Ngành Kế toán cần chuẩn bị những gì để bắt nhịp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. PHẠM MINH PHƯƠNG (Bộ môn Kế toán, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Các chuyên gia về phần mềm kế toán trên thế giới đã tuyên bố: Các phần mềm kế toán sẽ thay thế hệ thống kế toán thủ công, những chiếc máy vi tính sẽ thay thế con người làm việc, những thuật toán phức tạp sẽ được trí tuệ nhân tạo xử lý một cách nhanh gọn trên cơ sở dữ liệu lớn. Đó quả là thách thức rất lớn với ngành Kế toán. Vậy, những kế toán viên cần phải trang bị cho mình hành trang gì để tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, theo đó bài viết sẽ phân tích về vấn đề này.

Từ khóa: Phần mềm kế toán, công nghệ 4.0, nguy cơ thất nghiệp, kế toán, sinh viên kế toán.

1. Những tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tới sự phát triển của ngành Kế toán

Các khái niệm như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối internet,... là những thuật ngữ công nghệ ngày càng trở nên quen thuộc.

Bốn đổi mới hàng đầu của công nghệ được thiết lập để phá vỡ kế toán truyền thống đó là: Blockchain - Sổ cái kỹ thuật số, Chatbots - Ứng dụng trả lời tự động, Cloud computing - Điện toán đám mây, Automation and AI - Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ này sẽ đảm nhiệm những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại của kế toán. Bạn có thể thấy ứng dụng đó đang tồn tại và tác động hàng ngày tới công việc kế toán hiện nay.

Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó. Mặt khác, chúng đảm bảo rằng sẽ không bao giờ một giao dịch được lưu trữ lại hai lần, một sự sửa đổi bất kỳ đối với dữ liệu cũ phải được sự đồng ý của các bên tham gia. Một trong những ứng dụng của công nghệ Blockchain gần gũi nhất với kế toán là ứng dụng để phát hành và lưu trữ hóa đơn điện tử. Chính phủ đã ban hành nghị định số 119/2018/NĐ-CP, theo đó tất cả doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử kể từ tháng 11/2020.

Chatbots hiện tại đang được kết hợp với facebook trong việc hỗ trợ giải đáp những thắc mắc thường gặp của người dùng phần mềm kế toán. Kế toán viên có thể liên lạc với chatbots và yêu cầu cung cấp thông tin hướng dẫn sử dụng - tương tự như các đồng nghiệp trò chuyện qua hệ thống nhắn tin.

Cloud computing cho phép truy xuất dữ liệu ngay lập tức chỉ cần có mạng internet. Các phần mềm có ứng dụng điện toán đám mây cho phép nhà quản lý doanh nghiệp, kế toán tổng hợp đọc các báo cáo của kế toán chỉ trong vài phút và không bị giới hạn về địa lý.

Automation and AI được coi là hai trong số những mối đe dọa lớn nhất đối với việc làm trong lĩnh vực kế toán. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ hành chính như quy trình thanh toán các khoản nợ, quy trình ghi sổ và lập báo cáo kế toán, và một số nhiệm vụ phức tạp như định giá, lập dự phòng...

2. Những cơ hội và thách thức đối với ngành Kế toán khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Chúng ta dễ dàng thấy nhiều nhà cung cấp phần mềm kế toán, nhiều kỹ sư lập trình tuyên bố: Các phần mềm kế toán sẽ thay thế hệ thống kế toán thủ công, những chiếc máy vi tính sẽ thay thế con người làm việc, những thuật toán phức tạp sẽ được trí tuệ nhân tạo xử lý một cách nhanh gọn trên cơ sở dữ liệu lớn. Đó quả là thách thức không nhỏ với người kế toán, ngành Kế toán, và đơn vị đào tạo kế toán.

  Nhiều kế toán bắt đầu lo sợ cho tương lai nghề nghiệp, nguy cơ thất nghiệp, nguy cơ giảm thu nhập, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cá nhân và gia đình. Những người làm đào tạo kế toán lo lắng về việc thay đổi phương pháp giảng dạy như thế nào? Làm sao để thay đổi được kiến thức, kỹ năng của các giảng viên ngành kế toán? Nhà tuyển dụng cần gì? Làm sao để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động?...

