Ngày 12/4/2013, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu tổng quát “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Chiến lược được thực hiện với 3 định hướng lớn về Phát triển kinh tế, Phát triển xã hội và Bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Tiếp đó, tích cực tham gia vào Chương trình nghị sự 2030 do Đại hội đồng LHQ thông qua tháng 9/2015, ngày 10 tháng 5 năm 2017, tại Quyết định số 622/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với mục tiêu tổng quát mở rộng hơn.
Kế hoạch hành động đưa ra 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể của Việt Nam, trong đó Bộ Công Thương được giao thực hiện 7 mục tiêu chung và 15 mục tiêu cụ thể.
Nhằm lấy ý kiến về triển khai thực hiện các mục tiêu được Chính phủ giao phó, sáng 29/8/2019 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển bền vững ngành Công Thương.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, để thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững và Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển bền vững và Văn phòng Phát triển bền vững của Bộ Công Thương để triển khai các nhiệm vụ được giao, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Quyết định số 4917/QĐ-BCT ngày 29/12/2017 để thực hiện.
Trong đó, 15 mục tiêu về Phát triển bền vững của Chính phủ giao đã được Bộ Công Thương được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ cụ thể và phân công cho 20 đơn vị thuộc Bộ để thực hiện.
Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch để triển khai Chiến lược Phát triển bền vững và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững như hiện nay về cơ bản đã thấy được sự quan tâm, chủ động tích cực của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình triển khai kế hoạch, các đơn vị đã gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình thực hiện do vấn đề về nhận thức, hiểu biết tường tận về nội hàm của phát triển bền vững trong các lĩnh vực ngành Công Thương cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hành động cụ thể của từng ngành, lĩnh vực có đóng góp như thế nào đến tiến trình phát triển bền vững của ngành, lĩnh vực, quốc gia vẫn đang là các câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Tại Hội thảo, nhiều đại diện các Bộ, ban ngành, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chuyên gia quốc tế đã có cơ hội thảo luận và chia sẻ về Chương trình Nghị sự 2030 cũng như đóng góp ý kiến xây dựng, tư vấn cho Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch hành động phát triển bền vững ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2030 để thực hiện hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, “xương sống” của đề án phát triển bền vững luôn gắn với tái cơ cấu ngành, bao gồm các lĩnh vực truyền thống như công nghiệp, năng lượng, thương mại,…
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang hiện đại hóa mỗi ngày với nhiều chuyển biến liên tục về khoa học công nghệ, đặc biệt cần làm sao để gắn ứng dụng số với các ngành kinh tế, tận dụng những tiên tiến của cách mạng 4.0 vào phát triển bền vững.
Cùng với đó, ngành Công Thương cũng hy vọng được nghe quan điểm của các chuyên gia về mối tương quan giữa phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn - xu hướng tăng trưởng của toàn cầu hiện nay.
Theo đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), việc phát triển bền vững hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn mà ở đó, giá trị sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, và giảm thiểu việc tạo chất thải ra môi trường.
Điều này cũng sẽ giúp cải thiện vị thế của sản phẩm công nghiệp trong chuỗi cung ứng và với khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh.
UNIDO cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công Thương có thể xây dựng 4 công cụ chính sách trong tăng cường phát triển bền vững và tiếp cận kinh tế tuần hoàn, bao gồm Chỉ huy và kiểm soát (sử dụng công cụ luật pháp để cấm, yêu cầu về sản phẩm); Ưu đãi kinh tế (giảm thuế, tài trợ vốn); Hỗ trợ hành động tự nguyện (gây quỹ, tạo nhãn công nhận) và Công bố thông tin (tuyên truyền đến người tiêu dùng và doanh nghiệp).
Việc hoàn thiện thể chế từ đó tối ưu hóa công cụ chính sách sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân một cách thực tiễn nhất, thúc đẩy phát triển bền vững mạnh mẽ.
Trong khi đó, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng cần làm rõ vai trò cầu nối giữa công nghiệp và thương mại trong nhiệm vụ phát triển bền vững, đặc biệt ở các vấn đề xanh hóa hệ thống phân phối, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường và thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam theo hướng bền vững.
Bà Lê Việt Nga nhận định, sản xuất công nghiệp bền vững cần theo sát câu chuyện tín hiệu thị trường và sự dẫn dắt của chính sách để nắm bắt được xu hướng tiêu dùng xanh, từ đó tiếp cận thị trường và xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm một cách hiệu quả, thực tiễn.
Hiện nay, đã rất nhiều địa phương triển khai thành công việc sản xuất và đưa vào tiêu thụ các mặt hàng thân thiện với môi trường là sản phẩm của khuyến công, hay một số hệ thống phân phối trong và ngoài nước cũng đang từng bước “xanh hóa” thông qua tiết kiệm năng lượng, khuyến khích tiêu dùng bền vững.
Do vậy, hai yếu tố “công” và “thương” sẽ cần có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động phát triển bền vững ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2030.