Tóm tắt:
Sự xuất hiện của logistics ngược trong các doanh nghiệp hàng tiêu dùng có nguyên nhân xuất phát từ lợi ích kinh tế, việc đảm bảo tuân thủ pháp luật môi trường và nhận thức về trách nhiệm trong giải quyết vấn đề logistics ngược. Bài báo đã nghiên cứu và phân tích để cho thấy các yếu tố bao gồm triển khai logistics ngược, áp lực thể chế, cam kết nguồn lực và năng lực công nghệ thông tin có ảnh hưởng đến quy trình logistics ngược trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng.
Từ khóa: yếu tố ảnh hưởng, logistics ngược, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng.
1. Đặt vấn đề
Theo dữ liệu thống kê mới nhất, ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng đáng kể. Doanh thu bán lẻ từ hàng tiêu dùng tại Việt Nam đã đạt mức 185 tỷ USD vào năm 2020, tăng 8.3% so với năm 2019. Dự kiến, trong giai đoạn từ 2021-2025, ngành này sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định, với tốc độ trung bình là 10% mỗi năm và dự báo doanh thu bán lẻ từ hàng tiêu dùng sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD vào năm 2025 [1].
Điều quan trọng cũng được ghi nhận trong cấu trúc thị trường ngành hàng tiêu dùng, nơi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu mua sắm trực tuyến. Theo Báo cáo thị trường Người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 của Nielsen, tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã tăng lên 49%, tăng 5% so với năm 2019. Không chỉ vậy, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng cá nhân, đồ điện tử, thực phẩm và đồ uống cũng đang trở nên ngày càng cao.
Tuy nhiên, sự phát triển tích cực này cũng đi kèm với mức độ cạnh tranh khốc liệt từ nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Số lượng các công ty đa quốc gia và các thương hiệu địa phương gia nhập thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng, mở ra nhiều lựa chọn đa dạng về sản phẩm và dịch vụ cho người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hội nhập vào thị trường quốc tế, hoạt động logistics ngược ở Việt Nam đang thu hút sự chú ý đặc biệt từ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Dữ liệu ước tính cho thấy chi phí đầu tư cho logistics ngược tại các doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ từ 3% đến 15% tổng chi phí [2]. Nhận thức về tầm quan trọng của logistics ngược, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã quy định các vấn đề liên quan đến việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ thông qua Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 [3]. Theo quyết định này, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu cần thành lập các điểm thu gom và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ đã được bán ra thị trường trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thống nhất cụ thể với khách hàng tiêu dùng về phương thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ. Doanh nghiệp cũng phải thực hiện vận chuyển sản phẩm thải bỏ đến các điểm xử lý và có biện pháp xử lý đúng đắn. Cùng với đó, khối lượng chất thải rắn phát sinh bình quân trong năm 2019 tại Việt Nam là khoảng 64,018 tấn/ngày; trong đó, khu vực thành thị chiếm 35,624 tấn/ngày, và khu vực nông thôn là 28,394 tấn/ngày. Tốc độ tăng trưởng so với năm 2010 là 46.0%. Tỷ lệ thu gom ở khu vực thành thị là khoảng 92.0%, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ đạt 46.0%. Tỷ lệ tái chế và tái sử dụng chỉ chiếm khoảng 29.0% và chủ yếu chất thải rắn được xử lý thông qua phương thức chôn lấp [2].
Trước thách thức của thị trường đang thay đổi nhanh chóng và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng ngày càng cần phải hiểu rõ hơn về logistics ngược; đặc biệt là các hạn chế để có thể khắc phục, từ đó, nâng cao hiệu suất, tăng cường khả năng cạnh tranh và đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bài báo này nghiên cứu phân tích các hạn chế của quy trình logistics ngược trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng cung cấp một cơ sở kiến thức đầy đủ và chi tiết hơn trong lĩnh vực này.
