Nghiên cứu các khó khăn, rào cản khi khởi nghiệp từ nông nghiệp xanh và đề xuất giải pháp khắc phục

THS. NGUYỄN HOÀNG LAN (Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) THS. NGUYỄN THỊ NHƯ VÂN (Khoa Quản lý công nghiệp và Năng lượng, Trường Đại học Điện lực)

TÓM TẮT:

Trong bài báo này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp điều tra điều tra và phân tích để tìm ra các rào cản đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, các khó khăn rào cản bao gồm cơ chế chính sách, nguồn lực, điều kiện tự nhiên, kiến thức, và tính kinh tế; từ đó đưa ra định hướng giải pháp để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể vượt qua được khó khăn này.

Từ khóa: Nông nghiệp xanh, rào cản, giải pháp, Việt Nam

1. Giới thiệu

Khởi nghiệp là xu thế phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam từ 400 vào năm 2012 lên gần 1.800 vào năm 2015 và 3.000 trong năm 2017. Song song với đó, các không gian làm việc chung (co - working space), vườn ươm khởi nghiệp (Incubator) và tăng tốc khởi nghiệp (Accelerator) cùng các chương trình cho cộng đồng khởi nghiệp cũng phát triển theo. Các quỹ, chương trình đầu tư đào tạo cũng xuất hiện. Các bên tham gia tích cực từ các cơ quan chính phủ đến các trường đại học và viện nghiên cứu tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khởi nghiệp. Số lượng vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng 3 lần từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD trong giai đoạn 2016 - 2018. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn từ 29 thương vụ là 751 triệu USD [7].

Theo số liệu thống kê năm 2016, nông nghiệp là một trong các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp đăng kí có tỉ lệ tăng nhanh [6]. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thành lập mới không nhiều nếu so với các ngành khác. Năm 2019, chỉ có 2029 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1.5 % [1].

Năm 2017, Việt Nam chỉ có khoảng 4.500 doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng lại chiếm đến 47% tổng số lao động của cả nước. Rào cản lớn là quỹ đất, sau đó đến việc phụ thuộc hay ảnh hưởng của thời tiết tới năng suất, thị trường cũng biến động khó dự báo. Mặc dù có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai nhưng triển khai chưa hiệu quả nên doanh nghiệp ít hưởng lợi từ các chính sách này. Kiến thức và chuyên môn cũng là những yếu tố quan trọng giúp cho khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp [5].

Khởi nghiệp với nông nghiệp xanh (nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên) đã được nhiều người lựa chọn để cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình khởi nghiệp này có nhiều ưu điểm như hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn phân bón hữu cơ tự ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, tận dụng các ưu thế của địa phương nên đầu tư thấp hơn, tự cung tự cấp về giống nên chủ động về nguồn giống. Môi trường sản xuất vì vậy trong lành thân thiện và đảm bảo sức khỏe tốt hơn cho người sản xuất [6].

Dù vậy, khởi nghiệp không thể tránh được các khó khăn đôi khi trở thành rào cản cho sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp (đơn vị) non trẻ này. Nghiên cứu này sẽ phân tích tình hình của các đơn vị để thấy được những khó khăn cũng như đánh giá về các hỗ trợ cần thiết và mức độ quan trọng của các yếu tố cho việc khởi nghiệp thành công. Từ các phân tích đó sẽ đưa ra các hướng giải pháp nhằm khắc phục một phần các khó khăn/ rào cản mà đơn vị gặp phải.

2. Phương Pháp Nghiên cứu

2.1. Một số khái niệm

2.1.1. Khái niệm khởi nghiệp

Hiện tại, chưa có một định nghĩa thống nhất về khởi nghiệp. Khởi nghiệp có thể hiểu là sự bắt đầu một hoạt động kinh doanh trong một lĩnh vực. Những người khởi nghiệp thường có độ tuổi trẻ, có mong muốn và hoài bão lớn và xuất phát khởi nghiệp từ đam mê với những ý tưởng mới mẻ. Khởi nghiệp là việc bắt đầu một công việc kinh doanh, có thể xuất phát từ đam mê hoặc từ việc nhận diện các cơ hội kinh doanh, hoặc từ thế mạnh vốn có của người khởi nghiệp [2][4].

