Thống kê sơ bộ của Ban tổ chức Hội chợ cho biết, sau gần 1 tuần diễn ra, Hội chợ đã thu hút gần 50.000 lượt khách hàng tham quan và mua sắm. Tổng doanh thu ước đạt gần 16 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu khu gian hàng OCOP Quảng Ninh và khu gian hàng thương mại điện tử ước đạt 8,7 tỷ đồng, chiếm 53,7% tổng doanh thu hội chợ.
Ngoài ra, doanh thu khu gian hàng các tỉnh, thành phố ước đạt 7,5 tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng doanh thu hội chợ. Không chỉ vậy, đây còn là một dịp tốt để các hợp tác xã, doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác tiêu thụ, mở rộng kênh phân phối và giới thiệu các sản phẩm mới ra thị trường.
Cũng theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội chợ không chỉ thu hút khách tham quan, mua sắm trong tỉnh Quảng Ninh mà còn thu hút đông đảo du khách các tỉnh lân cận. Chị Hồng Hạnh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, dịp lễ 30/4-1/5, gia đình tôi chọn Quảng Ninh là điểm dừng chân, nghỉ dưỡng. Theo chị Hạnh, Hội chợ bày trí đơn giản, thân thiện nhưng rất bắt mắt với đa dạng các chủng loại sản phẩm đặc trưng của nhiều tỉnh, thành phố. Chỉ trong vòng nửa giờ mua sắm, chị Hạnh đã dốc gần 6 triệu đồng cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe của gia đình như đông trùng hạ thảo, nấm lim xanh, trà khổ qua và bột tam thất...
"Mua hàng ở hội chợ rất yên tâm vì doanh nghiệp đều lấy uy tín, thương hiệu để đưa sản phẩm tốt, giới thiệu đến người tiêu dùng. Những mặt hàng tôi cần ở đây đều có mà giá bán cũng rất phải chăng", chị Hạnh chia sẻ.
Được biết, nhóm hàng có lượng tiêu thụ lớn chủ yếu là nhóm thực phẩm, thảo dược và đồ uống như các sản phẩm thủy sản của Vân Đồn, Cô Tô; sản phẩm từ thịt lợn Móng Cái; sản phẩm từ sữa Đông Triều; thịt quay, gà Tiên Yên...
Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước như: Hà Nội, Đắc Lắk, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Gia Lai, Nghệ An, Sơn La, ...
Anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An, TP. Móng Cái, cho biết: “Hội chợ đã tạo cơ hội để chúng tôi nắm bắt, tiếp thu, đón nhận các ý kiến từ thị trường để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”.
Đặc biệt, trong Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất không chỉ được bán trực tiếp tại hội chợ, mà được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và một số sàn thương mại điện tử trong nước khác tại khu gian hàng thương mại điện tử và giải pháp số.
Ngoài ra các hợp tác xã, doanh nghiệp còn được kết nối với một số đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử như ngân hàng thương mại với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử và dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo thống kê của Ban Tổ chức, hội chợ đã có 25 doanh nghiệp liên hệ để đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh với gần 50 sản phẩm OCOP. Sàn đã có trên 1.250 lượt truy cập và đặt hàng.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thông qua Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 và các kỳ hội chợ trước đây cho thấy chất lượng tổ chức ngày càng được nâng cao.
“Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu, xây dựng mô hình mẫu thành công về phát triển chương trình OCOP của địa phương. Tôi tin tưởng tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục trở thành điểm sáng về lan tỏa sản phẩm OCOP trong các kỳ hội chợ sau”, ông Chiến chia sẻ.