TÓM TẮT:
Trong thi hành án dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chủ thể quan trọng, thường xuyên xuất hiện bên cạnh người được thi hành án và người phải thi hành án. Tuy vậy, cách tiếp cận về đối tượng này còn chưa hợp lý, dẫn đến nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, cần phải tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung. Trước thực trạng này, bài viết này sẽ trình bày một số ý kiến về người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đề xuất một số bổ sung đối với quy định pháp luật, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới.
Từ khóa: thi hành án dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thi hành án, Luật Thi hành án dân sự.
1. Qui định hiện hành về người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự
Luật Thi hành án dân sự quy định: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự. Khái niệm này được quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sau đó tiếp tục giữ nguyên tại khoản 4 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật Thi hành án dân sự). Theo đó, chúng ta có thể xác định 3 nhóm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (sau đây gọi tắt là NCQLNVLQ) lần lượt là cá nhân, cơ quan và tổ chức.
Thứ nhất, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cá nhân.
Các quy định về cá nhân được quy định từ Điều 16 đến Điều 73 Chương III Bộ luật Dân sự năm 2015. Khi xác định người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) trong thi hành án dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân và năng lực hành vi dân sự của cá nhân là vấn đề cần đặc biệt lưu ý (quy định tương ứng tại Điều 16, Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015). Theo đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên, người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22), người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 23) và hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 24). Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Đối với năng lực pháp luật dân sự, mỗi cá nhân khi sinh ra đã có và chỉ mất đi khi cá nhân đó chết hoặc bị tuyên bố đã chết [1] và có thể hiểu đây là việc Nhà nước thừa nhận khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.
Thứ hai, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là tổ chức.
Luật Thi hành án dân sự không hề đưa ra định nghĩa nào về tổ chức mà chỉ nhắc đến như một thuật ngữ pháp lý tại phần Giải thích từ ngữ (Điều 3). Tương tự, dù không định nghĩa rõ khái niệm tổ chức, tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phân biệt nhiều loại tổ chức khác nhau với đặc điểm, cơ cấu, tư cách pháp lý cũng khác nhau (từ Điều 74 đến Điều 96). Tổ chức được hiểu là: “Tập hợp người được tổ chức lại, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung” [2]. Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tổ chức gồm: Tổ chức có tư cách pháp nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân. Một tổ chức sẽ được công nhận là pháp nhân khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện cụ thể [3].
Tùy thuộc vào đặc điểm, tư cách pháp lý của từng loại NCQLNVLQ khác nhau mà trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên phải nghiên cứu các lĩnh vực pháp luật khác nhau bảo đảm thực hiện đúng bản án, quyết định, bảo vệ tối đa quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự và NCQLNVLQ.
Thứ ba, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cơ quan.
Giống như khái niệm “tổ chức”, pháp luật thi hành án dân sự cũng chưa có quy định giải thích cụ thể khái niệm “cơ quan” là NCQLNVLQ trong quá trình thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy [4], khái niệm “cơ quan” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng được đề cập trong Bộ luật Dân sự, có thể là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước (Điều 97, Điều 99, Điều 100 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Khác với quy định của Luật Thi hành án dân sự (đương sự chỉ bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án, không bao gồm NCQLNVLQ), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đương sự trong vụ việc dân sự không những gồm nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự mà còn bao gồm cả NCQLNVLQ [5].
Đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ngoài việc kế thừa khái niệm NCQLNVLQ trong vụ án dân sự còn bổ sung thêm khái niệm NCQLNVLQ trong việc dân sự. Theo đó, NCQLNVLQ trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ. Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ, Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là NCQLNVLQ trong việc dân sự (khoản 6 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
Về phía quyền và nghĩa vụ NCQLNVLQ trong thi hành án dân sự được quy định tương đối đầy đủ tại Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành [6]…
2. Vướng mắc trong thực tiễn áp dụng một số quy định pháp luật về người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự
Mặc dù Luật Thi hành án dân sự đã có khá nhiều qui định về NCQLNVLQ nhưng trong thực tiễn thi hành án vẫn gặp một số vướng mắc:
- Về quyền thỏa thuận thi hành án đối với những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của NCQLNVLQ.
