TÓM TẮT:
Năm 2020 ghi nhận một dấu mốc lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới. Lần đầu tiên, giá hợp đồng dầu kỳ giao tháng 5 tại Mỹ giảm sâu xuống dưới 0 USD và kết thúc ở mức giá âm 37,63 USD/thùng vào ngày đáo hạn 21/4/2020. Thị trường dầu mỏ thế giới thực sự rơi vào khủng hoảng với những tác động lớn từ đại dịch toàn cầu và lựa chọn chiến lược của các chủ thể thị trường như OPEC, Nga, hay Mỹ. Bài viết tập trung phân tích làm rõ bản chất của “giá dầu âm” và cuộc khủng hoảng dầu mỏ thế giới năm 2020, đồng thời đưa ra những khuyến nghị để ngành Dầu khí Việt Nam có những đối sách phù hợp trong giai đoạn khó khăn này.
Từ khóa: Giá dầu, thị trường dầu mỏ thế giới, ngành Dầu khí Việt Nam.
1. Giá dầu âm: Sự tương tác của thị trường tương lai và thị trường vật lý về dầu mỏ
Ngày 21/4/2020 đã đi vào lịch sử của ngành dầu mỏ thế giới khi lần đầu tiên các giao dịch về dầu mỏ diễn ra ở mức giá âm, tức là người bán phải trả thêm tiền để người mua các hợp đồng này giải phóng các thùng dầu kỳ giao tháng 5. Đây là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ nói riêng và của thế giới nói chung bởi từ khi ra đời vào năm 1983, giao dịch dầu WTI chưa bao giờ xuống dưới 10$/thùng. Đầu năm 2020, dầu thô ở New York còn giao dịch ở mức 60$/thùng, trước đó 3 ngày (17 tháng 4) ở mức 18,27$ hay các phiên giao dịch của những ngày sau đó đối với các hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6 (Hình 1). Tuy vậy, hiện tượng giá dầu âm cần được giải thích một cách thỏa đáng cho dù chỉ diễn ra ở 1 phiên giao dịch trên thị trường các hợp đồng tương lai ở Mỹ, nhưng phản ánh bản chất thực của thị trường dầu mỏ quốc tế giai đoạn này.
Trước hết, cần xác định rõ mức giá -37,63 USD/thùng là kết quả của 1 phiên giao dịch các hợp đồng dầu tương lai mà kỳ giao của nó là tháng 5 chứ không phải là giá giao ngay trên các thị trường vật lý. Có thể thấy rõ điều này cũng là các hợp đồng dầu tương lai kỳ giao tháng 6 mức giá vẫn từ 17-20 $/thùng ở cùng thời điểm giao dịch để thấy được sự khác nhau của giao dịch dầu mỏ vật lý và giao dịch phái sinh. Thậm chí như minh họa của Hình 1, hiện tượng giá dầu âm chỉ diễn ra trên thị trường hợp đồng tương lai ở Mỹ chứ không có mức giá dầu âm tại thị trường Brent. Vậy, đâu là bản chất và nguyên nhân của hiện tượng trên?
Có thể xem kết quả của “giá dầu âm” như một tai nạn của các nhà đầu cơ trong lĩnh vực này. Thực tế với thị trường tương lai về dầu mỏ nhưng giao dịch ngày nay không còn đơn thuần là để hạn chế các rủi ro trên thị trường dầu mỏ vật chất khi giá dầu thô giao ngay biến động mạnh mà đã trở thành các giao dịch mang bản chất tài chính nhiều hơn. Trên thị trường tương lai, quá trình mua đi bán lại các hợp đồng này diễn ra liên tục ở các phiên giao dịch và thông thường cho tới thời điểm hạn đáo hạn thì được chốt giao dịch xung quanh mức giá trên thị trường vật lý. Tuy vậy những gì diễn ra cho thấy với các hợp đồng mà kỳ giao dịch tháng 5 sẽ đáo hạn vào ngày 21/4 và vào thời điểm đáo hạn đã không có người mua các hợp đồng này để thực hiện giao dịch vật lý ở tháng 5. Điều này khiến các nhà đầu cơ buộc phải giảm giả liên tục và thậm chí mức giá vượt qua mức 0$/thùng hàm ý họ buộc phải trả thêm tiền cho người mua để những người mua này chấp nhận giải phóng các thùng dầu tương lai có kỳ hạn giao vào tháng 5/2020 trên thị trường Mỹ.
