TÓM TẮT:
Cây xanh đô thị là yếu tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu diễn ra một cách nhanh chóng như hiện nay, cây xanh ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong việc điều hòa khí hậu. Bài viết tập trung đánh giá hiện trạng việc quy hoạch cây xanh đô thị tại thành phố Trà Vinh, những kết quả đạt được và đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng, giữ gìn hình ảnh thành phố “xanh - sạch - đẹp”, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ khóa: cây xanh đô thị, thành phố Trà Vinh, quy hoạch cây xanh, biến đổi khi hậu.
1. Đặt vấn đề
Tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển loại hình du lịch đô thị, cải thiện tình trạng đói nghèo. Tốc độ đô thị hóa ở đồng bằng Sông Cửu Long cũng diễn ra nhanh chóng, hằng năm có nhiều đô thị được công nhận, nâng loại. Bên cạnh những mặt tích cực, đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải gánh chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Trước những thách thức của việc phát triển đô thị, biến đổi khí hậu, vai trò của cây xanh ngày nay trở nên quan trọng bao giờ hơn. Việc duy trì và phát triển cây xanh đô thị là một thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị, góp phần điều hòa môi trường đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Khái quát về thành phố Trà Vinh
Thành phố Trà Vinh nằm ở phía Bắc của tỉnh Trà Vinh, bên bờ Nam sông Tiền, phía Bắc giáp với huyện Mỏ Cày Nam tỉnh Bến Tre (qua sông Cổ Chiên), phía Đông và Nam giáp huyện Châu Thành, phía Tây giáp huyện Càng Long. Vốn là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thành phố Trà Vinh được Chính phủ công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào ngày 05/02/20161.
Với đặc thù là tỉnh có thảm thực vật đa dạng, thành phố Trà Vinh được mệnh danh là “Lá phổi xanh” của khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hàng ngàn cây xanh với tuổi thọ hàng trăm năm tuổi. Thành phố Trà Vinh luôn khoác lên mình màu xanh của thiên nhiên ban tặng là nét đặc trưng, là niềm tự hào của người dân thành phố mỗi khi nhắc tới. Vì vậy, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố Trà Vinh đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc phát triển kinh tế gắn liền với việc giữ gìn bản sắc đô thị theo hướng xanh - sạch - đẹp.
3. Hiện trạng quản lý cây xanh trên địa bàn thành phố Trà Vinh
Với những đặc điểm nổi bật của mình với hàng ngàn cây xanh cổ thụ trên 100 năm tuổi phủ khắp các tuyến đường nội ô, trên địa bàn các phường, xã với tỷ lệ cây xanh đạt 2m2/người. Toàn Thành phố hiện đã bao phủ 59 tuyến đường (gồm 32 tuyến nội ô và 27 tuyến vùng ven), với 14.450 cây thuộc 33 chủng loại. Trong đó, có hơn 800 cây cổ thụ từ 100 đến 300 năm tuổi ở các tuyến phố được quản lý, gần 1.300 cây cao từ 12m trở lên, hơn 5.800 cây cao từ 6m đến dưới 12m, còn lại là cây xanh dưới 6m và cây kiểng2.