Điều 6 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định “đương sự” có quyền thỏa thuận thi hành án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự, “đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án”. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có người được thi hành án và người phải thi hành án là có quyền thỏa thuận thi hành án. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có quyền thỏa thuận với NCQLNVLQ về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án và điểm a khoản 1 Điều 7a Luật Thi hành án dân sự cũng quy định người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với NCQLNVLQ về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án. Do vậy, đã có sự mâu thuẫn giữa quy định tại Điều 6 với Điều 7 và Điều 7a của Luật Thi hành án dân sự về đối tượng có quyền thỏa thuận thi hành án.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 98 Luật Thi hành án dân sự, chủ thể tham gia thỏa thuận xác định giá tài sản hoặc thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá chỉ bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo của người bảo lãnh (được xác định là NCQLNVLQ do là chủ sở hữu của tài sản thế chấp), nếu chỉ quy định đương sự có quyền thỏa thuận sẽ không đảm bảo quyền và lợi ích của NCQLNVLQ khi tài sản của họ đang bị cơ quan thi hành án xử lý.
- Về quyền chuộc lại tài sản của NCQLNVLQ
Khi thi hành án đối với việc liên quan đến tổ chức tín dụng, theo khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự qui định NCQLNVLQ không có quyền nộp tiền để chuộc lại tài sản mà họ đã dùng để bảo lãnh cho việc vay vốn. Nhưng trong thực tế cơ quan thi hành án dân sự thường vận dụng cho NCQLNVLQ có tài sản bảo lãnh cho người phải thi hành án (người vay vốn) được thỏa thuận nộp tiền để họ chuộc lại tài sản theo giá khởi điểm hoặc bằng với giá theo thông báo bán đấu giá tại thời điểm bán đấu giá. Cách giải quyết này giúp cho quá trình thi hành án dân sự nhanh chóng, tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc cho hoạt động bán đấu giá. Chưa kể, nó còn có thể khắc phục được khó khăn như đấu giá không thành, phải tổ chức giảm giá nhiều lần hoặc rắc rối khi chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người trúng đấu giá…
- Về việc xử lý tài sản thuộc sở hữu chung của NCQLNVLQ để thi hành án
Trong trường hợp tài sản để thi hành án là tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án và người khác (đồng sở hữu chung), những người chủ sở hữu chung của khối tài sản đó được xác định là NCQLNVLQ và theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, họ có các quyền sau đây:
Trong trường hợp tài sản thi hành án thuộc sở hữu chung nhưng chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thì theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), NCQLNVLQ là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó và người phải thi hành án có quyền tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trong trường hợp tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung và tài sản chung không thể chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản nên phải xử lý toàn bộ khối tài sản chung thì NCQLNVLQ là chủ sở hữu chung của khối tài sản đó có quyền được thanh toán lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
Bên cạnh đó, NCQLNVLQ là chủ sở hữu chung còn có một quyền rất quan trọng đã được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là quyền được ưu tiên mua khi bán tài sản chung để thi hành án, cụ thể như sau:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định giá, Chấp hành viên thông báo cho chủ sở hữu chung quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời tại khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự cũng quy định chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung trong khoảng thời gian pháp luật cho phép.
Có thể nói, quy định về quyền ưu tiên mua tài sản chung của chủ sở hữu chung tại khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự cơ bản được kế thừa các quy định của Bộ luật Dân sự về quyền định đoạt tài sản chung (khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự năm 2015). Tuy nhiên, việc giữ nguyên thời hạn ưu tiên mua tài sản chung là 03 tháng đối với bất động sản, 01 tháng đối với động sản kể từ ngày được thông báo hợp lệ (hơn nữa, còn quy định thêm đối với những lần bán tài sản tiếp theo với thời hạn là 15 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ). Trong khi đó, theo các quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, một phiên bán đấu giá tối thiểu cần tới 30 - 45 ngày, điều này khiến cho thời hạn ưu tiên mua là quá dài, làm mất nhiều thời gian và thủ tục cho quá trình tổ chức thi hành án.
- Về tư cách pháp lý của NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án dân sự
Như đã trình bày, NCQLNVLQ trong thi hành án dân sự có vai trò quan trọng, xuất hiện khá nhiều trong suốt thời gian tổ chức thi hành án. Tuy vậy, việc xác định tư cách pháp lý của chủ thể này vẫn còn một số lúng túng, bất cập trong thực tiễn.