2. Cơ sở lý luận phân tích logistics ngược trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng
Logistics ngược xuất hiện với nhiều định nghĩa khác nhau trong suốt nhiều thập kỷ qua, đã giúp cho cộng đồng nghiên cứu, tổ chức và khách hàng có cơ hội tiếp cận, hiểu rõ hơn về nó. Logistics ngược trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thường được thể hiện qua các hoạt động diễn ra bên trong doanh nghiệp, bao gồm hoạch định, triển khai thực hiện và kiểm soát hàng trả lại cùng với dòng thông tin phản hồi xuất phát từ các điểm và giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng. Khi áp dụng vào ngữ cảnh của lĩnh vực hàng tiêu dùng, logistics ngược trong lĩnh vực hàng tiêu dùng được định nghĩa là quá trình các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng hoạch định, triển khai và kiểm soát dòng ngược của hàng hóa, sản phẩm, bao bì và thông tin liên quan từ khách hàng tiêu dùng về doanh nghiệp hoặc từ doanh nghiệp hàng tiêu dùng đến nhà cung cấp. Mục tiêu của quá trình này là phục hồi, xử lý một cách hiệu quả để tạo ra giá trị kinh tế và/hoặc giữ gìn lợi ích môi trường. Trong thực tế, sự đa dạng của các định nghĩa về hoạt động phục hồi có thể tạo ra sự hiểu nhầm về cả lý luận và thực tế đối với logistics ngược. Phần này nhằm làm rõ về phạm vi của logistics ngược, phân biệt nó với quản lý chất thải, nơi tập trung thu gom và xử lý chất thải. Logistics ngược chủ trương đặc biệt vào các luồng, nơi giá trị có thể được phục hồi và sau đó, được tích hợp vào chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt khác biệt với logistics xanh, một khái niệm chú trọng vào các yếu tố môi trường trong tất cả các hoạt động logistics, đặc biệt là trong logistics xuôi, từ nhà sản xuất đến khách hàng [4].
Trong nhiều tài liệu về logistics ngược, nhiều tác giả đã đề cập đến sự hiện diện của logistics ngược xuất phát từ những yếu tố ảnh hưởng như kinh tế, quy định pháp luật về môi trường và ý thức môi trường của người tiêu dùng. Có thể khẳng định các doanh nghiệp tham gia vào logistics ngược chủ yếu là (1) vì hoạt động này mang lại lợi ích về mặt kinh tế; và/hoặc (2) vì doanh nghiệp phải thực hiện để tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường; và/hoặc (3) vì doanh nghiệp nhận thức trách nhiệm xã hội trong việc thực hiện hoạt động này. Đây là những yếu tố cần được xem xét, cụ thể như sau.
2.1. Logistics ngược với lợi ích kinh tế
Logistics ngược mang lại lợi ích đa dạng cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc giảm sử dụng nguyên vật liệu thô, tăng giá trị phục hồi và giảm chi phí xử lý. Các doanh nghiệp có cơ hội tài chính trong thị trường đa dạng của hàng hóa và nguyên vật liệu thừa. Các nhà kinh doanh phế liệu có thể thu gom phế liệu và cung cấp chúng cho các nhà máy, giảm chi phí sản xuất bằng cách tích hợp phế liệu vào quá trình sản xuất. Trong ngành công nghiệp điện tử, nơi nhiều sản phẩm có vòng đời ngắn, việc thu hồi các thành phần sau khi hết vòng đời vẫn tạo ra giá trị kinh tế. Mặc dù, không thể thấy lợi nhuận ngay lập tức, tổ chức có thể hưởng lợi từ logistics ngược qua các khía cạnh tiếp thị, cạnh tranh và chiến lược, tạo ra lợi ích gián tiếp và kỳ vọng lợi nhuận trong tương lai. Doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào logistics ngược như một chiến lược để chuẩn bị cho các biện pháp pháp luật tương lai hoặc ngăn chặn các vấn đề liên quan đến pháp luật. Đối mặt với cạnh tranh, một doanh nghiệp có thể sử dụng phục hồi để bảo vệ công nghệ và ngăn chặn sự gia nhập của đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, việc tham gia vào quá trình phục hồi cũng có thể được xem xét như là một phần của chiến lược xây dựng hình ảnh và cải thiện quan hệ với khách hàng hoặc nhà cung cấp. Lợi ích kinh tế của logistics ngược bao gồm cả những lợi ích trực tiếp như tận dụng vật liệu đầu vào, giảm chi phí và phục hồi giá trị gia tăng, cũng như những lợi ích gián tiếp như tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ thị trường, xây dựng hình ảnh tích cực, cải thiện quan hệ khách hàng và nhà cung cấp.
