Ngành Công Thương Gia Lai: Khai thác tối đa tiềm năng lợi thế

Với tiềm năng về năng lượng tái tạo, Gia Lai đang trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp năng lượng. Gia Lai cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, tiêu, mì… là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến

Những năm gần đây, ngành Công Thương Gia Lai phát triển ấn tượng, sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, với nhiều cơ sở sản xuất, nhà máy được đầu tư xây dựng như: Thủy điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến nông-lâm sản, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có thị trường xuất khẩu. Đồng thời, nhờ khai thác tốt lợi thế về tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng để phát triển cây công nghiệp ngắn và dài ngày, đến nay Gia Lai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh cao su, cà phê, tiêu gần, điều, chè; bắp, mì, mía,… là nguồn nguyên liệu để Gia Lai phát triển công nghiệp chế biến,....

Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh

 

Nhờ khai tác tối đa các tiềm năng, lợi thế về cây công nghiệp ngắn và dài ngày để phát triển toàn diện ngành công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, những năm qua một số ngành công nghiệp tang trưởng ấn tượng như công nghiệp điện, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng và phân bón. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 8,92% so với năm 2017, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,47% là do có sự đóng góp của ngành chế biến nông sản chủ lực của tỉnh như tinh bột sắn, đường tinh chế,chè chế biến,điều; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước tăng gấp 5,44% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp có giá trị sản phẩm tăng như, công nghiệp điện, chế biến đường, vật liệu xây dựng và phân bón

Đặc biệt, nhờ vào việc đưa một số nhà máy thủy điện đi vào hoạt động như: Nhà máy điện mặt trời – Công ty CP Điện Gia Lai (công suất 49MW); Nhà máy thủy điện Krông Pa 2 (15MW), Nhà máy thủy điện Ayun Trung(13,5 MW), Nhà máy thủy điện Pleikeo (10,5MW); Nhà máy nhiệt điện sinh khối An Khê (110MW) đã giúp cho ngành công nghiệp điện tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018.

Đến nay, Gia Lai đã hình thành một số khu-cụm công nghiệp với quy mô, làm cơ sở để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 411 ha. Trong đó có 8 Cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập 4 cụm công nghiệp đã đầu tư hạ tầng và 2 cụm công nghiệp đã thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Có 5 Cụm công nghiệp với tổng diện tích là 175,41 ha đã đi vào hoạt động.

Các ngành dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải, tư vấn... phát triển cả về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ.  Hệ thống phân phối hàng hóa ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

Xuất khẩu cũng là lĩnh vực có sự tăng tốc mạnh mẽ, 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 100% kế hoạch. Khối lượng xuất khẩu một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: cà phê, cao su, cà phê, gỗ, sắn,..

Về công tác đưa hàng Việt về nông thôn, trong 10 năm qua, ngành Công Thương đã chỉ đạo trung tâm khuyến công & Xúc tiến thương mại xây dựng các đề án tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi để phục vụ đồng bào bà con vùng sâu, vùng xa, thông qua chương trình đưa hàng việt về nông thôn đến nay xu thế dùng hàng Việt thay cho hàng ngoại nhập tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng gia tăng.

Ông Bùi Khắc Quang - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai
Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai

 Tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo

Theo nhận định của ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai  thì hiện nay, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Qua khảo sát, Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Về điện gió, hiện có 4 khu vực tiềm năng điện gió rất lớn với công suất khoảng 1.800 MW, trong đó, khu vực phía Đông có thể đạt công suất 700 MW, khu vực phía Đông Nam là 400 MW, khu vực phía Tây là 600 MW.

Về điện mặt trời,  Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900 - 2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335 - 380 Kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán từ 4,6 - 5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, quy mô công suất có thể đạt 7.500 MW. 

Đối với các dự án thủy điện, đến nay, qua quá trình thực hiện các quy hoạch thủy điện được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 48 dự án thủy điện đang vận hành với tổng công suất 2241,15 MW 02 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 10,6 MW. Ngoài ra có 25 dự án thủy điện với tổng công suất dự kiến khoảng 204,6 MW đang được các nhà đầu tư.

Với đặc thù là một tỉnh nghèo thuộc Tây Nguyên, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số và tỷ lệ hộ nghèo còn cao trong cả nước. Là tỉnh có diện tích đất rộng, có nhiều tiềm năng phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió. Việc phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, được Chính phủ khuyến khích đầu tư. Ngành Công Thương Gia Lai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương  được hưởng cơ chế giá bán điện đối với các dự án điện mặt trời theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả, quyết tâm cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền tỉnh, ngành Công Thương Gia Lai sẽ có bước đột phá trong giai đoạn tới.

Đàm Trung