Trước hết là việc phân định NCQLNVLQ trong bản án, quyết định của Tòa án và NCQLNVLQ trong thi hành án dân sự. Một số cơ quan thi hành án dân sự khi xác định NCQLNVLQ sẽ căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án. Vậy, NCQLNVLQ trong tố tụng dân sự với NCQLNVLQ trong thi hành án dân sự có đồng nhất không? Thật ra, NCQLNVLQ được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án có thể xuất hiện với tư cách là người được thi hành án, người phải thi hành án, NCQLNVLQ hoặc thậm chí không xuất hiện trong giai đoạn thi hành án. Vấn đề đặt ra phải xác định chính xác chủ thể nào được xem là NCQLNVLQ. Nếu không, kết quả thi hành án có thể bị khiếu nại, quyền lợi của các bên liên quan sẽ không được bảo đảm theo bản án, quyết định của Tòa án. Thực tế có nhiều trường hợp Tòa án xác định thiếu NCQLNVLQ trong bản án, quyết định. Đến lúc thi hành án lại xuất hiện NCQLNVLQ. Sự xuất hiện bất ngờ này khiến quá trình thi hành án gặp khó khăn, thậm chí dẫn đến bản án, quyết định đã tuyên có thể bị hủy để xét xử lại.
Tiếp theo là tư cách đương sự trong thi hành án. Khác với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự qui định đương sự chỉ bao gồm người được thi hành án và người phải thi hành án, không bao gồm NCQLNVLQ. Liệu việc không công nhận NCQLNVLQ là đương sự trong thi hành án dân sự đã hợp lý chưa? Trong khi chủ thể này cũng được pháp luật qui định khá nhiều các quyền và nghĩa vụ, thể hiện một vị trí quan trọng bên cạnh người được thi hành án và người phải thi hành án, mà Điều 7,7a và 7b là minh chứng.
Cuối cùng, NCQLNVLQ và “người thứ ba” trong thi hành án dân sự có phải là một không? Nếu không 2 đối tượng này có điểm giống và khác nhau như thế nào? Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn có nhiều quy định đề cập đến “người thứ ba”. Ví dụ như “người thứ ba đang giữ giấy tờ phải giao, trả” (Điều 116 Luật Thi hành án dân sự); “người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án” (Điều 81 Luật Thi hành án dân sự); “người thứ ba phải chịu chi phí về thi hành án” (Điều 6 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính);... Những qui định này chỉ nhắc đến “người thứ 3”mà không nêu cụ thể là NCQLNVLQ nhưng trong thực tế, đa số trường hợp NCQLNVLQ lại là chủ thể được xác định khi áp dụng các qui định này trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự.
3. Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung một số quy định pháp luật về người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự
Thứ nhất, cần xem xét bổ sung quy định về quyền của NCQLNVLQ đối với những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ. Cụ thể như:
- Bổ sung quy định tại Điều 7b về quyền thỏa thuận thi hành án của NCQLNVLQ trong trường hợp việc thi hành án ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của họ.
- Bổ sung quy định NCQLNVLQ đến tài sản bị cưỡng chế có quyền thỏa thuận về giá, về lựa chọn tổ chức thẩm định giá (bao gồm cả thỏa thuận lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự) để đảm bảo quyền lợi cho họ.
- Bổ sung quy định pháp luật về xem xét rút ngắn thời hạn ưu tiên mua tài sản chung; đồng thời, chỉ nên quy định quyền ưu tiên mua tài sản chung ở lần đầu tiên bán tài sản để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án và nâng cao hiệu quả kê biên, xử lý tài sản chung của người phải thi hành án trong thực tế.
- Bổ sung thêm đối tượng NCQLNVLQ vào quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp NCQLNVLQ là người có tài sản bảo lãnh cho người phải thi hành án.