2.2. Logistics ngược với tuân thủ pháp luật về môi trường
Pháp luật đặt ra một hướng dẫn rõ ràng về việc doanh nghiệp cần phải phục hồi sản phẩm hoặc chấp nhận việc trả lại sản phẩm từ khách hàng. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, quy định pháp luật đã ủy quyền quyền lợi cho người mua hàng tại nhà, cho họ quyền trả lại sản phẩm đã mua.
Trên thị trường thế giới, các quốc gia ngày càng chú trọng đến vấn đề môi trường, phản ánh thông qua sự gia tăng về các quy định liên quan đến hạn ngạch tái chế, quy định đóng gói và trách nhiệm nhận lại sản phẩm trả lại. Đôi khi, các doanh nghiệp tham gia tự nguyện vào các giao ước để giải quyết hoặc chuẩn bị cho vấn đề pháp lý liên quan đến môi trường.
Ở Việt Nam, theo quy định này, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thiết lập các điểm tiếp nhận, thu hồi các loại sản phẩm thải bỏ đã bán ra thị trường trước đó [3]. Đồng thời, phải thống nhất với khách hàng về việc tiếp nhận và chuyển giao các loại sản phẩm thải bỏ, đảm bảo vận chuyển chúng đến các điểm xử lý và tiến hành xử lý các sản phẩm thải bỏ đã được vận chuyển theo quy định.
2.3. Logistics ngược với nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp
Trách nhiệm thực thi logistics ngược của một doanh nghiệp là dựa trên một tập hợp các giá trị và nguyên tắc thúc đẩy tổ chức đó phải chịu trách nhiệm trong việc thực hiện hoạt động logistics ngược. Paul Farrow, người sáng lập công ty Walden Paddlers đã đề xuất một dự án sáng tạo có khả năng tái chế 100% [5]. Điều này là một điển hình rõ ràng về cách một cá nhân đã áp dụng giá trị và cam kết về môi trường để thúc đẩy hoạt động logistics ngược. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp như Shell, đã tích hợp trách nhiệm doanh nghiệp vào chiến lược tổ chức của họ. Các chương trình rộng lớn của Shell về trách nhiệm doanh nghiệp không chỉ tập trung vào khía cạnh kinh doanh mà còn chú trọng đến vấn đề xã hội và môi trường. Điều này thể hiện sự cam kết của họ đối với trách nhiệm môi trường và xã hội trong quá trình thực hiện hoạt động logistics ngược. Mô hình tam giác các yếu tố thúc đẩy hoạt động logistics ngược không giới hạn tính chất loại trừ lẫn nhau và thực tế thường rất khó để đặt ranh giới giữa chúng.
3. Phân tích các hạn chế của quy trình logistics ngược trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng
Với những lo ngại về môi trường và các quy định pháp lý liên quan đến tiếp thị xanh và bền vững, các kế hoạch hành động liên quan đến tái chế sản phẩm thông qua quy trình logistics ngược đã mở rộng hiểu biết về chiến lược phát triển bền vững [6]. Stock đã đặt ra logistics ngược như một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững, đặc biệt là trong khía cạnh kinh tế kết hợp với môi trường trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp [7].
Trong thập kỷ qua, lĩnh vực logistics ngược đã trở thành đối tượng nghiên cứu sâu rộng, với hầu hết các nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả [8], phương pháp định lượng [9], hoặc phương pháp nghiên cứu tình huống. Một số nghiên cứu sớm nhất về logistics ngược đã sử dụng các mô hình định lượng [10], tập trung vào hoạt động lập kế hoạch phân phối, kiểm soát hàng tồn kho và xử lý hàng trả lại. Nghiên cứu về logistics ngược sử dụng dữ liệu thực nghiệm vẫn còn hạn chế. Việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến thực thi logistics ngược và mối liên quan của chúng đối với kết quả kinh tế là cần thiết. Các yếu tố này bao gồm thực thi logistics ngược, cam kết nguồn lực, áp lực thể chế và khả năng công nghệ thông tin.
