TÓM TẮT:
Trước sự tác động mạnh mẽ của thời đại kỷ nguyên số đến ngành Kế toán, trong đó có hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu đã tổng hợp các khái niệm liên quan để làm rõ các đặc điểm về chuyển đổi số và nền tảng số cốt lõi có tác động đến ngành Kế toán và những yêu cầu cần thiết đối với nghề kế toán trong tương lai. Bài viết tổng hợp các xu hướng đào tạo kế toán hiện nay trên thế giới và đề xuất khuyến nghị cải tiến trong lĩnh vực đào tạo kế toán từ việc kiện toàn xây dựng chương trình đào tạo; đến cách thức tìm kiếm, lựa chọn các giáo trình giảng dạy phù hợp; đa dạng nguồn nhân lực có chất lượng tham gia giảng dạy; và cải tiến phương pháp giảng dạy, đa dạng cách thức kiểm tra đánh giá người học.
Từ khóa: chuyển đổi số, hoạt động đào tạo, ngành Kế toán, trường đại học.
1. Đặt vấn đề
Trong thời đại kỷ nguyên số, nhân loại đang chứng kiến sự phát triển như vũ bão của công nghệ với những Block-chain, Cloud, AI,… và các ứng dụng của nó vào trong đời sống. Chính điều này đã làm thay đổi dần mọi phương diện ngành nghề, từ các tổ chức đến từng cá thể trong xã hội. Kế toán là một nghề tưởng chừng như mọi chu trình hoạt động sẽ không thay đổi qua vài thập kỷ, nhưng giờ đây lại trở nên dễ bị tự động hóa cho một số công việc lặp đi lặp lại nhiều lần như: khai báo thuế, ghi chép sổ sách và liệu rằng đây có phải là một trong những ngành bị loại bỏ dần trước việc ứng dụng các công nghệ thông minh? Để thích ứng với những thay đổi công nghệ, các tổ chức, cá nhân đang tham gia trong lĩnh vực giáo dục đào tạo kế toán của Việt Nam cần phải làm gì để đầu ra của các trường có thể đáp ứng được với những yêu cầu ngày càng khắt khe của các nhà tuyển dụng.
2. Chuyển đổi số và những tác động đến lĩnh vực kế toán
Chuyển đổi số là việc chuyển đổi kiến thức và thông tin tương tự trở thành một dạng kiến thức và thông tin kỹ thuật số được lưu trữ. Điều này giúp việc truy cập vào kiến thức và thông tin trong thời gian thực, cho phép mọi người có thể trao đổi thông tin trên toàn cầu một cách dễ dàng hơn khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật Kane và cộng sự (2015). Hay nói cách khác, chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể, toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau (Dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia, 2019). Chuyển đổi cũng chính là sự thay đổi về cách thức điều hành, quy trình, thủ tục, văn hóa, dựa trên nền tảng kỹ thuật số để hướng tới mục tiêu hiệu quả hơn và chắc chắn ít nhiều nó sẽ làm thay đổi quy trình, phương thức hoạt động của nhiều lĩnh vực ngành nghề hiện nay.
2.1. Một số công nghệ số cốt lõi tác động đến công tác kế toán
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng sâu rộng ngày càng có nhiều doanh nghiệp triển khai các công cụ kỹ thuật số như chương trình phần mềm, công cụ trực tuyến, các giải pháp sử dụng điện toán đám mây, hội thảo trên web, lưu trữ dữ liệu kỹ thuật số,... cho ngành Kế toán. Đối với ngành Kế toán, nhiều quy trình hàng ngày đã được triển khai ứng dụng công nghệ trực tuyến, các nền tảng thông minh để có thể tự động hóa; Thông tin cung cấp ra chính xác và chi tiết hơn; Việc truy cập dữ liệu được dễ dàng hơn; Dữ liệu đáng tin cậy hơn; Thông tin được lưu trữ an toàn hơn thông qua lưu trữ đám mây không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian (Đại học Southern Cross, 2016).
