Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện về doanh nghiệp tư nhân

Bài "Một số vấn đề pháp lý cần hoàn thiện về doanh nghiệp tư nhân" do ThS. Lê Ngọc Thành - ThS. Huỳnh Lê Phước Thọ (Giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Cửu Long) thực hiện.

Tóm tắt:

Doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Các quy định pháp luật về doanh nghiệp tư nhân đã được hình thành từ khá sớm và không ngừng hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong các quy định pháp luật về doanh nghiệp tư nhân, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của loại hình doanh nghiệp này trên thực tế. Bài viết này trình bày 3 nội dung chính, gồm: phái quát về loại hình doanh nghiệp tư nhân; phân tích một số bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp tư nhân.

Từ khóa: doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, Luật Doanh nghiệp.

1. Khái quát về loại hình doanh nghiệp tư nhân

Ở Việt Nam, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) là một trong những loại hình doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Sự ra đời của DNTN gắn liền với quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Loại hình DNTN lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật DNTN năm 1990 và tiếp tục được kế thừa trong Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 1999, LDN năm 2005, LDN năm 2014 và mới đây nhất là LDN năm 2020. LDN năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 đã tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của những cải cách các LDN trước đó trong hiện thực hóa các quyền tự do kinh doanh; bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung trong các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục cắt giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp1.

doanh nghiệp tư nhân
Ảnh minh họa

LDN năm 2020 quy định “DNTN là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một DNTN. Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh. DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần2. Từ quy định này có thể khái quát một số đặc trưng cơ bản của DNTN như sau:

Một là, DNTN là loại hình doanh nghiệp chỉ có duy nhất một chủ sở hữu và phải là cá nhân (pháp nhân không được phép thành lập DNTN). Cơ sở kinh doanh một chủ (sole proprietorship hay sole trader) là hình thức kinh doanh mà người chủ cũng đồng thời là người quản lý - điều hành cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa của chính họ, không có sự phân tách về quyền sở hữu tài sản của người chủ và cơ sở kinh doanh3. Quy định về loại hình doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ mang lại sự chủ động trong công việc kinh doanh khi người chủ DNTN không phải chia sẻ thông tin, chia sẻ quyền lực với các thành viên khác. Mặt khác, điểm thuận lợi nữa còn cho phép chủ DNTN luôn có thể kịp thời, linh hoạt, quyết đoán trước các biến động kinh doanh một cách nhanh chóng, dễ dàng. Bên cạnh đó, DNTN còn có một số quyền năng khác đặc thù như: quyền cho thuê doanh nghiệp, quyền bán doanh nghiệp. Tùy theo tình hình cụ thể của từng giai đoạn, các quyền hạn này giúp cho chủ sở hữu doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho DNTN. Chủ DNTN có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh và đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Điều này xuất phát bởi lý do đây là loại hình doanh nghiệp chỉ có một chủ sở hữu nên chủ DNTN không phải san sẻ quyền lực với bất kỳ ai. Mặt thuận lợi của các doanh nghiệp một chủ sở hữu chính là chủ sở hữu luôn có toàn quyền tự quyết định mọi vấn đề khác nhau của doanh nghiệp mà không cần phải có sự đồng ý của bất kỳ thành viên khác4.

Với tư cách là chủ sở hữu duy nhất của DNTN, chủ DNTN có toàn quyền quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật. Do là loại hình doanh nghiệp một chủ sở hữu nên mọi khoản lời từ kinh doanh của doanh nghiệp, đương nhiên sẽ chỉ có chủ sở hữu là người duy nhất được thụ hưởng. Như vậy, chủ sở hữu luôn phải tự có ý thức cao trong mọi công việc của doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy vì các quyết định hằng ngày của doanh nghiệp sẽ trực tiếp tác động đến lợi ích của chủ sở hữu. Đồng thời, chủ DNTN có thể dễ dàng vay mượn các khoản tín dụng lớn từ ngân hàng hay các chủ nợ. Bởi lẽ, toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp là một bảo đảm cho việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp5.

Hai là, DNTN là loại hình doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân. Đây là điểm khác biệt giữa DNTN với các loại hình doanh nghiệp khác như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh.

