Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng

ThS. NGUYỄN THỊ TRANG (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã là vấn đề khó và còn nhiều tranh cãi khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam được bảo đảm sự độc lập cần thiết thực hiện chức năng của mình. Từ thực tiễn hoạt động của NHNN Việt Nam cho thấy, NHNN Việt Nam đang làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Chức năng ngân hàng trung ương dường như bị yếu thế và có phần lệ thuộc vào chính sách tài khóa. Chính vì thế, những biện minh cho những can thiệp trực tiếp thông qua các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh ngân hàng của các TCTD vẫn còn cơ sở để tồn tại. Điều này sẽ tiếp tục là lực cản cho những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính như một giải pháp bảo đảm cho quyền lực do kinh doanh của các TCTD trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Bài viết này bàn về một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.

Từ khóa: tổ chức tín dụng, quyền tự do kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Quan niệm về kinh doanh ngân hàng và tự do kinh doanh (thông qua quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm) của TCTD được hình thành cùng với quá trình chuyển đổi mô hình ngân hàng Việt Nam từ mô hình ngân hàng một cấp sang mô hình ngân hàng hai cấp, tách chức năng quản lý nhà nước, chức năng ngân hàng trung ương ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ. Quá trình hình thành và hoàn thiện quan niệm về kinh doanh ngân hàng theo thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn Việt Nam được tiến hành thận trọng, từ thí điểm đến việc hình thành và xác định rõ nét hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng trong các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng.

Ở giai đoạn thí điểm thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng (ở thời kỳ đầu đổi mới), hoạt động ngân hàng chưa được quy định mà chỉ quy định nhiệm vụ quyền hạn của các ngân hàng chuyên doanh. Theo đó, các ngân hàng chuyên doanh là tổ chức kinh doanh trực tiếp đối với nền kinh tế quốc dân; có tư cách pháp nhân; bình đẳng trong quan hệ kinh doanh đối với các đơn vị và các thành phần kinh tế; thực hiện hạch toán kinh tế từ cơ sở và trong hệ thống mỗi ngân hàng chuyên doanh. Các ngân hàng chuyên doanh có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

Tổ chức kinh doanh về tín dụng và dịch vụ ngân hàng; về ngoại hối, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý trong nước và ngoài nước theo chủ trương, chính sách, luật pháp Nhà nước và theo sự phân công của Tổng giám đốc NHNN Việt Nam;

Huy động và khai thác các nguồn vốn nhàn rỗi bằng những biện pháp kinh tế năng động, có hiệu quả (kể cả cổ phần, cổ phiếu,...); thực hiện cho vay vốn hoặc hùn vốn khi cần thiết đối với các thành phần kinh tế;

Thực hiện cấp phát và cho vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch Nhà nước và trong phạm vi nguồn vốn ngân sách nhà nước chuyển sang. Thông qua công tác tín dụng, cấp phát, thanh toán và dịch vụ ngân hàng, góp phần thực hiện nhiệm vụ kinh tế, chính trị của Trung ương và địa phương, thực hiện kiểm soát bằng đồng tiền hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tổ chức kinh tế.

Có thể khẳng định, việc quy định chức năng của các ngân hàng chuyên doanh ở giai đoạn thí điểm thực hiện mô hình ngân hàng hai cấp, pháp luật Việt Nam đã có sự đồng nhất giữa chức năng kinh doanh với nội dung hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chưa mang tính bao quát. Mặc dù vậy, những chức năng kinh doanh ngân hàng được quy định trong giai đoạn này cũng dựa trên nội dung hoạt động ngân hàng của các TCTD.

2. Kinh doanh dịch vụ ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chịu sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Về bản chất, dịch vụ ngân hàng là một hoạt động thương mại, nghĩa là khi cung ứng dịch vụ ngân hàng tổ chức tín dụng nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, mang tính chất chuyên nghiệp. Dịch vụ ngân hàng là thuật ngữ dùng để chỉ các sản phẩm dịch vụ do tổ chức tín dụng cung ứng cho khách hàng sử dụng, là một ngành, lĩnh vực kinh doanh của nền kinh tế thị trường, có đối tượng trong các giao dịch nghề nghiệp là tiền tệ. Dịch vụ ngân hàng là một bộ phận của dịch vụ tài chính, gắn liền với hoạt động của thị trường tài chính, phản ánh các đặc điểm, tính năng, công dụng của dịch vụ ngân hàng so với các dịch vụ khác trên thị trường tài chính để đáp ứng nhu cầu về vốn, thanh toán của khách hàng. Chất lượng dịch vụ ngân hàng là một trong những tiêu chí để đánh giá vị thế, uy tín, mức độ phát triển của tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường. Dịch vụ ngân hàng là các nghiệp vụ ngân hàng về vốn, tiền tệ, thanh toán mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sinh lời, cất trữ tài sản,… và ngân hàng thu chênh lệch lãi suất, tỷ giá hay thu phí thông qua dịch vụ ấy. Hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng là hoạt động thương mại, mang đầy đủ đặc điểm của hoạt động thương mại của thương nhân, đồng thời có những điểm khác biệt là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp quản lý, điều tiết, nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, như sau:

