Nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch - kinh nghiệm từ Thái Lan

ThS. VŨ NGỌC TÚ (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Du lịch là ngành dịch vụ quan trọng, ngày càng đóng góp lớn vào GDP của quốc gia. Thúc đẩy phát triển du lịch cũng là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào thì nguồn vốn luôn là câu hỏi lớn cần được trả lời. Ngành Du lịch Việt Nam có nhiều nét tương đồng với du lịch của Thái Lan. Kinh nghiệm trong việc thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch của nước bạn là bài học quý giá cho Việt Nam. Bài viết bàn về nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam, lấy kinh nghiệm từ Thái Lan.

Từ khóa: du lịch, vốn cho phát triển du lịch, du lịch Thái Lan.

1. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch

Để đưa ra các giải pháp và chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch cần phân loại các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho phát triển du lịch và đánh giá đúng đặc điểm và vai trò của từng loại nguồn vốn. Có nhiều cách phân loại nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch, tùy thuộc vào mục đích, phương thức, thời hạn đầu tư,...

Vujovic và Arstic (2018) phân loại nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch thành 2 nhóm cơ bản là nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn vốn vay. USAID (2009) phân loại theo hình thức tài trợ là các khoản tài trợ không hoàn lại, tài trợ bằng vốn chủ sở hữu và tài trợ bằng nợ. Vujović, Vukosavljević và Bjeljac (2014) phân loại theo hình thức đầu tư bao gồm tự tài trợ, tín dụng, liên doanh, phát hành chứng khoán và cho thuê tài chính. Hay trong phạm vi quốc gia, nguồn vốn có thể được chia thành vốn đầu tư trong nước và vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch có thể phân loại thành 3 nhóm theo nguồn gốc của vốn đầu tư, với các đặc điểm khác nhau, gồm: nguồn vốn công, nguồn vốn tư nhân và nguồn vốn hợp tác công - tư.

1.1. Nguồn vốn công

Nguồn vốn công đến từ Chính phủ, các nhà tài trợ song phương, các tổ chức phát triển đa phương như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA),... Các tổ chức này có xu hướng đầu tư có chọn lọc và thời gian xem xét kéo dài, tập trung vào việc mở rộng các doanh nghiệp hiện đang hoạt động hiệu quả và hầu hết không tài trợ cho các dự án vừa và nhỏ, mang tính cá nhân vì chi phí xử lý, quản lý và hiệu quả đầu tư.

Trong nguồn vốn công, ngân sách nhà nước là nguồn vốn vô cùng quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt hỗ trợ cho các dự án phát triển du lịch, tăng cường năng lực cạnh tranh cho địa phương, tạo hình ảnh đẹp và hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tập trung cho các dự án du lịch trọng điểm, tài trợ dự án bảo trì di tích cổ, bảo tồn di sản, môi trường và sinh thái, phát triển kết cấu hạ tầng gồm cả hạ tầng cứng (cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như hệ thống đường giao thông, đường ven biển, sân bay, bến cảng, hệ thống cấp điện, thoát nước, viễn thông,...) và hạ tầng mềm (y tế, giáo dục,...). Đầu tư công sẽ tạo ra dòng chảy du lịch, là chất xúc tác giúp ngành Du lịch thu hút nguồn vốn tư nhân trong và ngoài nước, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho ngành Du lịch trong bối cảnh ngành chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài như công nghệ số, vấn đề địa chính trị, an ninh quốc gia và xu hướng tăng trưởng xanh toàn cầu.

1.2. Nguồn vốn tư nhân

Nguồn vốn tư nhân là các nguồn phi Chính phủ, đến từ các tổ chức vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Hầu hết các nhà đầu tư vì lợi nhuận thường không ưa thích tài trợ cho các dự án du lịch bền vững do rủi ro cao và lợi nhuận không như kỳ vọng. Bên cạnh đó, các tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu to lớn hơn là không chỉ tối đa hóa lợi nhuận mà còn hướng tới mục tiêu xã hội và môi trường. Gần đây, xu hướng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tính bền vững trong ngành Du lịch ngày càng gia tăng khiến cho khu vực tư nhân (các ngân hàng, các quỹ, công ty đầu tư tài chính và các nhà đầu tư tư nhân) công nhận giá trị tiềm năng của loại hình đầu tư này về cả lợi ích đầu tư và tác động tích cực đến môi trường, kinh tế và xã hội. Ngoài ra, khu vực tư nhân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi đầu tư vào các dự án và công ty du lịch như:

- Về quy mô: các dự án có quy mô lớn, đem lại lợi nhuận cao thường có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, hoặc có ít hoặc không có tác động tích cực nào.

- Về lợi tức đầu tư: các dự án phát triển du lịch bền vững có thể không mang lại lợi tức đầu tư tương đương hoặc cao hơn so với đầu tư thông thường.

