TÓM TẮT:
Trong quá trình thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Xuất phát từ yêu cầu hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài thương mại, bài viết đề cập đến một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: trọng tài thương mại, Luật Trọng tài thương mại, giải pháp hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại.
1. Đặt vấn đề
Trọng tài thương mại (TTTM) là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam, cùng với thương lượng, hòa giải và Tòa án, TTTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và thượng tôn pháp luật. Theo Báo cáo số 74/BC-BTP ngày 08/4/2016 của Bộ Tư pháp về sơ kết 4 năm thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM 2010), trong 4 năm (từ năm 2011 đến ngày 31/12/2015) các trung tâm trọng tài đã ban hành 1.831 phán quyết trọng tài; riêng trong năm 2015, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 1.255 vụ tăng 389 vụ việc so với năm 2014. Chỉ tính trong năm 2017, riêng Trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam (VIAC) đã giải quyết 151 vụ tranh chấp với tổng giá trị lên đến 1.400 tỷ đồng[1]. Tính đến năm 2021, cả nước có 22 Trung tâm TTTM chủ yếu tập trung tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, riêng tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2021 đã có 11.150 vụ việc được giải quyết bằng trọng tài thương mại[2]. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành Luật TTTM năm 2010 đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng TTTM. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này xuất phát từ các quy định chưa phù hợp của Luật TTTM, do đó cần sớm có giải pháp khắc phục.
2. Một số bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010
Kể từ khi Luật TTTM năm 2010 bắt đầu có hiệu lực thi hành, số lượng các vụ tranh chấp trong lĩnh vực thương mại được giải quyết bằng TTTM đã được tăng lên đáng kể, năm sau cao hơn năm trước, song trong thực tiễn thi hành đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế:
Một là, về căn cứ thay đổi trọng tài viên. Điều 42 Luật TTTM quy định: “1. Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
a) Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
b) Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
c) Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;
d) Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.”…
Quy định thay đổi trọng tài viên được đặt ra nhằm đảm bảo trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp trọng tài viên tuân thủ đúng nguyên tắc độc lập, vô tư, khách quan và tuân theo quy định của pháp luật, từ đó có thể đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, đúng đắn. Việc thay đổi trọng tài viên được thực hiện khi một bên tranh chấp đưa ra yêu cầu thay đổi trọng tài viên hoặc chính trọng tài viên tự mình từ chối tham gia giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, căn cứ thay đổi trọng tài viên được quy định tại điểm a khoản 1 điều 42 nêu trên khó có thể được thực thi triệt để. Trên thực tế, Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định giải thích rõ vấn đề hiểu như thế nào là “người thân thích”, từ đó có thể dẫn đến sự tùy tiện trong việc đưa ra yêu cầu thay đổi trọng tài viên của một bên tranh chấp. Thuật ngữ “người thân thích” trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, cụ thể: có khi được hiểu là những người có quan hệ huyết thống gần gũi như ông bà nội/ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ, con ruột, anh chị em ruột, cô, dì, chú, bác ruột,…; có khi còn là những người có quan hệ nuôi dưỡng nhưng không có quan hệ huyết thống như con nuôi, cha mẹ nuôi,…; nhưng cũng có khi lại là anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ;…[3] Song không phải tất cả những người có mối quan hệ trên đều có đủ khả năng tác động đến trọng tài viên, làm cho trọng tài viên không còn độc lập, vô tư, khách quan khi đưa ra phán quyết. Do đó, đòi hỏi cần phải có quy định cụ thể để giải thích rõ trường hợp này để có sự phân loại hợp lý, trường hợp nào buộc phải thay thế trọng tài viên giải quyết tranh chấp, trường hợp nào không nhất thiết phải thay thế.
Hai là, về việc gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ của bên bị đơn. Khoản 2 và khoản 3 điều 35 Luật TTTM quy định: “2. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.”
