Ngày 10/4/2025, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Hội Dệt - May - Thêu - Đan Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may: Thích ứng các tiêu chuẩn quốc tế” tại SECC, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội thảo cập nhật những yêu cầu mới của thị trường quốc tế đối với ngành dệt may, chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp trong việc thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế, trao đổi các giải pháp liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may trên thị trường quốc tế.

Cần chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững
Phát biểu tại hội thảo, TS. Huỳnh Thanh Điền, Chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế cho biết: Năm 2024, thị trường xuất khẩu dệt may sang EU chiếm 13% trong tổng giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam và thuế dành cho Việt Nam chỉ 0% - 5%. Trong khi đó, các nước cạnh tranh như Bangladesh, Indonesia và Mexico chịu tới 9 - 12% từ EU. Thị trường Mỹ chiếm đến 42%, Nhật Bản chiếm 9,5%, Trung Quốc 7,5%, Hàn Quốc 7% và ASEAN 5,5%.
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp dệt may khi tham gia chuỗi cung ứng: Mở rộng thị trường quốc tế qua các hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP, RCEP,…); Thúc đẩy sản xuất bền vững với công nghệ tiết kiệm năng lượng và vật liệu tái chế; Khẳng định thương hiệu với các sản phẩm thân thiện với môi trường và chứng nhận quốc tế.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức như: Chi phí đầu tư lớn vào công nghệ xanh và quy trình sản xuất bền vững; Cạnh tranh gia tăng từ các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xanh; Khó khăn trong duy trì tuân thủ quy định về môi trường và báo cáo phát thải carbon…

Để chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, TS. Huỳnh Thanh Điền khuyến khích doanh nghiệp dệt may cần thực hiện Chương trình hành động theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Thử nghiệm phương án và đào tạo; Đánh giá, xác định điểm cần cải tiến; Tìm kiếm nguồn nguyên liệu bền vững, thử nghiệm sản phẩm xanh; Đào tạo nhân sự về tiêu chuẩn ESG, phát triển năng lực nội bộ.
Giai đoạn 2: Đầu tư chuyển đổi và Tối ưu hóa; Đầu tư vào công nghệ xanh (nhuộm không nước, sử dụng năng lượng sạch); Hợp tác với nhà cung cấp nội địa để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; Áp dụng hệ thống số hóa (AI, Blockchain) để theo dõi chuỗi cung ứng.
Giai đoạn 3: Chứng nhận xanh và cam kết phát triển bền vững; Đạt các chứng nhận quốc tế (GOTS, OEKO-TEX, ZDHC); Xây dựng thương hiệu thời trang xanh và mở rộng xuất khẩu; Kết nối chuỗi cung ứng bền vững với các thương hiệu toàn cầu.
“Phát triển bền vững là điều kiện bắt buộc, doanh nghiệp dệt may cần đầu tư dài hạn vào công nghệ, quản lý và chuỗi cung ứng xanh. Đồng thời, nắm bắt cơ hội từ FTA, chuyển đổi số để tối ưu sản xuất”, TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia từ TUV Rheinland Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm từ TUV Rheinland - tổ chức quốc tế chứng nhận độc lập kiểm soát về kỹ thuật và an toàn với trụ sở chính tại Đức. Đồng thời, chuyên gia cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, lao động và trách nhiệm xã hội trong ngành dệt may.
Bà Thúy cho rằng, doanh nghiệp dệt may Việt Nam không những phải nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng bền vững mà còn tiếp tục tăng cường công tác marketing và xây dựng thương hiệu xanh, hợp tác và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, liên tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm…
Liên kết chuỗi cung ứng là chìa khóa mang tính sống còn
Trao đổi tại hội thảo, bà Lê Nguyên Trang Nhã, Tổng Giám đốc Công ty Viking Việt Nam cho biết thêm, chuỗi cung ứng dệt may đang phải đối mặt với nhiều biến động địa chính trị và gián đoạn hậu Covid-19, chi phí logistics tăng cao, thiếu hụt nguyên liệu và người lao động, áp lực từ chính sách thuế,…
Do đó, lợi ích của liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may nhằm tăng tốc độ đáp ứng thị trường và tối ưu tồn kho; Giảm sai lỗi, giảm lãng phí trong vận hành; Linh hoạt thích ứng với biến động thị trường và chính sách thuế; Xây dựng thương hiệu uy tín, dễ mở rộng thị trường quốc tế.
Bà Lê Nguyên Trang Nhã khẳng định: “Liên kết chuỗi cung ứng là chìa khóa mang tính sống còn và chiến lược cho các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế
Chia sẻ từ kinh nghiệm doanh nghiệp về giải pháp liên kết trong chuỗi cung ứng dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, Bà Nguyễn Thị Kim Trang (Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Fashion Garments) khuyến nghị với các doanh nghiệp dệt may cần xây dựng lòng tin với nhà cung cấp, khách hàng, đối tác (suppliers, customers,partners); xác định phân khúc chính (hợp tác lâu dài, tập trung đầu tư, phân khúc tạo ra doanh số chính); chia sẻ & gia tăng giá trị (khách hàng, bí quyết công nghệ, đối tác, chiến lược); chủ động phương án bảo vệ phù hợp (đa dạng hoá sản phẩm & nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm giá trị cao); tăng cường liên kết, kết nối (Tận dụng mạng lưới, hiệp hội, mối quan hệ, hệ sinh thái chung)…
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh mẽ, ngành dệt may Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn, phải thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Mỹ, EU, Nhật Bản,... không ngừng nâng cao yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, trách nhiệm xã hội, lao động và môi trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may không ngừng đổi mới, liên kết chặt chẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Hội thảo “Liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may: Thích ứng các tiêu chuẩn quốc tế” nằm trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế ngành Công nghiệp Dệt & May - Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2025 (SaigonTex - SaigonFabric 2025) diễn ra từ ngày 9 - 12/4 tại SECC, Thành phố Hồ Chí Minh.