Liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đối với ngành quản trị khách sạn

Bài viết "Liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đối với ngành quản trị khách sạn" do Nguyễn Thị Kim Thoa - Đặng Kim Phụng (Khoa Du lịch - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu đã trình bày được tầm quan trọng của việc liên kết đào tạo tại doanh nghiệp nhất là đối với ngành Quản trị khách sạn. Nhóm tác giả cũng đã đưa ra những thực trạng liên kết đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp và trong lĩnh vực quản trị khách sạn, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp và nhà trường nói chung trong quá trình đào tạo ngành quản trị khách sạn.

Từ khóa: liên kết đào tạo, nhà trường và doanh nghiệp, ngành Quản trị khách sạn.

1. Đặt vấn đề

Việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là một công tác quan trọng và mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên liên quan, qua đó các giúp nhà trường đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu nghề nghiệp của thị trường. Doanh nghiệp có đội ngũ nhân lực dồi dào, có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với ngành nghề, hạn chế việc đào tạo lại sau khi tiếp nhận nhân sự và duy trì được nguồn nhân lực ổn định. Đối với người học có thể định hướng nghề nghiệp trong tương lai, cơ hội được tiếp xúc thực tế và có việc làm. Mặc dù đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích sự hợp tác liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, tuy nhiên, thực tế triển khai việc liên kết đào tạo vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi.

            Ngành Quản trị khách sạn là ngành học đang có xu hướng phát triển trong những năm gần đây, với nhu cầu công việc cao. Đặc thù ngành Quản trị khách sạn thuộc lĩnh vực Dịch vụ và Du lịch, chi phí trong việc trang bị cơ sở vật chất rất lớn, nên việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp giúp nhà trường có thể tận dụng được trang thiết bị, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, tạo cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp và trải nghiệm thực tế. Doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo giúp tiết kiệm thời gian đào tạo lại sinh viên sau khi ra trường, đồng thời tận dụng được nguồn lao động dồi dào từ phía nhà trường, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chính vì lợi ích cho các bên liên quan, nên việc đào tạo liên kết với doanh nghiệp là đặc biệt cần thiết đối với ngành Quản trị khách sạn.

2. Sự cần thiết của liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đối với ngành Quản trị khách sạn

            Nghị quyết số 19-NQ/TW (2017) nêu rõ: “Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng chính sách để doanh nghiệp được tham gia giáo dục nghề nghiệp theo hình thức đặt hàng của Nhà nước và của doanh nghiệp khác; được tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên”.

            Theo Đỗ Thị Thanh Toàn (2018), liên kết hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là sự tương tác trực tiếp hay gián tiếp, có tính chất cá nhân hay tổ chức giữa nhà trường và các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích của cả hai như: hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển, kích thích sự vận động năng động qua lại của cán bộ quản lý, giảng viên, người học và các nhà chuyên môn đang làm việc tại các doanh nghiệp; thương mại hóa các kết quả nghiên cứu; xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức học tập suốt đời; hỗ trợ các nỗ lực sáng nghiệp và quản trị tổ chức.

            Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (2018) quy định tại Điều 12. Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học: "Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo". Theo Điều 37. Tổ chức và quản lý đào tạo: "Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc sử dụng chuyên gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức đào tạo thực hành, thực tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập và tăng cơ hội việc làm của sinh viên".

            Nhận thấy, việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường rất cần thiết trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Du lịch nói chung và ngành Quản trị khách sạn nói riêng. Việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo sẽ tránh được việc phải đào tạo lại sau khi ra trường, đồng thời giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp và phát triển bản thân trong tương lai. Tuy nhiên, việc đào tạo gắn liền với doanh nghiệp còn nhiều bất cập, cụ thể chưa làm rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà trường và doanh nghiệp; việc liên kết đào tạo còn lỏng lẻo, chưa thực sự hiệu quả.