Hiểu được vị trí, vai trò của cây xanh đô thị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị. Trong đó, quy định việc quy hoạch, trồng, chăm sóc, bảo về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Theo đó, tỉnh Trà Vinh cũng đã ban hành Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND tỉnh Trà Vinh về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Quy định này là cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm có liên quan đến cây xanh đô thị. Thành phố Trà Vinh và các tổ chức, các nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, chăm sóc. Ngày 17/7/2016, thành phố Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch 41/KH-UBND của Thành phố về việc đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cây xanh đô thị thành phố Trà Vinh đến năm 2020. Thành phố cũng quy định chỉ có UBND Thành phố mới có thẩm quyền cấp phép đốn hạ, di dời cây xanh đô thị. Mỗi cây xanh được đánh dấu, được hình thành một bộ hồ sơ rất hoàn hảo từ các cơ quan chức năng, như: số thứ tự của cây, tuổi đời, nguồn gốc, quá trình phát triển, bộ họ, đang tọa lạc ở đường nào, định kỳ vệ sinh, phun thuốc, cắt tỉa,… Việc mở hồ sơ cho cây đảm bảo cho công tác quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Từ tháng 5/2016, thành phố Trà Vinh triển khai thực hiện dự án “Bảo tồn cây cổ thụ Thành phố Trà Vinh” nhằm đảm bảo cho cây xanh được bảo vệ, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Thực hiện đề án này, thành phố Trà Vinh đã và đang phát huy những điều kiện sẵn có với những cây cổ thụ đã có từ thời Pháp thuộc, Thành phố cùng với sự tham gia của cộng đồng quan tâm chăm sóc từng cây một, đối với nhiều cây có dấu hiệu bị bệnh UBND thành phố Trà Vinh đã mời chuyên gia về tìm giải pháp cứu cây trong đó có phương pháp truyền dịch để tăng cường sức sống cho cây.
Ngoài ra, thành phố Trà Vinh đã phát động phong trào thi đua "Xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường" đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân toàn thành phố Trà Vinh; Từng bước xây dựng thành phố Trà Vinh ngày càng phát triển, hướng tới đô thị "xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu" góp phần chào mừng đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XV của Đảng. Phong trào thi đua tập trung các nội dung chủ yếu cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục một cách sâu rộng và đồng bộ trong các ban ngành, các cấp, cộng đồng dân cư để mọi người nhận thức rõ tính cấp bách và tầm quan trọng trong việc xây dựng dựng thành phố Trà Vinh phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II còn lại. Các ngành chuyên môn thành phố, phường xã ít nhất có 1 mô hình phát động phong trào “Xây dựng đô thị phát triển bền vững và thân thiện với môi trường”; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án nâng cấp đô thị, thoát nước và xử lý nước thải thành phố, các dự án chống biến đổi khí hậu,… nâng cấp chỉnh trang, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng đô thị; quản lý phát triển cây xanh, trồng mới, thay thế cây xanh, bảo dưỡng cây cổ thụ và vệ sinh môi trường,… tăng cường quản lý công tác thu gom, vận chuyển rác thải. Nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước tránh ngập úng; Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn đảm bảo theo quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị, theo hướng phát triển mở rộng thành phố; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, cương quyết xử lý tình trạng kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; đổ rác thải sinh hoạt, chất thải rắn bừa bãi, không đúng nơi quy định, chặt phá cây xanh công cộng,… Tổ chức quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp để di dời các cơ sở kinh doanh thường xuyên gây ô nhiễm môi trường về khu tập trung cách xa khu dân cư; Khuyến khích các thành phần kinh tế áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, các mô hình áp dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính... Tất cả những hoạt động đều hướng tới việc giảm thiểu những tác nhân xấu đang ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây xanh trong khu vực.
Bên canh đó, Thành phố còn phát động phong trào tổng vệ sinh môi trường vào “ngày thứ bảy tình nguyện” và “ngày chủ nhật xanh”, xây dựng đô thị văn minh, nhân rộng mô hình tổ tự quản về quản lý trật tư đô thị và các mô hình như: “Tuyến đường văn minh”, “Đường phố không rác”, trong toàn cán bộ, công nhân viên và quần chúng nhân dân gắn liền với việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, vai trò nòng cốt của tổ chức Đoàn - Hội trong việc vận động hộ dân cùng tham gia giải quyết các vấn đề môi trường. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là trang bị cho đoàn viên, hội viên,… những kiến thức cơ bản về giữ gìn vệ sinh môi trường, cùng chung tay với chính quyền bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Ngoài việc xây dựng hệ thống cây xanh được trồng mới với đặc tính sinh trưởng phù hợp với điều kiện đất đai đối với từng tuyến đường trên địa bàn Thành phố, mỗi năm thành phố dành ra khoảng 8 tỷ đồng để chăm sóc, bảo vệ cây xanh. Đối với những cây cổ thụ có khả năng gãy đổ, Thành phố tiến hành rà soát cẩn trọng, khi không còn phương án thì mới cưa bỏ, còn lại tiếp tục bảo tồn và duy trì phát triển. Những cố gắng của Chính quyền vànhân dân nơi đây thể hiện quyết tâm giữ gìn màu xanh cho Thành phố, xây dụng thành phố Trà Vinh từng bước hiện đại, văn minh và phát triển bền vững.