- Thiếu khuyến khích cũng như các tiêu chuẩn rõ ràng trong ngành Du lịch: hiện tại các cơ chế khuyến khích về thời gian cấp phép, giấy tờ thủ tục chưa được áp dụng. Ngoài ra, các tiêu chí về phát triển du lịch bền vững chưa được tiêu chuẩn hóa và thống nhất trong ngành Du lịch, dẫn đến việc nhà đầu tư thiếu công cụ đánh giá để ra quyết định đầu tư.

- Về việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp: các nhà đầu tư ưa thích tài trợ cho các công ty lớn, đã có lịch sử thành công trong phát triển du lịch và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, các công ty nhỏ mới thành lập, còn ít kinh nghiệm cần phải nỗ lực để thu hút đầu tư tư nhân, có thể xem xét hướng tới mô hình du lịch xanh, du lịch bền vững.

1.3. Nguồn vốn hợp tác công - tư

Đây là nguồn vốn tài trợ kết hợp giữa đầu tư và cho vay từ Nhà nước và tư nhân. Với loại hình này, Chính phủ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và động lực để khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án phát triển du lịch bền vững. Tiền đề cơ bản của quan hệ hợp tác này là mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, thông qua sự liên kết nguồn lực, chia sẻ rủi ro, trách nhiệm và lợi ích. Theo Kim, Kim và Lee (2005), nguồn vốn hợp tác công - tư mang lại nhiều lợi ích cho ngành Du lịch, bên cạnh đó cũng đi kèm một số rủi ro nhất định như sau:

- Giảm vai trò kiểm soát của Chính phủ: việc hợp tác đồng nghĩa với sự san sẻ rủi ro và cùng đưa ra quyết định giữa các bên, vì vậy việc ra quyết định các vấn đề liên quan đến dự án cũng phải có sự tham gia của tư nhân.

- Giá dịch vụ cao hơn: dịch vụ được cung cấp thông qua hình thức này sẽ có chính sách xác định giá và phí cao hơn các dự án công, nhằm phản ánh toàn bộ chi phí và đảm bảo lợi nhuận.

- Các vấn đề về trách nhiệm: trách nhiệm ở đây nếu không được phân chia rõ ràng sẽ có thể dẫn đến sự phản đối, chỉ trích của xã hội khi phát sinh vấn đề về môi trường, tài chính, tranh chấp lao động,...

Ngoài những rủi ro trên thì nguồn vốn hợp tác công - tư cũng mang lại không ít những lợi ích cho ngành Du lịch phát triển, như:

- Giảm chi phí: Chính phủ có thể tiết kiệm không chỉ trong xây dựng dự án mà cả trong quá trình vận hành và bảo trì dịch vụ du lịch.

- San sẻ rủi ro: Rủi ro về chi phí, thời hạn hoàn thành hay các khó khăn trong việc tuân thủ quy định về môi trường và các rủi ro khác sẽ được san sẻ giữa Chính phủ và các đối tác tư nhân.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả: bằng việc hợp tác với khu vực tư nhân, sự đổi mới trong cách thức tổ chức và vận hành sẽ được áp dụng như sáng tạo trong thiết kế, vận hành linh hoạt, ra quyết định tài trợ nhanh hơn, qua đó cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng lợi nhuận dự án.

- Các lợi ích kinh tế khác: sự tham gia của Chính phủ vào các dự án hợp tác công - tư có thể hỗ trợ và kích thích khu vực tư nhân phát triển hơn, góp phần tăng việc làm và tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch của Thái Lan

2.1. Chiến lược quốc gia về vốn cho phát triển du lịch

Được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn, Chính phủ Thái Lan đã quan tâm đầu tư, đề ra nhiều chiến lược phát triển ngành Du lịch. Gần đây nhất, Kế hoạch quốc gia về phát triển du lịch lần 2 (Second National Tourism Development Plan (2017-2021)) đã vạch ra chiến lược phát triển và lộ trình phát triển du lịch của Thái Lan trong 5 năm tới. Dựa trên kế hoạch phát triển du lịch trước đó, kế hoạch mới xác định năm chiến lược cơ bản, với mục tiêu giải quyết các thách thức với ngành Du lịch Thái Lan, cũng như giúp đưa ngành Du lịch Thái Lan lên một tầm cao mới, cụ thể như sau:

(1) Phát triển các địa điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ, bao gồm khuyến khích phát triển bền vững và thân thiên với môi trường.

(2) Phát triển và cải thiện các cơ sở hạ tầng và tiện nghi hỗ trợ, đảm bảo không gây ra tác động tiêu cực đến cộng đồng và môi trường địa phương.