Hiện tượng giá dầu âm là của 1 phiên giao dịch ngày đáo hạn người bán phải trả cho người mua thêm tiền để họ giải phóng các thùng dầu kỳ hạn giao tháng 5 phản ánh sự tương tác rất rõ ràng giữa hoạt động của thị trường phái sinh về dầu mỏ và thị trường vật chất về dầu mỏ. Ngoài tính kỳ hạn (buộc phải kết thúc giao dịch vào ngày đáo hạn) thì việc không ai mua các “thùng dầu tương lai” cho dù giá giảm liên tục và vượt qua cả mốc 0 USD/thùng phản ánh sự dư thừa lượng cung, dư thừa đến mức không một người mua nào còn năng lực dự trữ nữa để mua thêm những thùng dầu được giao vào tháng 5 ngay cả khi cho không. Giá dầu âm là kết quả của 1 phiên giao dịch các hợp đồng tương lai nhưng thực tế khủng hoảng thừa của thị trường dầu mỏ đã diễn ra và những giao dịch vật lý giá cũng đã giảm rất sâu ở mức chỉ 18$/thùng - mức giá có thể xem là chiến tranh giá nếu quan sát lịch sử phát triển của thị trường dầu mỏ quốc tế và biến động về giá dầu.
2. Khủng hoảng thừa về dầu mỏ- Chiến tranh giá: trạng thái mất cân bằng Strakelberg và sự suy giảm lượng cầu do đại địch Covid 19
Như vậy, “tai nạn giá dầu âm” có nguồn gốc từ khủng hoảng dầu mỏ diễn ra trên thị trường vật lý. Khủng hoảng thừa về dầu mỏ và chiến tranh giá là kết quả của áp lực cung cầu về dầu mỏ trong ngắn hạn. Sự vận động hết sức bất lợi cho giá cả đến cả từ hai phía cung và cầu về dầu mỏ. Về phía cung, sự dư thừa được đặc trưng bởi trạng thái mất cân bằng Strakelberg còn về phía cầu đó là sự suy giảm tức thời và hết sức mạnh mẽ có nguyên nhân từ đại dịch Covid 19 toàn cầu.
Trước hết, các diễn biến phía lượng cung được được xem như kết quả của trạng thái mất cân bằng Strakelberg. Về phương diện kinh tế học mô hình Stackelberg, nghiên cứu thị trường độc quyền nhóm với một số ít các nhà sản xuất có quyền lực thị trường và thực hiện hành vi không liên kết. Các hãng ra quyết định về sản lượng một cách đồng thời. Mô hình Stackelberg sẽ phân tích cân bằng thị trường được đặc trưng bởi một hãng được xem là có ưu thế và giữ vai trò dẫn dắt “leader”. Vì thế, hãng này sẽ ra quyết định về sản lượng trước, trên cơ sở đó các hãng khác sẽ ra quyết định sau (follower). Như vậy, trong mô hình strackelberg, lợi thế người đi trước hay người ra quyết định trước (leader) bao giờ cũng có lợi hơn so với các hãng đi sau. Vì thế, vai trò của người đi trước được các nhà độc quyền nhóm quan tâm.