            Do đặc thù ngành Quản trị khách sạn thuộc lĩnh vực dịch vụ và du lịch, đồng thời chi phí trong việc trang bị cơ sở vật chất rất lớn nên việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp giúp nhà trường có thể tận dụng được trang thiết bị, cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo giúp tiết kiệm thời gian đào tạo lại sinh viên sau khi ra trường, đồng thời tận dụng được nguồn lao động dồi dào từ phía nhà trường. Người học thì có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Chính vì lợi ích cho các bên liên quan mà việc đào tạo liên kết với doanh nghiệp đặc biệt cần thiết đối với ngành Quản trị khách sạn.

3. Thực trạng việc hợp tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đối với ngành Quản trị khách sạn

3.1. Nội dung hợp tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp

            Theo Đỗ Thị Thanh Toàn (2018), tác giả cho rằng nội dung liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp gồm 6 nội dung như: (1) Liên kết trong xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; (2) Liên kết trong xây dựng phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức; (3) Liên kết trong giảng dạy, thực hành, thực tập; (4) Liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ; (5) Liên kết trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; (6) Liên kết trong tạo cơ hội việc làm cho người học.

Đối với ngành Quản trị khách sạn, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có thể thông qua các nội dung:

  • Liên kết tham gia xây dựng chương trình đào tạo của ngành Quản trị khách sạn: doanh nghiệp tham gia trong quá trình xây dựng mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, nội dung đào tạo.
  • Liên kết trong xây dựng phương pháp giáo dục; kiểm tra, đánh giá kết quả người học;
  • Liên kết trong giảng dạy, thực hành, kiến tập, thực tập;
  • Liên kết trong các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên;
  • Liên kết trong hoạt động biên soạn giáo trình, tài liệu học tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;

Liên kết trong tuyển dụng, việc làm.

3.2. Mô hình hợp tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp tại Việt Nam

Mô hình hợp tác  tác giữa trường đại học với doanh nghiệp đã phát triển từ rất sớm ở các quốc gia phát triển như khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Singapore,… Tại Việt Nam, mô hình này cũng được áp dụng tại một số trường. Tuy nhiên, mô hình này còn khá mới mẻ và thực trạng liên kết đào tạo giữa nhà trường, doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, bất cập và nhiều hạn chế. Trong khuôn khổ dự án Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE) cho thấy, hoạt động hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam chưa thực sự phổ biến. (Trần Sỹ Nguyên, 2020).

Theo Đoàn Văn Tình, (2015) đã chỉ ra rằng Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế (2005) đã thực hiện thí điểm mô hình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (thuộc dự án POHE - Giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng). Trường đã hợp tác với trên 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp sinh viên có cơ hội tiếp xúc với thực tế nghề nghiệp, trực tiếp tham gia các hoạt động của doanh nghiệp như quản lý, sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội việc làm cho người học.

Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là một trong hai Đại học Quốc gia đã triển khai hiệu quả các mô hình liên kết ở hai cấp: liên kết trường - viện. Trong giai đoạn từ 2011-2015, thông qua hợp tác toàn diện đã ký kết với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn (Dầu khí, Viettel, VinGroup, AIC, BRG...), bình quân mỗi năm đã có gần 1.500 lượt cán bộ và trên 1.200 lượt sinh viên được trao đổi với nước ngoài, hàng nghìn sinh viên bậc đại học được trao học bổng từ các doanh nghiệp với tổng giá trị 5 tỷ đồng/năm; các nhà khoa học và các đơn vị thuộc ĐHQGHN triển khai hàng chục đề tài/chương trình/dự án lớn phục vụ cộng đồng và theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Đại học Thái Nguyên đã tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, cụ thể vào năm 2015, Công ty Samsung Việt Nam đã đặt phòng Lab nghiên cứu - đào tạo có giá trị đầu tư trên 40.000 USD tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Đại học Thái Nguyên cũng hợp tác với  Công ty TNHH Minami Fuji và cho ra đời Văn phòng hợp tác tại Đại học Thái Nguyên. Đây là minh chứng cho sự gắn kết, hợp lâu dài giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trường Đại học Xây dựng đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Tổng Công ty Viglacera, nhằm đưa tiến bộ về công nghệ, vật liệu mới vào đào tạo và nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn. Hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN), một trường đại học trọng điểm với Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông trong R&D, chuyển giao công nghệ là một hợp tác tiêu biểu, nhiều đề tài, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, hai phòng thí nghiệm chung (01 đặt tại Rạng Đông và 01 tại Trường) đã hình thành góp phần tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc của Rạng Đông trong sản xuất - kinh doanh - Đinh Văn Toàn (2016).