3.1. Triển khai logistics ngược
Trong ngữ cảnh của logistics ngược, kết quả kinh tế được đánh giá thông qua hai khía cạnh chính: khía cạnh tài chính và phi tài chính. Trên khía cạnh tài chính, kết quả kinh tế thể hiện những lợi ích trực tiếp như giảm chi phí và tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp [11]. Ngược lại, từ khía cạnh phi tài chính, kết quả kinh tế được hiểu là những ảnh hưởng gián tiếp như cải thiện sự hài lòng của khách hàng và nâng cao hình ảnh doanh nghiệp [12]. Nhiều nghiên cứu đã đề cập đến cả hai khía cạnh tài chính và phi tài chính; trong đó, kết quả kinh tế được hiểu là việc đạt được các mục tiêu tài chính như giảm chi phí, tăng doanh thu, cải thiện khả năng lợi nhuận, duy trì quan hệ khách hàng, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý và tăng cường vị thế cạnh tranh. Khía cạnh tài chính, những thành tựu đáng kể bao gồm việc cải thiện tỷ lệ phục hồi phế liệu và sản phẩm bị loại bỏ, giảm chi phí xử lý sản phẩm trả lại và giảm chi phí đầu tư vào tồn kho. Những ưu điểm này không chỉ mang lại lợi nhuận tối ưu mà còn tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Khía cạnh phi tài chính của kết quả kinh tế cũng đóng góp vào thành công của doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Cụ thể, cải thiện tỷ lệ phục hồi các phế liệu và sản phẩm bị loại bỏ không chỉ góp phần tạo hình ảnh tích cực cho doanh nghiệp mà còn làm tăng khả năng cạnh tranh. Việc giảm lượng sản phẩm trả lại không chỉ làm giảm gánh nặng về chi phí mà còn tăng tính hiệu quả và bền vững của doanh nghiệp. Với hiệu quả trong việc lập kế hoạch, thực thi và kiểm soát hoạt động logistics ngược, doanh nghiệp hàng tiêu dùng có cơ hội tối ưu hóa việc phục hồi sản phẩm điện tử trả lại. Điều này không chỉ giảm chi phí xử lý mà còn giúp kiểm soát tồn kho, tận dụng linh kiện sử dụng được hoặc có thể phục hồi, tiết kiệm chi phí đầu tư vào hàng tồn kho. Rõ ràng việc thực hiện hiệu quả hoạt động logistics ngược không chỉ mang lại lợi ích tài chính mà còn góp phần vào cải thiện hình ảnh doanh nghiệp và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Điều này là quan trọng đối với doanh nghiệp hàng tiêu dùng trong bối cảnh ngày càng tăng của thị trường sản phẩm và nhu cầu ngày càng cao về việc xử lý sản phẩm trả lại.
3.2. Áp lực thể chế
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp hàng tiêu dùng triển khai logistics ngược nhằm đáp ứng các quy định về trách nhiệm môi trường do cơ quan chính phủ đưa ra. Điều này bao gồm việc tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đồng thời, đáp ứng nhu cầu bảo hành sản phẩm cho khách hàng. Doanh nghiệp cũng đảm bảo việc thu hồi sản phẩm theo quy định, đặc biệt, khi sản phẩm có lỗi do khách quan hay chủ quan. Dựa trên cơ sở của lý thuyết thể chế, môi trường thể chế đã được sử dụng như một nhân tố để giải thích sự biến đổi về kết quả của doanh nghiệp, bao gồm cả khía cạnh tài chính và môi trường. Jones đề xuất rằng chú ý đến môi trường bên ngoài sẽ cung cấp lợi ích cho doanh nghiệp hàng tiêu dùng [13]. Mối liên hệ giữa áp lực thể chế và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đánh giá thông qua mối quan hệ giữa môi trường bên ngoài, rủi ro và an toàn. Zhu và Sarkis tiếp cận vai trò của 3 yếu tố bao gồm chính phủ, khách hàng và đối thủ cạnh tranh trong môi trường bên ngoài đối với kết quả của tổ chức [14]. Kết quả nghiên cứu này chỉ ra áp lực từ cơ quan chính phủ và áp lực từ khách hàng có ảnh hưởng tích cực đến kết quả môi trường, trong khi áp lực từ đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả kinh tế. Theo lý thuyết thể chế, áp lực từ nhà cung cấp được xem xét là một phần của áp lực thể chế. Ngoài ra, doanh nghiệp hàng tiêu dùng thực hiện logistics ngược để đáp ứng các chính sách và yêu cầu từ nhà cung cấp. Điều này giúp doanh nghiệp hưởng lợi từ các chính sách mà nhà cung cấp áp dụng, đồng thời cải thiện doanh số bán hàng bằng cách giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề liên quan đến trả lại sản phẩm từ khách hàng tiêu dùng. Hoạt động logistics ngược của doanh nghiệp cũng đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong ngành. Các doanh nghiệp này cạnh tranh để thỏa mãn cả khách hàng và nhà cung cấp. Xu hướng sao chép ngày càng gia tăng trong lĩnh vực logistics ngược tạo ra áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, khi ấy, đặt ra những thách thức và cơ hội trong việc tìm kiếm vị thế cạnh tranh trên thị trường.
