảo đảm an ninh). Giờ đây, thuyết mới lại đặt con người là trung tâm, coi an ninh và tôn nghiêm con người là chính. Mục tiêu hàng đầu mà an ninh đạt tới là bảo đảm cho con người (cá nhân và cộng đồng) có một đời sống an bình, thịnh vượng, không bị đe dọa từ các phía.

Thứ hai, tuy khái niệm an ninh con người được xem xét trên bình diện rộng, bao gồm hầu như toàn bộ các khía cạnh đời sống của con người và xã hội, nhưng điểm nhấn và tập trung nhất của nó là vấn đề nhân quyền, trong đó đặc biệt coi trọng "chủ quyền cá nhân". Đặt an ninh con người vào vị trí cao hơn an ninh quốc gia, coi nhân quyền cao hơn chủ quyền như vậy sẽ xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua tiến trình lịch sử của dân tộc và nhân loại, xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quan hệ quốc tế, trong đó quốc gia - dân tộc và nhà nước là chủ thể chính, đối tượng an ninh hàng đầu cần được bảo vệ. Vì vậy, tuyệt đối hóa an ninh con người sẽ là nguy hiểm, làm suy yếu nhà nước, quốc gia - dân tộc, tạo ra sự bất ổn, nhất là đối với các nước có trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển.

Thứ ba, từ việc nhấn mạnh đến "an ninh cho ai", "an ninh của ai", thuyết này đã góp phần quan trọng trong việc xác định ranh giới giữa an ninh truyền thống và phi truyền thống, giữa sử dụng bạo lực và phi bạo lực trong duy trì an ninh. Từ đó có thể đưa ra một chương trình hành động mang tính chính trị nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thực thể trong xã hội, nhất là giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, giữa cá nhân và tập thể, giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế vì sự phát triển của con người. Tính chủ động và tích cực cũng như những ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các thực thể trong xã hội mà thuyết an ninh con người đã chỉ ra là một đóng góp quan trọng trong việc điều chỉnh và thực thi chính sách an ninh mới cho mỗi quốc gia - dân tộc và phạm vi toàn cầu.

Có thể thấy khái niệm an ninh con người do UNDP đưa ra, có tính khả thi không cao trong thực hiện một giải pháp tổng thể gồm 7 nhóm vấn đề. Thêm vào đó, thuyết này đặt an ninh con người vào vị trí cao hơn an ninh quốc gia, coi nhân quyền cao hơn chủ quyền; như vậy sẽ xem nhẹ hay thậm chí bỏ qua tiến trình lịch sử của dân tộc và nhân loại, xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản của hệ thống quan hệ quốc tế, trong đó quốc gia - dân tộc và nhà nước là chủ thể chính, đối tượng an ninh hàng đầu cần được bảo vệ. Vì vậy, tuyệt đối hóa an ninh con người sẽ là nguy hiểm, làm suy yếu nhà nước, quốc gia - dân tộc, tạo ra sự bất ổn, nhất là đối với các nước có trình độ dân trí thấp, kinh tế kém phát triển. Và hệ quả cuối cùng rất có thể dẫn tới việc hạn chế các khả năng bảo đảm an ninh cho chính con người.

Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean quan niệm về ANCN không chỉ tập trung vào quan niệm an ninh truyền thống mà còn hướng đến lĩnh vực an ninh phi truyền thống, mặc dù nội dung này không được nêu rõ trong Hiến chương Asean. Do vậy, vấn đề ANCN không thuần túy là vấn đề an ninh, mà còn liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Điều này được bao hàm trong nội dung quy định tại Điều 8 Hiến chương Asean trên nguyên tắc an ninh tổng thể.