2.1.2. Khái niệm nông nghiệp xanh

Nông nghiệp xanh là một khái niệm rộng để phân biệt với nông nghiệp cơ giới hóa và sử dụng các chất hóa học. Nông nghiệp xanh bao hàm nông nghiệp bền vững, nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp hữu cơ. Trong nông nghiệp xanh, việc sử dụng các chất hóa học được hạn chế ở mức tối đa, thậm chí không sử dụng như với nông nghiệp hữu cơ.

Trong nông nghiệp xanh, canh tác tự nhiên và việc hạn chế tối đa sử dụng các chế phẩm hóa học (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu) mang lại nhiều lợi ích như các sản phẩm nông nghiệp lành sạch, đảm bảo sự đa dạng sinh học, trả lại sự màu mỡ cho đất đai, hạn chế xói mòn, giảm ô nhiễm môi trường đặc biệt giảm phát thải khí CO2 [7] [8].

2.1.3. Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh

Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh là người khởi nghiệp chọn việc kinh doanh một trong các khâu của việc cung ứng sản phẩm nông nghiệp xanh từ nuôi trồng đến phân phối tới tay người tiêu dùng.

Để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, người khởi nghiệp cần phải quan tâm đến các vấn đề về điều kiện tự nhiên, thị trường - khách hàng, tài chính, kiến thức và kinh nghiệm, cơ chế chính sách của chính phủ.

2.2. Phương pháp và nội dung nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện thông qua 5 bước: Nghiên cứu lý thuyết, thiết kế bảng câu hỏi phù hợp với điều kiện Việt Nam (trong đó có điều tra thử để điều chỉnh bảng câu hỏi), tiến hành điều tra (lựa chọn đối tượng điều tra phù hợp với mục đích nghiên cứu, điền bảng hỏi, phỏng vấn thêm dựa trên bảng trả lời), phân tích số liệu điều tra (phân tích theo các nội dung được hỏi cộng với các thông tin dựa trên các phỏng vấn chuyên sâu), nhận định đưa ra kết luận và đề xuất giải pháp.

Bảng hỏi bao gồm các câu hỏi liên quan đến: (i) nhận thức của đơn vị được điều tra về khái niệm nông nghiệp xanh, về định hướng kinh doanh của đơn vị, lĩnh vực hoạt động và kênh phân phối, diện tích và suất đầu tư; (ii) khó khăn và rào cản trong việc kinh doanh sản xuất nông nghiệp xanh của đơn vị (nguồn lực, điều kiện tự nhiên, kiến thức,cơ chế chính sách của Chính phủ, tính kinh tế); (iii) mức độ cần thiết của sự hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực NNX và mức độ quan trọng của các yếu tố đến thành công của doanh nghiệp; (iv) động cơ thúc đẩy việc kinh doanh trong lĩnh vực NNX, nhận định của chủ đơn vị đối với thời gian vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu; (v) thông tin chung của doanh nghiệp.

Mức điểm được cho theo thang điểm từ 1 đến 5 (không khó khăn đến đặc biệt khó khăn; không đến đặc biệt cần thiết, không quan trọng đến đặc biệt quan trọng).

2.3. Phương pháp điều tra và thu thập số liệu

Số liệu sử dụng trong nghiên cứu là số liệu sơ cấp. Số liệu sơ cấp được thu thập bằng điều tra thực tế thông qua bảng hỏi. Mẫu điều tra được chọn theo phương pháp thuận tiện. Số lượng điều tra là 12 đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp xanh với quy mô nhỏ (với diện tích nuôi trồng dưới 50 hecta). Phương pháp xử lý số liệu trong nghiên cứu là phương pháp thống kê mô tả. Ngoài ra, phần phỏng vấn chuyên sâu dựa trên phần trả lời của các đơn vị cũng được tiến hành khi cần thiết để tìm hiểu các vấn đề đặc thù đơn vị.