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, nhận thấy, ngành Quản trị khách sạn là một lĩnh vực tiềm năng, là một ngành cần có sự trải nghiệm từ sớm và kinh nghiệm thực tế sâu. Nhà trường đã kết nối với các doanh nghiệp lớn kinh doanh dịch vụ khách sạn, như: Khách sạn Sheraton Hà Nội, Khách sạn InterconLandmark72, Khách sạn JW Marriott, Khách sạn Daewoo Hà Nội, Khách sạn Melia Hà Nội, Khách sạn Novotel suite, Khách sạn Fortuna Hà Nội…[1]

Hoạt động liên kết với doanh nghiệp thời gian qua được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành rất chú trọng và quan tâm, một số hoạt động đã triển khai, như: Câu lạc bộ Doanh nghiệp với hơn 300 doanh nghiệp thành viên hoạt động đa lĩnh vực. Khoảng 2.500 doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên thực tập, làm việc. Huy động 2 tỷ đồng/năm quỹ học bổng cho sinh viên. Ký kết hợp tác với 120 doanh nghiệp chiến lược nhằm tạo chỗ thực tập và việc làm cho sinh viên, hợp tác trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ký kết hợp tác toàn diện với các cơ sở, doanh nghiệp[2]…

Đối với lĩnh vực Quản trị khách sạn, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng liên kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp, cụ thể Khoa đã liên kết với hơn 40 doanh nghiệp với mối quan hệ thân thiết trong lĩnh vực Khách sạn, Nhà hàng và Du lịch không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Đối với ngành Nhà hàng, Khách sạn, Khoa liên kết đều đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên nhằm đảm bảo môi trường thực tập chuyên nghiệp cho người học. Khoa Du lịch đã và đang có mối quan hệ mật thiết với nhiều công ty, khách sạn nổi tiếng trong nước, như: Khách sạn Majestic, JW Marriott Phú Quốc, Grand Hotel, InterContinental hotel Saigon, Tập đoàn FLC, New World Sài Gòn, Khách sạn Continental Saigon, Khách sạn Riverside, Khách Sạn Tân Sơn Nhất ,Tập đoàn Đông Phương Group, Rex Hotel, Công ty Cổ phần Sài Gòn - Saigontourist, Công ty Du lịch Fiditour… cùng với hàng chục doanh nghiệp uy tín và chất lượng khác. Minh chứng cho sự liên kết bền chặt này là những biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Khoa và các doanh nghiệp được ký kết, duy trì và không ngừng mở rộng qua từng năm. Không những vậy, Khoa còn liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản, mở ra cơ hội làm việc tại nước ngoài cho sinh viên. Đối tác thân thiết của Khoa tại Nhật Bản chính là Khách sạn Hokutoso...[3]

3.3. Những bất cập trong liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp đối với ngành Quản trị khách sạn

            Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường là rất cần thiết trong quá trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung và ngành Quản trị khách sạn nói riêng. Tuy nhiên, việc đào tạo gắn liền với doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể:

            Các hoạt động liên kết đào tạo mang tính ngắn hạn, theo nhiệm kỳ, đợt, chưa mang tính bài bản, xuyên suốt và và bền vững. Doanh nghiệp và nhà trường chưa coi việc hợp tác giữa hai bên là chiến lược quan trọng, gắn liền với công tác đào tạo. Việc triển khai hợp tác còn thiếu kinh nghiệm nên chưa được cụ thể, rõ ràng, còn nhiều lúng túng khi triển khai.

            Hợp tác đa phần mới chỉ dừng lại ở hoạt động kiến tập, thực hành, thực tập, cung ứng nhân lực cho doanh nghiệp. Những hoạt động khác liên quan đến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, giáo trình, tài liệu vẫn còn hạn chế.

            Công tác tham gia đào tạo của doanh nghiệp tại nhà trường còn hạn chế bởi những ràng buộc về quy chế, quy định liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ đối với những người tham gia giảng dạy trực tiếp đến từ doanh nghiệp nhất là đối với ngành Quản trị khách sạn thì vấn đề này càng là thách thức lớn.

