Tóm tắt:
Bài viết nhằm tìm hiểu và phân tích một số nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ - một trong những hệ thống tư pháp lâu đời và hiệu quả nhất trên thế giới. Trên cơ sở các nguyên tắc đó, bài viết đề xuất một số giá trị tích cực, phù hợp cho việc đổi mới hệ thống Tòa án nhân dân ở Việt Nam, như: Kéo dài nhiệm kỳ và có chính sách tiền lương tương xứng để giúp các Thẩm phán thêm độc lập; sửa đổi các quy định về án lệ nhằm đảm bảo những vụ án giống nhau phải được phán quyết như nhau.
Từ khóa: hệ thống tòa án Hoa Kỳ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động, giá trị tham khảo.
1. Đặt vấn đề
Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong thời gian tới, “tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.[1] Nhằm đạt được mục tiêu này, Đảng ta đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cho ngành Tư pháp, bao gồm cả nhiệm vụ “đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân”.[2] Để thực hiện quan điểm chỉ đạo trên của Đảng thì việc nghiên cứu cả lý luận và thực tiễn về tòa án, nhằm tổng kết và đưa ra những kiến nghị hữu ích cho việc đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân là điều tất yếu phải làm. Trong đó, việc tìm hiểu và áp dụng những giá trị tích cực từ hệ thống tòa án của các nước phát triển sẽ giúp Tòa án nhân dân của nước ta sớm tiệm cận những giá trị tiến bộ của thế giới.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới, có hệ thống tòa án lâu đời và hiệu quả hàng đầu. Tính hiệu quả này từng được thể hiện qua quan điểm của Richard Needly - Chánh án Tòa án tối cao bang Tây Virginia, một người vừa là thẩm phán vừa là nhà lập pháp: Hoa Kỳ là đất nước được điều hành (govern) bởi Tòa án.[3] Chính vì lẽ đó, với kinh nghiệm gần 300 năm tổ chức và phát triển,[4] những giá trị tham khảo từ tòa án Hoa Kỳ sẽ cho chúng ta rất nhiều bài học hữu ích để hoàn thiện Tòa án nhân dân Việt Nam.
2. Khái quát hệ thống Tòa án Hoa Kỳ
David W. Neubauer, giáo sư khoa học chính trị của Đại học New Orleans cho rằng, hệ thống tư pháp Hoa Kỳ được định hình bởi 3 yếu tố cơ bản sau: Hệ thống tòa án kép, các mối quan hệ giữa Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm cùng với thẩm quyền của tòa án. [5] Cụ thể:
2.1. Hệ thống tòa án kép (Dual court system)
Hoa Kỳ là nhà nước liên bang nên bộ máy nhà nước bao gồm song song 2 hệ thống cơ quan nhà nước: cơ quan nhà nước cấp liên bang và cơ quan nhà nước cấp tiểu bang. Hoa Kỳ có hệ thống tòa án quốc gia và hệ thống tòa án ở các bang thành viên. Tổng cộng có hơn 51 hệ thống tòa án ở Hoa Kỳ, bao gồm: Hệ thống tòa án liên bang cộng với các hệ thống riêng biệt ở 50 tiểu bang và quận Columbia.[6] Tức là ở mỗi bang có 2 hệ thống tòa án hoàn chỉnh song song tồn tại.[7] Về mặt lịch sử, trước khi Liên bang Hoa Kỳ được thành lập, mỗi quốc gia thành viên đã có hệ thống tòa án riêng.[8] Cho nên, khi các nước liên kết lại tạo nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, cùng với việc thiết lập hệ thống tư pháp liên bang, đã tạo nên hệ thống tòa án kép.