4. Đề xuất giải pháp phát triển cây xanh đô thị thành phố Trà Vinh thích ứng với biến đổi khí hậu
Với mục tiêu phấn đấu thành phố Trà Vinh trở thành đô thị loại I, Thành phố đang từng bước thực hiện nhiệm vụ mang tính chiến lược, trong đó vươn tới một đô thị xanh hiện đại, thích ứng với biển đổi khí hậu là một vấn đề trọng điểm. Theo đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đối với hệ thống cây xanh đô thị, phát triển bền vững là tập trung vào những lợi ích ròng của cây ở mức độ rộng và đòi hỏi phải có một tập hợp các hoạt động quản lý từ cây đơn lẻ đến toàn hệ thống cây xanh đô thị trong một khu vực đô thị. Đó là một quá trình phức tạp, đòi hỏi những nỗ lực giữa nhiều người sử dụng, bởi sẽ cóảnh hưởng cụ thể đến tính bền vững của hệ thống này. Một hệ thống cây xanh đô thị bền vững phải kết hợp đa dạng sinh học, các loài, kích thước và tuổi của cây khác nhau. Đặc biệt, phải phù hợp với từng địa phương cũng như xác định được khí hậu sẽ thay đổi như thế nào và những vấn đề gì có thể ảnh hưởng đến các loài cây. Vì vậy, để góp phần phát triển một nền kinh tế xanh bền vững tại vùng,trong quy hoạch xây dựng cần đảm bảo các giải pháp phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện trạng cây xanh đô thị ở Thành phố đã và đang phát triển, nhưng không tránh khỏi việc cây ngày càng già cỗi. Để tiếp tục giữ gìn màu xanh của Thành phố, trong tương lai cần chú trọng tới việc đầu tư ngân sánh cho công tác chăm sóc, duy trì cây xanh đô thị. Đặc biệt,cần chú trọng tới hoạt động nghiên cứu quy hoạch trồng những cây mới dự trù trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tăng đối với từng nhóm cây. Nhóm các đường phố cũ, có cây xanh lâu năm phát triển tốt thì tiếp tục chăm sóc, củng cố. Đối với các nhóm đường chưa có cây xanh bóng mát hoặc các đường phố đang quy hoạch, Thành phố cần xem xét khả năng trồng cây bóng mát, nhanh chóng tiến hành quy hoạch và thiết kế cây xanh một cách tổng thể và toàn diện. Đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa quy hoạch cấp điện, quy hoạch viễn thông phù hợp với hệ thống cây xanh đô thị. Cụ thể, cần đảm bảo việc phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn liền với phát triển cây xanh đô thị: nghiên cứu thiết kế vị trí, chiều cao hệ thống đèn chiếu sáng đường phố trên vỉa hè, dải phân cách đồng bộ hệ thống cây xanh, đảm bảo các tiêu chí cơ bản, như: hạn chế xung đột về bố trí mặt bằng, chiều cao đèn - cây xanh phù hợp; hạn chế ảnh hưởng của hệ thống chiếu sáng đến khả năng sinh trưởng cây xanh; Giảm các chi tiết bê tông, sắt thép, tạo hiệu quả thị giác, giúp người dân có thêm lòng yêu mến, tự hào về đường phố thân yêu của mình.