3. Những thách thức về an ninh con người tại khu vực Đông Nam Á hiện nay

Thách thức ở Đông Nam Á đối với ANCN chủ yếu là an ninh phi truyền thống (ANPTT),[2] là những vấn đề về các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm khủng bố và ma túy đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trong và ngoài khu vực. Trong Tuyên bố chung Asean - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT, các nhà lãnh đạo Asean và Trung Quốc đã bày tỏ “sự quan ngại về những vấn đề ANPTT ngày càng gia tăng như buôn lậu, ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao”, nhất là tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy và các tội phạm xuyên quốc gia, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, bệnh dịch, tai nạn và ùn tắc giao thông, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Thực chất ANPTT là một loại quan niệm an ninh mới. Bản chất của nó là vấn đề xuyên quốc gia do nhân tố phi chính trị, phi quân sự gây ra, trực tiếp ảnh hưởng, thậm chí uy hiếp tới sự phát triển, ổn định và an ninh của nước mình, nước khác, thậm chí là khu vực và toàn cầu. Hiện nay, những vấn đề ANCN, ANPTT đã vượt qua khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, trở thành những thách thức mang tính toàn cầu, bởi hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế nhất là khủng bố bằng vũ khí sinh, hóa học, bệnh dịch là “không biên giới”. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh với những vấn đề này đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, những giải pháp và bước đi hài hòa kết hợp giữa kinh tế, chính trị, ngoại giao, pháp luật, khoa học - kỹ thuật và các mặt khác.

Vừa qua, các nước Đông Nam Á là “điểm nóng” của đợt bùng phát dịch Covid-19 do biến thể siêu lây nhiễm Delta gây ra, Asean đã nỗ lực chống dịch song song với phục hồi kinh tế, trên cơ sở tiếp tục thực thi Khuôn khổ phục hồi toàn diện Asean và Kế hoạch thực hiện, được thông qua tại Hội nghị cấp cao Asean lần thứ 37 (tháng 12/2020). Đây được coi như một chiến lược hợp nhất để Asean vươn lên kiên cường hơn và mạnh mẽ hơn từ đại dịch Covid-19. Quỹ ứng phó Asean về Covid-19, một trong những sáng kiến quan trọng của Việt Nam trong năm Chủ tịch Asean 2020, đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các nước thành viên và các đối tác. Các đối tác đối thoại, đặc biệt là Mỹ, Ốt-xtrây-li-a, Ấn Độ và Nga đã đồng ý tăng hỗ trợ cho Asean trong ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời đưa ra các cam kết, sáng kiến cụ thể hỗ trợ Asean nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu phát triển và tiếp cận vaccine phòng Covid-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.

Bên cạnh đó, các ngoại trưởng Asean cũng đề ra Kế hoạch hành động và Chiến lược khu vực về An ninh và Tự cường về vaccine của Asean 2021 - 2025, trong đó kêu gọi các nước thành viên và các đối tác tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, cung cấp khả năng tiếp cận công bằng đối với thuốc điều trị Covid-19, cũng như chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng khác trong tương lai.

Vấn đề Mi-an-ma cũng là nội dung quan trọng. Việc Asean bổ nhiệm Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Bru-nây, ông Erywan Yusof, làm đặc phái viên của khối tại Mi-an-ma được xem là điểm nhấn quan trọng để tháo gỡ những thách thức trong khu vực. Vai trò của đặc phái viên Asean tại Mi-an-ma là gây dựng lòng tin và uy tín giữa các bên, đồng thời cung cấp một lịch trình rõ ràng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại nước này. Mi-an-ma đã đồng ý với quyết định này và cam kết sẽ tạo điều kiện để đặc phái viên thực hiện nhiệm vụ. Cùng với việc đạt được thỏa thuận giao cho Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo, quản lý thiên tai của Asean (AHA) nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo, quyết định bổ nhiệm đặc phái viên khẳng định cam kết của Asean trong hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên ở Mi-an-ma và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia thành viên này. Bước tiến của Asean trong việc tìm giải pháp cho vấn đề Mi-an-ma đã được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh quyết định bổ nhiệm đặc phái viên của Asean là bước đi quan trọng nhằm thực thi Đồng thuận 5 điểm đã được thông qua tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Asean ngày 24/4/2021. Liên hiệp quốc mong muốn tiếp tục hợp tác với Asean để ứng phó phù hợp với cuộc khủng hoảng chính trị ở Mi-an-ma, đồng thời ghi nhận các vai trò bổ sung của đặc phái viên Asean và đặc phái viên của Liên hiệp quốc. Nhiều nước, như: Nhật Bản, Mỹ… đã hoan nghênh và bày tỏ ủng hộ quyết định của Asean.