Hệ thống tòa án liên bang Hoa Kỳ gồm có Tòa án tối cao, các Tòa án phúc thẩm và các Tòa án sơ thẩm. Tòa án tối cao là cơ quan tòa án cao nhất được thành lập theo quy định tại Điều 3 của Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787. Bên dưới Tòa án tối cao là 13 Tòa án phúc thẩm liên bang hay còn gọi là Tòa án khu vực liên bang (federal circuit courts). Mỗi Tòa án phúc thẩm phụ trách một khu vực tư pháp. Có tất cả 12 khu vực, được phân chia về mặt địa lý, thuộc thẩm quyền xét xử của 12 Tòa án phúc thẩm liên bang.[9] Tòa án phúc thẩm thứ 13 không phụ trách một khu vực được xác định về mặt địa lý, mà có thẩm quyền toàn quốc, xét xử những vụ án đặc biệt có liên quan đến luật bản quyền hoặc các vụ án được sơ thẩm bởi Tòa án thương mại quốc tế Hoa Kỳ.[10] 12 khu vực thuộc thẩm quyền của các Tòa án phúc thẩm được phân chia ra thành 94 quận tư pháp liên bang (federal judicial districts). Mỗi một quận tư pháp được phụ trách bởi một Tòa án sơ thẩm liên bang.
Hệ thống tòa án tiểu bang ở Hoa Kỳ được nhận diện từ một số đặc điểm sau: Thứ nhất, xuất phát từ bản chất của hình thức cấu trúc nhà nước liên bang, các bang thành viên có sự tự chủ nhất định, nên mỗi một bang có một hệ thống tòa án riêng biệt và độc lập. Thứ hai, hệ thống tòa án của các bang có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng có những điểm chung. Thứ ba, mỗi bang có từ 1 đến 2 cấp tòa sơ thẩm và có ít nhất 1 cấp tòa phúc thẩm. Thứ tư, hầu hết các bang đều có tòa án sơ thẩm thẩm quyền rộng và cả tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp. Thứ năm, tất cả các bang đều có tòa án tối cao bang với thẩm quyền phán quyết cuối cùng.[11]
2.2. Mối quan hệ giữa Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm (Trial and Appellate courts)
Mối quan hệ này được thể hiện ở các mặt sau: Một là, tất cả các vụ án đều phải được xét xử lần đầu bởi tòa án sơ thẩm; tuy nhiên, bên thua kiện trong phiên tòa sơ thẩm thông thường có quyền yêu cầu tòa án phúc thẩm xét xử lại vụ án. Hai là, vì chỉ có tòa án sơ thẩm xem xét sự thật khách quan của vụ án nên nhân chứng chỉ xuất hiện ở các phiên tòa sơ thẩm, không xuất hiện trong phiên tòa phúc thẩm. Ba là, chức năng cơ bản nhất của tòa phúc thẩm là đảm bảo tòa sơ thẩm đã giải thích đúng luật, nhưng đôi khi tòa phúc thẩm cũng có thể làm ra luật mới. Bốn là, vai trò của tòa án sơ thẩm và tòa án phúc thẩm là hoàn toàn khác nhau nên thủ tục xét xử cũng khác nhau. Trong phiên tòa phúc thẩm sẽ không có sự xuất hiện của nhân chứng, nội dung vụ án sẽ không được xem xét và cũng không có sự tham gia của bồi thẩm đoàn. Năm là, thay vì chỉ có một thẩm phán xét xử, như trong phiên tòa sơ thẩm, thì trong phiên tòa phúc thẩm sẽ có tập thể các thẩm phán từ 3 đến 28 người.[12]
2.3. Thẩm quyền của các tòa án (Jurisdiction)
