TÓM TẮT:
Kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là kế toán những nghiệp vụ do ảnh hưởng của chính sách thuế và quy định của kế toán dẫn đến phải nộp thuế trước hay trong tương lai phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước. Bài viết nhằm chỉ ra các cách nhận diện chênh lệch tạm thời để giúp kế toán có thể thực hiện tốt công tác kế toán thuế tại doanh nghiệp.
Từ khóa: Kế toán thuế thu nhập hoãn lại, chênh lệch tạm thời, tài sản thuế hoãn lại, thuế hoãn lại phải trả.
1. Giới thiệu
Việc có thực hiện kế toán thuế thu nhập hoãn lại tại doanh nghiệp được hay không còn phụ thuộc vào các nghiệp vụ kinh tế phát sinh có ảnh hưởng đến khoản chênh lệch giữa quy định của chính sách kế toán và chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp. Tất cả các sự khác biệt giữa chính sách kế toán và chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đều có thể dẫn đến chênh lệch nhưng kế toán thuế thu nhập hoãn lại chỉ quan tâm đến khoản chênh lệch tạm thời.
Vì vậy, bài viết nghiên cứu các vấn đề liên quan đến chênh lệch tạm thời thông qua cách thức nhận diện các khoản chênh lệch tạm thời, nhằm giúp người làm kế toán nắm vững các tình huống, các trường hợp phát sinh và chủ động thực hiện kế toán thuế hoãn lại. Đồng thời, giúp chủ doanh nghiệp nhận thức được việc thực hiện thuế thu nhập hoãn lại chẳng qua là nộp thuế trước hoặc nộp thuế sau vào ngân sách nhà nước không ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
2. Tổng quan về kế toán thuế thu nhập hoãn lại
2.1. Chênh lệch tạm thời
Chênh lệch tạm thời là chênh lệch phát sinh do khác biệt về thời điểm ghi nhận giữa giá trị ghi sổ của kế toán và cơ sở tính thuế về tài sản và nợ phải trả, hoặc doanh thu và chi phí; và chêch lệch này sẽ mất đi theo thời gian. Chênh lệch số liệu giữa kế toán và thuế có thể được tiếp cận dựa trên: (i) Báo cáo kết quả kinh doanh căn cứ vào doanh thu, chi phí; và (ii) Bảng cân đối kế toán căn cứ vào giá trị ghi sổ với cơ sở tính thuế của tài sản và nợ phải trả.
2.2. Cách nhận diện các khoản chênh lệch tạm thời
Vì chênh lệch tạm thời sẽ mất đi theo thời gian, do đó, có thể nhận diện một số trường hợp phát sinh chênh lệch tạm thời, cụ thể:
+ Chênh lệch tạm thời liên quan đến doanh thu bao gồm: (i) Doanh thu chưa thực hiện. Doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống. Đối với chương trình dành cho khách hàng truyền thống thì khi bán hàng kế toán sẽ phải ghi nhận thành 2 khoản, một khoản là doanh thu bán hàng, và một khoản phải trích ra để treo trên tài khoản doanh thu chưa thực hiện (TK 3387). Mục đích là khi kết thúc chương trình, doanh nghiệp sẽ phải trả thưởng cho khách hàng nếu khách hàng đạt yêu cầu. Tuy nhiên đối với chính sách thuế thì không quy định, do đó, thuế sẽ tính toàn bộ là doanh thu bán hàng. Vì vậy, sẽ dẫn đến chênh lệch tạm thời cho phần treo doanh thu trên TK 3387 trong điều kiện cuối năm khoản doanh thu này vẫn chưa thực hiện do chưa kết thúc chương trình; (ii) Doanh thu hợp đồng xây dựng theo tiến độ kế hoạch. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, xây lắp, phòng cháy chữa cháy,... có phát sinh hợp đồng theo tiến độ kế hoạch thì kế toán sẽ ghi nhận theo tiến độ, theo mức độ hoàn thành của dự án, công trình mà doanh nghiệp đang thực hiện, trong khi chính sách thuế quan tâm đến việc hoàn thành, nghiệm thu. Do đó, sẽ dẫn đến chênh lệch tạm thời.
