Một số giải pháp hoàn thiện quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh

HOÀNG VĂN MẠNH (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:  

Công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn về đất đai là căn cứ giúp các cơ quan chức năng xây dựng, hoạch định kế hoạch sử dụng đất, cũng là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Đây cũng là căn cứ quan trọng cho các cơ quan quản lý tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, tranh chấp về đất đai. Bởi vậy, yêu cầu về quản lý, lưu trữ khoa học khối hồ sơ, tài liệu này là nhiệm vụ tất yếu. Trong khi đó, hồ sơ, tài liệu chuyên môn về đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phần cơ bản hình thành nên hệ thống thông tin quản lý đất đai của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung. Trong bài viết này, tác giả bàn về hệ thống giải pháp hoàn thiện quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh.

TỪ KHÓA: Giải pháp, quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ, văn thư lưu trữ, Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Ở nước ta khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu sử dụng thông tin nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan, tổ chức, của các nhà nghiên cứu ngày càng lớn và đa dạng. Công tác quản lý hồ sơ lưu trữ nhằm đảm bảo lưu trữ theo hệ thống thông tin hồ sơ, tài liệu lưu trữ phục vụ cho hoạt động quản lý của cơ quan, đề ra chủ trương, chính sách, nêu kiến nghị với cấp trên hoặc giải quyết những công việc cụ thể đều phải dựa vào các nguồn thông tin có liên quan. Khi quản lý tốt hồ sơ, tài liệu lưu trữ sẽ góp phần nâng cao hiệu suất và chất lượng công tác chuyên môn của cơ quan, tổ chức.

Quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn về đất đai lại càng tối quan trọng. Bởi đất đai là tài nguyên của quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng.

Cụ thể hiện nay tại các cơ quan quản lý về đất đai trong đó công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chưa được quan tâm đúng so với vai trò và giá trị của hồ sơ, tài liệu mang lại. Tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh,  qua khảo sát trực tiếp về công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn (hồ sơ đăng ký) vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định. Tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh do khối lượng hồ sơ lớn, tài liệu đăng ký là một loại hình tài liệu chuyên môn đặc thù có giá trị hiện hành rất cao khác với các loại hồ sơ, tài liệu khác, chính vì vậy cần có những quy định và cách thức quản lý riêng, thống nhất cho loại hình hồ sơ, tài liệu này.

2. Giải quyết vấn đề

 2.1. Thực trạng quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh

Hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng lớn. Theo Báo cáo thống kê hồ sơ, tài liệu lưu trữ năm 2019 kho lưu trữ đang bảo quản 7.000 mét hồ sơ. Nội dung hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn rất phong phú, đa dạng. Hồ sơ, tài liệu phản ánh quá trình phát triển của bất động sản qua các thời kỳ. Nội dung hồ sơ thể hiện vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, sự phát triển  kinh tế - xã hội của Thành phố.

 Hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn về đất đai có 3 ngôn ngữ chủ yếu, gồm: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn về đất đai được hình thành dưới dạng văn bản giấy, có kích thước khá đa dạng từ khổ giấy A4 đến những loại tài liệu phải sử dụng khổ giấy A0 hoặc lớn hơn để thể hiện kích thước, hình dáng của căn nhà, thửa đất. Hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn về đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai thành phố chủ yếu là hồ sơ có thời hạn bảo quản vĩnh viễn, giá trị hiện hành rất dài.

          Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy cho các tổ chức, cá nhân theo quy định hiện hành của pháp luật. Về cơ bản công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố có nhiều ưu điểm, xong vẫn tồn tại một vài hạn chế nhất định.

Quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố có những ưu điểm sau:

Thứ nhất, được sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí nguồn vốn cho xây dựng tòa nhà 12 Phan Đăng Lưu theo tiêu chuẩn kho Lưu trữ chuyên dụng có diện tích sàn kho khoảng 2500 mét để lưu trữ hồ sơ chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc.

Thứ hai, cán bộ viên chức và người lao động phòng lưu trữ có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm đối với hồ sơ, tài liệu lưu trữ.

Thứ ba, tuy là kho lưu trữ cơ quan nhưng việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn có giá trị hiện hành cao nên hồ sơ, tài liệu khi giao nộp vào kho lưu trữ đã được lập hồ sơ sơ bộ và có đủ diện tích kho và kê lưu trữ để sắp xếp hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu khai thác sử dụng hồ sơ, tài liệu lưu trữ.

Thứ tư, hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại kho lưu trữ Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố qua các thời kỳ đều được bảo quản tương đối tốt, mức độ hoàn thiện của phông lưu trữ khá đầy đủ.