Nhìn ở một khía cạnh khác, công nghiệp 4.0 mang lại một cơ hội cho những chuyên viên kế toán. Khi có một cơ sở dữ liệu lớn được lưu trữ trong máy tính, người kế toán dễ dàng tra xuất dữ liệu. Khi những thuật toán khó được xử lý bởi phần mềm, kế toán dễ dàng lập được những báo cáo phù hợp hơn, kịp thời hơn, phục vụ yêu cầu quản lý của đơn vị. Khi vạn vật được kết nối internet thì kế toán tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Ví dụ, ngồi tại bàn cũng có thể chuyển tiền, nộp hồ sơ, không cần đi lấy sổ phụ ngân hàng, không cần phải so sánh giữa sổ phụ ngân hàng với sổ kế toán tiền gửi ngân hàng, vì dữ liệu đã được kết nối hạch toán tự động... Tiết kiệm thời gian, đồng nghĩa với việc một kế toán trước kia chỉ đảm nhận được công việc tổng hợp của một doanh nghiệp nhỏ, thì giờ đây kế toán có thể cùng lúc đảm nhận công việc chuyên môn của nhiều doanh nghiệp. Trong tương lai, khi Việt Nam áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế, khi hóa đơn điện tử được gửi tới mọi nơi trên thế giới chỉ với một click chuột trên máy tính, thì kế toán cần có kiến thức chuyên ngành tốt và ngoại ngữ lưu loát, để tự tin bước vào thị trường lao động toàn cầu.

Công nghiệp 4.0 thách thức với lối tư duy cũ và mở ra cơ hội cho những người có tư duy độc lập, làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc đua. Công nghiệp 4.0 sẽ phân hóa sâu sắc giữa người nhập liệu đơn thuần và người có khả năng phân tích xử lý dữ liệu cũng như đưa ra quyết định.

3. Bốn bước cần chuẩn bị của kế toán để ứng phó với cơn bão mang tên cách mạng công nghiệp 4.0

  • Nắm chắc những giá trị truyền thống cốt lõi của ngành Kế toán

Nhiệm vụ cốt lõi của kế toán là lập các báo cáo kế toán để cung cấp thông tin phù hợp cho người đọc thông tin tài chính. Khi có sự tham gia của công nghệ, việc ghi chép sổ sách được thực hiện bởi những trí tuệ nhân tạo. Từ những dữ liệu ban đầu, chỉ cần một vài click chuột, phần mềm sẽ tự động hoàn thành các sổ cái, sổ chi tiết và lập nên những báo cáo tài chính đã được tiêu chuẩn hóa. Nhưng những máy móc này không có khả năng lựa chọn linh hoạt thông tin. Chỉ có người kế toán mới hiểu rõ thông tin nào là phù hợp với việc ra quyết định kinh tế, để sẽ nhập những dữ liệu tương ứng vào phần mềm, từ đó cho ra được kết quả thông tin đúng với yêu cầu quản lý.

Quy trình truyền thống của kế toán gồm 3 bước. Bước 1: Thu thập thông tin (bao gồm tập hợp và phân loại) - Bước 2: Xử lý thông tin (bao gồm đo lường và ghi nhận) - Bước 3: Cung cấp thông tin bằng cách lập các báo cáo. Ba bước cốt lõi: Phân loại, đo lường và ghi nhận yêu cầu phải có sự can thiệp của con người để có được độ chính xác, độ trung thực và tin cậy.

Các báo cáo kế toán có thể được tạo ra bởi những trí tuệ nhân tạo. Nhưng trí tuệ nhân tạo không phải là một con người, nó chỉ được cài đặt để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định, bằng cách phân tích dữ liệu trong một môi trường giả định được lập trình sẵn. Và nếu việc lập trình không chính xác sẽ có thể dẫn đến những sai lầm trong hạch toán kế toán. Sai lầm có thể không được phát hiện ngay lập tức, mà chỉ được chú ý khi nó lặp lại nhiều lần trở thành một hiệu ứng, khiến thông tin cung cấp có những sai sót trọng yếu. Nhiệm vụ không thể thiếu của kế toán thời đại 4.0 là phân tích kiểm tra chéo dữ liệu, đảm bảo chất lượng thông tin cung cấp. Để làm được điều này, kỹ năng làm việc độc lập của kế toán, kiến thức về phân tích báo cáo tài chính thông qua các tỷ số tài chính, cần được vận dụng phát huy.