2.2. Các yêu cầu đối với kế toán viên trong thời đại chuyển đổi số
Một số các công nghệ số có thể được xem là cốt lõi có tác động ít nhiều đến những thay đổi trong việc thực hiện công tác kế toán hiện nay gồm:
Làm việc nhóm hiệu quả: là 1 trong 4 kỹ năng quan trọng hàng đầu đối với kế toán nghề nghiệp (CAANZ, 2017). Nhân viên kế toán cần cộng tác, làm việc theo nhóm và thúc đẩy những người khác để đạt được các mục tiêu chung (EY, 2018). Nhìn chung, bộ kỹ năng này chưa được phát triển trong kế toán (CPA Australia, 2019).
Truyền đạt thông tin hiệu quả: các thông tin được tập hợp xử lý từ khối lượng dữ liệu lớn và trình bày rõ ràng cả bằng lời nói và văn bản cho các nhóm đa chức năng, ban quản lý và khách hàng. Một người kế toán cần được đào tạo nhiều cách thức giao tiếp khác nhau qua nhiều kênh và đây cũng là bộ kỹ năng giao tiếp quan trọng đối với các tổ chức kế toán CAANZ, (2017).
Học tập suốt đời: do tác động của công nghệ đối với nghề nghiệp, người làm nghề kế toán phải được rèn luyện ý thức, kỹ năng học tập suốt đời và dự đoán các khả năng định hướng tương lai, liên tục đổi mới cập nhật các kỹ năng nghề nghiệp bám sát nhu cầu thực tiễn, nhằm tạo ra và duy trì lợi thế vị thế của người làm công tác kế toán trên thị trường lao động.
Kỹ năng phân tích và lập kế hoạch dự phòng để đưa ra các quyết định: Hơn 3/4 trong số 100 công ty kế toán hàng đầu đã trích dẫn tư duy phản biện là bộ kỹ năng hàng đầu cho nghề kế toán CAANZ, (2019).
Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT): xu hướng gần đây các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm các kế toán viên có kỹ năng CNTT, bao gồm: năng lực trong Excel, công cụ quản lý quan hệ khách hàng, phần mềm quản lý danh mục đầu tư, phần mềm thông minh kinh doanh và công nghệ dựa trên đám mây Heath, (2018). Yêu cầu đối với người làm nghề kế toán cần có khả năng vừa áp dụng vừa giám sát công nghệ tự động hóa công tác quản trị. Ví dụ: nhận thức học máy là một yêu cầu cơ bản nhưng có thể mở rộng đến phát triển và thử nghiệm các mô hình cũng như các thuật toán kiểm toán Pan và cộng sự (2019). Có năng lực trong lập trình, lập mô hình dữ liệu và quản lý cơ sở dữ liệu, chẳng hạn như sử dụng SQL, R và Python được đánh giá cao Singh và công sự (2019). Thu thập, phân tích và quản lý khối lượng dữ liệu lớn cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi nó thành thông tin hữu ích và chính xác là yêu cầu trọng tâm dành của người làm kế toán. Điều then chốt là người làm nghề kế toán không chỉ có thể sử dụng được dữ liệu, mà còn phải linh hoạt và nhanh nhạy để tích hợp các công cụ công nghệ mới vào quy trình làm việc Blackline (2020). Trình độ công nghệ là bộ kỹ năng được mong muốn cao nhất cho các kế toán viên gia nhập ngành Sage, (2019) nhưng đây cũng là lỗ hổng về kỹ năng chính trong nghề đang gặp phải ACCA (2016).
Giải quyết vấn đề: là kỹ năng giúp kế toán có thể dựa trên dữ liệu và công nghệ để đưa ra các giải pháp giải quyết các vấn đề kinh doanh phức tạp và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp của khách hàng của họ Blackline (2020). Một trong kỹ năng quan trọng nhất của họ là lấp đầy khoảng trống và đưa ra các quyết định đúng đắn về tài chính CAANZ (2017).
