Đóng góp lớn vào GDP
“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019”. Đó là nhận định trong một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) được công bố ngày 18/7. Trong đó, ADB tính toán tăng trưởng của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 ước đạt khoảng 6,8%, và dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam sẽ đạt mức 6,8% do yếu tố duy trì tăng trưởng là công nghiệp, tiêu dùng vẫn mạnh mẽ. Trong khi đó, ADB vẫn giữ dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á đang phát triển là 5,7%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ có mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung , lần lượt là 51,8%, 42,2%. Tổng mức đóng góp của 2 khu vực này lên tới 94%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng khá ở mức 9,13%, đóng góp tới 45,8% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11,18%,đóng góp 35,7% vào giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,69%. Trong khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,7% (cùng kỳ 2018 tăng 8,6%). Đây là ngành có đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 12,8%.
Công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo cùng với bán lẻ không chỉ có đóng góp lớn vào giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, mà còn là lực lượng chủ công trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng tích cực.
Bảng 1. So sánh cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 và 2019 (đơn vị tính:%)
|
2018 |
2019 |
Nông nghiệp |
14,13 |
13,55 |
Công nghiệp-Xây dựng |
33,83 |
34,2 |
Dịch vụ |
41,8 |
42,04 |
Thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) |
10,24 |
10,21 |
Bức tranh phức tạp
Trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm, mảng màu công nghiệp chế biến chế tạo nổi bật hơn cả. Nổi bật không chỉ với tư cách là “điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế”; mà còn vì ở trong đó chứa đựng vô số nét trái ngược nhau, đan xen nhau đến mức khó mà giải thích cho tường tận.
Nếu phân bức tranh ra làm 2 mảng màu chủ yếu “hồng” (khả quan) và nâu (không khả quan); thì dường như màu hồng áp đảo:
1. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu với 11,8%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2018 (6 tháng đầu năm 2018 tăng đột biến do các nhà Samsung Việt Nam đưa ra sản phẩm mới) nhưng cao hơn so với mức tăng 6 tháng đầu năm của các năm 2012-2017.
2. Số lao động làm việc trong doanh nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi một số ngành công nghiệp giảm.
3. Đa số các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý II tốt hơn quý I và lạc quan hơn quý III/2019.
4. Số doanh nghiệp thành lập mới trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao nhất với 6,2%; trong khi các ngành khác giảm hoặc tăng thấp hơn.
5. Thu hút FDI lớn nhất với số vốn trên 5, 4 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
6. Xuất khẩu nhóm hàng chế biến tăng 9,1%, cao hơn mức tăng chung 7,3% và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Còn đây là màu nâu: Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,1%.
Chỉ có 1 màu nâu duy nhất, nhưng cũng đủ làm đau đầu giới chuyên gia, thúc giục họ đi tìm câu trả lời, bởi nếu màu hồng áp đảo như thế, làm sao có thể sinh ra chuyện “tồn kho”? Nếu không lý giải thỏa đáng, có thể dư luận sẽ đặt câu hỏi, liệu con số trong 6 màu hồng nói trên có đáng tin cậy?
Đi sâu vào mảng màu nâu, ta sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân, không thể có 1 câu trả lời duy nhất mà phải phân ra từng trường hợp cụ thể.
Với ngành dệt, tỷ lệ tồn kho cao chủ yếu do giá sợi giảm xuống còn 2,6 USD/ kg và giá mỗi kg bông giảm xuống còn 2,1 USD. Sản phẩm sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang hai thị trường lớn là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với sợi Việt Nam và do đó, 70% sản phẩm sợi Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng nước này phải giảm nhập khẩu sợi do khó khăn xuất khẩu dệt may sang Hoa Kỳ (bị áp thuế 25%) đã làm ách tắc sợi Việt Nam.
Với một số mặt hàng khác, tồn kho tăng cao là do biến động từ bên ngoài, tức nhu cầu nhập khẩu của thế giới sụt giảm. Cụ thể, với sản xuất kim loại, nếu 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tăng 55,4%, thì 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1%. Tương tự như vậy, điện thoại và linh kiện cùng kỳ năm trước tăng 16%, cùng kỳ năm nay tăng 4%; máy móc thiết bị phụ tùng cùng kỳ năm trước tăng 31,5%, cùng kỳ năm nay tăng 6%...
Còn một nhóm hàng khác, lạ hơn cả, chỉ số tiêu thụ tăng nhưng tồn kho vẫn tăng! Nguyên nhân từ đâu? Cụ thể, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế đứng đầu danh sách các ngành hàng có chỉ số tiêu thụ tăng cao với gần 65%, nhưng chỉ số tồn kho của 2 ngành hàng này tăng tới 141,1%. Nguyên nhân nằm ở chỗ lập kế hoạch sản xuất (theo dự báo) không trúng. Vì thế sản xuất ra quá nhiều: 2 ngành này đứng đầu danh sách các ngành hàng có chỉ số sản xuất tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2019, với 69,1%, cao hơn gấp rưỡi mức tăng củangành hàng đứng thứ 2 là sản xuất kim loại (tăng 40,1%).