Trong bối cảnh tác động của ANPTT, đại dịch toàn cầu Covid-19, vấn đề Mi-an-ma và cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có xu hướng quyết liệt hơn, các nhà phân tích cho rằng, nếu nội bộ của Asean thiếu thống nhất sẽ khiến Hiệp hội khó đạt được lập trường chung giữa các nước thành viên về các vấn an ninh khu vực liên quan đến nước lớn. Điều này, đưa đến hệ quả là vai trò của Asean trong chiến lược của các nước lớn có khả năng suy giảm.

4. Giải quyết thách thức về an ninh con người trong Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean

Kể từ khi thành lập, vấn đề ANCN đã là một trong những nội dung then chốt của Asean và là một trong những đích hướng tới của việc xây dựng Cộng đồng Asean. Asean đã thực hiện khái niệm “an ninh” trong Chiến tranh Lạnh, mặc dù Tuyên bố Băng Cốc không đề cập rõ ràng từ “an ninh”. Vào thời điểm đó, hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh được nhấn mạnh vào hợp tác trong lĩnh vực quân sự, đồng thời duy trì nguyên tắc chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp như được quy định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) năm 1976.

Bên cạnh đó, thiên tai được coi như một vấn đề ANCN quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong Kế hoạch tổng thể của Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean, việc đề cập đến khái niệm an ninh phi truyền thống được liệt kê trong mục 9 của chương về Đặc điểm và Các thành tố của Cộng đồng Chính trị - An ninh Asean. Vấn đề quản lý thảm họa được đề cập rõ ràng trong đặc điểm thứ hai, đó là khu vực gắn kết, hòa bình và kiên định với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện.

Một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong quản lý thiên tai ở Asean sau khi Hiến chương Asean được ban hành là việc thông qua Hiệp định Asean về Quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp (AADMER) vào năm 2009, mặc dù Hiệp định này được đưa ra từ năm 2005. Để thực hiện chức năng này, Asean đã thành lập Trung tâm Điều phối Asean về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (Trung tâm AHA) bắt đầu hoạt động từ tháng 11-2011, có chức năng điều phối quản lý thiên tai trong Asean.

Trong những năm gần đây, do nhu cầu xây dựng Cộng đồng Asean, các nước thành viên của khối cũng đã từng bước điều chỉnh cách tiếp cận an ninh của mình, coi yếu tố con người là một trong những thành tố chính cấu thành an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện qua bản Hiến chương Asean được thông qua tháng 11/2007 và trong các chương trình phát triển quốc gia của các nước thành viên.

Việc thông qua Hiến chương Asean trong đó nhấn mạnh vấn đề ANCN như trong tuyên bố: “Tuân thủ các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”[3] và việc thiết lập cơ quan nhân quyền, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Asean về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người, đã minh chứng cho việc Asean từng bước khẳng định vai trò của ANCN. Sự ra đời của Cộng đồng Asean và khẳng định mục tiêu của xây dựng cộng đồng hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm là minh chứng rõ nhất đối với tầm quan trọng của vấn đề ANCN đối với mục tiêu phát triển của Asean.

Asean ban đầu được thành lập với mục đích bảo đảm an ninh cho khu vực Đông Nam Á và không nhằm mục đích hội nhập các lĩnh vực kinh tế của các quốc gia thành viên hoặc thành lập các tổ chức siêu quốc gia. Asean tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, cụ thể là bằng việc đưa ra tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) năm 1971 và thứ hai, trong Hội nghị Bali năm 1976 đã tạo ra TAC. Asean tìm cách tạo ra sự ổn định quốc phòng và an ninh khu vực bằng cách tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và văn hóa. Vào thời điểm đó, hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực quân sự, đồng thời duy trì nguyên tắc không can thiệp và chủ quyền quốc gia như đã đề ra trong TAC năm 1976. Nguyên tắc chủ quyền quốc gia và không can thiệp được đặt ra trong TAC đã trở thành cơ sở pháp lý cho các cơ chế của Asean trong giải quyết các vấn đề ở Đông Nam Á, cũng như trong ứng xử với các quốc gia thành viên. Cơ chế này của Asean được gọi là “Phương cách Asean”, là cốt lõi của văn hóa an ninh Asean bao gồm một số yếu tố, đó là: bình đẳng về chủ quyền, không sử dụng vũ lực, không can thiệp của Asean vào các xung đột song phương, thực hiện ngoại giao thầm lặng, tôn trọng lẫn nhau và khoan dung. Bản thân khái niệm Phương cách Asean là một nguyên tắc phát triển và bắt nguồn từ truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là ở In-đô-nê-xi-a trong việc giải quyết một vấn đề, cụ thể là nguyên tắc thảo luận và đồng thuận.