Quy định trên cho thấy, cùng sử dụng phương thức trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp, song có sự phân biệt không nên có giữa việc giải quyết tranh chấp bằng Trung tâm trọng tài với Trọng tài vụ việc về thời hạn nộp bản tự bảo vệ của bị đơn. Theo quy định tại khoản 2 điều 35 Luật TTTM, thời hạn mà bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo và thời hạn này có thể được gia hạn thêm nếu như một hoặc các bên tranh chấp có yêu cầu gia hạn. Tuy nhiên, nếu tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc thì thời hạn này được ấn định là 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo và không được gia hạn. Nếu tranh chấp có tính chất phức tạp, có nhiều điều cần giải thích, chứng minh để làm rõ thì dù là giải quyết bởi Trung tâm trọng tài hay Trọng tài vụ việc, việc cho phép bên bị đơn có quyền được gia hạn thời gian gửi bản tự bảo vệ là điều hết sức cần thiết. Song trên thực tế, chỉ có tranh chấp được giải quyết bằng Trung tâm trọng tài, bị đơn mới được gia hạn thời gian nộp bản tự bảo vệ, điều này đã gây ra sự bất bình đẳng giữa việc giải quyết tranh chấp bằng Trung tâm trọng tài với Trọng tài vụ việc. Bên cạnh đó, khoản 2 điều 35 Luật TTTM cũng không có quy định số lần tối đa được gia hạn hoặc khoảng thời gian tối đa được gia hạn là bao nhiêu ngày nên quy định này có thể bị bên bị đơn lợi dụng để trì hoãn thời gian giải quyết tranh chấp.
Ba là, về vấn đề hủy phán quyết trọng tài. Trong thời gian gần đây, việc phán quyết của trọng tài bị hủy bởi quyết định của Tòa án đang có xu hướng gia tăng2. Cụ thể trong giai đoạn từ 2003 - 2014 với tỷ lệ số vụ tranh chấp có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài chiếm 12% thì có tới 43% trong số đó bị hủy. Riêng tỷ lệ hủy phán quyết trọng tài trong giai đoạn 2011 - 2014 đã lên tới 50%.[4] Riêng tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, trong năm 2015, cơ quan này đã thụ lý 07 vụ, năm 2016 là 11 vụ, năm 2017 với 14 vụ; riêng 6 tháng đầu năm 2018 thụ lý 5 vụ (trong đó, yêu cầu về khiếu nại thẩm quyền của Hội đồng trọng tài là 4 vụ việc, yêu cầu hủy phán quyết là 26 vụ và công nhận cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài là 7 vụ)[5]. Đây là con số đáng báo động, bởi điều này sẽ làm giảm niềm tin của xã hội đối với tính hiệu quả cũng như giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài thương mại. Có hai nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về cơ chế giám sát và xử lý việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng một số Tòa án tùy tiện trong việc áp dụng điều 68 Luật TTTM để hủy phán quyết của trọng tài thương mại. Thông thường, nếu vụ việc được xét xử bởi Tòa án, thì bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: “a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật; c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.” (khoản 1 điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015). Thủ tục giám đốc thẩm được biết đến với chức năng là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Với chức năng đó, thủ tục giám đốc thẩm có vai trò giám sát và đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa được thực thi, góp phần đảm bảo bản án, quyết định thật sự công bằng, khách quan, đúng đắn, hạn chế đến mức tối đa những sai lầm trong các bản án, quyết định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, khi một phán quyết của trọng tài thương mại bị hủy bởi quyết định của Tòa án thì việc giám đốc thẩm quyết định này lại không được đặt ra bởi pháp luật về TTTM lẫn tố tụng dân sự hoàn toàn không có quy định cho phép áp dụng thủ tục giám đốc thẩm trong trường hợp này. Và trên thực tế hiển nhiên quyết định hủy bỏ phán quyết của trọng tài của Tòa án là quyết định cuối cùng, các bên tranh chấp, hội đồng trọng tài không có quyền kháng cáo hoặc khiếu nại, Viện Kiểm sát nhân dân không có quyền kháng nghị và có hiệu lực thi hành[6]. Vấn đề đặt ra là nếu như quyết định hủy phán quyết trọng tài của Tòa án là không đúng thì sẽ giải quyết như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp, đồng thời cũng để bảo vệ giá trị đúng đắn của phán quyết trọng tài đã bị tuyên hủy bởi Tòa án?
Thứ hai, căn cứ hủy phán quyết trọng tài chưa thực sự rõ ràng. Một trong những căn cứ hủy phán quyết trọng tài mà một số Tòa án thường viện dẫn để áp dụng đó là căn cứ “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” được quy định tại điểm đ khoản 1 điều 68 Luật TTTM. Mặc dù điểm đ khoản 2 điều 14 Nghị quyết số 01/2014 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTM đã có giải thích phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam “là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, cách giải thích như trên không thực sự rõ ràng, còn mang tính chung chung nên dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau bởi tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều hệ thống văn bản pháp luật khác nhau, như: Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán,... thì sẽ rất khó cho việc xác định đâu là nguyên tắc cơ bản và đâu là nguyên tắc không cơ bản.