            Vì những lý do trên, công tác liên kết hợp tác với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nhà trường với doanh nghiệp khách sạn vẫn chưa hiệu quả mặc dù đã được sự quan tâm, triển khai ở nhiều cơ sở giáo dục. Đa phần, các liên kết hiện nay từ mối quan hệ cá nhân của giảng viên nên việc liên kết đào tạo chưa chuyên nghiệp, bền vững và ổn định.

4. Đề xuất giải pháp

            Đối với cơ quan quản lý nhà nước, các sở, ban, ngành liên quan:

  • Là cầu nối để các doanh nghiệp tiếp cận với nhà trường và ngược lại. Xây dựng hệ thống mạng lưới các doanh nghiệp và nhà trường nhất là các cơ sở giáo dục đào tạo ngành Quản trị khách sạn và doanh nghiệp ngành khách sạn;
  • Xây dựng hệ thống và cung cấp các thông tin về nhu cầu thị trường, nguồn nhân lực, xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai.
  • Xây dựng, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng các doanh nghiệp tham gia liên kết với nhà trường. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo cùng nhà trường.
  • Xây dựng chính sách hỗ trợ, hướng dẫn và khuyến khích hoạt động liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
  • Nâng cao nhận thức, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc liên kết đào tạo.

Đối với các cơ sở giáo dục:

  • Thực hiện ký kết hợp tác với các doanh nghiệp khách sạn, thỏa thuận rõ ràng về quy định, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan.
  • Phối hợp với khách sạn trong việc đào tạo tại doanh nghiệp, ưu tiên những mùa thấp điểm của doanh nghiệp khách sạn để thực hiện đào tạo tại doanh nghiệp và hỗ trợ mùa cao điểm tại khách sạn để sinh viên có thể thực hành công việc.
  • Phối hợp với doanh nghiệp khách sạn trong việc xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, giảng dạy, giáo trình và thực hành, thực tế nhằm đảm bảo cung cấp các kiến thức, kỹ năng, thái độ, nghiệp vụ cho người học ngành Quản trị khách sạn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
  • Nhà trường thường xuyên, định kì gặp gỡ doanh nghiệp thông qua các hội thảo, chuyên đề, diễn đàn... Mời doanh nghiệp tham gia cùng để Nhà trường trong công tác đào tạo như: Tham gia giảng dạy các khóa ngắn hạn, các khóa nghiệp vụ, học phần chuyên ngành. Ngoài ra, tham gia hỗ trợ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực doanh nghiệp hiện có.
  • Hàng năm có nhận xét, báo cáo, đánh giá về hoạt động đào tạo liên kết với doanh nghiệp để tiến hành điều chỉnh cho phù hợp nhằm tăng hiệu quả đào tạo tại doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp:

  • Liên kết Nhà trường trong các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn. Coi việc liên kết đào tạo với nhà trường là một phần hoạt động hướng đến cộng đồng của doanh nghiệp.
  • Liên kết trong xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra: tham gia cùng nhà trường trong công tác xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra.
  • Liên kết trong xây dựng phương pháp giáo dục; doanh nghiệp tham gia xây dựng phương pháp kiểm tra, trực tiếp tham gia đánh giá kết quả người học đối với một số học phần cụ thể như các học phần liên quan đến nghiệp vụ khách sạn, thực tập, thực hành tại nhà trường và khách sạn.
  • Liên kết trong các hoạt động giảng dạy: tham gia các hoạt động giảng dạy của nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên được tiếp xúc với doanh nghiệp qua các hoạt động: kiến tập, thực tập, thực hành tại khách sạn; tham gia tổ chức, giảng dạy các học phần chuyên ngành tại nhà trường và tại doanh nghiệp.
  • Liên kết trong giáo trình, tài liệu, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ: tham gia hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo trình, bài giảng, tài liệu, nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ, có chính sách rõ ràng, phù hợp để tham gia với nhà trường trong hoạt động này.
  • Liên kết trong tuyển dụng: ưu tiên tuyển dụng những sinh viên đã từng thực tập, thực hành tại doanh nghiệp khách sạn tham gia làm việc tại doanh nghiệp, tham gia những chương trình liên quan đến việc làm của nhà trường tổ chức.
  • Đưa hoạt động liên kết với nhà trường vào trong mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp.

