TÓM TẮT:
Xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay được coi là phổ biến không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Trong phạm vi bài viết này, tác giả dựa trên nghiên cứu thực trạng tiêu dùng xanh, đề xuất những khuyến nghị với doanh nghiệp và Nhà nước nhằm thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanhvà bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam.
Từ khóa: Tiêu dùng xanh, khuyến nghị, bảo vệ môi trường.
1. Đặt vấn đề nghiên cứu và thực trạng tiêu dùng xanh ở Việt Nam
1.1. Đặt vấn đề nghiên cứu tiêu dùng xanh ở Việt Nam
Tiêu dùng xanh đang được xem là xu hướng tiêu dùng hiện nay cũng như trong tương lai và càng ngày càng đóng một vai trò quan trọng đối với môi trường và xã hội vì nó được xem là xu hướng tiêu dùng tiến bộ và tiết kiệm. Việc sử dụng các sản phẩm xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho chính cộng đồng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra không gian sống trong lành. Tiêu dùng xanh có thể được coi là việc mua và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây nguy cơ có hại cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên.
Việc thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm xanh hiện đanglà vấn đề đặt ra với cộng đồng xã hội và với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Một phần do sản phẩm xanh thường có giá đắt hơn, một phần do nhận thức của người tiêu dùng ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam về sản phẩm xanh và ý nghĩa của sản phẩm xanh đối với môi trường còn hạn chế,nên tiêu dùng xanh chưa phổ biến. Với ý nghĩa trên, việc lựa chọn và nghiên cứu tiêu dùng xanh ở Việt Nam là cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung bài viết chủ yếu tập trung nghiên cứu tiêu dùng xanh với một số sản phẩm chủ yếu và từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm khuyến khích và thúc đẩy mục tiêu xanh và bảo vệ môi trường sinh thái.
1.2. Thực trạng tiêu dùng xanh ở Việt Nam
Trong tiêu dùng sản phẩm xanh mà đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm VietGap tại các chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện dụng được ước tính vượt quá mức cung. Các công ty bán lẻ lớn cũng đã có các bước thúc đẩy tính bền vững và phát triển thương hiệu của họ xoay quanh các sản phẩm thực phẩm có chất lượng cao, an toàn và bền vững. Trong những năm gần đây, mức độ phổ biến của các loại thực phẩm hữu cơ cũng đã tăng lên do cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ. Phương thức canh tác này yêu cầu không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng. Bên cạnh các loại thực phẩm hữu cơ đã được sản xuất trong nước như các loại rau, gạo và trứng, nhiều loại thực phẩm khác được dán nhãn “hữu cơ” như sữa, thịt và hoa quả, được nhập khẩu từ các nước khác (Theo Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam VIETTRADE). Theo các kết quả nghiên cứu, quy mô chính xác của thị trường thực phẩm hữu cơ Việt Nam chưa được xác định, nhưng thị trường này vẫn còn rất nhỏ. Tuy nhiên, có các dấu hiệu cho thấy thị trường này đang có những tín hiệu tăng trưởng khả quan. Các nghiên cứu đã cho thấy nếu nguồn cung tăng lên, rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả giá cao cho các loại sản phẩm thực phẩm hữu cơ an toàn.