Am hiểu về môi trường kinh doanh: yêu cầu của công việc kế toán là người làm nghề phải hiểu được môi trường kinh doanh và phải dự báo trước về tình hình kinh doanh để có thể nắm bắt và khai thác được các cơ hội mới. Người làm kế toán phải thể hiện được sự nhạy bén trong kinh doanh và am hiểu toàn diện về khách hàng, doanh nghiệp và môi trường mà họ hoạt động. Các chuyên gia kế toán cần có kỹ năng xây dựng mối quan hệ trong công việc, từ khả năng tương tác hiệu quả với khách hàng, đến việc tự chủ và tạo động lực cho các thành viên trong nhóm giờ đây cũng là một phần không thể thiếu đối với vai trò kế toán Blackline (2020). Tùy vào lĩnh vực, quy mô tổ chức mà các khả năng cần thiết có thể khác nhau. Giao tiếp, quản lý công việc và xây dựng mối quan hệ là quan trọng nhất đối với các tổ chức nhỏ trong khi sử dụng công nghệ mới nhất ít quan trọng hơn CAANZ (2017).
3. Xu hướng đào tạo kế toán trong thời đại công nghệ số
Ở một số trường đại học, các công cụ công nghệ thông tin đã đưa vào sử dụng để hỗ trợ quá trình học và giảng dạy trong các khóa đào tạo kế toán, nhằm giúp sinh viên nắm được các khái niệm kế toán ở cấp độ cơ bản. Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi số đang dần làm cho các tổ chức giáo dục đào tạo kế toán quan tâm đến cách tiếp cận học tập dựa trên trò chơi kỹ thuật số. Học tập dựa trên trò chơi kỹ thuật số kết hợp giữa học tập và giải trí là một chiến lược giảng dạy có cấu trúc thông qua các ứng dụng dựa trên máy tính. Liệu học tập dựa trên trò chơi kỹ thuật số có phải là công cụ hiệu quả để giảng dạy kế toán hay nó chỉ là một cách để tạo thêm động lực cho sinh viên đang là vấn đề được thảo luận bởi các nhà giáo dục trong lĩnh vực kế toán Carenys và Moya (2016).
Bên cạnh đó, các yếu tố công nghệ thông tin cần thiết cần được đưa vào chương trình đào tạo kế toán chuyên nghiệp sao cho phù hợp nội dung của chương trình giáo dục nghề kế toán do Liên đoàn Kế toán quốc tế ban hành (IFAC) bao gồm các chủ đề và trình độ chuyên môn sau IFAC (2014): có thể phân tích mức độ đầy đủ của các biện pháp kiểm soát công nghệ thông tin chung và các sử dụng ứng dụng liên quan; có thể giải thích sự đóng góp của công nghệ thông tin trong phân tích dữ liệu và ra quyết định; có thể sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc phân tích và ra quyết định trong kinh doanh. Kết quả học tập mong đợi của chương trình đào tạo kế toán là người học sẽ đạt được kiến thức và kỹ năng sử dụng hệ thống tin học dưới vai trò của người quản lý, người thiết kế hoặc người kiểm soát hệ thống. Liên đoàn Kế toán quốc tế - IFAC đặc biệt coi trọng việc tích hợp các khóa học liên quan đến CNTT - với các chương trình kế toán Pan và Seow (2016).
Một số chương trình giảng dạy đang được các tổ chức nghề nghiệp hoặc các chuyên gia kế toán đề xuất đưa các chủ đề sau đây vào đào tạo như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, sơ đồ mô hình thực thể mối quan hệ - ER, hệ thống tệp, phần cứng, vòng đời thông tin, điều khiển CNTT, Cơ sở dữ liệu phi quan hệ - NoSQL, phần mềm nguồn mở, hệ điều hành, sơ đồ quy trình, mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ, ngôn ngữ truy vấn có cấu trúc - SQL và xây dựng các mô phỏng cho các khóa học đại học và sau đại học Coyne và cộng sự (2016). Bên cạnh đó, khuyến nghị tích hợp cách tiếp cận để đưa các chủ đề phân tích dữ liệu vào các khóa học hiện tại như thống kê kinh doanh, hệ thống thông tin kế toán, kế toán tài chính, kế toán quản lý, kiểm toán và thuế Pandula Gamage (2016).