Trong bối cảnh như vậy, trạng thái cân bằng sẽ xảy ra khi vai trò leader được thừa nhận, tức là hãng ưu thế sẽ ra quyết định trước và hãng còn lại căn cứ theo quyết định của hãng leader đưa ra quyết định của mình phù hợp. Lợi ích của các hãng tuy có khác nhau, nhưng trạng thái cân bằng của thị trường sẽ không gây ra tổn hại cho các nhà độc quyền nhóm. Ngược lại, nếu vai trò leader là sự cạnh tranh giữa các nhà độc quyền nhóm, tức là họ đều muốn giành lợi thế của người đi trước và các quyết định được đưa ra hoàn toàn không cân nhắc đến quyết định của đối thủ sẽ dẫn thị trường tới trạng thái dư thừa. Giá trên thị trường vì thế sẽ giảm xuống và trạng thái đó là trạng thái mất cân bằng Strakelberg. (Hình 2)
Hình 2 biểu thị các trạng thái của thị trường độc quyền nhóm. Điểm E tương ứng với cân bằng Cournot khi các nhà sản xuất đưa ra quyết định của mình trên cơ sở xem xét dự báo quyết định của nhà sản xuất khác khi đó sản lượng của leader là q*2 và của hãng còn lại là q*1. Tuy vậy, khi leader chiếm ưu thế họ sẽ ra quyết định trước và sản lượng của họ sẽ tăng q**2 đồng thời hãng còn lại sẽ phải giảm sản lượng xuống mức q**1 (điểm F). Tuy vậy, nếu hãng còn lại nghĩ mình chiếm ưu thế thì sản lượng họ ra quyết định sẽ tăng từ q*1 lên q***3 đồng thời yêu cầu nhà sản xuất leader giảm sản lượng xuống mức q***2 (điểm F’). Do đó, nếu cả 2 hãng cạnh tranh vai trò leader và đều ra quyết định trước và nghĩ đối thủ sẽ làm theo thì sản lượng của họ sẽ là q**2 và q***1 (tương ứng với H trên hình 2). Trạng thái H là trạng thái mất cân bằng Strakelberg và thị trường sẽ dư thừa làm cho giá cả sẽ giảm sâu thậm chí ở mức chiến tranh giá khi lượng dư thừa lượng cung là quá lớn. Sự tương tác giữa các nhà sản xuất lớn trên thị trường dầu mỏ quốc tế giai đoạn tháng 3 năm 2020 là minh họa rõ nét nhất trạng thái mất cân bằng Stackelberg. Đây cũng là phân tích của rất nhiều nghiên cứu quốc tế về giá dầu giai đoạn hiện nay.
Với hiện trạng hiện nay, thị trường dầu mỏ quốc tế chịu tác động rất lớn từ các chủ thể chính là OPEC, Nga và Mỹ, Mexico trong đó Ả rập Xê út là đầu tàu của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Khi chớm vào đại dịch Covid 19 ở Trung Quốc, lượng cầu giảm làm cho giá dầu bắt đầu giảm xuống (Hình 3). Tháng 3/2020, các nước OPEC dẫn đầu bởi Ả rập Xê út đã cắt giảm sản lượng đồng thời đề xuất tiếp tục cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày nhằm ngăn chặn đà đi xuống của giá dầu. Hành động của “người đi trước này” đã không được các “follower” làm theo. Nga và các nước khác trong OPEC+ đã bác bỏ đề xuất này.
Điều này đã châm ngòi cho cuộc chiến giữa 2 cường quốc sản xuất dầu, việc cắt giảm sản lượng trước đây đã kết thúc vào ngày 31/3. Ả rập Xê út đã chủ động nổ phát súng khơi mào cuộc chiến dầu thô với Nga bằng tuyên bố tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày (tương ứng với sản lượng q**2) và đương nhiên phản ứng của Nga cũng là phản ứng không hợp tác họ cũng tuyên bố sẽ khai thác hết công suất để gia tăng sản lượng bán trên thị trường (tương ứng với sản lượng q***1). Với Mỹ từ tháng 2/2020, sản lượng dầu của Mỹ đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay, với 13,2 triệu thùng/ngày. Trạng thái mất cân bằng Strackelberg của thị trường (điểm H) đã đẩy sản lượng cung tăng cao. Sự dư thừa lượng cung về dầu mỏ là nguyên nhân đầu tiên đẩy giá dầu xuống thấp ở mức kỷ lục ngay sau đó.
