Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền của doanh nghiệp

Đề tài Phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền của doanh nghiệp do Dương Thị Nhàn (Đại học Mỏ Địa chất) thực hiện.

TÓM TẮT:

Quản trị dòng tiền là điểm mấu chốt trong quản trị tài chính doanh nghiệp. Quản trị dòng tiền tốt giúp doanh nghiệp tránh được khả năng mất thanh khoản dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Đặc biệt trong quá trình quản trị dòng tiền, để quản trị tốt, doanh nghiệp cần nắm được những nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền. Bài viết đã tập trung phân tích rõ các nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền của doanh nghiệ. Kết quả phân tích chỉ ra 2 nhóm nhân tố khách quan và nhóm các nhân tố chủ quan có tác động tới quản trị dòng tiền.

Từ khóa: dòng tiền, quản trị dòng tiền, nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền.

1. Đặt vấn đề

Quản trị dòng tiền là quá trình bao gồm các hành động lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá và điều chỉnh dòng tiền trong doanh nghiệp để tối ưu hoá các nguồn lực sẵn có, đảm bảo tính thanh khoản trong hoạt động kinh doanh, góp phần đạt được mục tiêu kinh doanh đã xác định.

Quản trị dòng tiền giúp doanh nghiệp  chủ động nắm bắt được tình hình tài chính, cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài chính của DN. Đó là cơ sở để doanh nghiệp  xây dựng được kế hoạch phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh. Có thể nói, quản trị dòng tiền tốt sẽ giúp đảm bảo sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp, quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp có thể quản trị tốt dòng tiền trong doanh nghiệp của mình, đòi hỏi doanh nghiệp hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền, từ đó đưa ra các quyết định để quản trị dòng tiền hiệu quả.

2. Các nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền của doanh nghiệp

2.1. Nhóm các nhân tố chủ quan

2.1.1. Năng lực của đội ngũ quản trị tài chính

Với một đội ngũ nhân lực quản trị tài chính chất lượng sẽ làm tăng các nguồn lực khác của doanh nghiệp lên một cách nhanh chóng, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao, giá thành thấp, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nếu có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng bộ, giàu kinh nghiệm, trình độ cao, năng động, linh hoạt và hiểu biết,... sẽ đưa ra nhiều ý tưởng lớn, tầm chiến lược sáng phù hợp với thời kỳ hội nhập hiện nay. Tiết kiệm chi phí, tạo doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đặc biệt tạo được dòng tiền cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tránh tình trạng mất khả năng thanh toán dẫn tới phá sản doanh nghiệp.

1.1.2. Quy mô, cơ cấu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp

Quy mô, cơ cấu tổ chức hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn tới dòng tiền của doanh nghiệp. Nếu như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đơn lẻ, không nằm trong cơ cấu tổ chức của một tập đoàn, một tổng công ty thì việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn nếu khi đó là công ty con hoặc chi nhánh của một công ty mẹ.

Theo lý thuyết người đại diện Jensen và các cộng sự (1976) [3]: Mối quan hệ giữa các cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty với các nhà quản lý công ty (ban giám đốc) chính là mối quan hệ người đại diện. Theo đó, Nhà quản lý có thể đưa ra các quyết định nhằm mang lại lợi ích cho chính bản thân mình và có xu hướng quên đi lợi ích của cổ đông khi họ có thể đạt được mức lợi nhuận nào đó. Vì vậy, các báo cáo tài chính (BCTC) và báo cáo quản trị được sử dụng để giám sát tính hiệu quả của các nhà quản lý, còn nhà quản lý sử dụng các công bố này để chứng minh hành động của mình. Do vậy khi quy mô càng lớn, cơ cấu tổ chức càng phức tạp, có sự sở hữu của nhiều cổ đông thì số lượng cũng như chất lượng của các BCTC và báo cáo quản trị đặc biệt là các báo cáo về dòng tiền càng đòi hỏi cao.