Hiện nay cũng đã có nhiều trường đại học đã và đang thử nghiệm kết hợp các khóa học CNTT/phân tích nâng cao vào các chương trình giảng dạy kế toán của họ. Ví dụ: Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam (SWUFE) ở Thành Đô, Trung Quốc, đang tạo ra toàn bộ chương trình đại học theo định hướng xoay quanh phân tích kinh doanh trong kế toán. Chương trình nhấn mạnh đào tạo về toán học, thống kê và CNTT (ví dụ: khai thác dữ liệu, học máy, cơ sở dữ liệu) bên cạnh kiến thức kế toán cốt lõi. Chương trình bao gồm 2 khóa học đổi mới sáng tạo liên quan đến việc sử dụng phân tích dữ liệu để hoàn thành các nhiệm vụ kế toán, kiểm toán và quản lý rủi ro. Đại học Quản lý Singapore đã thành lập bằng thạc sĩ đầu tiên về dữ liệu kế toán và phân tích ở châu Á, giúp sinh viên phát triển chuyên môn trong việc áp dụng công nghệ dữ liệu vào kế toán. Các nỗ lực tương tự cũng đã được thực hiện bởi các trường đại học ở Bắc Mỹ và Châu Âu như đại học Waterloo ở Canada tích hợp chương trình giảng dạy cơ bản về phân tích với các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của mình và Đại học Queen Mary ở Vương quốc Anh dạy sinh viên đại học cách sử dụng toán học và thống kê để khám phá các mẫu trong lĩnh vực tài chính và kế toán.
Nhiều trường đại học trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc, Singapore, Canada và Anh, đang thiết kế các khóa học đổi mới nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường. Trọng tâm bao gồm kinh doanh phân tích, blockchain và các khía cạnh của CNTT như khai thác dữ liệu và học máy Zhang và cộng sự (2018). Một thách thức lớn là thiếu các chuyên gia am hiểu công nghệ và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại các trường đào tạo kinh tế quốc tế theo chương trình tích lũy tín chỉ phần lớn không cho các chuyên gia kế toán thiết kế và đưa nội dung này vào giảng dạy.
4. Một số khuyến nghị
Trong kỷ nguyên số, chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến những chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực ngành nghề, trong đó có Kế toán. Với sự hỗ trợ của máy tính, các thiết bị và phần mềm công nghệ, công việc của kế toán, kiểm toán sẽ được giảm bớt gánh nặng thuật tính toán. Tuy nhiên, rô bốt hay công nghệ hiện đại cũng không thể thay thế toàn bộ vai trò của con người trong lĩnh vực này. Kế toán viên tốt phải là người biết cung cấp và kiểm soát thông tin tốt, thông thạo các công cụ hỗ trợ để kiểm soát dòng dữ liệu và luôn nắm giữ thế chủ động Trần Phước (2021). Ngày nay, việc học kế toán là để làm kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ làm công việc kế toán. Một kế toán giỏi phải là người có năng lực phân tích, dự báo dựa trên các số liệu đã được tổng hợp, báo cáo, từ đó có thể tư vấn cho doanh nghiệp có các quyết định tối ưu và phù hợp trong kinh doanh. Mỗi cơ sở đào tạo phải nhận thức được xu hướng ứng dụng công nghệ số vào các quy trình công việc trong lĩnh vực kế toán là điều tất yếu và để thích ứng với môi trường làm việc ngày càng thay đổi buộc các trường phải có chiến lược đào tạo đúng đắn, đảm bảo