Về phía lượng cầu, khi phát động chiến lược không hợp tác để tranh giành thị phần, chắc chắn cả Nga, OPEC và thậm chí cả Mỹ cũng không tính hết được mức độ lây lan nhanh chóng của bệnh dịch toàn cầu với ảnh hưởng tức thời và mạnh mẽ của nó tới lượng cầu về dầu mỏ. Từ Trung Quốc, sang châu Âu, sang Mỹ, hàng loạt các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội được thực thi. Nền kinh tế thế giới bị tê liệt dẫn đến sự sụp đổ quá nhanh của nhu cầu dầu mỏ ở quy mô toàn cầu và sự sụt giảm này lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Theo tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA ) và của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu tiêu dùng trong tháng 3 và tháng 4 giảm ở mức kỷ lục và là mức thấp nhất ghi nhận được trong 25 năm qua. Mức sụt giảm có thể lên đến 20 triệu thùng/ngày (theo dự báo của OPEC) hoặc nhiều hơn 25 triệu thùng/ngày (theo dự báo của IEA), tương đương với khoảng 25% - 30% tổng cầu của thế giới. (Hình 3)
Như vậy, thị trường đồng thời chịu hai tác động: Lượng cầu giảm mạnh đột ngột và lượng cung dư thừa quá lớn từ các chiến lược tranh giành thị phần dẫn tới trạng thái mất cân bằng Strackelberg.Giá dầu trong ngắn hạn là kết quả cân bằng tức thời của lượng cung và lượng cầu đều mang một đặc điểm là rất ít co giãn so với sự thay đổi về giá, vì vậy những điều chỉnh nhỏ mang tính tức thời cũng có thể đẩy giá dầu dao động mạnh. Mức giá như “chiến tranh giá” ở thời điểm thang 4 năm 2020 ($18/thùng) là kết quả đồng thời của sự vận động từ cả 2 phía cung và cầu: đường cung dịch chuyển mạnh sang phải trong khi đường cầu dịch chuyển mạnh sang trái dẫn tới sự giảm giá sâu về mức chiến tranh giá (Hình 4)
Sự dư thừa vật lý lớn đến mức hầu như các kho dự trự đều đã hết công suất và rất khó tăng công suất tiếp nhận ngay tức thì. Ngay cả Trung Quốc - quốc gia đưa ra chiến lược tích trữ dầu mỏ giá rẻ để phát triểncũng không thể hấp thụ hết lượng cung quá dư thừa từ các chiến lược phi hợp tác trước đó. Đây là những lý do chính dẫn đến kết quả phiên giao dịch trong ngày cuối cùng của hợp đồng giao tháng 5/2020 bị đáo hạn là không một ai có khả năng tiếp nhận thêm các thùng dầu giao vào kỳ tháng 5 ngay cả khi giá xuống tới mức 0 đồng và sau đó lập cột mốc đầu tiên trong lịch sử là giá dầu âm. Có thể thấy trong ngắn hạn, giá dầu mỏ quá nhạy cảm từ áp lực cung cầu đều rất ít co giãn so với sự thay đổi về giá. Đồng thời với đó là những tương tác diễn ra giữa 2 thị trường: thị trường vật lý và thị trường tương lai về dầu mỏ.
3. Dự báo diễn biến giá dầu mỏ quốc tế trong ngắn hạn
Thực tế ngay sau khi gia tăng sản lượng cả Nga và Ả rập xê út gặp phải sự sụt giảm quá lớn của lượng cầu và kết quả là sự chiến tranh giá dầu đã xảy ra, OPEC và các quốc gia khác trong liên minh dầu mỏ đã bắt buộc phải đưa ra thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở mức 9,7 triệu thùng/ngày vào 9 tháng 4 năm 2020 bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6. Cân bằng Strackelberg được thiết lập trở lại nhưng điều đó cũng cho thấy sự không ổn định của cân bằng này. Nỗ lực này của OPEC và Nga thiếu chút nữa đã không thành khi Mexico và một số quốc gia khác phải đến những giây phút cuối cùng của cuộc họp OPEC+ mới đồng ý cắt giảm sản lượng. Động thái này phát đi những tín hiệu tích cực của những giao dịch dầu mỏ, tuy nhiên thỏa thuận đó là chưa đủ để đẩy giá dầu quay trở lại so phía lượng cầu suy giảm lớn (IEA dự báo lượng cầu tháng 5 vẫn giảm khoảng 25%) và giá dầu ở giai đoạn quý 2 và quý 3 vẫn ở kịch bản giá dầu thấp (trên dưới 40USD/thùng).
