TÓM TẮT:
Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã có những quy định tiến bộ, bảo đảm cho quyền bào chữa của người bị buộc tội được thực hiện một cách có hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quy định ảnh hưởng đến quyền bào chữa, gây khó khăn cho người bị buộc tội trong quá trình thực hiện quyền này. Bài viết phân tích một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 liên quan đến quyền bào chữa và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật, bảo đảm hơn nữa sự bình đẳng cho bên buộc tội và bên gỡ tội.
Từ khóa: quyền bào chữa, người bị buộc tội, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tố tụng hình sự.
1. Đặt vấn đề
Quyền bào chữa là một công cụ pháp lý quan trọng và hữu hiệu mà nhà nước trao cho người bị buộc tội nhằm bảo vệ cho chính họ để chống lại sự buộc tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Quyền bào chữa được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật tố tụng hình sự với tư cách là một trong những quyền con người và được bảo đảm bởi các quy phạm pháp luật có liên quan. Thời gian qua, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và một số văn bản pháp luật khác đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội được thực hiện một cách có hiệu quả trên thực tế, qua đó bảo đảm sự bình đẳng cho bên buộc tội và bên gỡ tội, đáp ứng yêu cầu của quá trình cải cách tư pháp. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm hạn chế, bất cập trong quy định làm ảnh hưởng đến quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của người bị buộc tội, đặc biệt ở phía người bào chữa, họ gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động bào chữa của mình. Để thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp và bảo đảm một nền tư pháp công bằng, cần thiết phải hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cũng như các quy phạm pháp luật có liên quan về quyền bào chữa và việc bảo đảm quyền bào chữa.
2. Một số hạn chế trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 ảnh hưởng đến quyền bào chữa của người bị buộc tội
Thứ nhất, về thủ tục đăng ký bào chữa.
Tại Điều 16, 58, 59, 60, 61 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 đã quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa.[1] Quyền bào chữa của người bị buộc tội xuất hiện từ rất sớm, theo đó, người bào chữa cũng xuất hiện “từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ”[2]. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 78 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ theo quy định từ người đăng kí bào chữa, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng kí bào chữa, nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa. Dù thời gian được tính bằng giờ đồng hồ nhưng vẫn có thể thấy ở quy định tại khoản 4 Điều 78 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021, thời điểm tư cách người bào chữa được xác lập không trùng và muộn hơn so với quy định tại Điều BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Bên cạnh đó, ở khoản 1 Điều 114 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định: “Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay”. Sự quy định thiếu đồng bộ giữa khoản 1 Điều 114 và khoản 4 Điều 78 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 dẫn đến việc người bào chữa sẽ không kịp thời tham gia vào hoạt động lấy lời khai của người bị buộc tội là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và cũng không bảo đảm đối với quyền bào chữa của người bị buộc tội bởi người bào chữa phải chờ trong 24 giờ cho việc đăng ký bào chữa.
Thứ hai, về bảo đảm tính bí mật trong cuộc gặp giữa người bào chữa và người bị buộc tội.
Khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định về trình tự gặp mặt giữa người bào chữa và người bị buộc tội dưới hai dạng: Thứ nhất, cuộc gặp, hỏi chủ động giữa người bào chữa và người bị buộc tội (điểm a); Thứ hai, người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm b). Thông tư số 46/2019/TT-BCA cũng đã có những hướng dẫn, quy định cụ thể về trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2021 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Những quy định trên đã thể hiện sự tiến bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa tham gia hoạt động tố tụng; đã nội luật hóa những giá trị tiến bộ của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (Công ước ICCPR).
Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 12 Thông tư số 46/2019/TT-BCA, việc gặp giữa người bào chữa và người bị buộc tội vẫn đặt dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng “nếu xét thấy cần thiết”. Đây là một quy định mang tính tùy nghi, vì như thế nào là “xét thấy cần thiết” thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể và việc giám sát sẽ thuộc về ý chí chủ quan của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong khi đó, tại nguyên tắc số 8 ở Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư năm 1990 quy định: “Tất cả những người bị bắt, giam hay cầm tù phải được tạo ra các cơ hội, thời gian và phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm và được trao đổi hay tư vấn hoàn toàn riêng với luật sư không chậm trễ, không bị theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật pháp”.
Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 80 quy định: “Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Vậy “vi phạm quy định về việc gặp” là những vi phạm gì thì không có quy định, hướng dẫn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bào chữa, cũng như là không đảm bảo sự bình đẳng cho bên buộc tội, bởi việc vi phạm của người bào chữa sẽ dựa trên sự đánh giá, kết luận từ ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[3].
Thứ ba, về đối tượng được bào chữa chỉ định.
Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho người bị buộc tội nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa trong trường hợp: bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi[4].
So với các văn bản pháp lý quốc tế, quy định về phạm vi các trường hợp chỉ định người bào chữa vẫn còn hạn hẹp, Điều 14.3(d) Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc quy định trong quá trình xét xử về một tội hình sự thì người bị buộc tội “được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có điều kiện trả;...”.