không ngừng cập nhật đổi mới đào tạo kế toán theo xu hướng đáp ứng được nhu cầu và dự báo được nhu cầu về thị trường lao động kế toán chuyên nghiệp. Theo đó, tác giả bài viết đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Một là, xây dựng chương trình đào tạo phải đáp ứng được các yêu cầu về năng lực nghề nghiệp hiện nay và tương lai. Chương trình đào tạo được xem như “kim chỉ nam” giúp cho các tổ chức đào tạo có thể xác định được việc cần dạy gì, dạy khi nào và dạy như thế nào; qua đó xác định xây dựng hoạch định nguồn lực gồm đội ngũ, phương pháp giảng dạy, tài liệu giảng dạy và các trang thiết bị cơ sở vật chất cần thiết để triển khai quá trình giảng dạy. Một chương trình đào tạo kế toán tốt là chương trình đào tạo xác định được chuẩn đầu ra không chỉ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc của ngành nghề hiện tại, mà còn có thể đáp ứng được yêu cầu mới của nghề kế toán trong tương lai. Để làm được việc này, rất cần có sự hỗ trợ của tổ chức nghề nghiệp trong nước phối hợp với các cơ quan hữu quan để có thể định kỳ khảo sát đánh giá nhu cầu lao động trong lĩnh vực kế toán, đồng thời có thể đưa ra các dự báo về nhu cầu lao động, các vị trí công việc của nghề nghiệp hiện nay và dự kiến trong tương lai. Dựa trên thông tin này, các tổ chức đào tạo có thể lựa chọn mục tiêu đào tạo đáp ứng với yêu cầu nào của thị trường, từ đó xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo kế toán một cách thiết thực hơn.
Hai là, chú trọng chọn lựa giáo trình, tài liệu giảng dạy các học phần liên quan đến kiến thức về kế toán, các kỹ năng về sử dụng công nghệ cũng như kỹ năng mềm cần thiết cho người học. Việc rà soát đánh giá lại các giáo trình tài liệu cho các học phần đóng góp vào sự thành công then chốt cho chương trình đào tạo kế toán cần được thực hiện định kỳ hằng năm, qua đó mỗi tổ chức có thể xác định được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và nguy cơ mà đơn vị mình đang đối diện khi triển khai giảng dạy các học phần này, qua đó có thể đưa ra các phương án triển khai và lựa chọn các chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp.
Ba là, đa dạng nguồn nhân lực có chất lượng tham gia giảng dạy. Để có thể đa dạng nguồn nhân lực tham gia giảng dạy đảm bảo được tính học thuật và có nhiều kinh nghiệm thực tế, các trường cần sớm xây dựng khung năng lực dành cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ chuyên gia thỉnh giảng, cộng tác biên soạn tài liệu, tham gia đánh giá chất lượng người học nhằm có thể triển khai thành công chương trình đào tạo. Nếu đối với khung năng lực dành cho đối tượng giảng viên cơ hữu đóng vai trò là cơ sở giúp nhà trường có thể đưa ra chính sách cơ chế tuyển dụng và đánh giá phân loại giảng viên cũng như hỗ trợ nâng cao phát triển đội ngũ giảng viên, thì với khung năng lực dành cho đội ngũ thỉnh giảng, cộng tác biên soạn tài liệu hay tham gia đánh giá chất lượng người học lại là cơ sở giúp Nhà trường tìm kiếm và xây dựng được mạng lưới chuyên gia có chất lượng và phù hợp để có thể phối hợp trong việc giảng dạy của Nhà trường.