Các tòa án ở Hoa Kỳ được xác định thẩm quyền trên cơ sở địa hạt, theo đối tượng và thẩm quyền theo thứ bậc. Thẩm quyền theo địa hạt được hiểu là tòa án chỉ có quyền xét xử và phán quyết các vụ án xuất hiện trong thẩm quyền được giới hạn bởi một phạm vi địa lý nhất định. Tức là tòa án ở bang này không thể xét xử một người phạm tội ở một bang khác. Về thẩm quyền theo đối tượng, các tòa sơ thẩm thẩm quyền hẹp, chỉ có quyền xét xử giới hạn một số vụ án, như đối với hình sự là các thường tội, dân sự là các vụ tranh chấp với số tiền nhỏ. Các tòa án giao thông hay tòa án vị thành niên ở các tiểu bang là minh chứng rõ nhất cho thẩm quyền theo đối tượng. Thẩm quyền theo thứ bậc liên quan đến sự khác nhau trong chức năng và trách nhiệm của các tòa án khác nhau. Tòa án sơ thẩm với thẩm quyền xét xử lần đầu có quyền xem xét và phán quyết một vụ án. Tòa án phúc thẩm với thẩm quyền xét xử lại có quyền xem xét lại một vụ án đã được phán quyết bởi một tòa án khác. Ở Hoa Kỳ, các tòa án sơ thẩm hiếm khi có thẩm quyền xét xử lại. Ngược lại, tòa phúc thẩm có thể có thẩm quyền ban đầu nhưng vô cùng hạn chế. Đơn cử như Tòa án tối cao liên bang là tòa án phúc thẩm, chỉ có quyền sơ thẩm các tranh chấp giữa các bang.[13]
3. Các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ
Trong quá trình tổ chức và hoạt động, Tòa án Hoa Kỳ được đảm bảo và thực hiện theo các nguyên tắc cơ bản sau: Nguyên tắc tư pháp độc lập, nguyên tắc tư pháp tối cao và nguyên tắc án lệ.
3.1. Nguyên tắc tư pháp độc lập (Judicial independence)
Cội nguồn của lý thuyết về độc lập tư pháp xuất phát từ nội dung và yêu cầu của một nhà nước pháp quyền, có cơ sở từ học thuyết phân quyền, như Montesquieu đã khẳng định: “sẽ không có tự do nếu quyền tư pháp không tách rời khỏi lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp, quan tòa là người làm luật thì quyền sống và quyền tự do của công dân sẽ bị đe dọa. Còn nếu nó nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có quyền lực của kẻ đàn áp.”[14]Tuy nhiên, trong thời kỳ của các kiểu nhà nước không dân chủ như chiếm hữu nô lệ, phong kiến thì quyền tư pháp chưa tách ra khỏi quyền lập pháp và hành pháp; chưa có một hệ thống cơ quan tư pháp độc lập được thành lập.[15] Đến thời kỳ của các nhà nước dân chủ, việc tổ chức nhà nước phải đảm bảo được các đặc trưng của một nhà nước pháp quyền nên đòi hỏi tư pháp phải độc lập. Như Alexander Hamilton, một trong những nhà lập hiến của Hoa Kỳ, đã từng nhấn mạnh: “Không thể có tự do nếu quyền xét xử không được tách khỏi quyền lập pháp và hành pháp… Tự do không e ngại gì một mình tư pháp, nhưng rất sợ sự liên minh của tư pháp với 1 trong 2 cơ quan quyền lực kia”.[16]
Lý thuyết về độc lập tư pháp đã được Giáo sư khoa học chính trị John Ferejohn của Đại học Stanford cụ thể hóa ra thành các yếu tố bên trong (internal aspects) và các yếu tố bên ngoài (external aspects).[17] Yếu tố bên trong yêu cầu về tính độc lập của thẩm phán, trong khi đó yếu tố bên ngoài đòi hỏi sự độc lập về tổ chức của tòa án. Tuy nhiên, thẩm phán cũng chỉ là một con người nên tính độc lập của họ có thể sẽ bị tác động bởi áp lực và lợi ích vật chất; vì vậy, sự độc lập của thẩm phán cần đến “cái khiên” bảo vệ là sự độc lập của tổ chức (ở đây là sự độc lập của Tòa án).[18]