1.1.3. Công tác kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp

Công tác kiểm soát trong hoạt động của doanh nghiệp vô cùng quan trọng, thông qua hoạt động này có thể phát hiện, ngăn chặn và chấn chỉnh những sai sót trong quá trình quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính của doanh nghiệp tập trung kiểm soát việc tổ chức chỉ đạo điều hành, sắp xếp tổ chức bộ máy chỉ đạo điều hành, việc thực hiện các quy định của Nhà nước, pháp luật và việc thực hiện các quy định quy chế của công ty. Đặc biệt, việc kiểm soát, đánh giá về hoạt động tài chính của doanh nghiệp ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Kiểm soát tính pháp lý của hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế, lưu trữ hồ sơ báo cáo tài chính hàng tháng, quý, 6 tháng, năm để giám sát ngăn ngừa các hoạt động bán hàng, mua hàng, xử lý nợ, tín dụng, thất thoát tài chính, thất thoát dòng tiền, có biện pháp khắc phục kịp thời đảm bảo hoạt động kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp.

1.1.4. Nguồn tài chính của doanh nghiệp

Nguồn tài chính của doanh nghiệp có biểu hiện đa dạng, có thể là ngân quỹ (tiền mặt dự trữ phục vụ hoạt động hàng ngày tại doanh nghiệp, tiền gửi tại các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác); Chứng khoán; tiền đầu tư ngắn hạn, dài hạn; Trang thiết bị, máy móc, vật tư, vật liệu và các phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Giá trị quyền sử dụng đất tại các địa điểm mà doanh nghiệp được Nhà nước quyết định giao quyền sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp… Nói cách khác, nguồn tài chính luôn tồn tại dưới dạng hữu hình (bao gồm nguồn tài chính hiện hữu, nguồn tài chính tiềm năng) và nguồn tài chính vô hình.

Việc tăng hoặc giữ ổn định tài chính của doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp tồn tại, phát triển trong môi trường kinh tế cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Các doanh nghiệp cần phải giữ vững dòng tiền duy trì doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp. Dòng tiền của doanh nghiệp phụ thuộc vào các nguồn khác nhau của doanh nghiệp. Dòng tiền của doanh nghiệp đặc biệt là dòng tiền tự do sẽ ảnh hưởng tới các quyết định của các nhà quản trị doanh nghiệp. Theo Lý thuyết về dòng tiền tự do của Jensen (1986)[3], khi doanh nghiệp có dòng tiền tự do nhiều, doanh nghiệp có xu hướng đầu tư vào các dự án có hiệu quả kinh doanh thấp. Vì vậy, vấn đề quản trị dòng tiền ở những doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn và cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, để quản lý tốt nguồn tài chính doanh nghiệp cần quản lý tốt không những nguồn tài chính hiện hữu mà còn cần quản lý tốt nguồn tài chính tiềm tàng chứa đựng trong hàng tồn kho, tài sản cố định, các khoản phải thu…

Xử lý tồn đọng Hàng tồn kho là hàng hóa hoặc nguồn cung cấp dự trữ mà doanh nghiệp luôn có sẵn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong quá trình hoạt động, dịch vụ. Một lượng hàng tồn kho quá mức gây ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp khi đã dồn hết tiền vào hàng tồn kho.

Xử lý nợ, đặc biệt các khoản nợ từ tín dụng thương mại cũng ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Chính sách tín dụng, đặc biệt là thời hạn mà doanh nghiệp cho khách hàng nợ ảnh hưởng đến việc căn thời gian dòng tiền vào của doanh nghiệp. Chiết khấu thương mại là một cách doanh nghiệp có thể cải thiện dòng tiền của mình.

Khoản mục phải trả khách hàng là số tiền mà doanh nghiệp nợ các nhà cung cấp trong ngắn hạn (có nghĩa là thời gian từ 30 đến 90 ngày). Nếu không có khoản phải trả và tín dụng thương mại, doanh nghiệp phải trả tiền cho tất cả hàng hóa và dịch vụ tại thời điểm mà doanh nghiệp mua. Để quản lý dòng tiền tối ưu, doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra lịch thanh toán của mình.