Thứ năm, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo nên các chế độ chính sách cho viên chức, người lao động làm công tác lưu trữ được quan tâm như: Chế độ trợ cấp độc hại bằng tiền trợ cấp độc hại bằng hiện vật; được trang bị khẩu trang khi làm việc trong kho.

Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, một số bộ phận hạ tầng công nghệ thông tin đang sử dụng cũ và lạc hậu. Việc ứng dụng vào các khâu nghiệp vụ lưu trữ còn quá thấp. Hiện tại kho lưu trữ chưa có phần mềm dùng chung nên gây khó khăn trong công tác thống kê, công tác tra tìm hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Chưa áp dụng công nghệ thông tin vào số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ là lập dữ liệu số (hồ sơ số).

Thứ hai, đối với một cơ quan như Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố là đơn vị chuyên môn thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng được giao nhiệm vụ là quản lý kho lưu trữ cơ quan, hàng năm khối lượng hồ sơ, tài liệu được thu thập về kho lưu trữ cơ quan có số lượng rất lớn, tuy nhiên công tác lập  kế hoạch và đầu tư trang bị cơ sở vật chất chưa được chú trọng, quan tâm kịp thời.

           Việc quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đang cần có một chính sách hoạch định trong quản lý tổng thể kho lưu trữ và hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn đặc thù. Cần khắc phục những tồn tại hạn chế như đã phân tích ở trên. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn là nhu cầu cấp thiết đối Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố hiện nay.

2.2. Giải pháp hoàn thiện quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố Hồ Chí Minh

2.2.1. Nhóm giải pháp hoàn thiện về quản lý hồ sơ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố

Một là, nâng cao nhận thức của lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố về quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn.

Trên cơ sở các quy định hướng dẫn của các Bộ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố trong thời gian tới phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

 Tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn cụ thể để thống nhất phương thức chung trong lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn tại kho lưu trữ Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố. Đồng thời, báo cáo kiến nghị Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn giải quyết sự bất cập trong các quy định của Thông tư số 24/2014/BTNMT và Thông tư số 07/2012/TT-BNV như đã trên trên hoặc ban hành hướng dẫn liên Bộ về lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn. Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cần chỉ đạo kiểm tra, rà soát, lại toàn bộ văn bản hướng dẫn công tác văn thư, lưu trữ do Sở Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố ban hành để không bị chồng chéo. Văn bản nào cần bổ sung, sửa đổi thay thế hay phải bãi bỏ để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp quy định pháp luật, với thực tế hồ sơ, tài liệu chuyên môn đặc thù tại cơ quan.

Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn.

 Phòng hành chính - tổng hợp chỉ trì phối hợp với phòng lưu trữ tham mưu, soạn thảo văn bản hướng dẫn lập Danh mục hồ sơ, tài liệu chuyên môn, lập mục lục hồ sơ, xây dựng kế hoạch quản lý, tổ chức thực hiện các phương án nghiệp vụ chi tiết, khoa học và phù hợp với thực tế của hồ sơ, tài liệu. Trong đó phải có hướng dẫn cụ thể cách phân loại hồ sơ theo nhóm sao cho thống nhất. Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ nói chung, về công tác văn thư lưu trữ nói riêng cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa, từ việc nghiên cứu các quy định pháp luật, tình hình thực tiễn tại cơ quan, tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học để ban hành ra những văn bản hướng dẫn có chất lượng, tính thống nhất cao, khắc phục được những bất cập, chồng chéo khi áp dụng vào thực tiễn công việc.

Ba là, tăng cường bố trí cơ sở vật chất phục vụ bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn.

          Kho lưu trữ tuy được đầu tư xây dựng là kho lưu trữ chuyên dụng nhưng hệ thống cửa kho không đảm bảo, hệ thống chữa cháy cũ lạc hậu, hư hỏng chậm sửa chữa khắc phục. Hệ thống giá kệ đã, đang trang bị cho kho lưu trữ là giá kệ đa năng chiếm rất nhiều diện tích kho lưu trữ. Vì vậy, giải pháp lâu dài cần trang bị giá kệ compac sẽ tiết kiệm được diện tích kho, bảo quản an toàn tốt hơn cho hồ sơ, tài liệu lưu trữ. Phòng lưu trữ của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố phải lập được Đề án phân kỳ “trang bị giá kệ compac” trình các Sở, ban, ngành của Thành phố phê duyệt. Do phải sử dụng nguồn kinh phí lớn nên việc lập đề án xin đầu tư trang bị theo các giai đoạn phân kỳ 3 năm hoặc 5 năm, trong đó kết hợp sử dụng một phần nguồn thu từ phí dịch vụ phụ do Văn phòng thu giữ lại.