Một là, các nghiên cứu về dịch vụ ngân hàng đều thống nhất, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh có nhiều rủi ro. Tính chất rủi ro của hoạt động ngân hàng là mang tính dây chuyền từ tổ chức tín dụng này sang tổ chức tín dụng khác, nên pháp luật hiện hành quy định chỉ những tổ chức đủ điều kiện mới được thực hiện hoạt động ngân hàng. Để cung ứng dịch ngân hàng an toàn, thông suốt, đòi hỏi việc cung ứng dịch ngân hàng phải mang tính chuyên nghiệp cao hơn so với các loại dịch vụ khác; phải thiết lập được mạng lưới cung ứng dịch ngân hàng của tổ chức tín dụng được quản lý chặt chẽ, thống nhất với quy trình nghiệp vụ được quy định chặt chẽ. Đồng thời, nghiêm cấm tổ chức không phải là tổ chức tín dụng sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán. Do vậy, pháp luật các nước đều có quy định khá chặt chẽ các điều kiện để được thực hiện hoạt động ngân hàng thông qua các quy định:

- Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng. Mục đích của việc quy định điều kiện được cấp giấy phép thành lập hoạt động ngân hàng là chọn lựa những tổ chức có đủ điều kiện để thực hiện hoạt động ngân hàng. Các điều kiện thường được tập trung bao gồm: vốn pháp định, người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng, năng lực tài chính góp vốn, các điều kiện đặc thù đối với từng loại hình tổ chức tín dụng,…

- Trình tự, thủ tục để cấp giấy phép, đăng ký kinh doanh, điều kiện bảo đảm hoạt động tổ chức tín dụng.

- Về việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD.

- Sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thủ tục gia nhập thị trường của tổ chức tín dụng.

- Trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền; phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; bảo mật thông tin,…

Hai là, về tính chất, dịch vụ ngân hàng là hoạt động kinh doanh mang tính chuyên môn nghiệp vụ cao. Dịch vụ ngân hàng được đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng có trình độ chuyên môn về hoạt động ngân hàng thực hiện. Khi cung ứng dịch ngân hàng cho khách hàng đòi hỏi phải tuân theo quy trình kỹ thuật, nghiệp vụ và chịu sự giám sát chặt chẽ của chính tổ chức tín dụng thông qua hệ thống kiểm soát nội bộ, cũng như sự giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Vì vậy, những người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng phải đáp ứng yêu cầu về vốn hoặc trình độ chuyên môn hoặc có kinh nghiệm quản lý.

Đối với khách hàng, tính chất chuyên môn nghiệp vụ cao của dịch vụ ngân hàng có thể là điều kiện cho tổ chức tín dụng “áp đặt” những điều kiện bất lợi khi xác lập giao dịch, khách hàng có thể nhầm lẫn hoặc hiểu không chính xác về tính chất của dịch vụ ngân hàng nên dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm hợp đồng, không thực hiện đúng hợp đồng,… Thực tế này đòi hỏi, trong hoạt động kinh doanh tổ chức tín dụng phải công bố công khai quy trình nghiệp vụ, hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ ngân hàng để khách hàng hiểu và có lựa chọn đúng đắn phù hợp với nhu cầu, quy trình nghiệp vụ và quy định của pháp luật. Nói cách khác, bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ ngân hàng là điều kiện quan trọng cho việc củng cố hình ảnh, vị thế, uy tín của TCTD, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ba là, hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng chịu sự quản lý nhà nước của NHNN Việt Nam. Mục đích của quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng là để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như bảo đảm thực hiện thành công chính sách tiền tệ quốc gia. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng liên quan đến việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng, tổ chức lại TCTD; can thiệp, xử lý đặc biệt đối với tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, gặp khó khăn về tài chính, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng, gồm mua cổ phần của tổ chức tín dụng; đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng; quyết định sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tín dụng; đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật về phá sản đối với tổ chức tín dụng,…

Bốn là, trong hoạt động kinh doanh ngân hàng ngoài việc củng cố, duy trì, nâng cao niềm tin của công chúng vào chất lượng dịch vụ ngân hàng còn đòi hỏi tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.

Yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động trong cung ứng dịch vụ ngân hàng là một trong những điều kiện để thực hiện thành công chính sách tiền tệ quốc gia. Để bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, NHNN có thể có những can thiệp mang tính hành chính hoặc trực tiếp kiểm soát hoạt động của TCTD để thiết lập trật tự, hoặc bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng được thể hiện trong hệ thống các cam kết quốc tế về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống pháp luật quốc gia. Không những thế, hoạt động kinh doanh dịch vụ ngân hàng chịu sự tác động, chi phối mạnh mẽ của mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ; có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác của thị trường tài chính (thị trường ngân hàng, thị trường bảo hiểm) và các thị trường giao dịch tài sản khác như thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, thị trường bất động sản,…

Năm là, hoạt động ngân hàng đang trong quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại, yêu cầu kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong việc cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện đại,… cũng như phải tăng cường hoạt động giám sát an toàn công nghệ - tức là giám sát hoạt động “tích hợp” giữa tính hiện đại của quy trình công nghệ với từng nghiệp vụ ngân hàng.

Ngoài ra, việc mở rộng và cung ứng dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại, các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng còn đang nghiên cứu áp dụng dịch vụ ngân hàng cho một số đối tượng cụ thể như cung ứng dịch vụ ngân hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc cung ứng dịch vụ ngân hàng cho hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ do tổ chức tài chính vi mô thực hiện,… Hoạt động này góp phần vào định hình xu hướng phát triển của dịch vụ ngân hàng, gắn hoạt động ngân hàng với việc giải quyết những vấn đề xã hội, tạo điều kiện cho những đối tượng yếu thế có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế và giải quyết khó khăn trong đời sống. Nói cách khác, gắn hoạt động kinh doanh ngân hàng với việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng chính là góp phần vào việc bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, là biện pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong cung ứng dịch vụ ngân hàng hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Kim Anh, Ngô Văn Thứ, Lê Thanh Tâm, Nguyễn Thị Tuyết Mai (2011), Nghiên cứu tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam - kiểm định và so sánh, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  2. Bùi Ngọc Cường (1997), Bàn về quyền tự do kinh doanh, Tạp chí Luật học số 3.
  3. Bùi Ngọc Cường (2000), Luật doanh nghiệp với việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở nước ta, Tạp chí Luật học số 5, tr. 3 - 7.
  4. Bùi Ngọc Cường (2002), Vai trò của pháp luật kinh tế trong bảo đảm tự do kinh doanh, Tạp chí Khoa học Pháp lý số 2.
  5. Bùi Ngọc Cường (2004), Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam, sách chuyên khảo, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương (2013), Can thiệp không phù hợp của cơ quan nhà nước vào thị trường - nguy cơ của quá trình phát triển và hội nhập: Nghiên cứu thực tiễn thị trường ngân hàng Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Hội nhập: Thành tựu và những vấn đề đặt ra”, Tập 1, Trường Đại học Thương mại, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, Trường Cao đẳng Thương mại và Institute of Shipping Economics and Logistics tổ chức tháng 11/2013, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.

Some issues relating to the business freedom in Vietnam’s banking sector

Master. Nguyen Thi Trang

Faculty of Business Administration, University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Ensuring the business freedom of credit institutions in the context of the market economy in Vietnam is already a difficult and controversial issue when the State Bank of Vietnam is guaranteed to perform its functions independently. The fact show that the State Bank of Vietnam has well performed its state management functions but its central bank function seems to be weak and somewhat dependent on fiscal policy. Therefore, the justifications for direct interventions through administrative procedures in the banking operations of credit institutions still have grounds to exist. This issue will continue to be an obstacle to the administrative procedure reform which is a solution to ensure the business freedom of credit institutions in Vietnam. This paper discusses some issues relating to the business freedom in Vietnam’s banking sector.

Keywords: credit institutions, business freedom, the State Bank of Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2022]