Linh hồn của Hiến pháp Hoa Kỳ - đạo luật về tổ chức quyền lực nhà nước, chính là học thuyết phân quyền, đã tạo nền tảng cho tính độc lập của Tòa án, giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả và không sợ hãi.[19] Tòa án liên bang Hoa Kỳ được đảm bảo sự độc lập, chủ yếu tập trung vào các yếu tố bên trong, tức là sự độc lập của các thẩm phán, nhằm giúp các thẩm phán không chịu bất kỳ sức ép nào từ các nhánh quyền lực khác, từ đó có thể áp dụng pháp luật một cách khách quan, không thiên vị.[20] Sự đảm bảo này được thể hiện ở các nội dung sau đây: Các thẩm phán liên bang được được bổ nhiệm chứ không phải được bầu, có nhiệm kỳ suốt đời và không thể bị giảm lương.[21] Cụ thể:
Thứ nhất, các thẩm phán tòa án liên bang Hoa Kỳ được bổ nhiệm bởi Tổng thống trên cơ sở sự phê chuẩn của Thượng viện. Việc được bổ nhiệm, chứ không phải được bầu, đã giúp các thẩm phán tự do hơn khi không phải chạy đua tranh cử, kêu gọi tài chính cũng như không phải thể hiện lập trường đảng phái trong các phán quyết của mình. Một khi được bổ nhiệm, thẩm phán chỉ cần tập trung vào nhiệm vụ xét xử, không cần phải làm hài lòng người có quyền bỏ phiếu bầu để đảm bảo khả năng tái cử.
Yếu tố thứ hai giúp các thẩm phán duy trì được sự độc lập là nhiệm kỳ suốt đời. Nhiệm kỳ suốt đời tạo ra sự an toàn cho hoạt động nghề nghiệp của các thẩm phán, giúp họ thực hiện việc xét xử theo đúng quy định của pháp luật, bởi vì họ không cần phải sợ bị cách chức khi ra các phán quyết không làm hài lòng người khác.
Thứ ba, lương của các thẩm phán không thể bị cắt giảm. Lương của thẩm phán liên bang được quyết định bởi Nghị viện, với mức trung bình tương đương với lương của các nghị sĩ.[22] Một khi thẩm phán bắt đầu nhiệm sở thì lương của họ chỉ có thể tăng chứ không thể bị giảm. Đảm bảo này giúp các thẩm phán an tâm thực hiện chức trách của mình một cách công tâm theo quy định của pháp luật, giúp họ tránh được sự tác động tiềm ẩn từ các cơ quan hành pháp và lập pháp khi giải quyết các vấn đề pháp lý có liên quan.
3.2. Nguyên tắc tư pháp tối cao (Judicial supremacy)
Lý thuyết về tư pháp tối cao cũng được xuất phát từ mô hình phân quyền trong tổ chức của nhà nước Hoa Kỳ. Theo đó, Tòa án tối cao được Hiến pháp Hoa Kỳ trao cho quyền lực cao nhất gắn với chức năng giải quyết những tranh chấp có thể xảy ra về thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, hoặc giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang.[23] Thực hiện vai trò này, Tòa án tối cao có thẩm quyền giải thích hiến pháp cũng như giải thích luật. Các nhà lập hiến Hoa Kỳ cho rằng Tòa án là thiết chế trung gian giữa nhân dân và Nghị viện - cơ quan đại diện cho dân, nên có vai trò đảm bảo Nghị viện phải hành động trong phạm vi thẩm quyền được nhân dân trao cho - những thẩm quyền được ghi nhận trong Hiến pháp.[24] Hiến pháp Hoa Kỳ là đạo luật cơ bản của quốc gia, được thiết lập, như được thể hiện trong Lời nói đầu của Hiến pháp,[25] bởi nhân dân nên chứa đựng các giá trị cốt lõi của nhân dân. Do đó, “Tòa án có trách nhiệm giải thích ý nghĩa của Hiến pháp cũng như của bất kỳ luật nào được ban hành bởi Nghị viện”[26]. Các giải thích của Tòa án tối cao có giá trị bắt buộc đối với tất cả các cơ quan nhà nước và tất cả các cấp chính quyền cho đến khi Hiến pháp bị sửa đổi hoặc các giải thích bị thay thế.[27]