2.2.2. Nhóm giải pháp hoàn thiện về tổ chức thực hiện chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố

Một là, nâng cao chất lượng thực hiện các nghiệp vụ lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên môn.

 Hàng năm phòng hành chính - tổng hợp phối hợp với phòng lưu trữ tham mưu cho giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về văn thư, lưu trữ phải đảm bảo chất lượng, gắn với thực tiễn của hồ sơ tài liệu.

           Hàng năm, phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ cho đội ngũ lãnh đạo, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống. Công tác tổ chức thực hiện phải được chi tiết cụ thể hóa từng nội dung, như: Công tác xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phải được thực hiện định kỳ hàng năm; tập huấn và đào tạo bồi dưỡng phải chọn nơi đào tạo uy tín, đảm bảo mời chuyên gia, nhà khoa học uy tín tham gia tập huấn, đào tạo, truyền thụ kiến thức và giải đáp những khó khăn vướng mắc trong chuyên môn nghiệp vụ mà viên chức người lao động đang bị vướng.

Ngoài ra, hàng năm với khối lượng hồ sơ, tài liệu thu thập vào kho lưu trữ cơ quan rất lớn nhưng công tác lập kế hoạch luôn bị động, đầu tư trang bị trang thiết bị phục vụ công tác lưu trữ còn quá chậm. Bên cạnh đó, việc khai thác giá trị thông tin của hồ sơ, tài liệu luôn mang lại nguồn thu rất lớn cho cơ quan nhưng các quy định hướng dẫn chưa chặt chẽ, dẫn đến việc cán bộ viên chức khi áp dụng các quy định để cung cấp thông tin gặp rất nhiều khó khăn. 

Hai là, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và đa dạng các hình thức thi đua khen thưởng về quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn.

        Với thực tiễn và yêu cầu đặt ra cho công tác kiểm tra, hướng dẫn trong thời gian tới cần phải được thực hiện đồng bộ như sau:

 Xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ định kỳ ít nhất một năm một lần hoặc kiểm tra đột xuất để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, minh bạch, nội dung kiểm tra phải cụ thể có trọng tâm, trọng điểm. Qua khảo sát tại các Chi nhánh nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện cho thấy một thực trạng là công việc lập hồ sơ công việc của cán bộ, viên chức chưa thực hiện đúng qua định hiện hành về công tác lập hồ sơ. Trong công tác kiểm tra cần phân tích, đánh giá để có hướng dẫn khắc phục, để đảo bảo sau kiểm tra công việc phải tốt hơn, 

Bên cạnh việc kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, việc xây dựng chế độ khen thưởng, xử phạt, kỷ luật trong lưu trữ cũng rất quan trọng. Cán bộ viên chức làm công tác quản lý hay làm nghiệp vụ lưu trữ có trách nhiệm cao trong công việc và đạt được nhiều kết quản tốt cần được biểu dương, khen thưởng tại cơ quan hàng tháng, hàng quý hoặc cao hơn. Đi đôi với việc khen thưởng kịp thời để khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ viên chức và người lao động, việc thực thi nghiêm nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan cần phải được chú trọng.

Ba là, xây dựng các quy trình, thủ tục trong thực hiện nghiệp vụ bảo quản, tổ chức sử dụng hồ sơ, tài liệu chuyên môn (hồ sơ đăng ký).

Qua thực tế khảo sát thực trạng trong công tác quản lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố như hiện nay, cần áp dụng, thử nghiệm một số mô hình quản lý hiện đại như: Lập quy hoạch xin kinh phí đầu tư xây dựng kho lưu trữ vệ tinh “Đông, Tây, Nam, Bắc”. Xây dựng mô hình kho lưu trữ vệ tinh để phục vụ tốt nhất cho công tác khai thác hồ sơ, tài liệu, đảm bảo an toàn cho hồ sơ, tài liệu lưu trữ không phải di chuyển xa trong trường hợp xây kho lưu trữ tập trung.    

 Lập đề án đầu tư nâng cấp phần mềm Vilis hoặc thay thế những phần mềm hiện có để thực hiện đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu địa chính từ khâu tiếp nhận hồ sơ đầu vào đến quá trình luân chuyển giải quyết hồ sơ, cho đến khi kết thúc hồ sơ và hoàn chỉnh hồ sơ để nộp lưu vào lưu trữ cơ quan trong hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai trên toàn Thành phố, tiến tới kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ và dữ liệu địa chính.