3. Kết quả nghiên cứu và phân tích kết quả

3.1. Các thông tin chung

Tổng số đơn vị tham gia khảo sát là 12. Trong số này, 10/12 đơn vị cho rằng nông nghiệp xanh bao phủ cả nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp phi hóa chất. Diện tích canh tác của các đơn vị này từ 1 đến 50 hecta. Chi phí đầu tư trung bình là 200 triệu VNĐ/ hecta. Về mặt hàng sản xuất, 4 trong số 12 đơn vị được hỏi chỉ trồng rau quả, số còn lại kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên diện tích dành cho chăn nuôi khá khiêm tốn so với dành cho trồng trọt. Về động cơ thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, yếu tố đam mê với nông nghiệp xanh xuất hiện trong 73% số câu trả lời, tiếp theo là yếu tố về nhu cầu sản phẩm sạch (64%), tiếp đến là do đam mê với kinh doanh (46%). Điều này được lý giải do hầu hết chủ các đơn vị sản xuất đều trẻ, có kiến thức và nhận thức tốt về nông nghiệp xanh, họ mong muốn đóng góp xây dựng một nền nông nghiệp phi hóa chất để vừa đảm bảo lương thực thực phẩm, vừa bảo vệ sức khỏe người sản xuất, vừa bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, trong quá trình tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và các người thân, họ nhận thấy việc bắt đầu kinh doanh với trang trại sẽ mang lại đồng thời cả lợi ích về đảm bảo thực phẩm rõ nguồn gốc, minh bạch về quy trình sản xuất và cũng mang lại nguồn thu nhập cho gia đình. Điều này đã là một động cơ lớn để thúc đẩy họ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh. Ngoài ra, một vài đơn vị đã cho rằng điều kiện tự nhiên của Việt Nam thuận lợi để làm nông nghiệp xanh và xuất phát từ việc mong muốn bảo tồn sự đa dạng hệ sinh thái.

3.2. Phân tích các thách thức/ rào cản khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh

3.2.1. Các rào cản/khó khăn với khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh

Các rào cản và khó khăn với việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh bao gồm các nhóm chính sách, cơ sở vật chất, kinh tế, nguồn lực, kiến thức và điều kiện tự nhiên. Đứng đầu danh sách này là Chính sách. Hầu hết các đơn vị được hỏi cho rằng đây là yếu tố gây khó khăn nhất đối với họ. Các vấn đề liên quan đến yếu tốt Chính sách, Cơ sở vật chất, Kinh tế và Nguồn lực có số điểm trên khung trung bình (lớn hơn 2.5). Như vậy, các yếu tố này được các đơn vị được hỏi cho rằng gây nhiều khó khăn đối với quá trình kinh doanh của họ. Yếu tố Kiến thức và Điều kiện tự nhiên có số điểm dưới 2.5, điều này thể hiện đối với các đơn vị được khảo sát, 2 yếu tố này chưa thực sự gây khó khăn đối với việc khởi nghiệp của họ.

Cơ chế chính sách là một yếu tố quan trọng trong việc tạo ra môi trường cho phát triển nông nghiệp xanh. Trong đó, các chính sách hỗ trợ khuyến khích của chính phủ đối với sản phẩm nông nghiệp xanh được đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện Việt Nam, các doanh nghiệp hầu như không nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể từ các chính sách dành riêng cho nông nghiệp xanh. Chính phủ cũng không có sự trợ giá nào cho các sản phẩm dạng này. Các tiêu chuẩn rõ ràng về phương thức canh tác, chất lượng sản phẩm cũng chưa được ban hành một cách hệ thống để doanh nghiệp có thể theo đó thực hiện (Hình 1).