1.1.5. Công tác dự báo rủi ro, dự báo kinh tế

Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, doanh nghiệp cần có bộ phận tài chính để doanh nghiệp theo dõi và tham gia vào thị trường tài chính, từ đó điều chỉnh cân đối tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp. Đồng thời cũng điều chỉnh cơ cấu nợ của các doanh nghiệp theo hướng sử dụng nguồn vốn tạm thời, nguồn vốn có chi phí thấp đầu tư cho tài sản ngắn hạn, và dùng nguồn vốn thường xuyên có chi phí cao hơn đầu tư cho tài sản dài hạn của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có hệ thống cảnh báo và phòng ngừa rủi ro, dự báo kinh tế đưa ra các thông tin cảnh báo mang tính vĩ mô đến xu hướng phát triển tiếp theo của các ngành các lĩnh vực. Đối với các doanh nghiệp cụ thể thì việc có thể đưa ra thông tin cảnh báo và phòng ngừa rủi ro chủ yếu qua theo dõi, giám sát tình hình tài chính của đất nước, theo dõi lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái. Quản lý tài chính phải luôn dự báo các rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tín dụng để có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, các căn cứ để đưa ra thông tin cảnh báo và phòng ngừa rủi ro thông thường dựa vào các biến động, thay đổi bất thường của nền kinh tế mà ảnh hưởng đến giá cả, lãi suất ngân hàng để từ đó điều chỉnh kinh doanh, bán hàng, giá cả.

Doanh nghiệp dự báo rủi ro, dự báo kinh tế sẽ tính được dòng tiền quay về doanh nghiệp, phòng ngừa doanh thu sụt giảm, điều chỉnh kinh doanh, xử lý hàng tồn, điều chỉnh giá mua, bán, xử lý tín dụng ngân hàng.

1.1.6. Công nghệ sử dụng quản trị dòng tiền

a) Kỹ thuật dự báo dòng tiền

Hiện nay, các doanh nghiệp đang sử dụng các kỹ thuật khác nhau để quản trị dòng tiền của mình. Mục tiêu của quản trị dòng tiền hướng tới là tối đa hóa thanh khoản và kiểm soát dòng tiền, đồng thời tối đa hóa giá trị của ngân quỹ và tối thiểu hóa chi phí để duy trì mức ngân quỹ đảm bảo khả năng thanh khoản đó [1].

Các tác giả sử dụng kỹ thuật quản trị dòng tiền để quản trị dòng tiền vào và dòng tiền ra theo các cách khác nhau, chẳng hạn: tăng cường dòng tiền vào và kiểm soát dòng tiền ra (Prinches, 1997) [4]; tăng cường dự báo dòng tiền, đồng bộ hóa dòng tiền vào, dòng tiền ra và sử dụng dòng tiền đang chuyển, đẩy mạnh thu hồi nợ và sử dụng ngay quỹ cần thiết và kiểm soát chi tiêu (Brigham, 2004) [2]; dự báo dòng tiền, đẩy nhanh khoản phải thu và chậm lại những khoản chi tiêu, hiệu quả đầu tư tiền thặng dư, tài trợ vốn hiệu quả cho những khoản thiếu hụt…

b) Thông tin sử dụng để dự báo dòng tiền khi quản trị dòng tiền

Các chuyên gia thực hiện dự báo dòng tiền tương lai dựa trên các thông tin thu thập được trên các BCTC của công ty. Dù phương pháp dự báo có phức tạp đến mấy nhưng BCTC có dấu hiệu gian lận thì mô hình dự báo vẫn đưa ra kết quả dự báo sai. Nhiều nghiên cứu cho rằng, BCTC của các doanh nghiệp đang lâm vào khủng hoảng thường có rủi ro gian lận cao hơn BCTC của doanh nghiệp đang hoạt động bình thường. Khi người sử dụng thông tin kế toán cho rằng BCTC có dấu hiệu gian lận, BCTC đó sẽ không được sử dụng trong quá trình phân tích để dự báo tương lai. Các nhà nghiên cứu được khuyến nghị trong tương lai cần phải tính đến yếu tố gian lận trên BCTC khi xây dựng mô hình dự báo và nên tìm ra các nhân tố dự báo ít bị tác động bởi hành vi gian lận để làm tăng chất lượng dự báo.

1.2. Nhóm các nhân tố khách quan

1.2.1. Chính sách kinh tế của nhà nước

Các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ, ngân hàng có tác động rất mạnh mẽ tới quản trị dòng tiền trong doanh nghiệp. Dựa vào tình hình nền kinh tế và mức độ lạm phát, Ngân hàng nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ, đặc biệt là sử dụng yếu tố lãi suất để hút tiền hoặc bơm tiền vào trong lưu thông. Chính sách này làm thay đổi lãi suất tín dụng, do đó làm ảnh hưởng tới chi phí tiếp cận nguồn vốn cũng như chi phí cơ hội của việc giữ tiền của doanh nghiệp. Do đó sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền vào cũng như mức ngân quỹ tối ưu của doanh nghiệp. Đồng thời ảnh hưởng tới dòng tiền ra của doanh nghiệp do doanh nghiệp phải điều chỉnh dòng tiền ra khi dòng tiền vào thay đổi. Vì vậy đây là một nhân tố có tác động mạnh mẽ tới quản trị dòng tiền của doanh nghiệp.

