Theo Giám đốc Sở Công Thương Thành phố, tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn Thành phố, 5 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực, các ngành tiếp tục phục hồi, hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ.
Tính lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2021 tăng 9,5%). Doanh thu các nhóm hàng tăng khá như: Lương thực, thực phẩm (ước đạt 49.575 tỷ đồng, tăng 14,2%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 14,9%); Gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 6.781 tỷ đồng, tăng 8,5%); Ô tô các loại (ước đạt 11.767 tỷ đồng, tăng 14,3%),…
Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ), tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
Sở Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, phát huy công cụ bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương, đồng thời triển khai các chương trình Khuyến mại tập trung nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Sở Công thương Thành phố, trong lĩnh vực Công nghiệp, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 5 tiếp đà tăng trưởng khá 6,5% so với tháng trước và tăng 9,0% so với tháng 5 năm 2021. Lũy kế 5 tháng năm 2022, IIP ước tăng 2,6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,4%); trong đó 04 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm (Cơ khí, Điện tử, Hóa dược và Chế biến thực phẩm) ước tăng 5,6% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Về tình hình cung cấp điện; Trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành điện đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân Thành phố. Cụ thể như sau: Sản lượng điện thương phẩm 05 tháng đầu năm đạt 10.836,4 triệu kWh (tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong đó: Nông lâm, thủy, hải sản: 65,8 triệu kWh; Công nghiệp, xây dựng: 3.828,4 triệu kWh; Thương nghiệp, khách sạn: 1.296,8 triệu kWh; Quản lý tiêu dùng dân cư: 4.854,9 triệu kWh; Lĩnh vực khác: 790,5 triệu kWh.
- Ước sản lượng điện thương phẩm 06 tháng đầu năm đạt 13.239,9 triệu kWh, tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2021.
- Sản lượng điện tiết kiệm 05 tháng đầu năm đạt 225,7 triệu kWh, chiếm 2,08% điện thương phẩm. Ước 06 tháng đầu năm đạt 271,2 triệu kWh, chiếm 2,05% điện thương phẩm.
- Tổn thất điện năng 06 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3,47%.
- Chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn Thành phố tiếp tục được nâng cao, thể hiện qua các chỉ số về số lần mất điện của một khách hàng (SAIFI), thời gian mất điện của một khách hàng (SAIDI) so với cùng kỳ năm 2021, cụ thể 06 tháng đầu năm ước đạt: SAIFI là 0,27 lần/khách hàng, tốt hơn 67,48% so với cùng kỳ năm 2021; SAIDI là 20,0 phút, tốt hơn 64,00% so cùng kỳ năm 2021.
Về nhiệm vụ trong tâm trong tháng 6 và Quý III năm 2022, Sở Công thương Thành phố sẽ Tổ chức nhiều chương trình, nhằm tiếp tục phục hồi kinh tế Thành phố cụ thể như: Chương trình Khuyến mại tập trung - Mùa mua sắm trên địa bàn Thành phố năm 2022 (đợt 1), chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2022” (từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 15 tháng 7 năm 2022).
Kết hợp tổ chức sự kiện Hội chợ Khuyến mại “Shopping Season” (từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 03 tháng 7 năm 2022) nhằm trưng bày, mua bán sản phẩm từ các doanh nghiệp có thương hiệu của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh/thành.
Dự kiến mức khuyến mại từ 30 - 100%; Triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư các Trung tâm logistics; triển khai Kế hoạch Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.HCM năm 2022; Triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2022; Tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2022-2025.
Sở sẽ triển khai Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM năm 2022; Triển khai Kế hoạch Hỗ trợ phát triển xuất nhập khẩu cho từng nhóm ngành hàng, chuyên đề năm 2022 “Nông sản Việt vươn xa” (tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương với thị trường Hoa Kỳ trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến vào tháng 7 năm 2022); Chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ (dự kiến tổ chức trong tháng 7 năm 2022)...