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: i. Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; ii. Có cơ cấu tổ chức theo quy định; iii. Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình; iv. Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập6. Theo quy định của LDN năm 2020, tài sản của DNTN chính là tài sản của chủ DNTN, do đó không có sự độc lập về tài sản nên DNTN không có tư cách pháp nhân như các loại hình doanh nghiệp khác. Chính vì không có tư cách pháp nhân nên DNTN cũng gặp phải một số khó khăn nhất định và bị hạn chế ít nhiều trong hoạt động thương mại7. Từ thực tế kinh doanh cũng cho thấy, một doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân thường bị hạn chế hoạt động, vì một số lĩnh vực kinh doanh yêu cầu các tổ chức tham gia bắt buộc phải có tư cách pháp nhân. Nói cách khác, việc không phải là pháp nhân khiến cho DNTN gặp nhiều hạn chế khi tham gia vào các quan hệ thương mại như khi muốn tham gia vào quỹ thành viên của loại hình quỹ đầu tư chứng khoán bắt buộc tất cả các thành viên góp vốn phải là pháp nhân. Vốn của quỹ loại hình này, không phải do công chúng đầu tư đóng góp mà do các thành viên của quỹ, gồm những tổ chức có tư cách pháp nhân đóng góp8.

Ba là, LDN năm 2020 quy định DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, đồng thời DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần9. Với quy định này, nguồn vốn hoạt động của DNTN chỉ giới hạn trong phạm vi số vốn có được của người chủ DNTN. Hơn thế nữa, chủ DNTN còn phải chịu tự trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của DNTN. Cũng chính vì vậy, để hạn chế bớt rủi ro, pháp luật không cho phép DNTN được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong các loại hình công ty khác. Từ đó, càng làm cho DNTN bị hạn chế trong phạm vi kinh doanh nhỏ, lẻ và gặp rất nhiều khó khăn khi cần huy động vốn hoặc muốn mở rộng quy mô. Đến khi có nhu cầu mở rộng phạm vi doanh nghiệp, DNTN chỉ có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc phải bán lại toàn bộ DNTN cho một cá nhân khác10.

Bốn là, chủ DNTN phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay, LDN năm 2020 quy định hai chế độ trách nhiệm về tài sản của chủ doanh nghiệp. Trong khi thành viên góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp thì chủ DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của DNTN. “Trách nhiệm vô hạn” được hiểu là sự tận cùng hay đến cùng của việc trả nợ. Điều này xuất phát từ sự không tách bạch giữa tài sản của chủ sở hữu DNTN với tài sản của DNTN. Khi thực hiện nghĩa vụ tài sản, trước tiên sẽ sử dụng tài sản của DNTN để trả nợ, nếu tài sản của DNTN không đủ để trả nợ chủ DNTN sẽ phải sử dụng tài sản của cá nhân để thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều đó có nghĩa, nếu DNTN làm ăn thất bại và phát sinh nợ thì tài sản cá nhân của chủ sở hữu (bao gồm tất cả tài sản nào đứng tên chủ sở hữu) sẽ bị tịch thu để thanh toán các khoản nợ của DNTN11.

2. Một số bất cập pháp luật về loại hình doanh nghiệp tư nhân và giải pháp hoàn thiện

Thứ nhất, khoản 4 Điều 188 LDN năm 2020 quy định DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Quy định này xuất phát từ nguyên nhân DNTN không có tư cách pháp nhân nên không có quyền sở hữu đối với tài sản mà chủ DNTN đầu tư vào doanh nghiệp. Do vậy, khi DNTN không có tài sản độc lập thì đương nhiên sẽ không thể sử dụng tài sản mà chủ DNTN đầu tư vào DNTN để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, liên quan đến việc cấm tổ chức không có tư cách pháp nhân góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp, điểm đ khoản 2 Điều 17 LDN năm 2020 đã quy định rõ tổ chức không có tư cách pháp nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Do vậy, quy định tại khoản 4 Điều 188 LDN năm 2020 đã có sự trùng lặp nhất định với quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 17 LDN năm 2020.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 188 LDN năm 2020 chỉ nghiêm cấm DNTN thực hiện quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, câu hỏi thực tiễn đặt ra là DNTN có bị cấm nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên công ty hay không. Vì vậy, việc áp dụng quy định này có thể gây ra sự nhầm lẫn trên thực tế, đó là mặc dù DNTN không được góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty nhưng vẫn có quyền nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên công ty12. Vì vậy, cần bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 188 LDN năm 2020 để bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong LDN.