Trên thực tế, trong quá trình xử lý vụ án hình sự, có những trường hợp người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là dưới 20 năm tù. Và có những trường hợp người bị buộc tội trước đó kinh tế ổn định, khá giả nhưng tại thời điểm vụ án hình sự xảy ra, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của họ trở nên khó khăn nhưng họ không phải là hộ nghèo, cận nghèo để hưởng trợ giúp pháp lý. Họ rất mong muốn có người bào chữa cho mình nhưng vì không đủ điều kiện để trả chi phí cho người bào chữa và với mức hình phạt của tội rất nghiêm trọng (từ trên 7 năm đến 15 năm tù)[5]cũng khá nặng nề cho tâm lý của người bị buộc tội, vì vậy cần thiết nên có sự hỗ trợ pháp lý cho họ[6].
Bên cạnh đó, có trường hợp bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội và mức khung hình phạt của từng tội có mức cao nhất chưa đến 20 năm, nhưng tổng hợp hình phạt lại từ 20 năm đến 30 năm tù[7], trong khi đó họ không mời người bào chữa. Trường hợp này không nằm trong quy định được chỉ định bào chữa, trong khi đó hình phạt cuối cùng mà họ nhận tương đương với trường hợp được bào chữa chỉ định ở điểm a khoản 1 Điều 76 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Thứ tư, về việc thu nhập chứng cứ của người bào chữa.
Khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền… đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.
Trên thực tế, người bào chữa gặp khó khăn khi thực hiện quyền thu thập chứng cứ, bởi vì không có một ràng buộc pháp lý, chế tài nào nên việc đáp ứng đề nghị của người bào chữa phụ thuộc vào “thiện chí” của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, sẽ không tránh khỏi trường hợp người bào chữa bị từ chối đề nghị cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, khi người bào chữa không thể tự mình thu thập chứng cứ vì không nhận được sự hợp tác từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân, họ sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ[8]. Tuy nhiên, BLTTHS lại không quy định trách nhiệm cụ thể của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền này của người bào chữa. Vì vậy, việc chấp nhận và thực hiện quyền yêu cầu thu thập chứng cứ của người bào chữa hay không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[9]. Và khi đề nghị của người bào chữa không được chấp nhận dẫn đến việc không bảo đảm cho sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội, ảnh hưởng đến quá trình chứng minh sự thật vụ án.
Thứ năm, về trình tự xét hỏi tại phiên tòa.
Pháp luật tố tụng hình sự hiện hành quy định về trình tự xét hỏi, đó là chủ tọa phiên tòa hỏi trước, sau đó đến Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện hỏi[10]. Với quy định trình tự xét hỏi như vậy, đã đặt gánh nặng chứng minh vụ án hình sự lên vai Hội đồng xét xử, không phát huy được vai trò của đại diện của Viện kiểm sát trong việc thực hiện chức năng buộc tội và vai trò của người bào chữa trong thực hiện chức năng gỡ tội, từ đó không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Về bản chất, quá trình tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động tố tụng tại phiên tòa và tranh luận giữa các bên buộc tội, cùng bên gỡ tội dưới sự điều khiển, giám sát của Hội đồng xét xử nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án. Trên cơ sở các chứng cứ, lập luận, lý lẽ giữa các bên, Hội đồng xét xử sẽ ra phán quyết về vụ án bằng bản án, quyết định. Vì vậy, chỉ khi nắm bắt được sự tranh luận, lý lẽ giữa các bên, câu hỏi của Hội đồng xét xử mới thể hiện đúng trọng tâm để làm rõ sự buộc tội, gỡ tội giữa các bên và ra phán quyết công bằng.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến quyền bào chữa của người bị buộc tội
Thứ nhất, nên đơn giản hóa thủ tục đăng kí bào chữa.
Để đảm bảo cho việc người bào chữa có thể xuất hiện kịp thời từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy lời khai đầu tiên với người bị buộc tội, đặc biệt là đối với người bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và đảm bảo quyền bào chữa (bao gồm quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa) của người bị buộc tội, BLTTHS hiện hành nên sửa đổi theo hướng chỉ cần người bào chữa xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng những giấy tờ được quy định tại khoản 2 Điều 78 BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 thì được thực hiện ngay công việc bào chữa của mình. Còn việc xác minh người bào chữa thuộc trường hợp từ chối việc đăng kí bào chữa hay không sẽ thuộc về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng liền sau khi tư cách người bào chữa được xác lập. Bởi với quy định như hiện nay, với thời hạn 24 giờ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng khó có thể kịp thời xác định người đăng kí bào chữa có thuộc trường hợp từ chối việc đăng kí bào chữa hay không.
Thứ hai, bảo đảm tính bí mật trong cuộc gặp giữa người bào chữa và người bị buộc tội.