Hai là, khuyến khích người dân “xã hội hóa” công tác quản lý, trồng, bảo vệ cây xanh đô thị, coi đó chính là bảo vệ cuộc sống của mình. Các cơ quan chức năng cần thực hiện “xã hội hóa” từng phần, từng công việc cụ thể để người dân và các tổ chức xã hội cùng tham gia; Thường xuyên phát động chương trình hộ gia đình tự trồng cây, tăng cường diện tích cây xanh đô thị bằng nhiều hình thức như trồng trên mái nhà, sử dụng vườn treo... Tuyên truyền, giáo dục người dân tham gia bảo vệ cây xanh.
Ba là, chú trọng hơn công tác tuần tra, giám sát để phát hiện, xử lý kịp thời cây có dấu hiệu mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão, để phòng tránh sự cố. Trước mùa mưa, cần chú trọng công tác tỉa cành, hạ nhánh,... để đảm bảo an toàn cho người dân. Mặt khác, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm với mọi hành vi xâm hại đến hệ thống cây xanh đô thị. Thực hiện mục tiêu “mỗi cây xanh là một thành viên của xã hội”.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế chính sách. Để đạt được những ý tưởng trên, đồng nghĩa với việc góp phần vào mục tiêu về độ che phủ cây xanh trong “Chương trình phát triển đô thị quốc gia” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 7/11/2012), cần có các giải pháp mang tính đồng bộ từ quy hoạch, cơ chế chính sách,… đến tổ chức kiến trúc cảnh quan khu ở, bổ sung những nghị định, thông tư cụ thể phân định trách nhiệm trong xây dựng và quản lý cây xanh đô thị trong thành phố.
Tóm lại, với những thành tựu đạt được về việc duy trì, bảo vệ phát triển hệ thống cây xanh đô thị, thành phố Trà Vinh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cải thiện môi trường, xây dựng các tuyến đường trồng thuần chủng các loại cây có tuổi cao, các loại cây đạt yêu cầu về kỹ thuật; Hướng tới thành phố Trà Vinh trong mắt mọi người mãi là một đô thị xanh, thân thiện và phát triển bền vững, góp phần đáp ứng nhu cầu của đô thị, thích ứng với những biến đổi khí hậu ở Trà Vinh nói riêng và tại đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Kỷ yếu Thành phố Trà Vinh 10 năm phát triển (2010 - 2020), Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Trà Vinh, Tr.40.
2 Nguyễn Văn Bình (2020). Quá trình xây dựng thành phố đô thị loại II và tầm nhìn tương lai, Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố Trà Vinh, Tr.28,29.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2010). Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 về Quản lý cây xanh đô thị.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản biến đổi khí hậu.
- UBND tỉnh Trà Vinh (2015). Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND tỉnh Trà Vinh về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
- UBND tỉnh Trà Vinh (2015). Kế hoạch 41/KH-UBND của thành phố Trà Vinh về việc đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cây xanh đô thị thành phố Trà Vinh đến năm 2020.
- Lưu Đức Hải (2018), Quy hoạch cây xanh ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội thảo cây xanh, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long trong tình trạng biến đổi khí hậu.
PRESERVING TRA VINH CITY’S GREEN IMAGE
BY INTEGRATING CLIMATE CHANGE ADAPTION
INTO THE CITY’S URBAN GREENERY PLANNING
PHAM THI CAM XUYEN
Tra Vinh University
ABSTRACT:
Urban greenery plays an important role in urban areas. In the context of rapid climate change, trees play an even more important role in regulating air temperatures in cities. This study assesses the current urban greenery planning in Tra Vinh City and its achieved results. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to help the city preserve and promote its “green - clean - beautiful” image, achieve sustainable development and adapt to climate change.
Keywords: urban greenery, Tra Vinh City, greenery planning, climate change.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 8, tháng 4 năm 2021]