Đối với khía cạnh cơ sở vật chất, việc lưu trữ sản phẩm sau thu hoạch và vận chuyển phân phối đến người tiêu dùng đều được đánh giá là rào cản chính. Sản xuất nông nghiệp xanh sẽ tạo ra các sản phẩm theo đúng mùa vụ, việc lưu trữ sản phẩm không sử dụng các chất bảo quản hóa học khiến tỉ lệ sản phẩm bị hỏng lớn hơn. Việc vận chuyển cũng đòi hỏi các yêu cầu khắt khe hơn làm gia tăng thời gian cũng như chi phí trong khâu này. Việc phân phối trực tiếp sẽ làm giảm thời gian vận chuyển nhưng lại giảm tính đa dạng của sản phẩm đến người tiêu dùng (Hình 2).

Về mặt kinh tế, việc tìm một thị trường phù hợp cho sản phẩm hay việc các khách hàng/nhà phân phối đặt giá thấp cho sản phẩm cũng là một khó khăn hiện hữu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng đã có cách để vượt qua rào cản này bằng việc họ thường tìm được một tập khách hàng sẵn sàng trả mức giá hợp lý cho sản phẩm. (Hình 3)

Về nguồn lực, khởi nghiệp luôn đi đôi với vấn đề về vốn, do vậy không ngạc nhiên khi các đơn vị được khảo sát đều coi đây là khó khăn đối với họ. Tuy nhiên, như các phân tích trước, nông nghiệp xanh không đòi hỏi nguồn vốn lớn ban đầu (như nông nghiệp công nghệ cao), do vậy yếu tố này cũng chỉ được cho điểm hơn trung bình (3.0). Lao động nhiều là đặc trưng của nông nghiệp xanh, nhưng đối với các đơn vị được khảo sát, họ có thể thu xếp và tuyển dụng được lao động phù hợp, đó cũng là những người có đồng quan điểm về canh tác nông nghiệp nên rất dễ dàng tìm được tiếng nói chung.

Thời gian canh tác dài không phải là vấn đề gây khó khăn cho đơn vị, do họ nhận thức được muốn sản phẩm đạt được phẩm chất tốt phải để sản phẩm có đủ thời gian phát triển đến mức yêu cầu. Khả năng tiếp cận nguồn đất để thuê cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, để tìm một mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để làm nông nghiệp xanh, đặc biệt với yêu cầu khắt khe của nông nghiệp hữu cơ thì cũng không dễ dàng.

Do vậy, các đơn vị thường cải tạo dần đất và có thời gian chuyển đổi khi họ không thể tìm được mảnh đất đạt tiêu chuẩn. Về giống, trong nông nghiệp xanh không canh tác các giống biến đổi gen nên các đơn vị thường cố gắng tự chủ về nguồn giống sau một số chu kì canh tác đặc biệt đối với các giống thuần chủng, do vậy không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài. Thuốc trừ sâu sinh học hoặc các biện pháp trừ sâu không dùng hóa chất được kế thừa từ các kinh nghiệm nông nghiệp Việt Nam. Do đó, các đơn vị này hầu như không gặp khó khăn trong việc chế tạo hoặc tiếp cận với nguồn thuốc trừ sâu sinh học. (Hình 4)

Về sự hiểu biết và kiến thức của nhà sản xuất, yếu tố mức độ sẵn sàng của chủ doanh nghiệp về việc canh tác/nuôi trồng trong nông nghiệp xanh được đánh giá là yếu tố quan trọng. Đây là khó khăn ban đầu đối với người muốn tham gia vào nông nghiệp xanh. Vượt qua được khó khăn này, các yếu tố khác như kiến thức về sản xuất nông nghiệp xanh hay việc tiếp cận với các tài liệu và kỹ thuật sản xuất không còn là vấn đề quá khó giải quyết nữa. (Hình 5)

Ở khía cạnh điều kiện tự nhiên, độ màu mỡ của đất được đánh giá là rào cản chính. Việc đất không đảm bảo dinh dưỡng sẽ kéo theo thời gian dài hơn để cải tạo đất hoặc thời gian canh tác lâu hơn cũng như sản phẩm có chất lượng không tốt. Điều kiện thời tiết cũng là yếu tố được đánh giá gần ngang với độ màu mỡ của đất. Thời tiết có ý nghĩa quan trọng đối với trồng trọt và đảm bảo năng suất cây trồng. Một yếu tố khác được đưa vào đánh giá là sức ép của việc sử dụng các sản phẩm phân bón hóa học để tăng dinh dưỡng, tăng năng suất cây trồng. Nhưng yếu tố này được đánh giá không phải là khó khăn chính, vì đối với các nhà sản xuất theo nông nghiệp xanh việc ngừng sử dụng các chất hóa học là điều được thấm nhuần khi bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực này. (Hình 6)