+ Chênh lệch tạm thời liên quan đến chi phí, bao gồm: (i) Khấu hao tài sản cố định trong đó cần xem xét đến yếu tố thời gian khấu hao, phương pháp khấu hao, giá trị khấu hao. Ví dụ như doanh nghiệp mua một tài sản cố định áp dụng phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh, nhưng chính sách thuế lại áp dụng phương pháp đường thẳng khấu hao theo. Như vậy, giá trị khấu hao sẽ tạo ra chênh lệch và chênh lệch này được xem là chênh lệch tạm thời; (ii) Trích trước, với chi phí trích trước là khoản chi phí dẫn đến chênh lệch tạm thời vì kế toán phải trích trước chi phí để phòng ngừa khi tài sản bị hư hỏng thì đã có một khoản chi phí bù đắp. Có nghĩa là tại thời điểm tài sản hư hỏng thì khoản chi phí sửa chữa này sẽ không bị đẩy lên cao, làm cho chi phí của năm tài chính không bị biến động, không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Còn đối với chính sách thuế, chi phí trích trước chưa được xem là chi phí được trừ do chưa có hóa đơn, chứng từ và đó là lý do dẫn đến chênh lệch tạm thời. Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x1, kế toán công ty X trích trước chi phí sửa chữa tài sản cố định là 20, tuy nhiên, khoản chi phí này chưa được thực hiện trong năm nên chưa có hóa đơn, chứng từ, do đó chưa được đưa vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế. Như vậy, với chênh lệch 20 được hiểu đây là một khoản chênh lệch tạm thời; (iii) Dự phòng vượt mức trong đó bao gồm: Dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng phải trả... Dự phòng là khoản ước tính của kế toán, mang tính xét đoán. Ví dụ như kế toán lập dự phòng phải thu khó đòi thì cơ sở để lập dự phòng căn cứ vào khả năng khó thu hồi, trong khi chính sách thuế lại căn cứ vào khoản nợ quá hạn; (iv) Trả trước là một khoản chi đã trả trước nhưng liên quan đến nhiều kỳ kế toán theo nguyên tắc phù hợp của kế toán, trong khi khoản chi này theo chính sách thuế sẽ được phân bổ tối đa 3 năm. Do đó, sẽ dẫn đến chênh lệch tạm thời. Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x0, công ty M có một khoản chi phí sửa chữa nhà đi thuê là 210 với thời hạn thuê là 5 năm, kế toán phân bổ trong 5 năm, tuy nhiên, khoản chi phí này được phân bổ tối đa 3 năm khi đưa vào chi phí được trừ để xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, khoản chênh lệch này được xem là một khoản chênh lệch tạm thời; (v) Chênh lệch tỷ giá hối đoái. Để được ghi nhận là doanh thu hay chi phí còn tùy vào sự tăng lên hay giảm xuống của tỷ giá. Nếu tỷ giá tăng thì các khoản mục tiền ngoại tệ và nợ phải thu sẽ là doanh thu và nợ phải trả là chi phí và ngược lại, nếu tỷ giá giảm thì các khoản mục tiền ngoại tệ và nợ phải thu sẽ là chi phí còn nợ phải trả là doanh thu. Chênh lệch tạm thời xảy ra đối với khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái khi đánh giá lại khoản mục tiền ngoại tệ với nợ phải trả; hoặc nợ phải thu với nợ phải trả; hoặc tiền, nợ phải thu với nợ phải trả. Do kế toán phải đánh giá lại các khoản mục tiền có gốc ngoại tệ còn quy định của thuế thì chỉ đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ (Thông tư 96). Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x2, doanh nghiệp A có đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ là tiền ngoại tệ là 100 (lãi) và nợ phải trả có nghĩa vụ phải thanh toán là 230 (lỗ). Như vậy, một khoản lỗ theo kế toán là 130, trong khi đó, theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định, doanh nghiệp chỉ được phép đánh giá lại khoản mục nợ phải trả có gốc ngoại tệ, nên thuế sẽ ghi nhận một khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 230. Do đó, khoản chênh lệch 100 triệu đồng được xem là một khoản chênh lệch tạm thời.
