TÓM TẮT:
Việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đặt ngành Dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế trước những thách thức không nhỏ, do xuất phát từ quy mô doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, thông tin về thị trường xuất nhập khẩu của các nước trong khối TPP còn hạn chế… Do đó, mục tiêu của bài viết là đánh giá một cách toàn diện, có chiều sâu những tác động của việc thực thi EVFTA đối với ngành Dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp các doanh nghiệp dệt may địa phương nhận thức và khai thác hiệu quả các ưu đãi thương mại đối với ngành Dệt may mà EVFTA mang lại.
Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, dệt may, xuất khẩu, hải quan, tỉnh Thừa Thiên Huế.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, ngành Dệt may là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam, đóng vai trò then chốt trong chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành Dệt may đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đó không chỉ là ngành xuất khẩu chủ lực, mà còn tạo ra việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế của Tỉnh. Với tiềm năng sẵn có, việc Việt Nam kí kết và thực thi EVFTA góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, phát triển ngành Công nghiệp thời trang và Công nghiệp hỗ trợ dệt may trên địa bàn Tỉnh.
2. Khái quát về EVFTA và những cam kết đối với ngành Dệt may
Thứ nhất, quy định và những cam kết về thuế quan. Những quy định về thuế quan được EVFTA diễn đạt tại Chương 2, bao gồm các cam kết liên quan tới việc mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa EU và ngược lại. Chương này quy định những cam kết cụ thể gồm việc loại bỏ thuế quan theo từng dòng thuế, với lộ trình cụ thể theo từng năm tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực; và các vấn đề liên quan tới việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. EVFTA quy định những cam kết về thuế quan bao gồm 2 nhóm: (i) Cam kết về thuế nhập khẩu; (ii) Cam kết về thuế xuất khẩu (trong phạm vi nghiên cứu này, bài viết tập làm rõ những tác động của các cam kết về thuế nhập khẩu).
Theo quy định của EVFTA, đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đối với nhóm hàng quan trọng như dệt may, EU cam kết sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Thứ hai, quy định về quy tắc xuất xứ. Quy tắc xuất xứ được EVFTA quy định tại Điều 38 Chương 4, gồm các cam kết về vấn đề quy tắc xuất xứ hàng hóa của EVFTA, là điều kiện cơ bản để hàng hóa có thể được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA[1]. Các quy định này của EVFTA rất chặt chẽ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm chắc quy định đối với từng mặt hàng và lộ trình giảm thuế trong hiệp định. Để vào được EU, các mặt hàng dệt may của Việt Nam phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép. Cụ thể, để một mặt hàng dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan thì ít nhất hàng hóa đó phải được sản xuất tại Việt Nam (vải phải được sản xuất tại Việt Nam và khâu cắt may cũng tại Việt Nam).
Thứ ba, quy định về hải quan. Quy định về hải quan và tạo thuận lợi trong thương mại được đề cập trong chương 5 của Hiệp định EVFTA, bao gồm các cam kết về các biện pháp quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trung chuyển giữa Việt Nam và EU. Các cam kết này ảnh hưởng trực tiếp tới các thủ tục hải quan và các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ tư, các cam kết về minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp. Các cam kết trong EVFTA về minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp thực chất đều là các vấn đề Việt Nam đang triển khai, như: Cam kết công khai các văn bản, quy định, thủ tục, thông tin hành chính về hải quan và các biện pháp quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu; Cam kết duy trì cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện các quyết định hành chính trong thủ tục hải quan cho doanh nghiệp khi họ không đồng ý với các quyết định này; Cam kết thiết lập và vận hành điểm giải đáp thông tin, trả lời thắc mắc cho doanh nghiệp; Cam kết có tham vấn định kỳ với đại diện doanh nghiệp về các vấn đề thực tiễn phát sinh, tham vấn về các thủ tục, văn bản pháp luật dự kiến ban hành[2].
Thứ năm, quy định về bảo vệ môi trường. Các cam kết và nghĩa vụ về môi trường của Hiệp định EVFTA được chia làm 5 nhóm: (1) Chính sách và các quy định pháp luật môi trường trong nước; (2) Cam kết quốc tế về môi trường; (3) Công khai, minh bạch; (4) Nghĩa vụ đối với một số lĩnh vực cụ thể về môi trường; và (5) Cơ chế tham vấn, giải quyết tranh chấp. Để thực thi những cam kết này, Việt Nam và EU thỏa thuận tăng cường thực thi các Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) và Hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (SPS) của WTO.