Nhìn chung công tác quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cần được xây dựng dựa trên nguyên tắc, đặc điểm phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan. Xét ở góc độ là một đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cũng đã bước đầu thực hiện tương đối tốt các quy định của các Bộ, ngành về quản lý hồ sơ chuyên môn đặc thù, chưa để xảy ra các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và Môi trường, cán bộ viên chức không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Những giải pháp và đề xuất mô hình kho lưu trữ là dựa vào đánh giá, nhận định từ quá trình khảo sát công tác quản lý hồ sơ, tài liệu chuyên môn tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố và 24 Chi nhánh trực thuộc; đồng thời nghiên cứu những đặc điểm phù hợp để có thể triển khai thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố. Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố cần xây dựng kế hoạch hoàn thiện công tác lưu trữ để đảm bảo hồ sơ, tài liệu lưu trữ được quản lý một các bài bản khoa học, phục vụ tốt cho công tác bảo quản, bảo vệ và tổ chức khai thác sử dụng hồ sơ, tài liệu đúng theo quy định pháp luật, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách cơ quan và phục vụ cho công tác chuyên môn, quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký đất đai của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố.

3. Kết luận

Trên cơ sở những phân tích và đánh giá về công tác lưu trữ tài liệu chuyên môn đặc thù của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố, việc tích cực đề xuất giải pháp có tính khả thi nhằm hoàn thiện quản lý tốt hơn cho khối hồ sơ, tài liệu lưu trữ chuyên môn hiện nay là rất cần thiết. Các biện pháp này tập trung vào một số vần đề cơ bản như: nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn về công tác lưu trữ cho cán bộ viên chức cơ quan; đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác lưu trữ tài liệu; thực hiện nghiệp vụ chuyên môn của công tác lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức khoa học tài liệu.

 Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp và được sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến nhân viên sẽ góp phần giúp Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố giữ gìn, bảo quản an toàn được khối tài liệu này cũng như khai thác sử dụng có hiệu quả tài liệu, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tài liệu lưu trữ địa chính nói chung và hồ sơ, tài liệu lưu trữ về đăng ký đất đai nói riêng có ý nghĩa lịch sử, kinh tế, văn hóa và quản lý rất to lớn trong tiến trình phát triển của cơ quan, ngành địa chính của Thành phố Hồ Chí Minh và trong cả nước./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh (2015). Hướng dẫn số 653/HD-SNV ngày 27 tháng 02 năm 2015 Quy định về lập hồ sơ, chỉnh lý, số hóa tài liệu và nộp lưu tài liệu vào Lưu trữ cơ quan tại các cơ quan, tổ chức.
  2. Vũ Dương Hoan chủ biên (1987), Công tác lưu trữ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  3. Đào Xuân Chúc, Nguyễn Văn Hàm, Nguyễn Văn Thâm, Vương Đình Quyền (1990), Lý luận và thực tiễn công tác lưu trữ, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội.
  4. Phan Đình Nham, Bùi Loan Thùy (2015). Lưu trữ học đại cương, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
  5. Vương Đình Quyền (2015). Lịch sử, lý luận, thực tiễn về lưu trữ và quản trị văn phòng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Dương Văn Khảm (2015). Từ điển tra cứu nghiệp vụ quản trị văn phòng - văn thư - lưu trữ Việt Nam. Nxb Thông tin và Truyền thông.
  7. Nguyễn Minh Phương, Triệu Văn Cường (2016). Lưu trữ tài liệu của các cơ quan, tổ chức. Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  8. Chu Thị Hậu (2016). Lý luận và phương pháp công tác lưu trữ. Nxb Lao động, Hà Nội.
  9. Đặng Hùng Võ, Nguyễn Đức Khả (2007), Quản lý Nhà nước về đất đai. Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
  10. Nguyễn Trường Ngân (2012). Tập bài giảng Địa chính đại cương. Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

 

SOME SOLUTIONS FOR PERFECTING THE LAND DOCUMENTS

AND ARCHIVES MANAGEMENT OF HO CHI MINH CITY’S LAND

REGISTRATION OFFICE

HOANG VAN MANH

                              Hanoi University of Home Affairs                                  

ABSTRACT:

The management of land documents and archives is the basis for the authorities to formulate land use plans and also is one of the important contents of the state management of land use. The land documents management serves as an important basis for the regulatory agencies to conduct inspections, settle complaints, denunciations and land disputes. As a result, the management of land documents should be done scientifically and systematically. Land documents and archives of Ho Chi Minh City’s Land Registration Office are a fundamental component of Ho Chi Minh City’s land information management system in particular and the country’s land management system in general. This article discusses solutions for perfecting the land documents and archives management of Ho Chi Minh City’s Land Registration Office.

Keywords: Solutions, documents management, archives, Land Registration Office of Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]