Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương thường xuyên nghiên cứu, xây dựng và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển cơ khí chế tạo, sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm, cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Có thể kể là Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.
Quyết định 319 xác định quan điểm phát triển ngành cơ khí Việt Nam trên cơ sở phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; với trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu khu vực ngoài nhà nước; trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh toàn cầu là động lực phát triển.
Đồng thời, khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế trong quá trình hội nhập; gắn kết sản xuất cơ khí với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới. Chú trọng phát triển một số chuyên ngành, lĩnh vực cơ khí lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia.
Trước đó là Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó xác định công nghiệp hỗ trợ cho cơ khí chế tạo là một trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển, được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cao nhất của Nhà nước.
Đối với cơ khí phục vụ nông nghiệp, trên cơ sở Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-BCT ngày 29 tháng 01 năm 2019 ban hành Danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam, trong đó trọng tâm là tạo cơ chế ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước đối với các dự án đầu tư lớn có sử dụng nguồn vốn đầu tư từ nhà nước.
Từ tác động tích cực của các chính sách trong thời gian trước cũng như trong thời gian gần đây, ngành cơ khí chế tạo Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu.
Tính đến hết nay, có khoảng hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo, tạo việc làm cho gần 16% tổng số lao động trong ngành chế biến chế tạo.
Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai - Quảng Nam...).
Bên cạnh đó, ngành cơ khí cũng đã hình thành một số doanh nghiệp lớn có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực, cũng như một số doanh nghiệp dù mới được thành lập nhưng rất có triển vọng trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí nông nghiệp.
Một số phân ngành cơ khí đã chế tạo được các sản phẩm chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn khu vực, thậm chí có thể đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, và ô tô và phụ tùng ô tô.
Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ doanh nghiệp FDI với vai trò của công nghiệp hỗ trợ. Tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Mặc dù vậy, phát triển ngành vẫn còn nhiều hạn chế. Các phân ngành cơ khí quan trọng như: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông – lâm – ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu thủy, thiết bị kỹ thuật điện - điện tử và cơ khí ô tô - cơ khí giao thông vận tải đạt kết quả thấp so với Chiến lược phát triển ngành cơ khí đã đề ra.
Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế đóng vai trò dẫn dắt ngành. Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm phần lớn phụ thuộc vào các hãng nước ngoài.