Thứ sáu, quy định về chính sách cạnh tranh. Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết duy trì hệ thống pháp luật cạnh tranh nhằm xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng và thị trường đáp ứng các yêu cầu sau đây: Các hành vi hạn chế cạnh tranh phải ít nhất bao gồm thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và tập trung kinh tế gây hệ quả hạn chế cạnh tranh; Các chủ thể thực thi pháp luật cạnh tranh phải có đủ công cụ và thẩm quyền để xử lý hiệu quả các hành vi hạn chế cạnh tranh.
3. Tác động của EVFTA đối với hoạt động xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Những tác động ảnh hưởng, doanh nghiệp cần nhận diện để phòng tránh hiệu quả, cụ thể:
Thứ nhất, rào cản gia nhập ngành của doanh nghiệp dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế khi hội nhập kinh tế quốc tế. Tác động này được thể hiện qua những nội dung:
Một là, tính kinh tế theo quy mô: Hầu hết các doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng là doanh nghiệp may, khi quy mô tăng không chỉ chi phí cố định giảm, chi phí lưu động cũng giảm do công ty có thể mua nguyên vật liệu với mức giá thấp hơn (đơn hàng lớn) và chi phí nhân công giảm.
Hai là, chính sách hạn chế của Chính phủ: Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích nguồn vốn đầu tư vào ngành Dệt may. Tuy nhiên, rào cản từ chính sách đối với các doanh nghiệp nhuộm lớn do các vấn đề về môi trường.
Ba là, yêu cầu về vốn đầu tư: Hoạt động chủ yếu của các công ty dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế là sản xuất gia công nên yêu cầu đầu tư vào tài sản cố định tương đối lớn. Tuy nhiên, quy mô theo vốn hoạt động của doanh nghiệp dệt may ở Thừa Thiên Huế chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ[3], đang gặp khó khăn và vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh. Điển hình là khả năng tiếp cận vốn vay cũng như nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, mới chủ yếu sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng, mặc dù lãi suất đã giảm nhưng khả năng giải ngân vốn của các ngân hàng chưa cao. Một số doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng phương án, dự án vay hay mục đích sử dụng vốn vay chưa hợp lệ, không có tài sản bảo đảm hoặc có tài sản bảo đảm nhưng không đủ cho khoản vay.
Bốn là, yêu cầu về công nghệ, kĩ thuật: Yêu cầu về công nghệ với hoạt động may không cao như đối với hoạt động nhuộm và dệt. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp may đang chiếm đa số. Máy móc thiết bị phần lớn là cũ, thiết bị đã sử dụng trên 20 năm, mất tính năng vận hành tự động nên năng suất thấp, ảnh hưởng một phần đến tiến độ hoạt động.
Năm là, yêu cầu về chất lượng lao động: Ngoài thuận lợi về nguồn lao động dồi dào, nhưng ngành Dệt may Việt Nam lại thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và đội ngũ nhân sự lành nghề về kỹ thuật trong lĩnh vực dệt, nhuộm. Hơn nữa, chi phí lao động rẻ, nhưng chi phí bình quân cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn của Ân Độ, Trung Quốc, Indonexia tới 30% - 40%. Năng suất lao động nước ta thấp và chỉ bằng 2/3 so với các nước trong khu vực. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao năng suất lao động hơn nữa để hạ giá thành sản phẩm.
Thứ hai, rào cản đối với cam kết pháp lý trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là thành viên trong hội nhập kinh tế.
Một là, rào cản về quy tắc xuất xứ. EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp mở rộng thị trường nhờ các chính sách ưu đãi về thuế, tuy nhiên quy tắc xuất xứ đang là trở ngại lớn nhất cho hàng dệt may vào thị trường này khi EVFTA có hiệu lực. Vì để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ theo EVFTA, các sản phẩm xuất khẩu từ EU phải đáp ứng yêu cầu vải sản xuất tại Việt Nam hoặc từ EU, hoặc từ một nước thứ 3 có đã có FTA với Việt Nam và EU. Tỷ lệ tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp song phương (nhập vải từ EU về sản xuất rồi xuất khẩu thành phẩm sang EU) rất ít vì vải của EU rất đắt và chi phí vận chuyển cao, hơn nữa Dệt may Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó 39,34% là từ Trung Quốc.