Đối với các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy tính xách tay, điều hòa nhiệt độ, bóng điện… đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm 2016 và được bán chủ yếu tại các trung tâm điện máy như Media Mart, Pico… Hiện tại có 5 tiêu chí để khách hàng chọn lựa khi chọn mua những thiết bị điện tử: So sánh giá, dịch vụ và thương hiệu, chương trình khuyến mãi và công nghệ (tiết kiệm điện hay không). Ở đây một số khách hàng cũng khá quan tâm tới công nghệ tiết kiệm điện của một số thiết bị, đặc biệt là các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như điều hòa, tủ lạnh, đèn chiếu sáng… Vì vậy, để duy trì vị trí dẫn đầu hoặc thị phần của mình trong ngành Bán lẻ điện máy, các trung tâm điện máy phải quan tâm đến sản phẩm tiết kiệm điện.Trong số các chất thải sinh hoạt, một trong những loại gây hại nghiêm trọng đến môi trường đó là túi nilon. Vì tiện lợi và giá thành rẻ, thực tế cho thấy,túi nilon được sử dụng trong hầu hết các hoạt động mua bán, đóng gói. Các siêu thị lớn như BigC tiêu thụ 10 tấn/tháng, tại Đồng Xuân mỗi hộ kinh doanh sử dụng 200-300 túi/ngày. Thực trạng tại Việt Nam hiện nay đó là tại các cửa tiệm, cửa hàng bán lẻ dọc phố hay các siêu thị, tình trạng lạm dụng túi nilông ngày càng tăng. Phần lớn các tiệm chuyên bán bánh mì, bánh ngọt và thức ăn nhanh mặc dù thường dùng túi giấy để đựng bánh cho khách nhưng những túi bánh sau đó được bọc bên ngoài bằng một túi nilông. Trong khi đó ở các siêu thị, phần lớn hàng hóa được đóng gói bằng túi nilông. Tại các gian hàng thực phẩm và rau quả, gần như mỗi món hàng khách mua đều được bao gói bằng một túi nilông riêng dù chỉ là củ hành, trái ớt. Những món hàng này khi ra quầy tính tiền còn được nhân viên thu ngân phân loại theo từng nhóm, cho chung vào một túi trước khi cẩn thận bọc tất cả bằng một túi khác. Trong số các loại bao bì đang được sử dụng, loại túi siêu mỏng có số lượng lưu thông nhiều hơn cả, song lại không có giá trị thu gom, tái chế nên tồn tại ở hầu khắp các bãi rác và hầu như không hề phân hủy và hầu như chưa được quản lý ở các khâu trong suốt vòng đời từ sản xuất, lưu thông phân phối đến thải bỏ, thu gom và xử lý. Ước tính, mỗi hộ dân ở thành thị đang thải ra khoảng 2-5 túi nilon mỗi ngày nên Việt Nam đang thải ra môi trường 20-60 tấn nhựa/ngày chỉ tính riêng cho túi nilon. Với tình trạng nhiều tấn bao bì sản phẩm bị thải ra mỗi ngày. Những bao bì này có thể bị bỏ đi, cũng có thể được sử dụng lại trong một số trường hợp hoặc được tái sinh. Việc tạo nên những bao bì sử dụng tối thiểu các nguồn tài nguyên, bao bì có thể sử dụng lại hoặc tái sinh là quan trọng vì những lý do kinh tế và là một trách nhiệm xã hội. Nếu mỗi người có ý thức hạn chế tối đa việc dùng túi nilông mỗi lần tiêu dùng một sản phẩm nào đó cũng đủ tạo nên sự thay đổi lớn đối với môi trường. Hiện nay, Việt Nam đang tiến hành nhiều chiến dịch nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thu gom túi ni lông, vận động du khách đổi bao nilông bằng túi tự phân hủy trong vòng 100 ngày đã được du khách đồng tình hưởng ứng, sử dụng giỏ xách thân thiện với môi trường. Chiến dịch "Nói không với túi nilông" được nhiều du khách và bà con hưởng ứng. Chương trình "Không sử dụng túi nilông" nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu nhi trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tăng trưởng xanh nhằm đạt được một nền kinh tế xanh và hướng tới phát triển bền vững đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, kể từ sau Hội nghị Rio+20. Việt Nam có Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động cho tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và đang được triển khai tại các bộ ngành và địa phương. Bên cạnh đó, cùng với việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam đang có xu hướng chuyển sang nền kinh tế xanh. Để thực sự trở thành nền kinh tế xanh, động lực thúc đẩy là tăng trưởng xanh, trong đó tiêu dùng xanh có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, yêu cầu về sản phẩm xanh (sản phẩm thân thiện với môi trường) trên thị trường Việt Nam cũng như nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm dán nhãn môi trường cũng như cách nhận biết còn chưa rõ và phổ biến đối với người tiêu dùng. Các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh còn nhiều hạn chế: Bắt buộc và ít có giám sát, không cụ thể; Văn bản mang tính chủ trương, chưa có hướng dẫn cụ thể; Các hoạt động hiện tại chỉ dừng lại ở việc kêu gọi các bộ hoàn thiện khung pháp lý; Chính sách mua sắm không bền vững mặc dù đã có quy định, nhưng đang chậm thực thi do thiếu danh mục hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng của các sản phẩm thuộc danh mục mua sắm; Các chính sách chủ yếu xoay quanh vận động, tuyên truyền hoặc chương trình khuyến mãi, giảm giá, chủ yếu ở cấp địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đầu tư, sử dụng công nghệ, phương thức quản lý và áp dụng các hệ thống quản lý phù hợp để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm đáp ứng yêu cầu về dán nhãn xanh. Mặt khác, hiện nay các tiêu chí về sản phẩm xanh còn rất hạn chế về mặt số lượng và mới chỉ có đối với một số chủng loại mặt hàng nhất định, Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilông sinh thái... và là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững. Tuy nhiên xu hướng toàn cầu hóa, đòi hỏi chúng ta cần phải thay đổi. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh và mất thị phần không chỉ trên thị trường quốc tế mà sẽ phải cạnh tranh trên chính thị trường trong nước nếu không bắt kịp sự thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về luật định và yêu cầu của thị trường về sản phẩm xanh. Việt Nam sẽ cần có các hoạt động thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng hội nhập và nâng cao ý thức của người tiêu dùng khi lựa chọn mua sản phẩm. Đồng thời, các chính sách và qui định của Nhà nước rõ ràng và cụ thể hơn nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm xanh có chỗ đứng và phát triển.