2.3. Các loại chênh lệch tạm thời
Có thể chia chênh lệch tạm thời thành hai loại đó là: (i) chênh lệch tạm thời được khấu trừ, hoặc (ii) chênh lệch tạm thời phải chịu thuế. Chênh lệch tạm thời được khấu trừ dẫn đến tài sản thuế hoãn lại, chênh lệch tạm thời phải chịu thuế dẫn đến thuế hoãn lại phải trả.
Đứng ở góc độ của Bảng cân đối kế toán thì chênh lệch tạm thời là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ và cơ sở tính thuế thu nhập của các khoản mục Tài sản hay Nợ phải trả.
Chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh nếu là tài sản thì giá trị ghi sổ < cơ sở tính thuế. Ngược lại, nếu là nợ phải trả thì giá trị ghi sổ > cơ sở tính thuế. Khoản mục tài sản là khoản mục được trình bày trên bảng cân đối kế toán thuộc phần tài sản. Khoản mục nợ phải trả là khoản mục được trình bày trên bảng cân đối kế toán thuộc phần nợ phải trả (nguồn vốn). Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, đầu năm 20x0, doanh nghiệp X đưa một tài sản cố định có nguyên giá 180, sử dụng ở bộ phận quản lý. Kế toán khấu hao trong 4 năm, thuế khấu hao theo qui định là 6 năm, phương pháp khấu hao theo đường thẳng. Giá trị khấu hao của kế toán từ năm thứ nhất đến năm thứ tư mỗi năm đều là 45. Có thể hiểu là cuối năm thứ nhất giá trị còn lại của tài sản là 135, cũng được hiểu là giá trị ghi sổ là 135. Giá trị khấu hao của thuế từ năm thứ nhất đến năm thứ sáu mỗi năm đều là 30. Có thể hiểu là cuối năm thứ nhất giá trị còn lại của tài sản là 150, cũng được hiểu là cơ sở tính thuế là 135. Như vậy, giá trị ghi sổ là 135 nhỏ hơn cơ sở tính thuế là 150, 15 chính là chênh lệch tạm thời được khấu trừ (phát sinh). Tại năm thứ 5 và thứ 6, giá trị khấu hao của kế toán đối với tài sản này đều bằng 0, nhưng giá trị khấu hao của thuế đối với tài sản này mỗi năm đều là 30, đây là giai đoạn hoàn nhập chênh lệch tạm thời được khấu trừ.
Chênh lệch tạm thời phải chịu thuế nếu là tài sản thì giá trị ghi sổ > cơ sở tính thuế. Ngược lại, nếu là nợ phải trả thì giá trị ghi sổ < cơ sở tính thuế. Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x1, doanh nghiệp chi mua bảo hộ lao động là 2/người cho 200 nhân viên, tất cả là 400. Khi quyết toán thuế, doanh nghiệp được quyết toán thuế theo số thực chi, về phương diện kế toán, doanh nghiệp phân bổ chi phí này trong 2 năm vì 2 năm doanh nghiệp mới mua bảo hộ lao động một lần. Năm 20x2, doanh nghiệp phân bổ số tiền này vào chi phí nhưng không được trừ vào chi phí hợp lý.
Có thể hiểu là cuối năm 20x1, chi phí trả trước còn lại là 200, cũng được hiểu là giá trị ghi sổ là 200. Chi phí của thuế năm 20x1 là 400 vì một năm doanh nghiệp chi trang phục bằng hiện vật không bị giới hạn nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, cũng được hiểu là cơ sở tính thuế là 0 triệu đồng. Như vậy, giá trị ghi sổ là 200 lớn hơn cơ sở tính thuế là 0 triệu đồng, 200 chính là chênh lệch tạm thời phải chịu thuế (phát sinh). Tại năm 20x2, chi phí trả trước của kế toán bằng 200, nhưng chi phí của thuế cho khoản này là 0, đây là giai đoạn hoàn nhập chênh lệch tạm thời phải chịu thuế.