Thứ hai, khoản 1 Điều 192 LDN năm 2020 quy định “Chủ DNTN có quyền bán DNTN của mình cho cá nhân, tổ chức khác”, điều này cho thấy quyền tự quyết của chủ DNTN về tình trạng sở hữu DNTN. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa làm rõ về chủ thể có quyền được mua lại DNTN. Khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ DNTN, người mua DNTN có bắt buộc trở thành chủ DNTN đó hay không? Nếu người mua thuộc đối tượng bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 LDN năm 2020 hoặc hiện đang là chủ một DNTN, chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh thì người đó có được quyền mua DNTN hay không? Những vấn đề này vẫn chưa được làm rõ trong LDN hiện hành.

Thêm vào đó, theo quy định của LDN năm 2020, sau khi chủ DNTN chuyển nhượng doanh nghiệp, họ vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh trước thời điểm chuyển giao, trừ khi có thỏa thuận khác giữa chủ doanh nghiệp, người mua và các chủ nợ. Trước đây, khoản 1 Điều 145 của LDN năm 2005 yêu cầu chủ DNTN khi bán doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh, trong đó phải liệt kê rõ ràng các khoản nợ chưa thanh toán, danh sách chủ nợ với tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán của từng người, cũng như các hợp đồng lao động và hợp đồng khác chưa hoàn tất cùng phương án xử lý. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, người mua, người lao động và các bên liên quan có giao dịch với doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ LDN năm 2014, các quy định này đã bị bỏ. Hơn nữa, theo Điều 54 của Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ban hành ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp, khi thay đổi chủ sở hữu DNTN do bán, tặng cho doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp qua đời, hồ sơ đăng ký không yêu cầu cung cấp chi tiết như khoản 1 Điều 145 LDN năm 2005. Việc loại bỏ các quy định về nghĩa vụ thông báo như trên trong LDN năm 2020 và Nghị định số 01/2021/NĐ-CP có thể dẫn đến tình trạng các chủ nợ, người mua và các bên đã ký hợp đồng với doanh nghiệp rơi vào thế bị động trong giao dịch mua bán DNTN13.

Để giải quyết những vấn đề đã nêu, LDN năm 2020 cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về các cá nhân hoặc tổ chức được quyền mua DNTN. Trong trường hợp Luật cho phép những đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 và các đối tượng không được trở thành chủ DNTN theo khoản 3 Điều 188 được quyền mua DNTN, cần đề xuất hướng giải quyết như việc giải thể doanh nghiệp, bán doanh nghiệp cho những người không nằm trong diện bị cấm, hoặc chuyển đổi DNTN thành loại hình doanh nghiệp khác.

Hiện nay, LDN của Việt Nam vẫn chưa làm rõ bản chất của các quan hệ liên quan đến việc thuê hoặc bán DNTN. Ở nhiều quốc gia như Mỹ và Singapore, pháp luật chỉ quy định về việc bán các tài sản kinh doanh thuộc sở hữu của chủ DNTN và sau khi bán toàn bộ tài sản này, doanh nghiệp sẽ tự động chấm dứt hoạt động. Theo đó, nếu DNTN được coi là một tập hợp tài sản thuộc sở hữu cá nhân thì giao dịch mua bán DNTN bản chất cũng giống như giao dịch mua bán tài sản. Khi đó, người mua chỉ cần đáp ứng các điều kiện về chủ thể được quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngoài ra, LDN cần bổ sung quy định về việc xử lý các khoản nợ và hợp đồng đã được ký trước khi chuyển giao doanh nghiệp cho người mua. Đồng thời, hồ sơ đăng ký thay đổi chủ sở hữu DNTN khi bán doanh nghiệp cũng cần cập nhật các thông tin chi tiết như quy định tại khoản 1 Điều 145 của LDN năm 2005, hoặc bao gồm cam kết của chủ DNTN về việc thanh toán nợ phát sinh trước khi bán doanh nghiệp, nhằm tránh các tranh chấp giữa người mua với các chủ nợ cũ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật cũng cần yêu cầu chủ sở hữu DNTN và người mua phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự liên quan đến việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong các hợp đồng mà chủ DNTN cũ đã ký và vẫn còn hiệu lực.