Bốn là, chưa có cách giải quyết trong trường hợp ý kiến của Viện Kiểm sát được Kiểm sát viên trình bày tại phiên họp xem xét hủy phán quyết của TTTM do Tòa án tổ chức trái ngược với quyết định của Hội đồng xét đơn yêu cầu (gồm 3 thẩm phán do Chánh án Tòa án cấp tỉnh chỉ định). Theo quy định tại khoản 4 điều 71 Luật TTTM, thì “… Sau khi xem xét đơn và các tài liệu kèm theo, nghe ý kiến của những người được triệu tập, nếu có, Kiểm sát viên trình bày ý kiến của Viện kiểm sát, Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số”. Viện kiểm sát cử Kiểm sát viên tham dự phiên họp để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tuân thủ pháp luật của phiên họp do Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do Tòa án tổ chức. Trên thực tế, không phải lúc nào Viện kiểm sát cũng đồng quan điểm với Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp. Giả sử, nếu xảy ra trường hợp Viện Kiểm sát không đồng tình với việc hủy hoặc không hủy phán quyết trọng tài của Tòa án thì Viện Kiểm sát sẽ phải làm gì và điều này chưa được pháp luật quy định rõ. Do đó, chưa phát huy được vai trò của Viện Kiểm sát trong trường hợp này.
3. Một số giải pháp hoàn thiện
Một là, về căn cứ thay đổi trọng tài viên: cần phải có hướng dẫn cụ thể giải thích như thế nào là “người thân thích” được quy định tại điểm a khoản 1 điều 42 Luật TTTM. Theo quan điểm của tác giả, những người là: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, cháu ruột, cháu rể/dâu mà trọng tài viên là ông bà của vợ/chồng của cháu rể/dâu, anh chị em ruột và những người khác có quan hệ đến hàng thừa kế thứ ba với trọng tài viên; cha chồng/vợ, mẹ chồng/vợ, anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của trọng tài viên; anh/em rể, chị/em dâu của trọng tài viên thì phải xem là có mối quan hệ thân thích và bổ sung quy định bắt buộc trọng tài phải thông báo ngay bằng văn bản cho Trung tâm TTTM lẫn các bên tranh chấp (nếu giải quyết tranh chấp tại Trung tâm TTTM) hoặc các bên trên chấp (nếu giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài vụ việc) biết. Đồng thời và từ chối giải quyết tranh chấp khi có một trong các bên tranh chấp là những người này, nếu trọng tài vẫn giải quyết tranh chấp thì cần xem đó là vi phạm nguyên tắc “Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật” được quy định tại khoản 2 điều 4 Luật TTTM và đề nghị Tòa án xem xét hủy bỏ phán quyết của trọng tài.
Hai là, về việc gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ của bên bị đơn. Cần bổ sung việc cho phép bên bị đơn có quyền xin gia hạn thời hạn nộp bản tự bảo vệ vào khoản 3 điều 35 Luật TTTM. Đồng thời ,cần bổ sung quy định về số lần bị đơn được gia hạn và khoảng thời gian tối đa được gia hạn nộp bản tự bảo vệ tại khoản 2 và khoản 3 điều 35 Luật TTTM.
Ba là, về việc hủy phán quyết của trọng tài: Thứ nhất, cần bổ sung quy chế giám sát và xử lý việc hủy phán quyết trọng tài của Tòa án. Cần phải xem quyết định của Tòa án về việc hủy phán quyết của trọng tài cũng có tính chất như bản án, quyết định trong tố tụng dân sự để áp dụng thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định hủy phán quyết của trọng tài nhằm hạn chế thấp nhất việc phán quyết của trọng tài bị hủy do sự tùy tiện hoặc có thể do mắc sai lầm của Tòa án. Thứ hai, cần phải bổ sung quy định hướng dẫn để làm rõ căn cứ hủy phán quyết trọng tài được quy định tại điểm đ khoản 2 điều 68 Luật TTTM để tránh bị lạm dụng trong quá trình thực thi, trong đó yêu cầu không được trái với bất kỳ nguyên tắc nào được quy định trong luật nội dung lẫn luật hình thức được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, khi Tòa án áp dụng điểm đ khoản 2 điều 68 Luật TTTM để đưa ra quyết định hủy phán quyết trọng tài thì trong quyết định bắt buộc phải nêu rõ phán quyết của trọng tài vi phạm nguyên tắc nào của văn bản pháp luật nào.
