Cụ thể, hàng hóa bị áp thuế là sản phẩm gạch ốp lát thuộc các mã HS: 6907.21.91, 6907.21.92, 6907.21.93, 6907.21.94, 6907.22.91, 6907.22.92, 6907.22.93, 6907.22.94, 6907.23.91, 6907.23.92, 6907.23.93, 6907.23.94.
Trước đó, ngày 29/3/2018, Ủy ban Tự vệ Indonesia (KPPI) đã khởi xướng điều tra vụ việc tự vệ với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu.
Ngày 10/7/2018, KPPI đã ban hành kết luận xác định hàng hoá nhập khẩu bị điều tra gia tăng đáng kể và đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước; đồng thời đề xuất biện pháp áp dụng biện pháp tự vệ chính thức trong 3 năm.
Ngày 5/5/2021, KPPI khởi xướng rà soát cuối kỳ để xác định sự cần thiết của việc tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ đối với mặt hàng nêu trên.
Sau rà soát, Indonesia quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm đối với gạch ốp lát nhập khẩu, mức thuế tự vệ giảm dần từng năm: năm thứ nhất 17%; năm thứ hai 15%; năm thứ ba về 13%.
Năm 2019-2021, Philippines và Malaysia sau một thời gian điều tra đều đã quyết định dừng điều tra tự vệ đối với gạch ốp lát nhập khẩu do kết luận không có sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra và mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.
Trong khi đó, mới đây nhất, tháng 4/2021, Cơ quan quản lý Tài chính Đài Loan (Trung Quốc) đã ban hành kết quả sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với gạch ốp lát có xuất xứ từ Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia. Biên độ bán phá giá được tính toán cho các doanh nghiệp Việt Nam dao động từ 0% - 28,64%. Trong đó, có 2 doanh nghiệp được hưởng biên độ bán phá giá 0%.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là biên độ bán phá giá và chưa phải mức thuế cuối cùng mà gạch ốp lát nhập khẩu vào Đài Loan (Trung Quốc) phải chịu. Vụ việc đang tiếp tục được gia hạn điều tra và Việt Nam sẽ cần chờ một thời gian nữa để có được kết luận cuối cùng.