Ngoài các khó khăn kể trên, một số nhà sản xuất cũng đưa ra các khó khăn có tính riêng biệt như sự hiểu biết của khách hàng về sản phẩm nông nghiệp xanh hoặc việc trà trộn các sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí (ví dụ: hữu cơ) của các đại lý phân phối.

3.2.2. Các vấn đề khác

Để tìm hiểu thêm về mức độ quan trọng của việc hỗ trợ, đặc biệt là giai đoạn ban đầu đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, các đơn vị được điều tra cũng đã đưa ra các đánh giá của mình đối với các hỗ trợ từ chính sách, tài chính, tài liệu, chia sẻ kinh nghiệm… Trong đó, hỗ trợ về giải pháp kĩ thuật được các đơn vị này coi là yếu tố quan trọng (4.25 điểm), sau đó là hỗ trợ về tài chính (3.4 điểm), hỗ trợ về kinh nghiệm (3.3 điểm), hỗ trợ về thủ tục pháp lý (3 điểm), và cuối cùng là hỗ trợ về tài liệu (2.75 điểm).

Có thể thấy rằng, yếu tố kĩ thuật có quyết định quan trọng đến việc có đạt được các tiêu chuẩn của sản phẩm hay đạt được các mức năng suất mong muốn hay không. Tài chính cũng là vấn đề quan trọng khi giai đoạn đầu khởi nghiệp, các đơn vị đều cần đến nguồn vốn, đặc biệt trong các đơn vị được khảo sát, có những chủ đơn vị khá trẻ có niềm đam mê nhưng năng lực tài chính hạn chế, vì vậy nếu có sự hỗ trợ về tài chính sẽ giúp việc khởi nghiệp trở nên bớt khó khăn hơn.

Các đơn vị cũng đã đưa ra đánh giá về mức độ quan trọng của các yếu tố như tài chính, khách hàng, kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý và tính đa dạng của sản phẩm đối với việc kinh doanh thành công. Như vậy, các yếu tố này đều ở mức độ rất quan trọng đối với đơn vị mặc dù có lệch chút ít về điểm số. Trong số này điểm đáng chú ý là việc đa dạng hóa sản phẩm không phải là yếu tố quan trọng hàng đầu, điều đó có thể được hiểu thông qua việc các doanh nghiệp khởi nghiệp thường bắt đầu với một số lượng sản phẩm ít, việc đa dạng hóa chỉ được tiến hành khi doanh nghiệp đã vượt qua giai đoạn bất ổn ban đầu, đi vào sản xuất ổn định.

3.3. Đề xuất giải pháp

3.3.1. Giải pháp về tài chính

Việc cần có một nguồn vốn ban đầu để khởi nghiệp là điều quan trọng đối với chủ doanh nghiệp, nguồn này có thể được huy động từ gia đình bạn bè. Đối với nông nghiệp xanh, một nguồn huy động khác đó chính là khách hàng, những người có cùng cái nhìn về thực phẩm sạch, chất lượng, không hóa chất. Giải pháp đưa ra là huy động góp vốn từ các khách hàng tiềm năng, sau đó khách hàng sẽ nhận được sản phẩm với giá ưu đãi. Thực hiện việc này, doanh nghiệp khởi nghiệp vừa có nguồn vốn lại vừa có tập khách hàng để đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, việc này chỉ phù hợp với các chủ doanh nghiệp có tâm, có kế hoạch kinh doanh bài bản, tầm ảnh hưởng tốt để khách hàng có thể đặt niềm tin vào sản phẩm sau này của họ.