3.3. Nguyên tắc án lệ (Stare decisis)
Stare decisis (Học thuyết án lệ), trong tiếng Latin có nghĩa là “đứng trên những gì đã quyết định”, là một học thuyết có nội dung yêu cầu các tòa án phải tuân theo các bản án hoặc quyết định đã có trước đây khi xét xử một vụ án tương tự.[28] Hệ thống tòa án Hoa Kỳ hoạt động theo nguyên tắc án lệ nhằm đảm bảo yêu cầu “những vụ án tương tự phải được phán quyết tương tự”.[29] Xét về tính chất bắt buộc (binding), án lệ ở Hoa Kỳ được chia ra thành án lệ ngang (horizontal stare decisis) - các tòa án bắt buộc phải tuân theo các bản án lệ của chính mình; và, án lệ dọc (vertical stare decisis) - các tòa án cấp dưới phải tuân theo các bản án lệ của tòa án cấp trên.[30]
Theo nguyên tắc án lệ, một bản án sẽ trở thành bản án lệ nếu đáp ứng 2 yêu cầu sau: Thứ nhất, bản án đó, trong tương quan so sánh với vụ án đang được giải quyết, phải được nhận diện là có cùng bản chất pháp lý và được áp dụng với những tình tiết khách quan tương tự; Thứ hai, bản án đó được phán quyết bởi chính tòa án đang giải quyết vụ án hoặc bởi tòa án cấp cao hơn.[31] Điều đó có nghĩa là mọi bản án đều là có thể trở thành bản án lệ mà không cần phải trải qua bất kỳ thủ tục mang tính chất chọn lựa hay công bố nào.
4. Một số giá trị tham khảo cho việc hoàn thiện mô hình tổ chức tòa án nhân dân ở Việt Nam
Để hoàn thiện mô hình tổ chức Tòa án nhân dân ở Việt Nam, đạt được những mục tiêu mà Đảng đã đề ra, những giá trị tích cực và phù hợp sau đây từ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ cần được tham khảo:
Thứ nhất, cần kéo dài hơn nữa nhiệm kỳ của thẩm phán nhằm đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án nhân dân. Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 thì: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Tuy nhiên, tính độc lập của các Thẩm phán hiện nay ít nhiều bị tác động bởi quy định về nhiệm kỳ. Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán có 2 loại với thời gian khác nhau, nhiệm kỳ đầu và nhiệm kỳ khi được bổ nhiệm lại hoặc chuyển ngạch. Theo đó, “nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm” kể từ ngày được bổ nhiệm.[32] Mặc dù, so với trước đây, nhiệm kỳ của Thẩm phán chỉ là 05 năm,[33] thì quy định hiện nay đã phần nào kéo dài hơn thời gian làm việc, nhưng rõ ràng, Thẩm phán vẫn phải làm việc theo nhiệm kỳ, khi hết nhiệm kỳ vẫn phải trải qua quy trình xem xét về việc có được bổ nhiệm lại hay không. Từ đó, Thẩm phán không còn toàn tâm, toàn ý vào công tác xét xử bởi các lo lắng về việc bổ nhiệm lại. Chính vì thế, để giúp Thẩm phán thực sự độc lập, an tâm và chuyên tâm vào công tác chuyên môn, nâng cao chất lượng xét xử thì Quốc hội nên xem xét kéo dài hơn nữa nhiệm kỳ của Thẩm phán, theo hướng bỏ luôn nhiệm kỳ.
