Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân và khả năng tự cung ứng của Hà Nội, thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại trên địa bàn thành phố căn cứ vào kết quả thực hiện Tết năm 2019 chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với mức tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước để tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019).
Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu-bia-nước giải khát phục vụ Tết trên địa bàn dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 12.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 17.900 tỷ đồng.
Đối với các chợ (kênh phân phối truyền thống) các ban quản lý chợ chủ động xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tại các chợ dự trữ hàng hóa để đưa ra tiêu thụ trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết, bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu trong dịp Tết cho người tiêu dùng. Dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
Về chương trình bình ổn thị trường, đến nay, có 23 đơn vị tham gia bình ổn đăng ký lượng hàng hóa bình ổn trong 2 tháng Tết với tổng giá trị hơn 121.000 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 11.800 điểm bán hàng (tăng 1.112 điểm bán so với năm trước) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 1.300 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi.
Kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7% -10% so với Kế hoạch Tết năm 2019. Các doanh nghiệp giết mổ, kinh doanh thịt lợn cũng đã chủ động tìm kiếm, ký kết khai thác nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác để sẵn sàng cung ứng đầy đủ cho thị trường phục vụ nhu cầu người dân.
Riêng với mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp phân phối lớn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ kho tương đối tốt, vì vậy, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg từ cuối tháng 12 và hiện đang giữ ổn định.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thông tin, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết bán mặt hàng thịt lợn với giá thấp hơn giá thị trường 5%, không tăng giá trong dịp Tết, bán thịt lợn không lợi nhuận và thực hiện giảm giá tương ứng nếu giá thị trường giảm.
“Sự chung tay của các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa rất tốt cho các hệ thống chợ truyền thống hay những điểm bán hàng bên ngoài”, ông Trần Duy Đông đánh giá.