TÓM TẮT
Diêm nghiệp của Bạc Liêu ngày càng góp vai trò quan trọng hơn trong hoạt động kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, ngành Muối Bạc Liêu đã và đang trải qua nhiều khó khăn, như: muối thực khó tiêu thụ, các sản phẩm muối công nghiệp lại chưa đáp ứng được cho sản xuất hóa chất, thị trường bị thu hẹp và gián đoạn, hàng loạt diện tích sản xuất muối đã chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt với quy mô lớn… Vì vậy, trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích hiệu quả tài chính của diêm hộ sản xuất muối ở tỉnh Bạc Liêu, từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản để phát triển ngành hàng muối tỉnh Bạc Liêu phát triển bền vững.
Từ khóa: Hiệu quả tài chính, diêm hộ, sản xuất muối, tỉnh Bạc Liêu, ngành hàng muối.
1. Đặt vấn đề
Các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, bên cạnh việc nổi tiếng về hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, rừng ngập mặn,… thì hoạt động sản xuất muối cũng là hoạt động nổi bật và mang lại việc làm, nguồn thu lớn cho các nông hộ tại các tỉnh ven biển. Diêm nghiệp của Bạc Liêu ngày càng góp vai trò quan trọng hơn trong hoạt động kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Đến năm 2016, tổng diện tích sản xuất muối cả nước là 14.712ha (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2017), trong đó diện tích sản xuất muối tại Bạc Liêu là 2.310ha, chiếm 15,7% tổng diện tích sản xuất muối của cả nước; sản lượng muối thu hoạch tại Bạc Liêu năm 2016 là 165.000 tấn, đạt 12,4% tổng sản lượng muối cả nước. Diện tích sản xuất muối tại tỉnh Bạc Liêu chủ yếu tập trung ở huyện Đông Hải, chiếm trên 70% tổng diện tích cả tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, 2017).
Tuy nhiên, ngành muối Bạc Liêu đã và đang trải qua nhiều thăng trầm cả về diện tích và sản lượng. Phong trào nuôi tôm đã bộc phát mạnh mẽ ở khu ven biển. Trong khi đó muối thực phẩm của Bạc Liêu lại khó tiêu thụ, các sản phẩm muối công nghiệp lại chưa đáp ứng được cho sản xuất hóa chất, thị trường bị thu hẹp và gián đoạn, hàng loạt diện tích sản xuất muối đã chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản một cách ồ ạt với quy mô lớn.
Đầu ra của muối hàng hóa không ổn định, chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cần chế biến, nên phần lớn sản phẩm đưa ra ngoài tỉnh là sản phẩm thô, giá cả bấp bênh, vẫn còn lượng muối tồn hàng năm lớn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của diêm dân. Vì thế để phát triển ngành hàng muối tỉnh Bạc Liêu bền vững, chúng ta cần nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tài chính của diêm hộ sản xuất muối cho diêm hộ tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu thứ cấp: Nghiên cứu thu thập các số liệu thứ cấp liên quan đến diện tích, năng suất và sản lượng muối thông qua các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và những nghiên cứu có liên quan.
Dữ liệu sơ cấp: Số liệu sơ cấp được thu thập tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Phương pháp thu thập dữ liệu: phỏng vấn 80 hộ có sản xuất muối với phương pháp chọn mẫu phi ngẫu nhiên. Số liệu được khảo sát ở vụ 2016 - 2017.
2.2. Phương pháp phân tích
Phương pháp phân tích được sử dụng bao gồm:
- Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để mô tả thực trạng sản xuất muối của diêm hộ tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
- Phương pháp phân tích CRA (Cost and Return Analysis) và một số chỉ tiêu tài chính để đo lường kết quả và hiệu quả tài chính của hoạt động sản xuất muối của diêm hộ.
- Phân tích hồi quy tuyến tính đa biến để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của diêm hộ sản xuất muối.
Y = β0 + β1X1 + β2X2 + … + βkXk + εi
Trong đó:
Y: lợi nhuận (triệu đồng/1.000m2)
β0: hệ số tự do
βi: hệ số tác động
εi: sai số hỗn hợp của mô hình
X: các biến độc lập trong mô hình
Diện tích đất sản xuất cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào, diện tích thấp sẽ gây hao phí các yếu tố đầu vào (Yu và ctv, 2011). Trong sản xuất muối, diện tích ảnh hưởng tích cực đến lợi nhuận, tức là nếu diêm dân mở rộng quy mô sản xuất, biết tận dụng nguồn lực hợp lý thì hiệu quả tài chính sẽ tăng cao (Mai Văn Nam và Nguyễn Quốc Nghi, 2016).
Năng suất sản xuất cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của hộ, năng suất sản xuất càng cao thì lợi nhuận mang lại cho nông hộ càng lớn (Nguyễn Thị Thu An và Võ Thị Thanh Lộc, 2017).