Vì vậy, giai đoạn cuối năm 2020 và 2021, thị trường dầu mỏ nhiều khả năng vẫn ở trạng thái dự cung và kịch bản giá dầu thấp có thể kéo dài. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 cũng như mức độ chấp hành các cam kết cắt giảm sản lượng mà Nga và Ả rập Xê út đã đưa ra. Thực tế cho thấy các dự báo không lạc quan về thị trường dầu mỏ cho giai đoạn trước mắt là rất có căn cứ. Trước hết, về phía lượng cầu, bệnh dịch còn tiếp tục kéo dài và không thể dự báo ở các khu vực kinh tế lớn của thế giới từ Mỹ, châu Âu hay châu Á. Mức độ lây lan của làn sóng thứ 2, thậm chí thứ 3 vẫn rất lớn làm cho dòng chảy kinh tế thế giới thưa thể quay trở lại.
Các lĩnh vực liên quan sử dụng dầu mỏ đặc biệt ngành giao thông vẫn còn tê liệt dẫn tới việc sự trở lại của lượng cầu về dầu mỏ là rất khó khăn. Theo chúng tôi đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc giá dầu giai đoạn tới vẫn ở mức thấp. Về phía lượng cung, các hợp tác cắt giảm sản lượng đến thời điểm này vẫn tiếp tục được thực hiện nhưng cũng không có gì đảm bảo khi các quốc gia phụ thuộc lớn về dầu mỏ chịu đồng thời hai tác động: sản lượng bán thấp và giá bán thấp. Còn nếu thỏa thuận bị phá vỡ - tương ứng là trạng thái phi cân bằng Stackelberg như đã quan sát vào tháng 4/2020 thì chắc chắn giá dầu quốc tế thời gian tới dao động ở mức rất thấp và sẽ còn kéo dài.
4. Tác động của thị trường dầu mỏ quốc tế tới Việt Nam và một số khuyến nghị
Các diễn biến trên thị trường dầu mỏ quốc tế như chúng tôi vừa phân tích chắc chắn ảnh hưởng lớn tới thị trường xăng dầu trong nước do tính quốc tế của thương mại dầu mỏ. Ngành dầu khí Việt Nam khá đặc thù với các doanh nghiệp ở mọi khâu trong chuỗi giá trị dầu khí: Khai thác và xuất khẩu dầu thô, lọc hóa dầu và kinh doanh thương mại các sản phẩm xăng dầu. Do đó, mức độ ảnh hưởng rất khác nhau với từng đơn vị tham gia trong chuỗi giá trị này. Trước hết với các đơn vị khai thác xuất khẩu dầu thô, chắc chắn tác động tiêu cực của chiến tranh giá quốc tế đến các doanh nghiệp này là rất lớn. Doanh thu của các đơn vị này sụt giảm nghiêm trọng khi bán dầu theo giá quốc tế ở mức chiến tranh giá, đồng thời sản lượng giao dịch cũng bị giảm theo.
Theo tính toán định lượng sơ bộ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), dự kiến cả năm 2020, Tập đoàn khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô và nếu giá dầu trung bình năm ở mức 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỉ USD, nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD. Như vậy, nếu mức giá tiếp tục duy trì ở mức thấp như hiện nay (~20$/thùng) tức là mức trung bình năm không đạt 30$/thùng thì thiệt hại về doanh thu của PVN và mức giảm nộp ngân sách còn lớn hơn nữa. Đặc biệt, chi phí dầu khai thác của Việt Nam hiện còn cao dẫn tới thiệt hại càng lớn.