Có thể thấy, nguyên tắc chủ quyền quốc gia và không can thiệp là trọng tâm của “Phương cách Asean” (Asean Way). Nguyên tắc này được các nước thành viên Asean ở khu vực Đông Nam Á thực thi rất mạnh mẽ. Trong một số trường hợp chẳng hạn như trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau hay việc giải quyết các xung đột xảy ra trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên Asean, nguyên tắc này được coi là “kim chỉ nam” khá hữu hiệu để ngăn chặn những xích mích nảy sinh trong quan hệ giữa các quốc gia này. Tuy nhiên, nếu liên quan đến việc xử lý vấn đề ANCN ở Đông Nam Á, đặc biệt là ứng phó với thiên tai, việc áp dụng nguyên tắc quốc gia chủ quyền và tuyệt đối không can thiệp vào Đông Nam Á của các nước thành viên Asean còn có những thách thức nhất định.

Mặc dù Asean nhận thức sâu sắc vai trò của ANCN ở khu vực, nhưng gặp phải thách thức mang tính cốt lõi nhằm bảo đảm vấn đề ANCN, đó chính là “Phương cách Asean” với nguyên tắc cốt lõi là “chủ quyền nhà nước” và “không can thiệp”.

Điểm yếu của “Phương cách ASEAN” với tư cách là “Cơ chế Asean trong quản lý thiên tai ở khu vực Đông Nam Á” chính là nguyên tắc nhà nước chịu trách nhiệm chính cho việc quản lý thiên tai xảy ra trên một địa bàn của đất nước. Nhà nước có trách nhiệm tuyệt đối trong việc bảo vệ công dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai bằng cách bảo đảm thực hiện các quyền con người. Song, nguyên tắc chủ quyền tuyệt đối của Nhà nước và không can thiệp theo “Phương cách Asean” sẽ không thành công trong giải quyết các vấn đề ANCN, đặc biệt là trong trường hợp thiên tai lớn ở biên giới quốc gia, cũng như khi xung đột vũ trang xảy ra khiến đất nước không thể hoặc không sẵn sàng xử lý. Điều này cũng bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về quan điểm và mục tiêu giữa khái niệm “Phương cách Asean” và khái niệm ANCN, thể hiện ở một số điểm như: (i) “Phương cách Asean” nhấn mạnh rằng đối tượng của an ninh là các quốc gia, dân tộc có chủ quyền và trong một số trường hợp là “các dân tộc” của Đông Nam Á. Mặt khác, “ANCN” nhấn mạnh đối tượng là cá nhân; (ii) “Phương cách Asean” xác định quốc gia, dân tộc là người bảo đảm an ninh thích hợp, người thực thi an ninh, trong khi “ANCN” xác định cộng đồng toàn cầu là người bảo đảm an ninh; (iii) “Phương cách Asean” thúc đẩy sự hợp tác dần dần và tự nguyện của các quốc gia nhằm đạt được an ninh toàn diện, trong khi “ANCN” ủng hộ hành động quyết định ngắn hạn và trung hạn có hoặc không có sự hợp tác của quốc gia này với quốc gia khác.

Mặc dù Asean có những trở ngại nhất định trong giải quyết vấn đề ANCN, song khối này cũng có nhiều triển vọng trong việc thúc đẩy bảo đảm ANCN ở khu vực. Chẳng hạn như, ASEAN có thể tận dụng các cơ chế hợp tác do Asean dẫn dắt tại khu vực để thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong vấn đề ANCN. Ví dụ điển hình là khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Asean cũng đã tương đối thành công trong thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong ứng phó với đại dịch và phục hồi sau đại dịch.