1.2.2. Đối tác đầu tư (Nhà đầu tư)

Sự quan tâm của đối tác đầu tư về thông tin dòng tiền là nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến quản trị dòng tiền, đặc biệt làm gia tăng dự báo các dòng tiền. Điều này tuân theo Lý thuyết người đại diện Jensen và các cộng sự (1976) [3]. Khi này, các nhà đầu tư không tham gia quản lý công ty, có xu hướng cần có những báo cáo để xem xét tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh của các Công ty.

Thêm vào đó theo Lý thuyết Thông tin bất cân xứng, trong công ty, thông tin bất cân xứng xảy ra giữa các cổ đông- chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư với nhà quản lý. Các cổ đông và nhà đầu tư không thể có thông tin chính xác và toàn diện về tình hình tài chính của công ty như người quản lý. Khi này nhà quản lý có thể đưa ra những thông tin thiếu tính thời sự, kịp thời tới nhà đầu tư, hoặc các thông tin có lợi cho nhà quản lý mà bất lợi đến nhà đầu tư. Do đó để hạn chế điều này các nhà quản lý cũng có xu hướng đưa ra các báo cáo về tình hình tài chính nhiều hơn nữa.

1.2.3. Khách hàng (người mua)

Khách hàng hay người mua hàng tác động đến doanh nghiệp thể hiện mối tương quan về thế lực nếu nghiêng về phía nào thì phía đó có lợi. Các doanh nghiệp cần làm chủ mối tương quan này, thiết lập được mối quan hệ với khách hàng để giữ khách hàng (thông qua số lượng, chất lượng, giá cả, điều kiện giao nhận và dịch vụ sau bán hàng). Khách hàng có ưu thế là có thể làm cho lợi nhuận của ngành hàng giảm bằng cách ép giá xuống, yêu cầu chất lượng cao hơn hoặc đòi hỏi phải gia tăng dịch vụ nhiều hơn.

3. Kết luận

Nghiên cứu chỉ ra có 2 nhóm tác động tới quản trị dòng tiền là nhóm nhân tố khách quan và nhóm các nhân tố chủ quan. Nhóm nhân tố khách quan gồm nhân tố về quy mô, cơ cấu tổ chức, quản trị con người (năng lực, chất lượng, kỹ năng trình độ, kinh nghiệm), nguồn tài chính… Bên cạnh đó nhóm các nhân tố chủ quan bao gồm chính sách kinh tế của Nhà nước, nhà đầu tư, khách hàng của doanh nghiệp.

Để doanh nghiệp có thể quản trị tốt dòng tiền trong doanh nghiệp của mình, đòi hỏi doanh nghiệp hiểu rõ những nhân tố ảnh hưởng tới quản trị dòng tiền, từ đó đưa ra các giải pháp quản trị dòng tiền hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đỗ Hồng Nhung (2014), Quản trị dòng tiền của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam, Luận án tiến sỹ, Đại học KTQD, Hà Nội.
  2. Brigham E.F., Daves P.R. (2004), Intermediate Financial Management, Mason: Thomson South - Western.
  3. Jensen, M.C, Meckling, W. H (1976), "Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure", Journal of Financial Economics, 3.
  4. Prinches G. E (1997), "Essentials of financial management", Addison- Wesley Educational Publishers, London, 4th edition.

Analysis of Factors Affecting Corporate Cash Flow Management

MSC. DUONG THI NHAN

Hanoi University of Mining and Geology

Abstract: Cash flow management is a crucial aspect of corporate financial management. Effective cash flow management helps businesses avoid liquidity problems that can lead to bankruptcy. Particularly, to manage cash flow effectively, businesses need to understand the factors influencing cash flow management. This article focuses on analyzing the factors affecting corporate cash flow management. The analysis results identify two groups of factors: objective factors and subjective factors, which impact cash flow management.

Keywords: cash flow, cash flow management, factors affecting cash flow management.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 15 tháng 6 năm 2024]

Tạp chí Công Thương