Thứ hai, cần có chính sách tiền lương tương xứng với tính chất đặc thù của các Thẩm phán. Hiện nay, theo quy định của Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội Về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát thì chế độ tiền lương của Thẩm phán không có gì khác so với các công chức khác. Điều này, như Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hiền, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao khẳng định là sẽ “gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác cũng như tính độc lập, liêm chính của Thẩm phán”.[34] Do đó, tham khảo từ cơ chế đảm bảo tiền lương dành cho Thẩm phán Hoa Kỳ, nhằm tăng cường tính độc lập trong hoạt động xét xử thì cần có quy chế tiền lương tương xứng với vai trò, chức năng và trách nhiệm của các Thẩm phán. Như vậy mới có thể góp phần phòng chống tham nhũng thông qua chính sách tiền lương, đúng theo quan điểm chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.
Thứ ba, cần có thay đổi căn bản về án lệ. Theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thì: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.” Như vậy, để trở thành án lệ thì một bản án, quyết định của Tòa án phải qua 2 thủ tục là “lựa chọn” và “công bố”. Nếu không được qua quy trình này thì một bản án không thể là bản án lệ. Tức là Tòa án không thể đương nhiên viện dẫn kết quả xét xử của chính mình và của Tòa án cấp trên để làm căn cứ ra phán quyết cho một vụ án tương tự. Từ đây sẽ phát sinh hệ quả là có những vụ án giống nhau, do cùng một tòa án xét xử có thể sẽ có kết quả khác nhau. Điều này hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của học thuyết án lệ (stare decisis). Vì vậy, trong tiến trình cải cách tư pháp ở giai đoạn tiếp theo, cần thay đổi quy định về án lệ theo hướng: Một là, tất cả các bản án và quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đều là án lệ cho một vụ án hoặc vụ việc có cùng bản chất pháp lý và có những tình tiết khách quan tương tự; Hai là, các Tòa án bắt buộc phải áp dụng án lệ của chính mình và của Tòa án cấp trên.
5. Kết luận
Tóm lại, do có rất nhiều khác biệt về thể chế chính trị, chính thể và cả cấu trúc nhà nước nên không phải tất cả những ưu điểm có liên quan đến tòa án Hoa Kỳ đều có thể áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, có những giá trị từ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ, mang tính chất phổ quát và phù hợp với quan điểm cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước hoàn toàn có thể tham khảo. Với mục tiêu “nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân”, rõ ràng kết quả xét xử của Tòa án cần phải có sự thống nhất đối với những vụ án giống nhau, các Thẩm phán của Tòa án nhân dân cần phải được đảm bảo sự độc lập, tăng “sức đề kháng” trước cám dỗ của vật chất, tập trung vào hoạt động chuyên môn, không cần lo nghĩ về việc bổ nhiệm lại. Do đó, những giá trị về nhiệm kỳ, lương của thẩm phán cũng như nguyên tắc án lệ trong nhà nước Hoa Kỳ cần thiết phải được xem xét áp dụng trong quá trình đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân ở Việt Nam.
Tài liệu trích dẫn:
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, Hà Nội, tr.177.
- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự Thật, 2021, Hà Nội, tr.177.
- Harden, I. V. (1983). R. Neely: "How Courts Govern America" (Book Review) [Review of R. Neely: "How Courts Govern America" (Book Review)]. International Review of Law and Economics, 3(1), 95. Butterworths, tr. 599-600.
- David W. Neubauer: America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed., NXB. Thomson Wadsworth, USA, 2004, tr.56.
- David W. Neubauer: America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed., NXB. Thomson Wadsworth, USA, 2004, tr.52.
- David W. Neubauer: America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed., NXB. Thomson Wadsworth, USA, 2004, p.53.
- Lore Rutz-Burri: Introduction to the American Criminal Justice System, https://openoregon.pressbooks.pub/ccj230/chapter/7-3-structure-of-the-courts/
- University of Central Florida: American Governement, https://pressbooks.online.ucf.edu/amnatgov/chapter/the-dual-court-system/
- United States Courts: About Federal Courts, https://www.uscourts.gov/about-federal-courts/court-role-and-structure
- Lore Rutz-Burri: Introduction to the American Criminal Justice System - Structure of Court: Federal Courts https://openoregon.pressbooks.pub/ccj230/chapter/7-3-structure-of-the-courts/
- Lore Rutz-Burri: Introduction to the American Criminal Justice System – Structure of Court: State Courts, https://openoregon.pressbooks.pub/ccj230/chapter/7-4-structure-of-the-courts-continued/
- David W. Neubauer: America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed., NXB. Thomson Wadsworth, USA, 2004, tr.53.