Đứng ở góc độ của Báo cáo kết quả kinh doanh chỉ xét chênh lệch tạm thời thông qua doanh thu và chi phí.
Đối với chi phí:
+ Khi phát sinh nếu chi phí kế toán > chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì đây là chênh lệch tạm thời được khấu trừ (phát sinh). Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, chi phí khấu hao được kế toán xác nhận là 200, trong khi theo quy định của thuế thì chi phí này được đưa vào chi phí được trừ là 120. Khi tính chi phí được trừ chỉ tính là 120, loại ra 80 làm cho chi phí được trừ giảm xuống 80 dẫn đến thu nhập tính thuế sẽ tăng lên 80, khi đó doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn ở hiện tại, dẫn đến tương lai là những năm sau doanh nghiệp sẽ được khấu trừ (tương lai thu hồi lại). Ngược lại, vào những năm sau cũng với tài sản này, nếu chi phí khấu hao của kế toán nhỏ hơn (hoặc bằng 0), trong khi chi phí khấu hao của thuế (chi phí được trừ) lớn hơn thì đây chính là chênh lệch tạm thời được khấu trừ (hoàn nhập).
+ Khi phát sinh nếu chi phí kế toán < chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì đây là chênh lệch tạm thời phải chịu thuế (phát sinh). Ví dụ như với đơn vị tính là triệu đồng, chi phí trả trước được kế toán xác nhận là 120 phân bổ đều trong 4 năm theo nguyên tắc phù hợp thì mỗi năm doanh nghiệp đưa vào chi phí của kế toán là 30, trong khi theo quy định của thuế thì chi phí này được phân bổ tối đa 3 năm. Như vậy, mỗi năm chi phí được trừ là 40. Khi tính chi phí được trừ là 40, thì thu nhập tính thuế phải công thêm vào 10 (do kế toán mới tính 30) làm cho chi phí được trừ tăng lên 10 dẫn đến thu nhập tính thuế sẽ giảm đi 10, khi đó doanh nghiệp nộp thuế ít hơn ở hiện tại, dẫn đến tương lai là những năm sau doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế (tương lai phải nộp nhiều hơn).
Đối với doanh thu:
+ Khi phát sinh nếu doanh thu kế toán < doanh thu tính thuế thì khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên doanh thu của thuế dẫn đến chênh lệch tạm thời được khấu trừ (phát sinh), khi đó doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn ở hiện tại, dẫn đến tương lai là những năm sau doanh nghiệp sẽ được khấu trừ (thu hồi lại). Ví dụ như năm tài chính 20x1, doanh nghiệp có doanh thu từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống, nhưng đến cuối năm chương trình này vẫn chưa kết thúc. Do đó, một phần doanh thu mà kế toán treo lại để trả thưởng cho chương trình này (trên tài khoản 3387) thuế sẽ xác định vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến thu nhập tính thuế sẽ tăng lên, khi đó doanh nghiệp phải nộp thuế nhiều hơn ở hiện tại (năm 20x1). Nếu chương trình này kết thúc vào năm 20x2, kế toán sẽ kết chuyển toàn bộ doanh thu chưa thực hiện (trên tài khoản 3387) thành doanh thu kế toán dẫn đến doanh thu kế toán tăng ở năm 20x2, nhưng doanh thu tính thuế sẽ giảm đi ở năm 20x2 thì đây chính là chênh lệch tạm thời được khấu trừ (hoàn nhập).