3.3. Cam kết nguồn lực
Theo lý thuyết quan điểm dựa vào nguồn lực, sẽ là việc phân tích mối quan hệ tác động từ cam kết nguồn lực đối với thực thi logistics ngược với 3 nguồn lực chính: tài chính, kỹ thuật và quản lý. Do đó, trong bối cảnh nghiên cứu này, cam kết nguồn lực được hiểu là sự cam kết của doanh nghiệp hàng tiêu dùng để tập trung nguồn lực nhằm đạt được các mục tiêu logistics ngược mà họ đã đặt ra. Trong khi nguồn lực tài chính được sử dụng để hỗ trợ triển khai hoạt động logistics ngược, nguồn lực quản lý và nguồn lực kỹ thuật đóng góp vào việc tạo nên năng lực thực thi logistics ngược. Cam kết của doanh nghiệp hàng tiêu dùng đối với nguồn lực kỹ thuật giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh bền vững, khó bắt chước cho đối thủ cạnh tranh. Nghiên cứu của Zhou và cộng sự đã chỉ ra rằng doanh nghiệp hàng tiêu dùng thường cam kết đầu tư vào nguồn lực kỹ thuật để liên tục cải thiện khả năng thực thi logistics ngược [15]. Các tác giả này đã đề xuất, đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp phát triển khả năng thực thi logistics ngược, tăng cường hiệu quả hoạt động giữa doanh nghiệp hàng tiêu dùng và nhà cung cấp. Tuy nhiên, để thực sự gia tăng khả năng thực thi logistics ngược, việc xem xét nguồn lực tài chính để tài trợ cho đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin cần phải kết hợp với việc nâng cao công tác quản lý trong doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc nâng cao kỹ năng quản lý, kiến thức quản lý và sự am hiểu đầy đủ về toàn bộ các thành viên và nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp hàng tiêu dùng.
3.4. Khả năng công nghệ thông tin
Cùng với sự phát triển mới trong lĩnh vực logistics ngược, việc áp dụng công nghệ thông tin trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong việc tối ưu hóa kết quả kinh tế cho các doanh nghiệp hàng tiêu dùng [16]. Sự tiến triển của xã hội đã tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về hệ thống công nghệ thông tin hiện đại; đặc biệt, đối với các doanh nghiệp thuộc hệ thống chuỗi cung ứng. Theo quan điểm của lý thuyết các bên liên quan, khách hàng và nhà cung cấp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ngữ cảnh của logistics ngược trong ngành hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng thường xuyên phải đối mặt với việc xử lý sản phẩm trả lại, bao bì đóng gói và thu nhận thông tin phản hồi từ người tiêu dùng. Đồng thời, họ cũng đưa ra quyết định về việc trả lại sản phẩm, hàng hóa, bao bì đóng gói và thông tin phản hồi đến nhà cung cấp. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường việc áp dụng hệ thống công nghệ thông tin, giúp họ dễ dàng tích hợp thông tin về chuỗi cung ứng của sản phẩm, hàng hóa, bao bì đóng gói và phản hồi từ người tiêu dùng. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin cũng hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ trong việc linh hoạt hóa công tác truyền thông về các vấn đề liên quan đến logistics ngược; đồng thời, giúp theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện của quá trình logistics ngược.