5. Kết luận

Liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp nhất là đối với lĩnh vực khách sạn là một nhiệm vụ quan trọng và thiết thực. Thời gian qua, đã có nhiều chính sách, định hướng về việc liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp và cũng đã triển khai ở một số cơ sở giáo dục. Để đạt được hiệu quả trong quá trình liên kết đào tạo, rất cần có những định hướng, chính sách cụ thể, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, sự nỗ lực của các bên liên quan và cơ quan chức năng.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Huyền Trang (2023). Sinh viên học quản trị khách sạn: Được kết nối doanh nghiệp - mở rộng cơ hội việc làm. Truy cập tại: https://hcct.edu.vn/hoc-quan-tri-khach-san-ket-noi-doanh-nghiep-mo-rong-co-hoi-viec-lam/.

[2] Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (2023). Hoạt động hợp tác doanh nghiệp. Truy cập tại: https://ntt.edu.vn/hoat-dong-hop-tac-doanh-nghiep/

[3] Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (2023). Hoạt động liên kết doanh nghiệp tại Khoa Du lịch và Việt Nam học. Truy cập tại: https://dlvnh.ntt.edu.vn/doanh-nghiep/hoat-dong-lien-ket-doanh-nghiep-tai-khoa-du-lich-va-viet-nam-hoc/.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, ngày 25/10/2017.
  2. Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, ngày 15/3/2017.
  3. Quốc hội (2018). Luật số 34/2018/QH14 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ngày 19/11/2018.
  4. Đoàn Văn Tình (2015). Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và liên hệ với Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Số 13.
  5. Đỗ Thị Thanh Toàn (2018). Liên kết trường đại học và doanh nghiệp - Phương thức nâng cao chất lượng đào tạo. Tạp chí Giáo dục Tạp chí Giáo dục, Số 432 (Kì 2 - 6/2018), tr 34-38.
  6. Trần Anh Tài, Trần Văn Tùng (2009). Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Trần Sỹ Nguyên (2020). Hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam, Một số vấn đề đặt ra và giải pháp. Tạp chí Công Thương, số 20, tháng 8/2020. Tr 172-178.
  8. Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (2023). Hoạt động liên kết doanh nghiệp tại Khoa Du lịch và Việt Nam học. Truy cập tại: https://dlvnh.ntt.edu.vn/doanh-nghiep/hoat-dong-lien-ket-doanh-nghiep-tai-khoa-du-lich-va-viet-nam-hoc/.
  9. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (2023). Hoạt động hợp tác doanh nghiệp. Truy cập tại: https://ntt.edu.vn/hoat-dong-hop-tac-doanh-nghiep/
  10.   Huyền Trang (2023). Sinh viên học Quản trị khách sạn: Được kết nối doanh nghiệp - mở rộng cơ hội việc làm. Truy cập tại: https://hcct.edu.vn/hoc-quan-tri-khach-san-ket-noi-doanh-nghiep-mo-rong-co-hoi-viec-lam/.
  11. Ushakov, Roman Nikolaevich, et al, (2020). Efficiency of hotel management. Training of specialists in hotel industry field. Journal of Environmental Management & Tourism, 11.2 (42), 388-395.
  12. Cho Minho (2006). Student perspectives on the quality of hotel management internships. Journal of Teaching in Travel & Tourism, 6.1, 61-76.
  13. Tse, Tony SM, (2010). What do hospitality students find important about internships?. Journal of Teaching in Travel & Tourism, 10.3, 251-264.

 

Training coordination between schools and companies in the hotel management field

Nguyen Thi Kim Thoa

Dang Kim Phung

Faculty of Tourism, Nguyen Tat Thanh University

Abstract:

This study presents the importance of coordination in training activities between schools and companies, especially in the hotel management field. This study also presents the current situation of training coordination between schools and companies in the hotel management field. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to further strengthen this coordination in the coming time.

Keywords: training coordination, schools and businesses, hotel management field.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 21 tháng 10 năm 2023]