- David W. Neubauer: America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed., NXB. Thomson Wadsworth, USA, 2004, tr.53.
- Montesquieu: The Spirit of the Laws, Cambridge University Press, Book XI, Chapter 6.
- Nguyễn Đăng Dung (chủ biên): Thể chế tư pháp trong nhà nước pháp quyền, NXB. Tư pháp, Hà Nội, 2004, tr. 38.
- Dẫn theo Sandra Day O’Connor: Tầm quan trọng của độc lập tư pháp, trong Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến - Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài, NXB. Lao động xã hội, Hà Nội, 2012, tr. 319.
- John Ferejohn (1999). Independent judges, dependent judiciary: Explaining judicial independence. Southern California Law Review, 72:353, 353
- John Ferejohn (1999). Independent judges, dependent judiciary: Explaining judicial independence. Southern California Law Review, 72:353, 353
- Kaufman, I. R. (1980). The Essence of Judicial Independence. Columbia Law Review, 80(4), 671-701. https://doi.org/10.2307/1122136
- Ruth Bader Ginsbur: Judicial Independence: The Situation of the U.S. Federal Judiciary, 85 Neb. L. Rev. (2011) Available at: https://digitalcommons.unl.edu/nlr/vol85/iss1/2.
- Khoản 1 Điều 3 Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787.
- Judicial Learning Center: Judicial Independence, https://judiciallearningcenter.org/judicial-independence/
- Hadenius, A. (2015). The Political Power of Courts: Judicial Supremacy, with Restrictions. In: American Exceptionalism Revisited. Palgrave Macmillan, New York, tr. 111.
- United States Courts: Overview - Rule of Law, https://www.uscourts.gov/educational-resources/educational-activities/overview-rule-law
- Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 bắt đầu bằng Lời nói đầu với nội dung như sau: “Chúng tôi Nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ,… thiết lập Hiến pháp này cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.
- United States Courts: Overview - Rule of Law, https://www.uscourts.gov/educational-resources/educational-activities/overview-rule-law
- Erwin Chemerinsky: In Defense of Judicial Supremacy, 58 Wm. & Mary L. Rev. 1459 (2017), https://scholarship.law.wm.edu/wmlr/vol58/iss5/3.
- Legal Information Institute: Stare Decisis, https://www.law.cornell.edu/wex/stare_decisis#:~:text=Stare%20decisis%20means%20%E2%80%9Cto%20stand,with%20the%20previous%20court's%20decision
- John M. Walker, Jr., The The Role of Precedent in the United States: How Do Precedents Lose Their Binding Effect?, Stanford Law School China Guiding Cases Project, Feb. 29, 2016, http://cgc.law.stanford.edu/commentaries/15-John-Walker
- Legal Information Institute: Stare Decisis, https://www.law.cornell.edu/wex/stare_decisis#:~:text=Stare%20decisis%20means%20%E2%80%9Cto%20stand,with%20the%20previous%20court's%20decision
- John M. Walker, Jr., The The Role of Precedent in the United States: How Do Precedents Lose Their Binding Effect?, Stanford Law School China Guiding Cases Project, Feb. 29, 2016, http://cgc.law.stanford.edu/commentaries/15-John-Walker
- Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014, Điều 74.
- Điều 40 Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án Nhân dân năm 2002.
- Nguyễn Thúy Hiền: Bốn vấn đề quan trọng trong cải cách tiền lương của Thẩm phán, Báo điện tử Công Lý, 2021, https://congly.vn/4-van-de-quan-trong-trong-cai-cach-tien-luong-cua-tham-phan-195582.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ban Chấp hành Trung ương (2018). Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
- Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013.