Bốn là, về trường hợp ý kiến của Viện kiểm sát được Kiểm sát viên trình bày tại phiên họp xem xét hủy phán quyết của TTTM do Tòa án tổ chức trái ngược với quyết định của Hội đồng xét đơn yêu cầu (gồm 03 thẩm phán do Chánh án Tòa án cấp tỉnh chỉ định): trên cơ sở kế thừa giải pháp thứ ba được nêu trong bài viết, theo tác giả, cần thiết phải bổ sung quy định cho phép Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được quyền kiến nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định hủy phán quyết của trọng tài trong trường hợp này để đảm bảo các quyết định đó của Tòa án luôn công bằng, đúng đắn, khách quan và thuyết phục.
Năm là, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cho các trọng tài viên để nâng cao chất lượng trong quá trình giải quyết tranh chấp, giảm thiểu những sai sót có thể xảy ra. Đồng thời cũng cần nâng cao nhận thức của đội ngũ thẩm phán trong việc hỗ trợ công tác giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại, đảm bảo xây dựng được một môi trường lành mạnh trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] VIAC (2017). Thống kê hoạt động giải quyết tranh chấp năm 2017. Truy cập tại: https://www.viac.vn/thong-ke/thong-ke-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-nam-2017-s33.html
[2] Ngô Nguyên (2021). ‘Bùng nổ’ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Truy cập tại: https://baodautu.vn/bung-no-giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai-thuong-mai-d137018.html.
[3] Xem thêm khoản 5 điều 21 Luật Thi hành án dân sự 2014; Khoản 19 điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; điểm c khoản 1 điều 7 Luật Công chứng năm 2014; Điểm e Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm a, khoản 2 điều 5 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo 2018;…
[4] Thảo Mộc (2022). Hủy phán quyết trọng tài, do đâu?. Truy cập tại: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=358076.
[5] Vũ Hoàng (2021). Hủy phán quyết trọng tài thương mại theo pháp luật Việt Nam và một số kiến nghị. Truy cập tại: https://lsvn.vn/huy-phan-quyet-trong-tai-thuong-mai-theo-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-kien-nghi1610677477.html.
[6] Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (2009). Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT ngày 25/7/2009. Truy cập tại: http://fdvn.vn/wp-content/uploads/2020/05/luu-ban-nhap-tu-dong-2-4.pdf
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Bộ luật Tố Tụng dân sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành
- http://viac.vn/thong-ke/thong-ke-tinh-hinh-giai-quyet-tranh-chap-tai-viac-nam-2017-a1141.html
- https://baodautu.vn/bung-no-giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai-thuong-mai-d137018.html
- Thảo Mộc, Hủy phán quyết trọng tài, do đâu?, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=358076
- https://lsvn.vn/huy-phan-quyet-trong-tai-thuong-mai-theo-phap-luat-viet-nam-va-mot-so-kien-nghi
- Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT ngày 25/7/2019 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội. Truy cập tại: http://fdvn.vn/wp-content/uploads/2020/05/luu-ban-nhap-tu-dong-2-4.pdf
SOME INADEQUACIES AND SHORTCOMINGS IN THE IMPLEMENTATION OF THE 2010 LAW ON COMMERCIAL ARBITRATION
Ph.D student, Master. Nguyen Thanh Tung
Faculty of Economic Law, University of Law, Hue University
ABSTRACT:
The enforcement of the 2010 Law on Commercial Arbitration has revealed some inadequacies and shortcomings which have detrimental effects on the effectiveness of commercial arbitration. It is necessary to complete the 2010 Law on Commercial Arbitration in order to improve the effectiveness of commercial dispute resolution by commercial arbitration. This paper points out some inadequacies and shortcomings in the implementation of the 2010 Law on Commercial Arbitration, and proposes some solutions to complete this law.
Keywords: commercial arbitration, the Law on Commercial Arbitration, solutions to complete the Law on Commercial Arbitration.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]