Bên cạnh đó, Asean có thể phát huy các cơ quan của mình trong bảo đảm ANCN. Chẳng hạn như cơ quan Asean có thẩm quyền trong vấn đề ứng phó với thiên tai ở khu vực là Trung tâm Hỗ trợ nhân đạo Asean (AHA). Ngoài ra, cũng cần tăng cường vai trò của Tổng Thư ký Asean (biểu hiện của Asean dưới hình thức một tổ chức quốc tế độc lập và phân biệt với các nước thành viên) trong các tình huống ứng phó khẩn cấp nhân đạo. Hiện tại, vai trò của Tổng Thư ký Asean vẫn thuộc quyền kiểm soát của các nước thành viên, giới hạn ở vai trò điều phối viên hỗ trợ nhân đạo trong ứng phó thiên tai. Tổng Thư ký Asean có thể đóng vai trò tích cực hơn trong quá trình bảo đảm ANCN ở khu vực Đông Nam Á.

Bối cảnh thế giới và khu vực đang buộc Asean phải có những điều chỉnh để thích nghi, phải đưa ra được những quyết định đúng đắn và kịp thời nhất để đưa Cộng đồng Asean, bao gồm 635 triệu dân và một nền kinh tế khu vực ngày càng hội nhập sâu rộng có thể tiếp tục phát triển. Không chỉ điều chỉnh về hướng phát triển, cũng như xây dựng hình ảnh mới, yêu cầu điều chỉnh phương cách hoạt động cũng cấp thiết không kém, là bước đi cần thiết để Asean tiếp tục thể hiện được vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực. Một vài đề xuất cho nội dung này như:

Trước hết, Asean cần tiếp tục vận dụng nguyên tắc đồng thuận với sự linh hoạt cao hơn nhưng trên cơ sở đồng thuận trước khi thực hiện và phải thống nhất các lĩnh vực, giới hạn rõ hơn các vấn đề được thực hiện theo công thức linh hoạt này. Thứ hai, không nhất thiết phải thay đổi nguyên tắc đồng thuận, song Asean cần xem xét thiết lập các cơ chế bổ sung để cho phép một mức độ linh hoạt nhất định đối với nguyên tắc này, trước hết là trong những vấn đề ít nhạy cảm. Thứ ba, Asean có thể quy định một danh mục cụ thể các vấn đề nhạy cảm, bắt buộc phải có đồng thuận, và một danh mục các vấn đề ít nhạy cảm, không nhất thiết phải có đồng thuận. Thứ tư, Asean cần sớm trao đổi thẳng thắn, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và trách nhiệm quốc tế của các nước thành viên, giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của khu vực, trong từng vấn đề, làm rõ đâu là giới hạn các nước thành viên có trách nhiệm bắt buộc phải đồng thuận và tới mức độ nào thì không cần đồng thuận.

Việc điều chỉnh các nguyên tắc cơ bản, điều chỉnh nguyên tắc đồng thuận, dù ở mức độ nào đi nữa, cũng cần phải bảo đảm sự đoàn kết nội khối và sức mạnh tập thể của ASEAN, cũng như bảo đảm tính linh hoạt, khả năng thích nghi và năng lực xử lý quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực của Asean.

5. Kết luận

Vấn đề ANCN là một trong những vấn đề then chốt của Asean, nhất là đối với tương lai phát triển của cộng đồng Asean hướng tới con người, lấy người dân làm trung tâm. Asean phải ưu tiên bảo đảm tự cung, tự cấp lương thực và an ninh trong khu vực thông qua các giải pháp sáng tạo để đạt được ANCN tổng thể. Đồng thời, vấn đề ANCN cũng là một trong những nội dung quan trọng Việt Nam đang hướng tới theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sự kết hợp giữa các nguyên tắc linh hoạt, các cơ chế bổ sung với các nguyên tắc cơ bản đã có, trong đó có nguyên tắc đồng thuận, xác định rõ mức độ tin cậy, trao đổi thẳng thắn các vấn đề nhạy cảm, trên các nền tảng đã được xây dựng trong hơn 50 năm qua, là hướng đi thích hợp nhất, để có thể duy trì một Asean đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, nâng cao được hiệu quả hợp tác và thực sự giúp Asean tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm trong các tiến trình hợp tác và xây dựng các thể chế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 