Với sự góp sức của công nghệ, người kế toán không còn bị trói buộc trong những công việc ghi chép lặp lại nhàm chán, kế toán không chỉ có chức năng ghi sổ đơn thuần mà đã phát triển, nâng tầm lên chức năng đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của thông tin kế toán.

  • Kế toán sử dụng công nghệ, không phải là nô lệ của nền công nghiệp

Nỗi lo thất nghiệp, nỗi lo bị robot thay thế khiến một số kế toán chạy theo xu hướng tự đào tạo mình thành những nhân viên kinh doanh phần mềm kế toán, nhân viên hỗ trợ khách hàng sử dụng phần mềm kế toán hoặc những người nhập liệu đơn thuần. Tuy nhiên, xu hướng này khiến con người bị phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo, trở thành nô lệ của những phần mềm kế toán. Nếu chỉ đi theo xu hướng này, nghề Kế toán sẽ ngày càng mai một và biến mất trong môi trường kinh doanh, người kế toán sẽ hoàn toàn bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.

Kế toán cần phải thay đổi đó là yêu cầu tất yếu đặt ra trong cuộc cách mạng 4.0. Nhưng sự thay đổi đó phải là một sự thay đổi tích cực, mang tính độc lập, làm chủ công nghệ. Con đường của kế toán trong tương lai công nghiệp 4.0 là hòa nhập chứ không phải hòa tan.

Người Kế toán cần nắm rõ những giá trị cốt lõi của kế toán. Kết hợp cùng với nhân viên lập trình để thiết kế phần mềm theo đúng những nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung, tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế.

Kế toán phải là người phát hiện ra những lỗ hổng trong phần mềm, dẫn đến những sai sót trọng yếu trong dữ liệu kết xuất ra, từ đó yêu cầu lập trình viên khắc phục theo đúng nhu cầu, và bảo vệ sự toàn vẹn của thông tin kế toán.

Nhiệm vụ trước hết của kế toán là phải chuẩn bị kiến thức về sự phát triển của công nghệ, những ứng dụng mới nhất có thể áp dụng vào công việc của mình. Nắm bắt được những biến đổi của công nghệ, kế toán sẽ chiến thắng nỗi lo thất nghiệp, thay vào đó là cơ hội nghề nghiệp được mở rộng.

  • Xác định rõ vai trò, vị trí của ngành Kế toán trong môi trường kinh doanh

Kế toán cần phải xác định rõ vai trò, vị trí của người kế toán trong môi trường kinh doanh. Hiện nay, trong một đơn vị, bộ phận sản xuất, bộ phận kinh doanh là những bộ phận trực tiếp mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Bộ phận kế toán truyền thống, chỉ là bộ phận phụ trợ gắn với khái niệm tuân thủ: Tuân thủ pháp luật về thuế và kế toán, tuân thủ trong việc ghi chép các dữ liệu về các nghiệp vụ kinh tế đã phát sinh, tuân thủ mệnh lệnh của nhà quản lý,...

Với sự phát triển của công nghiệp 4.0, những công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán đối với kế toán sẽ được thay bằng công nghệ kỹ thuật số. Và thay vì lo ngại nguy cơ bị thay thế, các kế toán nên coi đây là cơ hội để mình tập trung vào những công việc có tính chất chiến lược hơn như là hỗ trợ doanh nghiệp lập kế hoạch tài chính, thiết lập mục tiêu kinh doanh. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp, kế toán nắm giữ những dữ liệu định lượng và định tính có thể hỗ trợ nhà quản lý trong việc phân tích tình huống, xây dựng chiến lược kinh doanh. Kế toán có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích để tiết kiệm chi phí, nâng cao lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro, từ đó góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đi đúng định hướng và tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn. Để làm tốt vai trò tư vấn này, ngoài kiến thức chuyên ngành, kế toán còn cần rèn luyện cho mình tư duy sáng tạo, kỹ năng phản biện, kỹ năng thuyết trình để bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng, giữ vững lập trường của bản thân thì ý kiến tư vấn đưa ra mới được các nhà quản trị coi trọng và xem xét thực hiện.