+ Khi phát sinh nếu doanh thu kế toán > doanh thu tính thuế thì khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên doanh thu của thuế dẫn đến chênh lệch tạm thời phải chịu thuế (phát sinh), khi đó doanh nghiệp nộp thuế ít đi ở hiện tại, dẫn đến tương lai là những năm sau doanh nghiệp sẽ phải nộp nhiều hơn (phải trả). Ví dụ như năm tài chính 20x1, doanh nghiệp có hợp đồng xây dựng công trình nhà cao tầng X cho chủ đầu tư A, thanh toán theo tiến độ công việc. Cuối năm, mặc dù tiến độ công trình X vẫn đang thực hiện theo đúng tiến độ trong hợp đồng, nhưng doanh nghiệp phải xác định được mức độ hoàn thành của công trình X. Việc xác định mức độ hoàn thành sẽ xác định phần doanh thu đã thực hiện theo hợp đồng. Kế toán ghi nhận doanh thu theo mức độ hoàn thành của công trình, thuế ghi nhận doanh khi có biên bản nghiệm thu.
2.4. Xử lý một số trường hợp đặc biệt về kế toán thuế thu nhập hoãn lại
Trường hợp 1: Lỗ tính thuế. Với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x1 của công ty A theo sổ sách kế toán lỗ 500, còn theo luật thuế lỗ 450. Khi lập báo cáo tài chính năm 20x1, với thuế suất thuế TNDN là 20%, công ty xác định phát sinh tài sản thuế hoãn lại năm 20x1 là 90 (450 x 20%), đồng thời, kế toán ghi nhận Nợ TK 243 đối ứng với Có TK 8212 với cùng số tiền là 90.
Trường hợp 2: Chuyển lỗ. Với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x0, một khoản lỗ theo kế toán là 1.000, thuế chấp nhận số lỗ là 800 và doanh nghiệp dự kiến sẽ chuyển lỗ đều trong 4 năm tới mỗi năm là 200, với thuế suất thuế TNDN tại năm 20x0 là 20%. Như vậy, tại năm 20x0, kế toán xác định phát sinh tài sản thuế hoãn lại cho khoản lỗ tính thuế là 160 (800 x 20%), đồng thời, kế toán ghi nhận Nợ TK 243 đối ứng với Có TK 8212 với cùng số tiền là 160. Sang năm 20x1, doanh nghiệp có lãi đủ bù đắp lỗ, theo kế hoạch doanh nghiệp chuyển lỗ là 200 thì hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại là 40 (200 x 20%). Đồng thời, kế toán ghi nhận Nợ TK 8212 đối ứng với Có TK 243 với cùng số tiền là 40.
Trường hợp 3: Thay đổi thuế suất. Với đơn vị tính là triệu đồng, năm 20x0, một khoản lỗ theo kế toán là 500, thuế cũng chấp nhận số lỗ trên là 500 và doanh nghiệp dự kiến sẽ chuyển lỗ đều trong 5 năm tới mỗi năm là 100, với thuế suất thuế TNDN tại năm 20x0 là 20%. Như vậy, tại năm 20x0, kế toán xác định phát sinh tài sản thuế hoãn lại cho khoản lỗ tính thuế là 100 (500 x 20%), đồng thời, kế toán ghi nhận Nợ TK 243 đối ứng với Có TK 8212 với cùng số tiền là 100. Sang năm 20x3, Bộ Tài chính thay đổi thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống 17%, bắt đầu tính thuế suất mới từ năm 20x4. Tại các năm 20x1, 20x2, doanh nghiệp có lãi và chuyển lỗ theo kế hoạch, mỗi năm hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại là 20 (100 x 20%), kế toán ghi nhận hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại Nợ TK 8212 đối ứng với Có TK 243 với cùng số tiền là 20 cho mỗi năm. Tại năm 20x3, doanh nghiệp có lãi và cũng tiến hành chuyển lỗ theo kế hoạch. Tuy nhiên, kế toán sẽ chốt số dư cuối của TK 243 là 34 (200 x 17%), do đó tài sản thuế hoãn lại được hoàn nhập tại cuối năm là 26 (100 - 20 - 20 - 34). Có nghĩa là năm 20x1, năm 20x2 mỗi năm hoàn nhập 20 và năm 20x4, năm 20x5 mỗi năm hoàn nhập 17 (do thay đổi thuế suất còn 17%), nên kế toán sẽ hoàn nhập toàn bộ tài sản thuế hoãn lại cho năm 20x3 là 26. Năm 20x3, kế toán ghi nhận hoàn nhập tài sản thuế hoãn lại Nợ TK 8212 đối ứng với Có TK 243 với cùng số tiền là 26.