Tài liệu trích dẫn:


[1]   Tuyên bố Ba-li II ghi rõ: “Thừa nhận quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại và các thỏa thuận quốc phòng riêng của mình và có tính đến sự liên hệ mật thiết giữa thực tiễn chính trị, kinh tế và xã hội, Cộng đồng An ninh Asean tuân theo nguyên tắc an ninh toàn diện bao gồm các khía cạnh chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội phù hợp với Tầm nhìn Asean 2020 chứ không tiến tới thành lập một hiệp ước quốc phòng, một liên minh quân sự hay một chính sách đối ngoại chung”.

Hiến chương ASEAN ghi nhận mục tiêu: “Đối phó hữu hiệu với tất cả các mối đe dọa, các loại tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức xuyên biên giới, phù hợp với nguyên tắc an ninh toàn diện”.

Theo khoản 7 Điều 1 Hiến chương Asean, một trong những mục tiêu của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á là thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của con người. Đối với Asean, do các đặc điểm riêng về văn hóa - xã hội, các nước Asean nhìn nhận các quyền của cá nhân phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với quyền của các cá nhân khác, gia đình, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, Asean có một hệ thống triết lý và chính sách công nhận, bảo vệ quyền con người tương đối đặc thù, trong đó, các yếu tố về văn hóa, chính trị, xã hội tại mỗi quốc gia luôn được xem xét đến, điều này thể hiện rõ trong các văn kiện pháp lý liên quan đến quyền con người của Asean.

[2] Là một cụm từ được xuất hiện chính thức trong “Tuyên bố chung Asean - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT”

Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ sáu giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) và Trung Quốc, ngày 01 tháng 11 năm 2002, cụm từ ANPTT chính thức xuất hiện trong Tuyên bố chung Asean - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT và thống nhất rằng: Các vấn đề ANPTT như buôn bán ma túy bất hợp pháp, mua bán người bao gồm mua bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng, đã trở thành những yếu tố bất ổn quan trọng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, quốc tế và đang đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.  Theo quan điểm của Liên hợp quốc, ANPTT gồm 10 mối đe dọa: (1) khủng bố, (2) ma túy, (3) hải tặc, (4) rửa tiền, (5) tin tặc, (6) thảm họa môi trường, dịch bệnh, mua bán người, (9) di cư trái phép và (10) cực đoan dân tộc, tôn giáo. Sau đó, ANPTT được sử dụng rộng rãi, phổ biến trên nhiều diễn đàn quốc tế thảo luận về các vấn đề chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội; trong chiến lược quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia - dân tộc, cũng như trong hợp tác an ninh của nhiều khu vực và thế giới. Theo tuyên bố, những vấn đề ANPTT đang ngày càng gia tăng là: ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, di cư tự do, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, ma túy, buôn bán người, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm công nghệ cao.

[3] Hiến Chương Asean, Mục 9, Lời nói đầu

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo hằng năm về sự phát triển con người" của Chương trình Phát triển của Liên hợp Quốc (UNDP).
  2. Hiệp ước vì một Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
  3. Hiệp định Asean về uản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp
  4. Tuyên bố về Khu vực Đông Nam Á hòa bình, tự do và trung lập
  5. Tuyên bố chung Asean - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực ANPTT”
  6. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN)

 

Resolving the challenge of human security in the ASEAN political-security community

Nguyen Thi Ha

University of Law, Hue University

Abstract:

This study analyzes the concept and key characteristics of "human security," examines the current human security challenges in Southeast Asia, and proposes recommendations for addressing these issues within the ASEAN framework. Human security has been a central focus for ASEAN, reflecting its "people-centered and people-oriented" ethos, which serves as both the goal and driving force of the ASEAN Community-building process. However, ASEAN’s operational principles, commonly referred to as the "ASEAN Way," have posed significant barriers to the bloc’s ability to fully address and resolve human security challenges in the region.

Keywords: political-security community, human security, ASEAN, Southeast Asia.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2024]