Phân công 4 bộ thực thi Hiệp định thương mại với Cuba

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định chỉ định 4 bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học & Công Nghệ, NN-PTNT là các cơ quan đầu mối để thực thi Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cu Ba.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Ricardo Cabrisas Ruiz đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel vào ngày 9/11/2018
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Ricardo Cabrisas Ruiz đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Diaz Canel vào ngày 9/11/2018

 

Trong đó, về cơ quan đầu mối thực thi các chương, Bộ Công Thương chủ trì thực thi Chương 1- Các điều khoản chung; Chương 3 - Quy tắc xuất xứ; Chương 5- Phòng vệ thương mại; Chương 6- Rút lại các ưu đãi đã được thống nhất; Chương 9 - Thương mại Dịch vụ; Chương 10- Hợp tác Kinh tế và Thương mại; Chương 11- Hành chính và Rà soát; Chương 12- Giải quyết tranh chấp; Chương 13- Ngoại lệ.

Bộ Công Thương (đối với các quy định chung và quản lý xuất nhập khẩu); Bộ Tài chính (đối với các nội dung về thuế quan) chủ trì thực thi Chương 2- Thương mại hàng hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng) chủ trì thực thi Chương 7 - Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật và Đánh giá sự phù hợp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Hợp tác Quốc tế và Văn phòng SPS) chủ trì thực thi Chương 8 - Các biện pháp vệ sinh và Kiểm dịch Động thực vật.

Trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định, trường hợp cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba, ký tại Hà Nội ngày 9 tháng 11 năm 2018, thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào năm 1996.

Hiệp định với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới được kỳ vọng sẽ từng bước nâng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa hai nước ngang tầm với quan hệ chính trị song phương tốt đẹp.

Với 14 chương, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại…

Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.

Để thực thi Hiệp định, ngày 3 tháng 4 năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đã đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020-2023.

Ngày 8 tháng 4 năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba.

Hiệp định đi vào thực thi góp phần tạo khuôn khổ pháp lý ổn định và thông thoáng, thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Hiệp định sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường của nhau, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Cuba lên tầm cao mới.

Hiệp định Thương mại Việt Nam-Cuba được xem là hiệp định đầu tiên của Cuba với một đối tác châu Á, cho thấy sự ưu tiên của Cuba đối với Việt Nam trong chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của đất nước mình.

Biên Hòa