Trong các yếu tố đầu vào trong sản xuất thì nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu (Brown, 1995). Để thể hiện chất lượng nguồn nhân lực trong sản xuất thì các nhân tố trình độ học vấn, kinh nghiệm sản xuất là 2 điều kiện tiên quyết. Trình độ học vấn càng cao giúp diêm dân nắm bắt thông tin, dễ dàng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất (Mai Văn Nam và Nguyễn Quốc Nghi, 2016). Ngoài ra, kinh nghiệm sản xuất cũng góp phần không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực sản xuất, người sản xuất có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất càng lâu thì việc sử dụng các yếu tố đầu vào càng hiệu quả (Simar và Wilson, 2007).
Bên cạnh chất lượng thì nguồn nhân lực cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Trong nghiên cứu của Mai Văn Nam và Nguyễn Quốc Nghi (2017), số lượng lao động giá đình (người) ảnh hưởng nghịch chiều với lợi nhuận sản xuất muối, bởi vì trong chừng mực nào đó sử dụng nhiều lao động nhà sẽ gây lãng phí, thay vì thế thời gian nhàn rỗi nên tận dụng tối ưu để đa dạng sinh kế, tăng thu nhập cho diêm hộ.
Trong sản xuất thì hiệu quả sản xuất bị ảnh hưởng bởi lượng vốn đầu tư vào sản xuất (Brazdik, 2006). Theo khảo sát thực tế của tác giả thì phần lớn diêm hộ là hộ nghèo, vì vậy nhu cầu vay vốn sản xuất muối của diêm hộ là rất cao, họ cần vốn để mở rộng diện tích sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật. Chính vì vậy, diêm hộ được tiếp cận vốn tín dụng chính thức sẽ có khả năng cải thiện hiệu quả đầu tư trong sản xuất muối của diêm hộ (Mai Văn Nam và Nguyễn Quốc Nghi, 2017).
Trong sản xuất muối, rủi ro lớn nhất là rủi ro từ thiên tai, khi gặp một trận mưa bất thường thì toàn bộ sản lượng muối trên ruộng sẽ mất trắng. Thời tiết ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất sản xuất của diêm hộ.
Qua lược khảo một số tài liệu như trên, bài nghiên cứu đề xuất một số biến độc lập trong mô hình hồi quy tuyến tính đa biến như sau:
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Thực trạng sản xuất muối của diêm hộ
3.1.1. Thông tin chung của diêm hộ
Bảng 2. Thông tin chung về chủ hộ
Chỉ tiêu |
Tần số |
Tỷ trọng (%) |
1. Tuổi tác |
|
|
26 tuổi - 40 tuổi |
31 |
25,83 |
41 tuổi - 50 tuổi |
58 |
48,34 |
51 tuổi - 60 tuổi |
31 |
25,83 |
2. Giới tính |
|
|
Nam |
110 |
91,67 |
Nữ |
10 |
8,33 |
3. Trình độ học vấn |
|
|
Tiểu học |
81 |
67,50 |
Trung học cơ sở |
28 |
23,33 |
Trung học phổ thông |
7 |
5,83 |
Mù chữ |
4 |
3,34
|
4. Kinh nghiệm sản xuất |
|
|
<= 10 năm |
15 |
12,50 |
Từ 11 - 20 năm |
39 |
32,50 |
Từ 21 - 30 năm |
34 |
28,33 |
Từ 31 - 40 năm |
22 |
18,33 |
> 40 năm |
10 |
8,34 |
Nguồn: Số liệu điều tra thực tế năm 2018
Độ tuổi: Ta có độ tuổi của đáp viên nhỏ nhất là 26 tuổi và cao nhất là 60 tuổi. Trong đó, mức tuổi từ 41 đến 50 chiếm tỉ trọng cao nhất, chiếm 48,34% trong tổng số. Vì đây là nhóm tuổi đã có gia đình ổn định và quản lý cơ sở làm ăn tương đối nhất trong các nhóm tuổi. Ở độ tuổi này, lao động có đầy đủ sức khỏe để trực tiếp làm việc tạo thu nhập chính cho gia đình và hơn thế nữa họ còn có đủ thời gian để tích lũy nhiều kinh nghiệm cả trong sản xuất và thu thập thông tin thị trường tiêu thụ.
Giới tính: Số đáp viên nam chiếm tỉ trọng rất cao, chiếm 91,67% tổng số. Điều này là hợp lý vì đối tượng phỏng vấn ở đây chủ yếu là chủ hộ. Quan niệm từ xưa đến nay thì người chồng người cha trong gia đình thường là những người ra quyết định, là những người chịu trách nhiệm kiếm tiền chính trong gia đình. Số đáp viên nữ chiếm tỉ trọng ít, (6%) ở đây là những người có hoàn cảnh đặc biệt như chồng đã mất hoặc đã ly dị. Những hộ này thường gặp nhiều khó khăn hơn trong những quyết định và kinh nghiệm sản xuất, cũng như trong quá trình tiêu thụ thường bị thương lái ép giá.