3. Kết luận

Từ sau đổi mới đến nay, DNTN ở Việt Nam đã có sự phát triển tương đối nhanh, nhưng chỉ về mặt số lượng (số lượng doanh nghiệp, lao động và vốn) mà chưa có nhiều cải thiện về mặt chất lượng; hiệu suất sinh lợi trên tài sản, hiệu suất sinh lợi trên doanh thu thuần còn thấp; quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, trình độ công nghệ và quản lý còn yếu; liên kết giữa các DNTN để tạo thành một lực lượng có tính gắn kết còn rời rạc, manh mún; năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó, hệ thống khuôn khổ pháp lý về phát triển DNTN ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn nhất định, cần được hoàn thiện14.

Mặc dù hệ thống pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của DNTN không ngừng hoàn thiện, tuy nhiên một số quy định vẫn còn tồn tại hạn chế, vướng mắc dẫn đến các DNTN phải đối mặt với những rào cản về mặt pháp lý, làm kiềm chế những tiềm năng của DNTN. Để phát huy được các thế mạnh của loại hình doanh nghiệp này cần có giải pháp khắc phục các bất cập của pháp luật, để từ đó thúc đẩy DNTN ở Việt Nam đồng đều về số lượng và vững mạnh về chất lượng, chiếm lĩnh và làm chủ thị trường trong nước, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới, đóng góp đáng kể vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường và thịnh vượng trong tương lai.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:

  1. Cao Thanh Huyền (2022), Những điểm mới về doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Luật học, số 2, tr. 67.
  2. Điều 188 LDN 2020.
  3. Bùi Xuân Hải (2008), Pháp luật doanh nghiệp và đầu tư với vấn đề hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01, tr. 37.
  4. Nguyễn Vinh Hưng (2017), Doanh nghiệp tư nhân và sự phù hợp với môi trường thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, số 2, tr. 12.
  5. Nguyễn Như Phát và Phạm Duy Nghĩa (2001), Giáo trình Luật kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 195.
  6. Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015.
  7. Bùi Ngọc Cường (chủ biên 2010), Giáo trình Luật thương mại, Nxb Giáo dục Việt Nam, Tập I, tr. 25.
  8. Trường Đại học Luật Hà Nội, Phạm Thị Giang Thu (chủ biên 2012), Giáo trình Luật Chứng khoán, Nxb Công an nhân dân, tr. 272.
  9. Khoản 2, 4 Điều 188 LDN năm 2020.
  10. Nguyễn Vinh Hưng (2017), Doanh nghiệp tư nhân và sự phù hợp với môi trường thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, số 2, tr. 13.
  11. Nguyễn Thanh Lý (2021), Quy chế pháp lý về doanh nghiệp tư nhân theo Luật Doanh nghiệp năm 2020”, Tạp chí Nghề luật, số 2, tr. 65.
  12. Trương Thanh Đức (2019), Luận giải về Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 148.
  13. Cao Thanh Huyền (2022), Những điểm mới về doanh nghiệp tư nhân trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Luật học, số 2, tr. 75.
  14. Phạm Văn Hiểu (2020), Phát triển doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam: Từ chủ trương đến hành động và giải pháp thực hiện, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 16, tr. 47.

REFINING LEGAL PROVISIONS GOVERNING PRIVATE ENTERPRISES: KEY ISSUES AND RECOMMENDATIONS

Master. Le Ngoc Thanh1

Master. Huynh Le Phuoc Tho1

1Lecturer, Faculty of Law, Mekong University

Abstract:

Private enterprises are a key component of Vietnam's private economic sector, significantly contributing to the country's market economy. While legal provisions governing private enterprises were established early and have undergone continual development, several limitations persist, impacting the operational efficiency of these businesses. This article is structured into three main sections: (i) an overview of the private enterprise model; (ii) an analysis of existing legal shortcomings; and (iii) recommendations for enhancing the legal framework to improve the performance and sustainability of private enterprises in practice.

Keywords: private enterprise, private enterprise owner, the Law on Enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2024]