Hai là, rào cản về chính sách cạnh tranh. Việc cam kết tuân thủ quy tắc trong EVFTA là trở ngại lớn để hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế tại thị trường này. EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của hàng dệt may Việt Nam (sau Mỹ) nhưng tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU cũng như tỉ trọng hàng dệt may nhập khẩu vào EU cũng còn nhỏ, điều này thể hiện năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam còn có vấn đề. Việc đàm phán và kí kết EVFTA là nhằm tạo thêm điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh vào thị trường này. Trong những năm trở lại đây, việc xuất khẩu hàng dệt may vào EU còn gặp nhiều khó khăn do thị trường EU là thị trường “khó tính”, số lượng đơn hàng nhỏ, không quy mô như Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu có xu hướng mua sản phẩm trọn gói thay vì đặt gia công nên phần lớn các doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có sức cạnh tranh.
Ba là, rào cản về bảo vệ môi trường. Đến nay, Việt Nam đã có các quy định pháp lý khá đầy đủ về các tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe con người, nhưng những tiêu chuẩn này không cao bằng các tiêu chuẩn của EU. Trong một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, các nhà sản xuất của Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn về SPS và TBT của EU. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp vi phạm các quy định này và nhiều lô hàng của Việt Nam đã bị từ chối khi xuất khẩu vào EU. Do đó, có thế thấy rõ là mức độ sẵn sàng của Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này sẽ tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp nếu muốn khai thác thị trường EU khi EVFTA có hiệu lực.
Bốn là, rào cản về hải quan. Rà soát pháp luật Việt Nam về quản lý chuyên ngành với các cam kết EVFTA về hải quan và tạo thuận lợi thương mại cho thấy trong tổng thể pháp luật Việt Nam đa số đã tương thích với yêu cầu của EVFTA. Tuy nhiên, trong so sánh với pháp luật hải quan chung, tỷ lệ các cam kết EVFTA mà pháp luật Việt Nam về quản lý chuyên ngành chưa tương thích hoàn toàn hoặc một phần là rất cao. Cụ thể như quy định về cam kết về đơn giản hóa thủ tục, về nguyên tắc quản lý rủi ro, về kiểm tra sau thông quan, cam kết một chứng từ hành chính. Điều này đồng nghĩa với việc các thủ tục cốt lõi trong quản lý chuyên ngành Việt Nam hiện đang chưa theo các thông lệ tiêu chuẩn quốc tế hiện đại được phản ánh, ghi nhận trong EVFTA (tương tự trong CPTPP và Hiệp định TFA của WTO).
4. Đề xuất giải pháp thúc đẩy hiệu quả hoạt động xuất khẩu dệt may của doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế khi thực thi EVFTA
Thứ nhất, giải pháp về hệ thống pháp luật và chính sách: (i) Luật hóa các quy định liên quan đến đầu tư. Để thực thi EVFTA và các hiệp định khác tác động trực tiếp phải hướng đến việc cải thiện sự thuận lợi cho nhà đầu tư. Qua đó, cần xem xét và rà soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư; thúc đẩy việc phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước để đảm bảo thực hiện đầy đủ, phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; (ii) Xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường mới thông qua các kênh hợp tác kinh tế, thương mại và xúc tiến đầu tư, bao gồm hỗ trợ, giải quyết các vấn đề khó khăn phát sinh trong các thị trường xuất khẩu; (iii) Hài hòa hóa khung khổ pháp lý về kinh doanh, không phân biệt hình thức sở hữu của doanh nghiệp. Trước mắt cần đánh giá hiệu quả của việc thay đổi định nghĩa về DNNN để có những sửa đổi cần thiết và kịp thời; (iv) Cải cách các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xuất nhập khẩu.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, phải nâng cao nhận thức và năng lực tự hành động, cụ thể: (i) Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về các cơ hội thị trường mà EVFTA mang lại, đặc biệt là thông tin về ưu đãi thuế liên quan đến hàm lượng giá trị gia tăng nội địa của các hàng hóa, dịch vụ và các hàng rào kỹ thuật khác. Từ đó, đóng góp ý kiến trong quá trình đàm phán Hiệp định EVFTA để đảm bảo được lợi ích chính đáng; (ii) Doanh nghiệp phải nỗ lực đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, nâng cao chất lượng lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh… để khẳng định vị trí trên “sân nhà” và tận dụng các cơ hội vươn ra thị trường EU; (iii) Các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau đầu tư hoặc thu hút đầu tư nước ngoài vào khâu nguyên liệu (ngành Dệt may cần khẩn trương triển khai dự án trồng bông vải theo mô hình trang trại thay thế phương thức trồng bông phân tán trong các hộ dân để nguồn nguyên liệu được sản xuất và cung ứng ổn định), cơ cấu lại ngành Dệt may, các doanh nghiệp cần đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ thông tin để vượt qua khó khăn và cùng phát triển.
