Nhân dân tệ có thể trở thành đồng tiền lớn thứ 3 thế giới

Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có thể trở thành loại tiền tệ lớn thứ 3 toàn cầu, chỉ sau đồng đô la Mỹ và đồng euro.

Mặc dù tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối thế giới chưa bao giờ vượt quá 2% song ngân hàng Morgan Stanley dự báo tỷ trọng này sẽ tăng lên 5% trong viễn cảnh xấu nhất và 10% trong viễn cảnh tốt nhất.

Theo đài Sputnik, các nhà phân tích chỉ ra xu hướng tăng dần trong nhu cầu các nhà đầu tư toàn cầu đối với chứng khoán Trung Quốc. Trong tháng 7, dòng vốn nước ngoài ròng đổ vào trái phiếu Trung Quốc đạt 21,3 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2014. Tổng giá trị trái phiếu từ nhà đầu tư nước ngoài đạt 360 tỷ USD, tăng 13,7% so với năm ngoái.

Theo một báo cáo của Morgan Stanley, xu hướng trên sẽ đẩy mạnh đáng kể vai trò của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế trong tương lai. Morgan Stanley tuyên bố rằng trong thập kỷ này, các khoản đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ trở thành dòng vốn chính của Trung Quốc, trong khi đầu tư trực tiếp sẽ giảm dần.

Giới phân tích cũng cho hay năm nay, tổng khối lượng đầu tư gián tiếp vào Trung Quốc sẽ lên tới 150 tỷ USD và sẽ tăng lên 200-300 tỷ USD trong 10 năm tới năm 2030. Với việc Bắc Kinh cũng như các nhà đầu tư quan tâm đến thu hút vốn và mở rộng thị trường tài chính, một phần các tài sản toàn cầu sẽ được tính bằng đồng nhân dân tệ trong tương lai.

Năm 2016, đồng nhân dân tệ được liệt kê vào giỏ tiền tệ quốc tế SDR sau khi ngân hàng trung ương một số quốc gia dự trữ tiền tệ của Trung Quốc. Tính đến cuối năm 2019, kho dự trữ của 70 ngân hàng trung ương xuất hiện nhân dân tệ, trong khi năm 2018, số lượng chỉ có 60 ngân hàng. 

Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ trọng USD trong dự trữ thế giới đạt 61,9%, tỷ trọng của euro là 20,05%, tỷ trọng của đồng yên là 5,7%, tỷ trọng của đồng bảng Anh đạt 4,43%, trong khi tổng tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối thế giới chưa bao giờ vượt quá 2%.

Ông Liu Dongmin - Giám đốc Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – chỉ ra một số yếu tố cản trở thị trường quốc tế chấp nhận đồng nhân dân tệ: "Hiện tại, yếu tố quan trọng nhất quyết định tính quốc tế của đồng nhân dân tệ là mức độ tự do hóa tài khoản vãng lai. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Điều này tác động rất lớn trong việc quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ”.

Tài khoản vãng lai của một quốc gia là khoản mục ghi chép các giao dịch về hàng hóa và dịch vụ như xuất - nhập khẩu. Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho rằng tài khoản vãng lai của Bắc Kinh sẽ thâm hụt trong tương lai gần. Tài khoản vãng lai thâm hụt khi một quốc gia nhập nhiều hơn hay đầu tư nhiều hơn xuất khẩu.

Thâm hụt tài khoản vãng lai của Trung Quốc được dự đoán là -1,2% GDP vào năm 2030. Theo Morgan Stanley, để cân đối khoản thâm hụt này từ năm 2025 đến năm 2030, Trung Quốc cần dòng vốn nước ngoài ròng ít nhất 180 tỷ USD mỗi năm.

Chuyên gia Liu Dongmin lưu ý quá trình hướng tới việc mở dần tài khoản vãng lai và thị trường tài chính không thay đổi, do đó những dự báo của Morgan Stanley về vai trò ngày càng tăng của đồng nhân dân tệ trong hệ thống tài chính quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. 

 

Theo TTXVN