Năm 2008, Cục QLTT (nay là Tổng cục QLTT) và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã ký Quy chế phối hợp số 649/QC-QLTT-BTLBĐBP trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.
Hơn 10 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp số 649 và chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, lực lượng QLTT và lực lượng Bộ đội Biên phòng từ Trung ương đến địa phương đã chủ động triển khai phối hợp xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác để nắm tình hình, quản lý đối tượng.
Hai bên đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trao đổi thông tin, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên biển, khu vực giáp biển, khu vực biên giới và giáp biên giới, đặc biệt đối với các mặt hàng như xăng dầu, thuốc lá, đường...
Việc phối hợp kiểm tra, kiểm soát được duy trì thường xuyên, đồng bộ, kịp thời tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên hoạt động có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Số vụ việc 2 bên phối hợp kiểm tra lên tới 1.131 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 14 tỷ đồng. Trong đó các mặt hàng điểm nóng bị thu giữ, xử lý số lượng lớn như: 21.360 bao thuốc lá ngoại, 32.000 kg thuốc lá lá nhập lậu, 253 kg pháo, 5.850 kg đường các loại, 102.111 lít dầu DO, 3.044 lít xăng, 978 tấn than và hơn 30 m3 gỗ...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, có lúc, có nơi sự phối hợp còn có những hạn chế nhất định như công tác trao đổi, cung cấp thông tin còn chưa kịp thời, việc tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chưa được tổ chức thường xuyên.
Chính vì thế, để phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới, Tổng cục QLTT đã tiếp tục ký kết Quy chế phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng năm 2019 gồm 3 Chương và 9 Điều.
Quy chế mới quy định rõ định kỳ 6 tháng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Cục QLTT cấp tỉnh thống nhất luân phiên tổ chức giao ban và báo cáo tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị trong công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt, chú trọng công tác quản lý, bồi dưỡng đội ngũ công chức; xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn nào thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.
Trong buổi lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, Quy chế số 649 là nền tảng để hai bên xây dựng Quy chế phối hợp trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ. Việc ký kết Quy chế là hành động cần thiết và ý nghĩa để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Đây là cơ sở pháp lý, là sự cam kết của hai lực lượng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm an ninh trật tự, chống thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định.
Ngay sau lễ ký kết, Tổng cục QLTT và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung đã được ký kết. Cục QLTT các tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng các tỉnh thành phố xây dựng và ký quy chế phối hợp phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đảm bảo chỉ đạo thông suốt, kịp thời giữa 2 lực lượng”, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết.