PV: Trong dịp Tết Trung thu, thị trường Hà Nội thường có sự biến động mạnh về nhu cầu hàng hóa. Xin ông cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã triển khai những biện pháp nào để kiểm soát thị trường trong dịp Trung thu năm nay?
Ông Dương Mạnh Hùng: Để đảm bảo sự ổn định của thị trường và an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành và triển khai kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chúng tôi tập trung kiểm tra các tổ chức, cá nhân, siêu thị, trung tâm thương mại sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, thiết bị, đồ dùng học tập và các sản phẩm liên quan.
Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu tại các làng nghề truyền thống như Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì, cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn có sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Đồng thời, chúng tôi kiểm tra các cơ sở kinh doanh thiết bị, đồ dùng học tập, xuất bản phẩm và đồ chơi trẻ em nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, Cục QLTT Hà Nội đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng và cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm và kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
PV: Ông có thể chia sẻ về tình hình xử lý các vụ vi phạm liên quan đến sản phẩm Trung thu như bánh Trung thu và đồ chơi trẻ em?
Ông Dương Mạnh Hùng: Trong dịp Tết Trung thu năm 2023, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và xử lý 101 vụ vi phạm, với tổng số tiền phạt hành chính là 773,5 triệu đồng. Chúng tôi đã buộc tiêu hủy gần 1,4 tỷ đồng giá trị hàng hóa vi phạm, bao gồm 133.652 chiếc bánh Trung thu và 558 sản phẩm bánh khác không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, cũng như 2.927 sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập lậu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã tiếp tục kiểm tra và xử lý 46 vụ vi phạm liên quan đến mặt hàng đồ chơi trẻ em, với số tiền phạt hành chính là 540 triệu đồng và tổng giá trị hàng hóa vi phạm lên tới 1,377 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kể từ khi ban hành kế hoạch công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý 3 vụ, phạt hành chính 26,5 triệu đồng, buộc tiêu huỷ hàng hoá trị giá 23 triệu đồng. Hàng hoá vi phạm là 721 chiếc bánh trung thu, 120 sản phẩm các loại bánh khác là hàng hoá nhập lậu, khôgn rõ nguồng gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy, việc vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt hơn trong công tác kiểm soát.
PV: Cục đã gặp phải những thách thức nào trong quá trình kiểm tra và kiểm soát thị trường, và đã áp dụng biện pháp gì để khắc phục?
Ông Dương Mạnh Hùng: Hiện nay, hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, đặc biệt là qua mạng xã hội. Một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng các nền tảng trực tuyến để quảng cáo, chào bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả mạo, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng vi phạm là lập nhiều tài khoản mạng xã hội và bán hàng qua hình thức livestream. Họ thường không công khai địa chỉ kinh doanh và sử dụng các cách lách qua bộ lọc kỹ thuật của các sàn thương mại điện tử để tránh bị kiểm soát.
Để đối phó với thách thức này, Cục QLTT Hà Nội đã ban hành kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và vi phạm an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Công Thương, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Cục An ninh Mạng và Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao để giám sát và kiểm tra chặt chẽ các hoạt động kinh doanh trên mạng.
PV: Ngoài các biện pháp kiểm tra, xử lý trực tiếp, Cục Quản lý Thị trường Hà Nội có những hoạt động gì nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp về việc tuân thủ các quy định pháp luật?
Ông Dương Mạnh Hùng: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, Cục QLTT Hà Nội luôn kết hợp với việc tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh về việc tuân thủ các quy định pháp luật. Chúng tôi không chỉ tập trung vào việc xử lý các vi phạm mà còn coi trọng việc giáo dục, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn thực phẩm và kinh doanh đúng quy định. Chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan báo chí để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi đã thực hiện các buổi hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm phục vụ Tết Trung thu nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và ý thức chấp hành pháp luật. Những buổi tập huấn này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định mới nhất của pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về nhãn hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
PV: Ông có lời khuyên nào cho người tiêu dùng khi mua sắm các sản phẩm phục vụ Tết Trung thu để đảm bảo an toàn và chất lượng?
Ông Dương Mạnh Hùng: Người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác đầy đủ và đăng ký chất lượng với cơ quan quản lý, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm như bánh Trung thu. Các sản phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng, an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính của người tiêu dùng.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần cẩn trọng với các sản phẩm bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Việc mua hàng qua mạng cần phải kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm, người bán và các đánh giá của người tiêu dùng trước đó. Nếu có nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng nên báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
PV: Cuối cùng, xin ông cho biết các kế hoạch kiểm soát thị trường trong thời gian tới của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết khác?
Ông Dương Mạnh Hùng: Như thường lệ, chúng tôi sẽ xây dựng và ban hành các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường phù hợp với từng dịp lễ, tết trong năm. Trong Quý II năm nay, chúng tôi đã ban hành kế hoạch chuyên đề kiểm tra về xăng dầu, vàng, và kiểm soát an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2024. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng kiểm tra và xử lý các mặt hàng đồ chơi trẻ em, thiết bị học tập phục vụ năm học mới.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch đấu tranh chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là trong dịp cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng cao vào các ngày lễ như Black Friday, Cyber Monday, Noel và Tết Nguyên Đán. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin!