Nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân kế toán tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp theo tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

TS. NGUYỄN THỊ NGỌC LAN (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng đào tạo cử nhân kế toán tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHKTKTCN), từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo (CLĐT) cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm cung cấp thông tin giúp Trường ĐHKTKTCN nói chung và Khoa Kế toán nói riêng nâng cao CLĐT cử nhân kế toán, đáp ứng nhu cầu xã hội, cũng như nâng cao uy tín và vị thế của Trường khi công bố các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng.

Từ khóa: đào tạo, cử nhân kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Kế toán Việt Nam cần phải có những đổi mới nhất định để đáp ứng với yêu cầu mới. Vì vậy, đối với các trường đại học, nâng cao CLĐT nói chung và CLĐT cử nhân ngành K toán nói riêng theo hướng đáp ứng với những yêu cầu xã hội vô cùng quan trọng. Trường ĐHKTKTCN đến nay đã trải qua 66 năm trưởng thành và phát triển, trong đó Kế toán là một trong những ngành đào tạo trọng điểm của Nhà trường, với số lượng khoảng hơn 1.000 cử nhân Kế toán ra trường hàng năm. Đến nay, Trường ĐHKTKTCN đã có 11 chương trình đào tạo (CTĐT) được cấp giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng, trong đó CTĐT ngành Kế toán là một trong những CTĐT đầu tiên của Trường được cấp giấy chứng nhận Kiểm định CLĐT từ năm 2019.

Nâng cao CLĐT theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Khoa Kế toán nói riêng và Trường ĐHKTKTCN nói chung hướng tới, nhằm không ngừng cải tiến về CLĐT. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá thực trạng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao CLĐT cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cung cấp thông tin giúp Trường ĐHKTKTCN nói chung và Khoa Kế toán nói riêng nâng cao CLĐT cử nhân kế toán đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như nâng cao uy tín và vị thế của Trường khi công bố các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng.

2. Giải quyết vấn đề

2.1. Tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Mục đích ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của các trình độ giáo dục đại học (GDĐH) là để các cơ sở GDĐH sử dụng tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến CTĐT nhằm không ngừng nâng cao CLĐT và giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng CLĐT của từng CTĐT; giúp các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đánh giá và công nhận hoặc không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đồng thời các tổ chức, cá nhân khác có cơ sở để nhận định và tham gia phản biện xã hội đối với CTĐT của cơ sở giáo dục mà họ quan tâm. Theo Công văn số 1669/QL-KĐCLGD của Cục Quản lý Chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu hướng dẫn đánh giá Chất lượng CTĐT các trình độ của GDĐH, Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT gồm 11 tiêu chuẩn như sau:

Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT.

Tiêu chuẩn 2:  Bản mô tả CTĐT.

Tiêu chuẩn 3:  Câu trúc và nội dung chương trình dạy học.

Tiêu chuẩn 4: Phương pháp tiếp cận trong dạy và học.

Tiêu chuẩn 5: Đánh giá kết quả học tập của người học.

Tiêu chuẩn 6: Đội ngũ giảng viên.

Tiêu chuẩn 7: Đội ngũ nhân viên.

Tiêu chuẩn 8: Hoạt động hỗ trợ người học.

Tiêu chuẩn 9: Cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Tiêu chuẩn 10: Nâng cao chất lượng.

Tiêu chuẩn 11: Kết quả đầu ra.

2.2. Thực trạng đào tạo cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN

Để đánh giá thực trạng đào tạo cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN theo các tiêu chuẩn kiểm định CTĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tác giả đã nhóm các tiêu chuẩn thành 2 nhóm lớn với phương pháp đánh giá như sau: (1) Nhóm các tiêu chuẩn từ tiêu chuẩn 1 đến tiêu chuẩn 9 được là nhóm tiêu chuẩn về CLĐT được đánh giá thông qua khảo sát mức độ hài lòng của sinh viên (SV) về CLĐT. (2) Nhóm tiêu chuẩn 10 và 11 là nhóm tiêu chuẩn về nâng cao chất lượng kết quả đầu ra được đánh giá thông qua tỷ lệ có việc làm của sinh viên và khảo sát nhà tuyển dụng về khả năng làm việc của sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN

2.2.1. Đánh giá về CLĐT cử nhân Kế toán thông qua đánh giá mức độ hài lòng của sinh viên về CLĐT

Để đánh giá về mức độ hài lòng của sinh viên về CLĐT, nghiên cứu đã tiến hành kiểm định sự ảnh hưởng của một số nhân tố đến CLĐT cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá ( EFA) và phân tích hồi quy được sử dụng trên 568 phiếu quan sát từ sinh viên, cựu sinh viên Khoa Kế toán Trường ĐHKTKTCN. Mô hình nghiên cứu được đề xuất trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu về CLĐT và được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế như Hình 1.

Sau khi phân tích hệ số Cronbach Alpha, thang đo đo lường khái niệm các thành phần nhân tố của CLĐT đều có hệ số tin cậy Cronbach Alpha > 0.6 đảm bảo độ tin cậy cần thiết, nên tất cả 31 biến quan sát đều được đưa vào phân tích những bước  tiếp theo.

* Phân tích nhân tố

Để tiến hành phân tích nhân tố khám phá (EFA) dữ liệu thu được phải đáp ứng các điều kiện qua kiểm định KMO và kiểm định Bartlett’s. Kết quả cho thấy, hệ số KMO = 0.768 nằm trong khoảng 0.5<KMO<1, nghĩa là dữ liệu thực tế trong nghiên cứu này phù hợp cho phân tích EFA. Kiểm định Bartlett có mức ý nghĩa Sig= 0.000 < 0.05 cho thấy, các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Giá trị tổng phương sai trích đạt 61.549% >50% nghĩa là 61,549% sự biến thiên của biến phụ thuộc được giải thích bởi các biến quan sát trong mô hình.

* Phân tích hồi quy          

Kết quả phân tích ANOVA cho thấy, F ( Fisher) = 73.016 và Sig = 0.000 < 0.05 nên có thể khẳng định mô hình có ý nghĩa trong hồi quy, tồn tại mối quan hệ giữa biến đánh giá CLĐT với các biến độc lập. Ngoài ra, hệ số tương quan R2= 0.558 nên có thể khẳng định giữa biến CLĐT và các biến CTĐT, GV, CSVC, HĐHT, NV là có mối quan hệ. Sau khi tiến hành kiểm tra độ tương quan của 5 thang đo, nghiên cứu tiến hành xác định mô hình hồi quy biểu thị đánh giá chung CLĐT cử nhân Kế toán tại Trường ĐHKTKTCN với các biến: CTĐT, GV, CSVC, HĐHT, NV. Kết quả thu được như sau:

Phương trình thể hiện mối quan hệ tuyến tính giữa các biến.

CLĐT  = 0.156+ 0.408*CTĐT + 0.243* GV + 0.226* CSVC + 0.132* HĐHT+ 0.116* NV

Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ giữa các yếu tố CTĐT, GV, NV, HĐHT, CSVC với CLĐT là mối quan hệ  cùng chiều,  tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của từng yếu tố tới đánh giá CLĐT là khác nhau. Với hệ số 0.408 cho thấy CTĐT có tác động mạnh nhất đến đánh giá chung CLĐT cử nhân kế toán. Với hệ số 0.243 cho thấy hành vi và năng lực GV có tác động mạnh thứ 2 tới CLĐT. Tiếp theo CSVC có tác động mạnh thứ 3 với hệ số 0.226. Các HĐHT với hệ số 0.132 có tác động mạnh thứ 4 đến CLĐT. Cuối cùng với hệ số 0.116 cho thấy hành vi NV có tác động thấp nhất đến đánh giá chung CLĐT.

2.2.2. Đánh giá chất lượng đào tạo thông qua kết quả đầu ra

Để đánh giá CLĐT thông qua kết quả đầu ra, tác giả đã tiến hành nghiên cứu đánh giá trên 2 thông tin: (1) Thông tin về tỷ lệ có việc làm của sinh viên ngành kế toán; (2) Đánh giá của các DN có sinh viên tốt nghiệp Khoa Kế toán Trường ĐHKTKTCN đang làm việc.

*  Tỷ lệ có việc làm của sinh viên ngành Kế toán

Theo Công văn báo cáo tình hình việc làm của SV tốt nghiệp Trường ĐHKTKTCN năm 2020 và năm  2021 cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán có việc làm khá cao. Cụ thể: Năm 2020, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên có phản hồi là 95,37% trong đó sinh viên làm đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo là 77%. Năm 2021, tỷ lệ sinh viên có việc làm trên tổng số sinh viên có phản hồi là 92,66%, trong đó sinh viên làm đúng ngành đào tạo và liên quan đến ngành đào tạo là 79%. Như vậy, tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành sau khi ra trường có sự biến động tăng hàng năm là một dấu hiệu khả quan về kết quả đầu ra của CTĐT cử nhân ngành Kế toán tại Trường ĐHKTKCCN.

* Đánh giá của các doanh nghiệp có sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán đang làm việc

Ngoài ra, để đánh giá CLĐT cử nhân ngành Kế toán Trường ĐHKTKTCN, nghiên cứu đã tiến hành gửi phiếu khảo sát đến 15 doanh nghiệp có sinh viên tốt nghiệp đang làm việc. Các phiếu câu hỏi tập trung đánh giá về kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ, chịu trách nhiệm và mức độ hoàn thành công việc của sinh viên trên cơ sở nhận định của doanh nghiệp theo mức độ đánh giá với thang điểm từ 1 -5 (1- Rất yếu, 2- Yếu, 3- Bình thường, 4- Tốt, 5-Rất tốt). Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán Trường ĐHKTKTCN về cơ bản đã đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các DN đều có chung nhận xét sinh viên đều hoàn thành công việc giao. Đối với đánh giá về kiến thức của sinh viên, đa số doanh nghiệp đều đánh giá sinh viên có kiến thức chuyên môn tốt cũng như khả năng chủ động cập nhật kiến thức mới, trình độ tin học của sinh viên  đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, kiến thức thực tiễn và trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc chưa được như mong muốn và kỳ vọng của doanh nghiệp.

Về kỹ năng, các doanh nghiệp đánh giá kỹ năng phối hợp hoạt động với các bộ phận có liên quan của sinh viên là khá tốt tuy nhiên khả năng đưa ra sáng kiến, đưa ra dự báo cũng như khả năng chịu áp lực trong công việc các doanh nghiệp mong muốn nhiều hơn nữa đối với các sinh viên. Về mức độ tự chủ và chịu trách nhiệm trong công việc, các doanh nghiệp đều đánh giá cao về tính kỷ luật của sinh viên trong công việc, tuy nhiên cũng cần nâng cao hơn nữa tính chủ động trong công việc và bảo vệ được các chính kiến cá nhân, đó chính là các kỹ năng cần thiết của nghề nghiệp kế toán. Đánh giá chung về mức độ hoàn thành trong công việc cho thấy, đa số các sinh viên đều nhận được sự tín nhiệm của cấp trên, sự tín nhiệm của khách hàng và đồng nghiệp.

3. Kết luận và khuyến nghị

Nâng cao CLĐT theo các tiêu chí kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cao uy tín và vị thế của các trường Đại học. Trên cơ sở những phân tích từ kết quả khảo sát sinh viên, cựu sinh viên, cũng như ý kiến khảo sát các DN có sinh viên tốt nghiệp Trường ĐHKTKTCN làm việc, tác giả đưa ra một số đề xuất như sau:

Trước hết, đối với CTĐT cần phải liên tục cập nhật, sửa đổi phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như thường xuyên lấy ý kiến từ các chuyên gia, các đơn vị sử dụng lao động để làm cho việc đào tạo thực tế hơn. Đối với đội ngũ giảng viên, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng trong đó Nhà trường có các chính sách để hỗ trợ giảng viên tham gia các khóa học để cập nhật kiến thức, gắn lý luận với thực tiễn đồng thời giảng viên thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy với phương pháp tiếp cận hiện đại hướng người học làm trung tâm, để từ đó kết hợp rèn luyện cả kiến thức và kỹ năng cho sinh viên trong quá trình giảng dạy. Đối với CSVC phục vụ đào tạo, Nhà trường và Khoa Kế toán tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo trình tài liệu học tập gắn với thực tiễn.

Bên cạnh đó, hệ thống phòng học, hệ thống mạng internet cũng nên đầu tư nâng cấp đảm bảo quá trình học tập và tìm kiếm tài liệu của sinh viên, hệ thống các phòng thực hành cần được xây dựng phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong đào tạo kế toán. Ngoài ra, Nhà trường và Khoa Kế toán cũng nên tăng cường các hoạt động hỗ trợ bằng cách tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Nhà trường và sinh viên để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của sinh viên, thường xuyên tổ chức tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên với sự tham gia của giảng viên. Những ý kiến của các doanh nghiệp với tư cách là nhà tuyển dụng sẽ có tác dụng giúp sinh viên chuẩn bị các kỹ năng cần thiết cho công việc tương lai. Cuối cùng, đối với đội ngũ NV, dù không tham gia trực tiếp giảng dạy nhưng cũng đóng góp ảnh hưởng đến CLĐT, vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ NV theo hướng tiêu chuẩn hóa sẽ giúp nâng cao CLĐT nói chung và CLĐT cử nhân Kế toán nói riêng tại Trường ĐHKTKTCN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Lệ Hằng, (2020), Nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh tại các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Phạm Thị Liên, (2016), Chất lượng dịch vụ đào tạo và sự hài lòng của người học - Trường hợp Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tạp chí khoa học ĐHQGHN, tập 32, số 4,81-89.
  3. Lại Xuân Thủy và Phạm Thị Minh Lý, (2021), Đánh giá chất lượng đào tạo tại khoa kế toán tài chính, trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 3(44).
  4. Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (2021), Báo cáo hoạt động giáo dục - đào tạo năm 2021, kế hoạch năm 2022.

 Improving the quality of training accounting students at the University of Economics – Technology for Industries in accordance with the training quality assessment standards of the Ministry of Education and Training

Ph.D Nguyen Thi Ngoc Lan

Faculty of Accounting, University of Economics – Technology for Industries

Abstract:

This paper analyzes and evaluates the current situation of training accounting students at the University of Economics – Technology for Industries (UNETI). Based on tthe paper’s findings, some solutions are proposed to improve the quality of the UNETI’s accounting training to meet the training quality assessment standards of the Ministry of Education and Training. This paper also provides information to help the university in general and the Faculty of Accounting in particular improve the quality of accounting programs to meet social needs, enhance the prestige and position of the university when it publishes its training quality assurance standards.

Keywords: training, accounting graduates, the University of Economics – Technology for Industries.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2022]