Bốn là, cải tiến phương pháp giảng dạy và đa dạng cách thức kiểm tra đánh giá nhằm giúp người học hình thành được các năng lực cần thiết để có thể tự làm chủ kiến thức thích ứng được với mọi môi trường, mọi hoàn cảnh công việc. Việc tăng cường triển khai phương pháp dạy học tích cực giúp người học có thể vừa học vừa thực hành là hết sức cần thiết. Để việc giảng dạy bám sát với thực tế, các tổ chức đào tạo kế toán cần lựa chọn và xây dựng các HP giảng dạy theo dự án nhằm giúp sinh viên giải quyết được các tình huống thực tế. Nhà trường có thể đặt hàng các công ty kế toán kiểm toán xây dựng nội dung và đến chia sẻ, thực hiện việc chỉ dẫn sinh viên qua các bài tập dự án. Tiếp tục cải tiến việc giảng dạy các học phần mô phỏng thực hành nhằm giúp người học có cái nhìn thực tế về hoạt động nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiếp cận sát với thực tế và tăng cường các kỹ năng cần thiết cho người học như làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý thời gian, ra quyết định, đồng thời giúp người học xây dựng thái độ nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp phù hợp. Để làm được điều này, điều tiên quyết là tốc độ kết nối internet của các trường phải đảm bảo, cấu hình máy tính đủ mạnh, lựa chọn phần mềm ERP phù hợp, bố trí các thiết bị máy tính, bàn ghế như mô hình phòng làm việc tại doanh nghiệp, bao gồm cả có máy in, máy photocopy, xây dựng nguồn dữ liệu thông tin quản lý đa phương tiện,... Khi triển khai thực hiện các hoạt động như thực tế phát sinh gồm bộ phận nhân sự, lập hóa đơn, thương mại điện tử, hóa đơn điện tử, bảng quản lý của hệ thống tích hợp điện thoại máy tính trong ERP và trong hệ thống bổ sung ngân hàng điện và thuế… mô phỏng cơ quan thuế nơi sinh viên đưa ra các tư vấn về thuế cho nhau theo chỉ dẫn của người hướng dẫn thực hành. Qua việc học và hành này đã cung cấp cho sinh viên hiểu sâu về thực hành nghề nghiệp và văn hóa làm việc, cũng như thực hành áp dụng kiến thức kế toán và phát triển các khả năng định hướng tương lai khi tốt nghiệp. Song song đó, ngoài việc kiểm tra đánh giá phần lớn được thực hiện tại trường, nhà trường cần triển khai và duy trì sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và phối hợp đánh giá năng lực người học.
Tài liệu tham khảo:
- Denise Jackson, Grant Michelson, Rahat Munir. (2020). The impact of technology on the desired skills of early career accountants. Australia: CPA Australia.
- Shawnie Kruskopf, Charlotta Lobbas, Hanna Meinander, Kira Söderling, Minna Martikainen and Othmar M. Lehner (2020). Digital Accounting and the Human Factor: Theory and Practice. ACRN Journal of Finance and Risk Perspectives, 9, 78-89.
- Davern, M., Weisner, M., & Fraser, N. (2019). Technology and the future of the profession. Australia: CPA Australia.
- Nguyễn Hữu Ánh (2017). Đổi mới đào tạo ngành Kế toán của các trường đại học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xã hội trong xu thế hội nhập. Truy cập tại: http://ifrsvietnam.vn/tin-tuc/hoi-nghi-hoi-thao-1/doi-moi-dao-tao-nganh-ke-toan-cua-cac-truong-dai-hoc-o-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-xa-hoi-trong-xu-the-hoi-nhap-226.html
DIGITAL TRANSFORMATION AND GUIDANCE FOR ACCOUNTING EDUCATION IN UNIVERSITIES IN VIETNAM
Master. LE NGOC ANH
Faculty of Accounting and Auditing, Van Lang University
ABSTRACT:
As the development of information technology has strongly impacted the accounting sector including accounting education and training activities, this paper clarifies characteristics of the digital transformation and points out requirements for accounting education and training activities in the Digital Era. This paper presents an overview about the trends of accounting training in the world. The paper also makes some recommendations to improve the quality of accounting education and training in Vietnam from improving the accounting curriculum to upgrade training methods.
Keywords: digital transformation, training activity, accounting, university.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 19, tháng 8 năm 2021]