Thứ ba, về phía Hiệp hội ngành nghề: (i) Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần tích cực tuyên truyền cung cấp thông tin về thị trường để các doanh nghiệp chuẩn bị; (ii) Các hiệp hội nghề nghiệp cần thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo để tạo sự gắn kết, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau, các thông tin về đối tác nhập khẩu cần được chia sẻ rộng rãi cho các doanh nghiệp để cùng nhau khai thác tốt nhất những lợi thế, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực từ phía thị trường.
5. Kết luận
Quy định về các vấn đề pháp lý trong Hiệp định thương mại EVFTA đã tác động có tính dự báo đối với ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Dệt may tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Trong quá trình EVFTA có hiệu lực và vận hành, cần có những quy định pháp luật tương thích, chính sách phù hợp để thúc đẩy thương mại phát triển, đặc biệt là thương mại đối với ngành Dệt may.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Cụ thể, Chương này bao gồm 02 nhóm nội dung: (i) Các cam kết về điều kiện xuất xứ (chia thành 02 nhóm nhỏ hơn, bao gồm các nguyên tắc chung về xuất xứ, áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa và các nguyên tắc xác định xuất xứ riêng, áp dụng cho từng loại hàng hóa; (ii) Các cam kết về thủ tục chứng nhận xuất xứ (phương pháp thủ tục hành chính). Ngoài ra, EVFTA cũng dành riêng một số quy định cụ thể đối với mặt hàng dệt may như về quy tắc xuất xứ phổ biến đối với sản phẩm dệt may trong EVFTA là tiêu chí hai công đoạn, hay còn gọi là “từ vải trở đi”. Cụ thể, để sản phẩm dệt may được coi là có xuất xứ theo EVFTA thì vải sử dụng để tạo thành sản phẩm phải có xuất xứ Việt Nam/EU và việc cắt, may phải được thực hiện tại Việt Nam/EU;
[2] http://www.trungtamwto.vn/sites/default/files/chuong_5_evfta.pdf
[3] Theo số liệu thống kê từ Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tại tỷ lệ % quy mô doanh nghiệp hoạt động theo vốn là: Dưới 1 tỷ (27%); Từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ (30%); Từ 5 tỷ đến dưới 10 tỷ (4%); Từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ (6%); Trên 50 tỷ (33%);
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Đình Cung và Trần Toàn Thắng (2017), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Eu: Tác động thể chế và điều chỉnh chính sách ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu của CIEM, Nhà xuất bản Thế giới.
- Hà Văn Hội (2012), Phân tích chuỗi giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội, Kinh tế và Kinh doanh.
- Đặng Phương Dung (2017), Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Hội thảo do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức ngày 20/4, tại TP. Hồ Chí Minh.
- Đinh Công Khải (2013), Nâng cao vị thế ngành Dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
- Nguyễn Tuấn (2016), Thừa Thiên Huế: Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may, Báo Công Thương điện tử.
- Trương Văn Cẩm (2017), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Hội thảo do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương ngày 24- 25/4/2017.
EU-VIETNAM FREE TRADE AGREEMENT (EVFTA) AND ITS IMPACTS
ON THE TEXTILE AND GARMENT INDUSTRY
OF THUA THIEN HUE PROVINCE
Master. TRAN VIET LONG - VO THI NHAN
University of Law, Hue University
ABSTRACT:
The implementation of EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) puts the textile and garment industry of Thua Thien Hue Province facing significant challenges due to the small scale production, the lack of financial resources and information about TPP’s countries of provincial busineses. This article is to in-depth and comprehensively assess the impact of EVFTA on the textile and garment industry of Thua Thien Hue Province, thereby proposing specific solutions to help provincial textile businesses effectively exploit opportunities from the EVFTA.
Keywords: EU-Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA), textile, exports, customs, Thua Thien Hue Province.