2. Một số khuyến nghị nhằm đẩy mạnh tiêu dùng xanh ở Việt Nam
Việc tăng cường tiêu dùng và mua sắm xanh đi kèm với các giải pháp nâng cao nhận thức về môi trường có thể giúp ngăn chặn tình trạng phát triển nóng, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bản thân người tiêu dùng ngoài việc có nhận thức tốt về môi trường phải có những hành vi thực tế để mua những sản phẩm xanh. Tuy nhiên, việc tạo ra một xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam sẽ cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý của Nhà nước và những hoạt động của các doanh nghiệp. Để thúc đẩy tiêu dùng xanh và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tác giả xin đề xuất một số khuyến nghị chủ yếu sau:
2.1. Các khuyến nghị đối với doanh nghiệp
Để thúc đẩy tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp cần thực hiện những vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất là, tạo ra ý định tiêu dùng xanh của người tiêu dùng Việt Nam. Bên cạnh việc cam kết và nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường cũng cần quan tâm đến sản phẩm xanh,việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại như (quảng cáo tuyên truyền) để người tiêu dùng có được ý định tiêu dùng xanh. Xúc tiến thương mại để người tiêu dùng nhận biết được những lợi ích thiết thực mà sản phẩm có thể mang lại cho người tiêu dùng, cho môi trường sống của người tiêu dùng. Bên cạnh các sản phẩm đề cập còn có rất nhiều các sản phẩm xanh mà người tiêu dùng có thể không nhận thức được tác hại/lợi ích của việc mua và sử dụng các sản phẩm đó tới môi trường và sức khỏe của gia đình và bản thân như: sản phẩm bột giặt, sản phẩm nước rửa chén, sản phẩm nước rửa tay, các loại đồ uống có ga…
Thứ hai là, sự tính sẵn có của sản phẩm. Doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến hoạt động phân phối làm sao để sản phẩm luôn gần gũi và tính sẵn có của sản phẩm. Do hiện nay người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn duy trì thói quen mua thực phẩm tươi ở các chợ cóc hoặc thực phẩm ở những cửa hàng gần nơi sinh sống cho nên ngoài các siêu thị lớn, các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm xanh cũng cần chú trọng phát triển thêm những kênh phân phối phù hợp ở các chợ truyền thống hoặc các cửa hàng, siêu thị nhỏ gần nơi sinh sống của người dân. Đặc biệt đối với kênh phân phối thực phẩm, những năm tới sẽ có sự xuất hiện của những chuỗi phân phối mới nhằm cung cấp thực phẩm sạch, kết nối thực phẩm từ nơi trồng trọt, sản xuất đến tay người tiêu dùng ở nông thôn cũng như thành thị. Phát triển thương mại điện tử nhằm tạo ra sự thuận lợi trong mua bán sản phẩm xanh mà đặc biệt là ở khu vực đô thị.