3. Kết luận
Xuất phát từ các quy định của kế toán và chính sách thuế có những sự khác biệt nhất định, dẫn đến kế toán thuế hoãn lại. Đồng thời, do tính chất phức tạp này mà các kế toán của doanh nghiệp ngại thực hiện kế toán thuế hoãn lại, còn cán bộ thuế thì lại không quan tâm đến phần thuế hoãn lại, vì vậy, người làm kế toán có xu hướng ngày càng tiến gần hơn với chính sách thuế thay vì làm đúng các quy định, chuẩn mực của kế toán. Bài viết đưa ra một số cách nhận diện các chênh lệch tạm thời, cũng như nêu lên một số trường hợp nhằm phần nào đáp ứng nhu cầu chuyên môn cho người làm kế toán, và cho nhà quản trị thấy được thuế hoãn lại mục đích là nộp thuế trước hay nộp thuế sau vào ngân sách nhà nước không ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Amir, E., Kirschenheiter, M., & Willard, K. (1997). The valuation of deferred taxes. Comtemporary Accounting Research, 14(4), 597- 622.
- Bộ Tài chính (2006). Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 17: Thuế Thu nhập doanh nghiệp.
- Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 200/2015/TT-BTC V/v hướng dẫn một số nội dung về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, ban hành ngày 15/12/2015.
- Bộ Tài chính (2015). Thông tư số 96/2015/TT-BTC V/v hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, ban hành ngày 22/06/2015.
- Chang, C., Herbohn, K., & Tuttici, I. (2009). Markets perception of deferred tax accruals, Accounting and Finance. 49(1), 645-673.
- Chris B Murphy (2020). Enterprise Value - EV, http://www.investopedia.com/terms/e/enterprisevalue.asp, truy cập ngày 22/5/2020.
- Feltham and Ohlsons (1995). Valuation and clean surplus accounting for operating and financial activities. Contemporary Accounting Research, 11(3), 689-732.
- Gangadha P. S., Phạm Minh Đức, Michael E., Lê Minh Tuấn (2011). Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống hiệu quả và công bằng hơn. Ban Quản lý Kinh tế và Xóa đói Giảm nghèo, Khu vực Châu Á và Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới (WB).
- Gao Fan & Jiang Wei (2012). The Effect of Deferred Taxes on Firm Market Value: Evidence from Hong Kong. Hong Kong Baptist University.
- Horton, J. (2008). The value relevance of realistic reporting: Evidene from UK life insurers. Acounting and Business Research, 37(3), 175-197.
- John R. Graham và cộng sự. (2012). Research in accounting for income taxes, Journal of Accounting and Economic, 53, 412-434.
- OHanlon, J., & Taylor, P. (2007), The value relevance of disclosures of liabilities of equity - accounted investees: UK evidence, Acounting and Business Research, 37(4), 267-284.
- Petree, T. R., Gregory, G. J., & Vitray, R. J. (1995). Evaluating deferred tax assets. Journal of Accountancy, 179(3), 71-77.
- Sansing, R. (1998). Valuing the deferred tax liability. Journal of Accounting Research, 36(2), 357-364.
- Tanya Y.H. Tang, Michael Firth (2011), Earnings Persistence and Stock Market Reactions to the Different Information in Book-Tax Differences: Evidence from China, The International Journal of Accounting, 47, 36-397.
- Vũ Thị Phương Thảo (2011), Hoàn thiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
IDENTIFYING TEMPORARY DIFFERENCES
LEADING TO DEFERRED INCOME TAX
• Ph.D NGUYEN THI HONG HANH
Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
Accounting for deferred corporate income tax is a structure of accounting operations focused on tax payments in accordance with tax policies and accounting regulations. This paper presents accounting methods to identify temporary differences in order to help accountants better do taxes accounting for their enteprises.
Keywords: Accounting for deferred income tax, temporary difference, deferred tax assets, deferred tax liability.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020]