4. Kết luận
Bài báo đã cho thấy có 4 yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến quy trình logistics ngược trong các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng, bao gồm triển khai logistics ngược, áp lực thể chế, cam kết nguồn lực và khả năng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, bài báo cũng cho thấy lĩnh vực nghiên cứu về logistics ngược đã có những tiến bộ đáng kể, tuy nhiên, vẫn tồn tại những hạn chế quan trọng cần được làm rõ để cung cấp một cơ sở kiến thức đầy đủ và chi tiết hơn. Đầu tiên, các nghiên cứu trước đây thường tập trung chủ yếu vào mô tả tổng thể về quy trình logistics ngược, chưa đề cập về mối quan hệ giữa các yếu tố cụ thể bên trong quá trình này. Tiếp đó, các nghiên cứu trước thường tập trung vào việc mô tả chi tiết về các quy trình như tái chế, xử lý chất thải, nhưng ít chú trọng vào cách những quy trình này tác động đến kết quả kinh tế của doanh nghiệp. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến các hoạt động logistics ngược như chi phí và lợi nhuận. Cuối cùng, các nghiên cứu trước đây chưa đề cập đến nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề trong quy trình logistics ngược và chưa phân tích hậu quả chi tiết đối với doanh nghiệp khi các vấn đề này không được giải quyết hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (2021). Số liệu dự báo doanh thu bán lẻ từ hàng tiêu dùng sẽ đạt khoảng 300 tỷ USD vào năm 2025.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019, Chuyên đề về Quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Nhà xuất bản Dân trí, Hà Nội.
3. Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ của Thủ tướng Chính phủ.
4. A. McKinnon, M. Browne, M. Piecyk, and A. Whiteing (2015). Green logistics: Improving the environmental sustainability of logistics. Third Edition, London: Kogan Page.
5. P. H. Farrow, R. R. Johnson, and A. L. Larson (2000). Entrepreneurship, innovation, and sustainability strategies at Walden Paddlers. Inc. Interfaces, 30(3), 215–225.
6. S. Dowlatshahi (2000). Developing a theory of reverse logistics. Inc. Interfaces, 30(3), 43-155.
7. J. R. Stock, and J. P. Mulki (2009). Product returns processing: an examination of practices of manufacturers, wholesalers/distributors, and retailers. Journal of Business Logistics, 30(1), 33–62.
8. V. D. R. Guide and J. Li (2010). The potential for cannibalization of new products sales by remanufactured products. Decision Sciences, 41(3), 547–572.
9. M. Bogataj and R. W. Grubbström (2013). Transportation delays in reverse logistics. International Journal of Production Economics, 143(2), 395–402.
10. M. Ferguson, M. Fleischmann, and G. Souza (2008). Applying revenue management to the reverse supply chain, Erasmus University, Rotterdam, The Netherlands, 1(1), 2–38.
11. E. P. Jack, T. L. Powers, and L. Skinner (2010). Reverse logistics capabilities: antecedents and cost savings. International Journal of Physical Distribution and Logistics Management, 40(3), 228–246.
12. D. A. Mollenkopf, I. Russo, and R. Frankel (2009). The returns management process in supply chain strategy. International Journal of Physical Distribution and Logistics Management, 37(7), 568–592.
13. T. M. Jones (1995). Instrumental stakeholder theory: A synthesis of ethics and economics. Academy of Management Review, 20(2), 404–415.
14. Q. Zhu, J. Sarkis, and K. Lai (2008). Green supply chain management implications for closing the loop. Transportation Research - Part E: Logistics and Transportation Review, 44(1), 1–18.
15. Y. Zhou and S. Wang (2008). Generic model of reverse logistics network design. Journal of Transportation Systems Engineering and Information Technology, 8(3), 71–78.
16. R. P. Sundarraj and S. Talluri (2003). A multi-period optimization model for the procurement of component-based enterprise information technologies. European Journal of Operational Research, 146(2), 339–351.
A study on factors influencing reverse logistics in consumer goods enterprises
Doan Ngoc Bao Tram1
Ho Thi Thu Hoa2
Le Ngo Ngoc Thu1
Ho Chi Minh City University of Technology
Ho Chi Minh City International University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City
Abstract:
The increasing significance of reverse logistics in consumer goods enterprises is driven by a confluence of factors, including economic benefits, environmental regulations, and corporate social responsibility. This study delved into the key processes of reverse logistics planning, implementation, and control. Drawing on institutional theory, stakeholder theory, resource-based theory, and social development theory, the study examined the influence of institutional pressures, resource commitment, and information technology capacity on the successful implementation of reverse logistics in consumer goods enterprises. By understanding these factors, businesses can optimize their reverse logistics operations and achieve sustainable competitive advantage.
Keywords: influencing factor, reverse logistics, consumer goods companies.