Với các đơn vị lọc hóa dầu, khó khăn nằm chủ yếu ở các phương diện liên quan đến tồn kho dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ cũng như giảm giá các sản phẩm xăng dầu. Những hợp đồng dầu thô ở giai đoạn đầu năm còn ở mức 60$/thùng được giao dịch cho hoạt động lọc dầu nhưng giá dầu xuống thấp kéo theo giá các sản phẩm xăng dầu cũng xuống thấp. Hiệu ứng độ trễ làm cho hoạt động lọc bị thua lỗ nặng khi mua đầu vào với giá cao và bán thành phẩm với giá thấp. Theo báo cáo hết quý I/2020 của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, 3 tháng đầu năm công ty bị lỗ 2.300 tỉ đồng là kết quả đồng thời của 3 hiệu ứng mua đầu vào giá cao, bán sản phẩm xăng dầu giá thấp tồn kho dầu thô và sản phẩm xăng dầu tăng cao do tiêu thụ sản phẩm bị giảm mạnh.
Với các đơn vị nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm xăng dầu, đến thời điểm này các sản phẩm xăng dầu vẫn là mặt hàng chiến lược và được quản lý bởi nhà nước, giá nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu là đầu vào trong cơ chế xác định mức giá bán các sản phẩm xăng dầu. Chắc chắn giá quốc tế giảm sâu thì giá trong nước cũng sẽ phải giảm sâu theo các chu kỳ điều chỉnh. Thời điểm hiện tại tháng 10/2020, giá xăng trong nước cũng chỉ ở mức 15.000 đồng/lít và được hiệu chỉnh theo những biến động của giá trên thị trường quốc tế. Với những đơn vị hoạt động thương mại kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng lớn nhất của họ đến từ việc sụt giảm của lượng cầu trong nước dẫn tới sản lượng bán giảm nghiêm trọng và doanh thu vì thế cũng giảm theo, đó là chưa kể mức tồn kho rất lớn. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.
Mặc dù giá dầu mỏ quốc tế giảm mạnh do trạng thái dư thừa của thị trường có tác động tiêu cực đến hoạt động các doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam, nhưng ở phương diện tiêu dùng và toàn bộ nền kinh tế, điều này lại mang lại nhiều điểm tích cực, thậm chí là cơ hội để cho nhiều lĩnh vực khác có thể bứt phá ngay sau khi đại dịch qua đi. Những ngành hưởng lợi đầu tiên phải kể đến ngành vận tải khi chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn. Đây là cơ hội để giảm chi phí, giá thành cung cấp sản phẩm dịch vụ vận tải, thông qua đó kích cầu nền kinh tế khi xã hội được cung cấp dịch vụ vận tải giá rẻ. Ngoài lĩnh vực vận tải, một số ngành khác cũng được hưởng lợi như sản xuất nhựa, nguyên liệu hạt nhựa nguyên sinh, phân bón, luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông và cả các nhà máy nhiệt điện chạy dầu v.v… những ngành này chi phí xăng dầu chiếm khoảng 20 - 30% chi phí đầu vào nên giá dầu giảm cũng là cơ hội lớn để hạ giá thành cung ứng và người tiêu dùng cuối cùng là người hưởng lợi. Như vậy, với tổng thể nền kinh tế, việc giá dầu giảm sâu à cơ hội để nhiều mặt hàng giảm giá thành, kích cầu nền kinh tế. Việc giảm giá trực tiếp các nhóm ngành hàng thiết yếu như điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng (xăng dầu có quyền số chiếm tỷ trọng 4% trong gói hàng hóa tính CPI), và gián tiếp đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm ăn uống v.v… (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI - 36,12%) sẽ cho phép giảm đi những áp lực lên CPI. Tức là có tác dụng quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát khi nền kinh tế bị ngừng trệ bởi dịch bệnh. Ngoài ra, việc giá dầu giảm cũng sẽ là yếu tố tích cực giúp chúng ta giảm nhập siêu cũng như giảm chi phí nhập khẩu, từ đó tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn.
Như vậy, bên cạnh những tác động tiêu cực, việc giảm giá dầu sâu cũng đồng thời mang lại các tác động tích cực cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp/tổ chức/người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm dầu mỏ nói riêng. Tuy vậy, nền kinh tế có tận dụng được cơ hội này và vượt qua được cú sốc “giảm” này hay không còn tùy thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế với việc giảm giá, phụ thuộc vào mức độ gia tăng của tổng cầu.
Một số khuyến nghị mang tính định hướng đối với các chủ thể của nền kinh tế Việt Nam:
Đối với các đơn vị khai thác và xuất khẩu dầu thô, ngoài những giải pháp cần thiết tiết giảm tối đa chi phí cần cân nhắc phương án tính toán đóng bớt mỏ có công suất yếu trong điều kiện kỹ thuật cho phép là cần thiết, như vậy vừa giữ được tài nguyên và vừa giảm bớt thiệt hại do giá dầu xuống sâu. Ngoài ra cũng cần xem xét đệ trình chính phủ điều chỉnh tỉ lệ trích nộp phù hợp.
Đối với các đơn vị lọc hóa dầu và kinh doanh xăng dầu, cần nghiên cứu các phương án để tăng năng lực tích trữ vì ở phạm vi quốc gia mua xăng dầu tích trữ ở thời điểm hiện nay là có lợi nếu năng lực kinh tế kỹ thuật cho phép. Khi kinh tế thế giới trở lại guồng quay bình thường, lượng cầu về dầu tăng trở lại chắc chắn giá dầu sẽ có nhiều cơ hội hồi phục hoặc không ở mức quá thấp như hiện nay, chúng ta sẽ có lượng dự trữ dầu giá thấp cho phát triển kinh tế.
Về chính sách điều hành giá xăng dầu của Nhà nước, mức giá áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế điều hành mà nhà nước thực thi. Trong điều kiện hiện nay, ưu tiên hàng đầu khi phát triển kinh tế trở lại là các chính sách kích cầu nền kinh tế. Theo quan điểm của tác giả, kịch bản giá dầu thấp là có căn cứ nên quá trình điều hành giá cần hạn chế việc trích lập quỹ bình ổn. Phát triển kinh tế giá dầu thấp, các sự tương tác diễn ra trong nền kinh tế theo hướng có lợi từ kích cầu, tăng trưởng đến kiểm soát lạm phát v.v…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bùi Xuân Hồi (2008), Thị trường dầu mỏ quốc tế - Các biến động về giá và vấn đề về an ninh trong cung cấp năng lượng, Tạp chí Kinh tế phát triển số 127, tháng 1 năm 2008.
2. BUI. X.H., (2015), Prix du pétrole entre 1973 et 2014: Une évolution cyclique à long terme, in Revue de l'Énergie, no 624, Avril 2015.
3. CROOPER J.C.B. (2003). Price Elasticity Of Demand For Crude Oil: Estimates For 23 Countries”, in OPEC Review, vol. XXVII, No 1, 2003.1.
4. MULDER N., TOOZE A. (2020), The Coronavirus Oil Shock Is Just Getting Started, in foreinpolicy, [online] Available at https://foreignpolicy.com/ [Accessed APRIL 23, 2020]
An analysis of the negative oil price and the global oil crisis in 2020, and recommendations for Vietnam
Eng.Nguyen Dinh Chien
National Load Dispatch Center, Vietnam Electricity
Nguyen Tien Tung
Viet Tiep Development Construction Investment Joint Stock Company
Postgraduate Student, Hanoi University of Science and Technology
ABSTRAC:
On April 21, 2020, the May futures for US crude oil plummeted to below $ 0 for the first time in history and ended the trading session at negative $ 37.63/barrel. The global oil market has been impacted severely by the Covid-19 pandemic and strategic choices of market players including the Organization of the Petroleum Exporting Countries (OPEC), Russia and the US. This paper is to clarify and analyze the nature of the “negative oil price” and the global oil crisis in 2020, thereby providing recommendations for the oil industry of Vietnam to have appropriate steps regarding this challenge.
Key word: Oil price, global oil market , Vietnam’s oil industry.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 9 năm 2020]