3.3.2. Giải pháp về phân phối sản phẩm

Đây là hướng giải pháp liên quan đến tối ưu hóa phân phối giao nhận hàng. Đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp xanh là mang nặng tính thời vụ, khả năng bảo quản thấp hơn do không sử dụng các chế phẩm bảo quản hóa học. Do vậy, việc liên kết chặt chẽ với khách hàng, tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của khách hàng để có thể cung cấp kịp thời các sản phẩm theo đúng nhu cầu, giảm thời gian lưu kho cũng như thời gian vận chuyển sản phẩm sẽ giúp giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng hoặc bị dư thừa. Việc này có thể được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Việc phát triển một phần mềm cập nhật nhu cầu của khách hàng, đối chiếu với năng lực sản xuất của doanh nghiệp, tối ưu hóa cung đường giao hàng sẽ giải quyết được một phần lớn vấn đề này.

Trong khuôn khổ nghiên cứu, nhóm tác giả không có điều kiện đi sâu vào phát triển giải pháp này, nhưng nhóm cũng cho rằng, việc vận dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề về kết nối giữa nhu cầu và cung cấp trong một phạm vi không rộng là điều hoàn toàn có thể làm được.

4. Kết luận

Thông qua việc phỏng vấn các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, có thể thấy rằng, nông nghiệp xanh là một lựa chọn phù hợp đối với các chủ đơn vị có mong muốn và niềm đam mê với sản phẩm sạch, không hóa chất. Xuất phát từ đam mê đó, cộng với các kiến thức có sẵn và học tập thông qua các Hội nhóm, việc khởi nghiệp đến với họ để một mặt thỏa mãn đam mê của mình, mặt khác cũng đóng góp cho môi trường và xã hội. Các khó khăn/ rào cản đặt ra trong quá trình khởi nghiệp liên quan đến cả cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, nguồn lực, thị trường. Để giải quyết các vấn đề này, mỗi đơn vị đều có cách nhìn nhận và thích ứng, cũng như có giải pháp riêng. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đưa ra một vài hướng giải pháp về tài chính và phân phối sản phẩm, nhằm phần nào giúp các đơn vị vượt qua được các khó khăn ban đầu.

LỜI CẢM ƠN:

Nhóm tác giả trân trọng gửi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ của Công ty TNHH Thực phẩm Nhân Thùy, Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Đức Tiến, Công ty cổ phần Bavifarm và các đơn vị khác đã tham gia phỏng vấn, cùng các đồng nghiệp đã cộng tác, hỗ trợ trong quá trình thực hiện nghiên cứu này.

Bài báo công bố một phần kết quả nghiên cứu của đề tài có mã số T2018-PC-108 do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cấp kinh phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) (2019), Tình hình đăng kí doanh nghiệp năm 2019.
  2. GenVita (2019), Chạy theo trào lưu khởi nghiệp và chủ nghĩa tự chủ, cẩn thận “mắc bẫy” tự đắc.
  3. Mai Quý (2019), Khởi nghiệp từ “tiếng gọi” làm nông nghiệp sạch.
  4. Nguyễn Thị Hà Thanh (2018), Những khái niệm căn bản - Khởi nghiệp là gì?, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo doanh nghiệp.
  5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)(2017a), Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
  6. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)(2017b), Việt Nam - Đất lành cho khởi nghiệp.
  7. Phương Anh (2019), Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp.
  8. Asad N. (2011), Towards a green economy
  9. Jennifer C. (2019), How organic farming benefits the environment.

A research on barriers to startups in green agriculture and solutions to overcome these difficulties

Master. Nguyen Hoang Lan

Department of Industrial Economics, School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

Master. Nguyen Thi Nhu Van

Department of Industrial and Energy Management, Electric Power University

ABSTRACT:

This research was conducted by using investigative and analytical methods to find out barriers to startups in green agriculture. The result show that policy mechanisms, resources, natural conditions, knowledge, and economics are all  barriers to startups in green agriculture. Based on these results, this research proposes solutions to help startups overcome these difficulties.

Keywords:  Green agriculture, barrier, solution, Vietnam.