Vai trò của kế toán trong một nền kinh tế phát triển không chỉ giới hạn ở việc tuân thủ đúng các quy định hiện hành về tài chính kế toán, mà phải phát huy vai trò của kế toán như là một “ngôn ngữ của thế giới kinh doanh”. Chức năng cơ bản của Báo cáo tài chính là cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các đối tượng này đưa ra các quyết định tối ưu. Các đối tượng bên ngoài thường được nhắc tới là các nhà đầu tư, các ngân hàng, khách hàng, nhà cung cấp. Để đáp ứng yêu cầu này, người làm kế toán phải nắm rất vững các quy định hiện hành về kế toán - tài chính để không chỉ tuân thủ đúng mà còn phải biết vận dụng các quy định này một cách linh hoạt nhằm bảo đảm Báo cáo tài chính cung cấp những thông tin hữu ích nhất cho đối tượng sử dụng và đạt được những mục tiêu nhất định mà doanh nghiệp đã đặt ra trong từng giai đoạn.

  • Ngoại ngữ mở cánh cửa toàn cầu

Trong môi trường hiện nay, số lượng kế toán vừa giỏi chuyên môn, vừa thành thạo ngoại ngữ không nhiều. Hạn chế này xuất phát từ môi trường học tập và làm việc của các kế toán đa phần là trong các doanh nghiệp nội địa, và các tài liệu liên quan trực tiếp tới nghề nghiệp hiện tại của kế toán đều là các tài liệu tiếng Việt. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng kế toán thành thạo ngoại ngữ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện nay rất lớn, nhưng lực lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu này.

Thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ giúp mở rộng phạm vi của mọi ngành nghề, công việc kế toán sẽ không còn bị giới hạn bởi các khoảng cách địa lý. Kế toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kế toán ở bất cứ đất nước nào trên thế giới. Do đó, thành thạo ngoại ngữ là chìa khóa để kế toán Việt Nam mở cánh cửa thị trường lao động toàn cầu.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng 4.0 cho kế toán Việt Nam cơ hội làm việc tại nhiều nước trên thế giới thì đồng thời các kế toán viên nước ngoài cũng có thể hành nghề ở Việt Nam. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt đòi hỏi kế toán viên Việt Nam phải cải thiện năng lực bản thân để đáp ứng điều kiện hành nghề quốc tế.

 Công nghệ 4.0 sẽ loại bỏ một số nghiệp vụ, nhưng đồng thời cũng tạo ra những công việc mới. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ cần nhiều kế toán viên chuyên nghiệp hơn là những người kế toán nhập liệu đơn thuần. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán không chỉ nắm rõ lý thuyết, thành thạo thực hành, am hiểu công nghệ, có vốn ngoại ngữ lưu loát mà còn phải nắm bắt được các xu thế, hình dung được các quy trình kế toán mới trong quá trình làm việc.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Vũ Thị Thê (2019), Lao động ngành Kế toán Việt Nam: Nhìn từ tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2019.
  2. Công ty cổ phẩn Misa (2017), Kế toán và kiểm toán đối diện nguy cơ mất việc vì robot. Website: Misa.com.vn
  3. Samantha du Chenne (2019). INDUSTRY 4.0 Fight or flight for accounting professionals? Official Journal of the South African Institute of Professional Accountants, IISSUE 35 | 2019.

 

NECESSARY KNOWLEDGE AND SKILL SETS FOR STUDENTS

TO CATCH UP WITH INDUSTRY 4.0

Master. PHAM MINH PHUONG

Department of Accounting, Faculty of Economics, Da Nang Architecture University

ABSTRACT:

Accounting software experts around the world say that the accounting software is going to replace traditional accounting systems, computers are gradually replacing people at their jobs, complex algorithms become more efficiency thanks to artificial intelligence based on large databases. These are huge challenges for accountants. This article presents knowledge and skill sets that accountants need to gain in order to catch up with Industry 4.0.  

Keywords: Accounting software, Industry 4.0, unemployment risk, accountant, accounting student.