- Quốc hội (2002). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002.
- Quốc hội (2014). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2002). Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 02/2002/PL-UBTVQH11 ngày 4/10/2002 về Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2004). Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Toà án, ngành Kiểm sát.
- Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (2019). Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
- Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.
- David W. Neubauer (2004). America’s Courts and the Criminal Justice System, 8th ed. USA: Thomson Wadsworth.
- Erwin Chemerinsky (2017). In Defense of Judicial Supremacy. William & Mary Law Review, 58(5), 3.
- Hadenius, A. (2015). The Political Power of Courts: Judicial Supremacy, with Restrictions. In: American Exceptionalism Revisited. New York: Palgrave Macmillan.
- Harden, I. V. (1983). R. Neely: "How Courts Govern America" (Book Review). International Review of Law and Economics, 3(1), 95.
- Hon. John M. Walker, Jr., The Role of Precedent in the United States: How Do Precedents Lose Their Binding Effect?. Rechieved from: https://www.coursehero.com/file/22806576/Role-of-Precedent-in-the-US-How-do-Precedents-loose-their-binding-effect/
- John Ferejohn (1999). Independent judges, dependent judiciary: Explaining judicial independence. Southern California Law Review, 72:353.
- Judicial Learning Center. Judicial Independence. Rechieved from: https://judiciallearningcenter.org/judicial-independence/
- Kaufman, I. R. (1980). The Essence of Judicial Independence. Columbia Law Review, 80(4), 671-701.
- Legal Information Institute. Stare Decisis . Rechieved from: https://www.law.cornell.edu/wex/stare_decisis#:~:text=Stare%20decisis%20means%20%E2%80%9Cto%20stand,with%20the%20previous%20court's%20decision.
- Lore Rutz-Burri. Introduction to the American Criminal Justice System. Rechieved from: https://openoregon.pressbooks.pub/ccj230/chapter/7-3-structure-of-the-courts/
- Montesquieu. The Spirit of the Laws. Cambridge University Press, Book XI, Chapter 6
- Nguyễn Đăng Dung (2004). Thể chế tư pháp trong nhà nước pháp quyền. NXB. Tư pháp, Hà Nội.
- Nguyễn Thúy Hiền (2021). Bốn vấn đề quan trọng trong cải cách tiền lương của Thẩm phán. Truy cập tại: https://congly.vn/4-van-de-quan-trong-trong-cai-cach-tien-luong-cua-tham-phan-195582.html
- Ruth Bader Ginsbur (2011). Judicial Independence: The Situation of the U.S. Federal Judiciary. Neb. L. Rev, 85(1).
- Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (2012). Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến - Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài. Hà Nội: NXB. Lao động xã hội.
- United States Courts. About Federal Courts, Rechieved from: https://www.uscourts.gov/about-federal-courts/court-role-and-structure
- United States Courts. Overview - Rule of Law. Rechieved from: https://www.uscourts.gov/educational-resources/educational-activities/overview-rule-law.
- University of Central Florida: American Governement, Rechieved from: https://pressbooks.online.ucf.edu/amnatgov/chapter/the-dual-court-system/
PRINCIPLES OF ORGANISATION AND OPERATION OF THE U.S COURTS - APPRORIATE VALUES FOR VIETNAM
Master. Dinh Thanh Phuong
Lecturer, Faculty of Law, Can Tho University
Abstract:
This paper is to research and analyse the basic principles of organisation and operation of the U.S Courts – one of the oldest and most effective judicial systems in the world. Based on these principles, this paper propose a number of positive and approriate values for the renovation of the People’s Court system in Vietnam, such as: extending the term of judges, increasing the salary of judges to make them more independent, amending the resolution on precedents in order to make sure that like cases should be treated alike.
Keywords: the U.S court system, principles of organization and operation, applicable values.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]