Thứ hai, pháp luật thi hành án dân sự cần làm rõ tư cách pháp lý của NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án dân sự, cụ thể như:
- Xác định NCQLNVLQ là đương sự trong thi hành án dân sự. Từ những phân tích nêu trên có thể thấy: NCQLNVLQ được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án không đồng nhất NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành chính bản án đó. Do đó, việc xem NCQLNVLQ là đương sự sẽ đặt chủ thể này đúng vị trí pháp lý, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của chính chủ thể, cũng như các đương sự khác, đồng thời tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật khi tổ chức thi hành án. Ví dụ: NCQLNVLQ xác định trong bản án (mà bản án đó xác định họ được hưởng quyền) có đơn yêu cầu phù hợp với nội dung quyền được hưởng thì họ trở thành người được thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7 Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người được thi hành án). Nếu cơ quan thi hành án cho rằng vì bản án xác định họ là NCQLNVLQ nên căn cứ Điều 7b Luật Thi hành án dân sự (về quyền của NCQLNVLQ) mà cho rằng pháp luật không cho phép họ có quyền yêu cầu thi hành án dân sự để từ chối thụ lý là chưa chính xác.
- Có sự phân biệt NCQLNVLQ và “người thứ ba” trong thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự cần giải thích cụ thể về khái niệm “người thứ ba”. Thông thường thì NCQLNVLQ là chủ thể dễ xác định trên cơ sở bản án, quyết định của Tòa án hoặc mối quan hệ quyền lợi, nghĩa vụ với đương sự trong thi hành án. Chính vì thế, những qui định nào có thể áp dụng cho NCQLNVLQ cần nêu rõ, tránh tình trạng qui định mơ hồ là “người thứ ba”. Điều này giúp đảm bảo quyền lợi chính đáng của NCQLNVLQ khi thi hành bản án và thống nhất đuợc các khái niệm pháp lý trong Luật Thi hành án dân sự. Ví dụ: Khi NCQLNVLQ được xác định trong bản án là người thứ ba dùng tài sản của mình thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm cho khoản nghĩa vụ nhất định (khoản vay vốn, khoản trả nợ…) nhưng đến giai đoạn thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, phải xử lý tài sản thế chấp thì lúc này họ trở thành người phải thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7a Luật Thi hành án dân sự (về quyền của người phải thi hành án) [7].
4. Kết luận
Quá trình tổ chức thi hành án được coi là giai đoạn cuối cùng nhằm “hiện thực hóa” bản án, quyết định. Việc xác định rõ ràng, đầy đủ qui định pháp luật về NCQLNVLQ trong giai đoạn thi hành án dân sự nói riêng và hoàn thiện pháp luật về thi hành án nói chung là hết sức cần thiết. Do vậy, nhóm tác giả mong rằng, trong tương lai, vấn đề sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự, bảo đảm thực hiện trên thực tế quyền và nghĩa vụ của đương sự, cùng các bên có liên quan.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015
[2] Hoàng Phê (2008). Từ điển Tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng, tr.1.249.
[3] Khoản 1 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4] Hoàng Thị Thanh Hoa, Nguyễn Văn Nghĩa (2021). Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị. Truy cập tại: https://danchuphapluat.vn/xac-dinh-nguoi-co-quyen-loi-nghia-vu-lien-quan-trong-thi-hanh-an-dan-su-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien .
[5] Khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[6] Điều 7b Luật Thi hành án dân sự.
[7] Huy Hùng (2020). Một số ý kiến trao đổi về “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự”: những vướng mắc, bất cập và đề xuất hướng giải quyết. Truy cập tại: https://thads.moj.gov.vn/noidung/tintuc/lists/nghiencuutraodoi/view_detail.aspx?itemid=940.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2008). Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (Luật số 26/2008/QH12) ngày 14/11/2008.
2. Quốc hội (2014). Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (Luật số 64/2014/QH13) ngày 25/11/2015.
3. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.
The person with related rights and obligations in the enforcement
of verdicts of civil cases: Current regulations and problems
Laywer, Master. Tran Anh Thuc Doan1
Master. Chu Manh Hien2
1Ho Chi Minh City Open University
2Van Hien University
Abstract:
In the enforcement of verdicts of civil cases, the person with related rights and obligations is an important subject, often appearing alongside the person being enforced and the person subject to enforcement. However, the approach to this subject is still unreasonable, leading to many overlapping and making some recommendations to improve the effectiveness of civil enforcement in the coming time.
Keywords: enforcing verdicts of civil cases, persons with related rights and obligations, enforcement, the Law on Civil Enforcement.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]