Để đảm bảo sự bình đẳng cho bên gỡ tội và phù hợp với nguyên tắc tranh tụng, cũng như phù hợp với pháp luật quốc tế, nên quy định việc gặp gỡ giữa người bào chữa và người bị buộc tội có sự riêng tư, trong tầm nhìn chứ không trong tầm nghe, ngoại trừ những trường hợp cần thiết, nhưng cần phải quy định cụ thể các trường hợp cần thiết nào có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung “vi phạm quy định về việc gặp” tại khoản 2 Điều 80 của BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
Thứ ba, cần mở rộng hơn đối tượng bào chữa chỉ định.
Để phù hợp với những chuẩn mực của pháp luật quốc tế, cần thiết nên bổ sung quy định về đối tượng được bào chữa chỉ định. Cụ thể, bổ sung quy định về đối tượng được bào chữa chỉ định với những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mà tại thời điểm xử lý vụ án hình sự, người bị buộc tội không có điều kiện để mời người bào chữa và họ có đề nghị được có người bào chữa chỉ định.
Thứ tư, BLTTHS cần quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa.
Bên cạnh đó, quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thực hiện yêu cầu thu thập chứng cứ từ phía người bào chữa khi người bào chữa không thể thu thập được chứng cứ. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối yêu cầu thu thập chứng cứ từ phía người bào chữa thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do về việc từ chối đó[11].
Thứ năm, thay đổi trình tự xét hỏi tại phiên tòa.
Chức năng của Tòa án là xét xử, cho nên trách nhiệm của Hội đồng xét xử tại phiên tòa là xem xét, đánh giá khách quan về chứng cứ, lập luận, lý lẽ giữa các bên để đưa ra phán quyết. Vì vậy, không nên quy định Hội đồng xét xử hỏi trước đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa. Khi đã là “thủ tục tranh tụng tại phiên tòa”[12], sự tranh tụng này được bắt đầu bởi bên buộc tội và bên gỡ tội, có sự buộc tội thì mới hình thành sự xét xử cũng như gỡ tội. BLTTHS nên quy định Kiểm sát viên hỏi trước nhằm chứng minh làm rõ sự buộc tội của mình, kế đến trình tự xét hỏi là người bào chữa được hỏi để chứng minh, gỡ tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Hội đồng xét xử nên quy định hỏi sau cùng, để làm rõ sự tranh luận giữa các bên và đưa ra phán quyết.
Quá trình cải cách tư pháp đòi hỏi hơn nữa sự bình đẳng giữa các bên buộc tội, bên gỡ tội và sự bình đẳng này thể hiện rõ nét nhất chính là bảo đảm cho quyền bào chữa của người bị buộc tội được thực hiện một cách có hiệu quả, đồng thời là sự đồng bộ, hoàn thiện hơn nữa các quy phạm pháp luật có liên quan tới quyền bào chữa phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, cũng như để bảo đảm một nền tư pháp công bằng, tiến bộ.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định: Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
[2] Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[3] Nguyễn Phương Thảo, Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về hoạt động bào chữa - Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 7 (tháng 4/2022), tr.16.
[4] Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[5] Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
[6] Phan Trung Hoài, (2016) Khung cửa tư pháp, tập II, Nhà xuất bản Tư pháp, tr.49.
[7] Điểm a khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
[8] Điểm k khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[9] Nguyễn Văn Minh (2022). Hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 - Một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Tạp chí Tòa án Nhân dân, số 16 (kỳ II tháng 8/2022), tr.19.
[10] Khoản 2 Điều 307 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
[11] Nguyễn Văn Minh, Hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 - Một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, Tạp chí Tòa án Nhân dân số 16 (kỳ II tháng 8/2022), tr.20.
[12] Xem Điều 307 quy định về trình tự xét hỏi nằm ở Mục V. Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2021). Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
- Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
- Bộ Công an (2019). Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019, Quy định trách nhiệm Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
- Liên Hợp quốc (1966). Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR).
- Liên Hợp quốc (1990). Các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư.
- Nguyễn Phương Thảo (2022). Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về hoạt động bào chữa - Thực trạng và kiến nghị, Tạp chí Toàn án nhân dân số 7 (kỳⅠtháng 4/2022).
- Phan Trung Hoài (2016). Khung cửa tư pháp, tập II. Hà Nội: Nhà xuất bản Tư pháp.
- Nguyễn Văn Minh (2022). Hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 - Một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Tạp chí Tòa án Nhân dân, số 16 (kỳ II tháng 8/2022).
Some issues that need to be completed in the 2015 Criminal Procedure Code
(amended and supplemented in 2021) to ensure the accused's right to defense
LLM. Hoang Thi Huyen Trang
Faculty of Criminal Law, University of Law, Hue University
ABSTRACT:
The current Criminal Procedure Code of Vietnam has progressive regulations, ensuring that the accused's right to defense is applied effectively. However, there are still some limitations in the regulations that affect the right to defense, causing difficulties for accused persons in the process of actually applying this right. This paper analyzed some limitations in the regulations of the 2015 Criminal Procedure Code (amended and supplemented in 2021) on the right to defense of accused persons. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve these regulations and better ensure equality for accusers and advocates.
Keywords: right to defense, accused person, the Criminal Procedure Code 2015, criminal procedure.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1 tháng 1 năm 2024]