(3) Phát triển tiềm năng vốn nhân lực và phát triển ý thực du lịch của cộng đồng địa phương.

(4) Tạo sự cân bằng giữa các nhóm mục tiêu du lịch thông qua việc quảng cáo có mục tiêu.

(5) Tổ chức hợp tác và hội nhập giữa khu vực công, khuc vực tư và công chúng nói chung trong phát triển và quản lý du lịch, bao gồm cả hợp tác quốc tế.

Dựa trên 5 chiến lược này, có thể thấy mục tiêu phát triển vốn cho du lịch Thái Lan sẽ đi theo 3 hướng chính: Thứ nhất, về nguồn vốn, huy động vốn cộng đồng, nâng cao hợp tác giữa vốn nhà nước và vốn trong dân cư. Cụ thể hơn, trong chiến lược quốc gia về phát triển du lịch của Thái Lan có đặt ra mục tiêu: “Tối ưu hóa và tạo điều kiện đầu tư du lịch từ khu vực tư nhân, chẳng hạn như, cải thiện quỹ phát triển du lịch để phù hợp hơn đầu tư tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP) trong cơ sở hạ tầng và đầu tư thu hút nhân tạo”. Thứ hai, về sử dụng vốn , tập trung vốn phát triển cơ sở hạ tầng và các tiện nghi hỗ trợ. Thứ ba, về tính bền vững, sử dụng vốn bền vững, đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường và đảm bảo không có tác động tiêu cực tới cộng đồng địa phương.

2.2. Thực trạng vốn cho phát triển du lịch

Xét trên phạm vi Đông Nam Á, Thái Lan là một trong các quốc gia có đầu tư cho du lịch thuộc hạng cao nhất. Mức đầu tư cho du lịch tại Thái Lan năm 2017 là 7,7 tỷ đô la Mỹ, trong khi mức đầu tư trung bình tại các quốc gia Đông Nam Á là 4,9 tỷ đô la Mỹ (Việt Nam là 5,1 tỷ đô la Mỹ). Nếu xét về tỷ lệ vốn đầu tư cho phát triển du lịch trên tổng mức đầu tư toàn xã hội, Thái Lan cũng có mức tỷ lệ cao hơn so với mức trung bình trung của khu vực (7,3% và 6,4%, tương ứng).

Ngành Du lịch và Dịch vụ Thái Lan đã thu hút được tổng mức đầu tư vào khoảng 262,6 tỷ bạt Thái năm 2017 và ước tính tăng 5,2% vào năm 2018. Trong 10 năm tiếp theo, mức tăng trưởng đầu tư cho du lịch dự kiến tăng khoảng 5,5%/năm và đạt mức 473,8 tỷ bạt Thái vào năm 2028. Xét trên tổng mức đầu tư toàn xã hội, mức đầu tư cho du lịch chiếm khoảng 7,5% năm 2018 và dự kiến tăng lên mức 8,9% năm 2028 (Hình 1, Hình 2).

Vốn phát triển du lịch trong hình thức du lịch cộng đồng (Community - Based Tourism - CBT)

Du lịch cộng đồng (Community-Based Tourism - CBT) là một hình thức du lịch được khuyến khích phát triển bởi Chính phủ Thái Lan. Với mục tiêu là mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là người dân bản địa và dân làng ở các nước đang phát triển, hình thức du lịch cộng đồng giúp chia sẻ lợi nhuận giữa các công ty thương mại, cộng đồng địa phương và chính phủ. Qua sự tham gia và được hưởng lợi nhuận trực tiếp từ du lịch, hình thức du lịch cộng đồng giúp tạo ra công ăn việc làm và nguồn thu nhập khác cho người dân địa phương và giúp đảm bảo tính bền vưững, thân thiện với môi trường.

Trong giai đoạn đầu hình thành CBT, chính phủ Thái Lan đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính với mục tiêu quảng bá, giới thiệu về hình thức CBT tới cộng đồng địa phương và du khách. Cụ thể, nhận biết được tầm quan trọng của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế, mỗi cơ quan địa phương đã phân bổ ngân sách hàng năm cho xúc tiến du lịch, như nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, tiếp thị và quảng cáo (Wirudchawong, 2012). Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, hình thức CBT thu hút được vốn cộng đồng nhờ những lợi ích trực tiếp mà hình thức này mang lại cho cộng đồng địa phương. Chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính cho CBT thông qua việc xây sửa đường xá và các công trình công cộng.

3. Bài học trong thu hút vốn cho phát triển du lịch tại Việt Nam

3.1. Nguồn vốn cho phát triển du lịch tại Việt Nam

Vốn là một nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Hình 3 cho thấy nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực du lịch có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn 2005-2018, từ mức 6.628 tỷ VND năm 2005 lên mức khoảng 46 nghìn tỷ trong năm 2018. Nếu xét tỷ trọng trên vốn đầu tư toàn xã hội thì vốn đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực khi chỉ dao động quanh mốc 1,75-2,5% (Tỷ trọng này tại Thái Lan là 6-9%).

Đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành Khách sạn - Nghỉ dưỡng là những tên tuổi lớn trong nước như Vingroup, Sun Group,... với nhiều dự án nghỉ dưỡng hạng sang theo tiêu chuẩn quốc tế nằm tại các địa điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,... Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoại cũng nhắm vào ngành Khách sạn tại Việt Nam. Số lượng dự án mang thương hiệu nước ngoài và sự điều hành của nhà điều hành nước ngoài tăng từ 30 dự án vào năm 2010 lên đến 79 dự án vào cuối năm 2017. Savills ước tính sẽ có hơn 30.000 phòng khách sạn sẽ được đưa vào thị trường đến năm 2019. (Hình 3)

Năm 2018 đánh dấu bước ngoặt trong huy động nguồn vốn cho phát triển du lịch tại Việt Nam với việc hình thành Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Theo đó, Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (Quỹ) là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đại diện chủ sở hữu. Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ là xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí tổ chức triển khai hoạt động xúc tiến du lịch và hỗ trợ các hoạt động phát triển du lịch theo quy định của Luật Du lịch, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.

Vốn điều lệ của Quỹ là 300 tỷ đồng, được Ngân sách Trung ương cấp trong 3 năm đầu sau khi thành lập. Việc cấp vốn thực hiện sau khi Quỹ có các văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền ban hành về tổ chức, bộ máy, chế độ kế toán. Kinh phí hoạt động hằng năm do Ngân sách Trung ương cấp bằng 10% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí cấp thị thực và các giấy tờ có liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam cho người nước ngoài và bằng 5% tổng số thu nộp ngân sách hằng năm từ nguồn thu phí thăm quan. Tuy nhiên, tính đến nay, việc hình thành bộ máy và con người,... để vận hành Quỹ vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn.

3.2. Bài học cho Việt Nam trong thu hút vốn cho phát triển du lịch tại Việt Nam

Thứ nhất, nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng cần tham gia tích cực hơn trong kênh dẫn truyền vốn cho phát triển du lịch. Kinh nghiệm của Malaysia cho thấy, hệ thống ngân hàng đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp du lịch. Ví dụ, Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch thông với quỹ Quỹ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, cấp vốn thông qua ngân hàng Pembangunan Malaysia Berhad (BPMB). Một ví dụ khác, Quỹ Hỗ trợ dự án du lịch (SFT3) với mức vốn tương tự quỹ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch là 1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với thông qua Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia Berhad.

Thứ hai, Bộ chủ quản phụ trách ngành Du lịch cần đóng vai trò đầu mối bảo lãnh và hỗ trợ trong việc tìm kiếm các nguồn đầu tư khác nhau cho phát triển kinh tế du lịch.

Thứ ba, cần sớm đưa Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch đi vào hoạt động để thực hiện công việc xúc tiến, quảng bá cho ngành Du lịch Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kim, D., Kim, C., Lee T. (2005). Public and private partnership for facilitating tourism investment in the Apec Region. APEC Tourism Working Group (TWG) & Ministry of Culture and Tourism, Republic of Korea, Asia-Pacific Economic Cooperation.
  2. Slavoljub Vujovic, Ljiljana Arsic (2018). Financing in tourism - Basic Sources of Financing the Accommodation Offer. Projects No. 46001 - Development and application of new and traditional technologies in the production of competitive food products with added value for European and global market.
  3. USAID (2009). Tourism investment and finance: Accessing sustainable funding and social impact capital. Sustainable Tourism: International Cooperation for Development, Online tool kit and resource series.
  4. Vujović, S., Vukosavljević, D., Beljac, Ž. (2014). Financing of tourist activity. Proceedings of the Geographical Institute "Jovan Cvijic", SASA, ISS. 2/2014.
  5. World Tourism Organization - WTO (2000). Public-private sector cooperation - enhancing tourism competitiveness. Madrid, Spain.

Capital source for tourism development – Lessons learnt from

Thai Lan

Master. Vu Ngoc Tu

Thuongmai University

TÓM TẮT:

Tourism is one of important service industries and this sector has increasingly contributed to the GDP growth of Vietnam. Promoting the tourism development is also to support Vietnam’s economic growth. Like other industries, the tourism industry needs capital to grow. Vietnam's tourism industry has many similarities with Thailand's tourism sector. As  a result, Vietnam can gain lessons from Thailand’s experience in attracting capital for developing its tourism industry. This paper introduces experience of Thai tourism industry in attracting capital and lessons learnt for Vietnam.

Keywords: tourism, capital for tourism development, Thai tourism sector.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]