2.2. Các đề xuất và kiến nghị đối với Nhà nước
Để thúc đẩy được tiêu dùng xanh, Nhà nước cần phải có hệ thống chính sách tác động đồng bộ, do hành vi người tiêu dùng là một vấn đề phức tạp. Một số chính sách và công cụ cụ thể được đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần quan tâm hơn tới các chương trình giáo dục về môi trường ở cấp quốc gia và địa phương, đặc biệt ở các khu vực đô thị lớn. Nhà nước cũng nên quan tâm hơn đến các chương trình công khai theo tất cả các hướng dựa trên chương trình truyền hình, bởi vì truyền hình vẫn là một trong những hình thức truyền thông hữu hiệu nhất tới mọi người dân. Lồng ghép kiến thức môi trường vào trong các bộ phim truyền hình có thể có hiệu quả. Các chiến dịch truyền thông nên tập trung vào giải thích như thế nào và tại sao các cá nhân khi có nhận thức đúng cũng như có hành vi tiêu dùng xanh có thể giải quyết các vấn đề môi trường và chuyển điểm quan trọng của công tác tuyên truyền kiến thức thành kiến thức liên quan đến tiêu dùng xanh. Với sự tăng trưởng về nhu cầu và sự tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường, người tiêu dùng sẽ có xu hướng ưu tiên tiêu dùng xanh.
Thứ hai, cần có chính sách nhấn mạnh vào lợi ích cá nhân của tiêu dùng xanh trên các kênh truyền thông, thông qua đó người tiêu dùng sẽ nhận thức được đầy đủ và hiệu quả hơn về sản phẩm đối với sức khỏe của bản thân họ cũng như tác hại trực tiếp tới môi trường. Chẳng hạn như sự nhấn mạnh vào các lợi thế của máy nước nóng năng lượng mặt trời trong việc tiết kiệm điện và chi phí năng lượng hoặc thậm chí việc đưa ra trợ cấp sẽ tăng lượng người tiêu dùng sẵn sàng mua các sản phẩm xanh lên rất nhiều. Bên cạnh đó để có thể thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng xanh, Nhà nước cũng cần phải xây dựng các chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các kênh phân phối và tiếp thị để càng ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thể mua được sản phẩm xanh, đồng thời thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm xanh thông qua việc xây dựng và giám sát chặt chẽ hoạt động gắn nhãn xanh cho sản phẩm.
Tóm lại, trên đây là một số những nghiên cứu về thực trạng tiêu dùng xanh và đề xuất các khuyến nghị với doanh nghiệp và Nhà nước. Tác giả hy vọng sẽ góp phần vào thúc đẩy tiêu dùng xanh và và bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển thương mại hàng thực phẩm sạch trong điều kiện Việt Nam là thành viên của tổ chức thương mại thế giới, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Thương mại Việt Nam, (2008).
2. Nguyễn Vũ Hùng và Nguyễn Thị Thúy Lan (2016), 'Rà soát chính sách tiêu dùng xanh của Việt Nam: Nhìn từ kinh nghiệm của Anh và Hàn Quốc', Kỷ yếu hội thảo: Chính sách điều tiết mối quan hệ giữa dân số và phát triển: Kinh nghiệm quốc tế và những giải pháp cho Việt Nam, Hà Nội, Việt Nam, trang 465-492.
3. Nguyễn Vũ Hùng, Nguyễn Hùng Cường và Hoàng Lương Vinh (2015), Phong cách sống và tiêu dùng xanh dưới góc nhìn của lý thuyết hành vi có kế hoạch, Tạp chí Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 216, Trang 57-65.
4. TS. Vũ Anh Dũng và các cộng sự (2012), Đánh giá nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh: Trường hợp người tiêu dùng Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Số 184, trang 46-55, tháng 10-2012.
5. PGS.TS. Nguyễn Hữu Thụ (2014), Hành vi tiêu dùng xanh của người Hà nội, Tham luận khoa học, Báo Hội tâm lý học xã hội Việt Nam, http://hoitamlyhoc.vn/News/36/310/hanh-vi-tieu-dung-xanh-cua-nguoi-ha-noi.aspx
STUDY ON GREEN CONSUMPTION AND RECOMMENDATIONS
Assoc.Prof. PhD. NGUYEN TIEN DUNG
ThuongMai University (TMU)
ABSTRACT:
Green consumption trends are considere popular because it does not only bring benefits to the community, but also contributes to environmental protection. Within the scope of this article, based on a study of green consumer status, the aurthors proposes recommendations to businesses and the State to promote green products consumption and protect ecological environment in Vietnam.
Keywords: Green consumption, recommendations, environmental protection.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 06 tháng 05/2017 tại đây