Trình độ học vấn: Trình độ học vấn của chủ hộ chủ yếu là trình độ tiểu học, chiếm đến 67,5%. Do sống ở vùng nông thôn nên việc học tập của họ không được thuận lợi, chỉ học cho biết đọc biết viết là chính. Nhìn chung, trình độ học vấn của chủ hộ sản xuất muối trong vùng nghiên cứu khá thấp. Tuy nhiên, họ không gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất muối vì ngành nghề này chủ yếu cần sự cần cù, chịu khó và có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, đặc biệt là kinh nghiệm dự đoán thời tiết để tránh thiệt hại và tận dụng tối đa ưu thế về thiên nhiên để tạo năng suất cao.
Kinh nghiệm sản xuất: Kinh nghiệm sản xuất được thể hiện qua số năm sản xuất muối của chủ hộ. Xét về kinh nghiệm sản xuất muối, đa số diêm dân tham gia sản xuất muối từ rất sớm, ngay cả khi chưa bước vào độ tuổi lao động cũng đã tham gia sản xuất với những công việc nhẹ và được truyền kinh nghệm từ cha ông. Mức kinh nghiệm trung bình của chủ hộ là 25 năm, thấp nhất là 3 năm và lâu nhất là 55 năm. Số diêm hộ sản xuất có kinh nghiệm từ 11 đến 20 năm và từ 21 đến 30 chiếm tỉ trọng khá cao, lần lượt là 32,5% và 28,33%. Trên 40 năm chiếm tỉ trọng rất thấp 8,34%. Những người có kinh nghiệm thấp là những người mới chuyển đổi sang sản xuất muối những năm gần đây và học hỏi từ những hộ có kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm cao nhất là những người sản xuất muối từ thời chiến tranh trước năm 1975. Nghề muối là một nghề rất dễ làm nhưng để có năng suất cao thì kinh nghiệm là điều không thể thiếu. Tuy lợi nhuận từ làm muối không cao như những ngành nghề khác nhưng an toàn, vốn đầu tư ít. Phù hợp với mục đích lấy công làm lời, tạo công ăn việc làm cho các lao động nhàn rỗi.
Theo kết quả điều tra 120 diêm hộ sản xuất muối cho thấy diện tích sản xuất của các hộ tương đối lớn. Hộ có diện tích muối lớn nhất là 6 ha. Hộ có diện tích sản xuất muối nhỏ nhất là 0,5 ha. Diện tích sản xuất muối trung bình của mỗi hộ là 2,17 ha. Do sự đa dạng về diện tích sản xuất muối nên ta chia diện tích sản xuất muối thành 5 nhóm sau:
Số diêm hộ có diện tích đất sản xuất muối thấp nhất là trên 4 ha chiếm 5,82%, từ 1,1 đến 2 ha chiếm tỉ trọng lớn nhất 44,17% tổng thể. Nhìn chung, diện tích trung bình các hộ sản xuất muối tương đối lớn, điều này thuận lợi về mặt kỹ thuật trong phơi nước chế chạt và diện tích sản xuất muối tương đối lớn cho thấy nghề muối ở đây vẫn được bà con coi trọng và phát triển tuy thị trường muối hiện nay gặp nhiều khó khăn.
3.1.2. Năng suất và giá tiêu thụ sản phẩm
- Về Năng suất:
Năng suất trung bình là 3.872 giạ/ha (tương đương 116,16 tấn/ha). Năng suất năm nay khá thấp so với trung bình những năm trước. Thời tiết là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến trình sản xuất muối cũng như là năng suất đạt được. Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, niên vụ sản xuất muối năm rồi gặp phải mưa trái mùa vào khoảng tháng 2 âm lịch, diện tích sản xuất muối bị thiệt hại do mưa trái mùa lên đến 1.942,81 ha và mưa giao mùa 879,72 ha, sản lượng muối thiệt hại 7.937,6 tấn, số tiền ước tính thiệt hại trên 7,2 tỷ đồng. Năng suất thấp nhất là 1.500 giạ/ha, năng suất thấp như vậy do đất sản xuất của họ xa kênh nước, vì vậy họ luôn luôn gặp khó khăn trong việc lấy nước biển để sản xuất. Năng suất cao nhất là 25.538 giạ/ha. Năng suất cao do họ có kinh nghiệm sản xuất, có hồ chứa nước ót sau thu hoạch.
- Về giá sản phẩm:
Giá bán trung bình 36.642 đồng/giạ (hay 1.221 đồng/kg). Giá bán cao nhất là 50.000 đồng/giạ, đây là thời điểm giá muối cao nhất từ đầu năm đến nay. Giá muối thấp nhất là 18.000 đồng/giạ, đây là giá muối mà hộ phải bán vì vay muối non của thương lái. Đã thiếu vốn nay lại phải bán với giá khá thấp tính ra diêm dân không còn lợi nhuận là bao nhiêu. Vào vụ mới lại thiếu vốn và lại phải vay mượn tiền, cứ thế người dân không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo khó và thiếu vốn sản xuất. Một điệp khúc thường xuyên tái diễn trong sản xuất nông nghiệp cũng như diêm nghiệp Việt Nam là được mùa thì mất giá và ngược lại.
3.2. Phân tích hiệu quả tài chính của diêm hộ sản xuất muối
- Doanh thu trên ha
Kết quả nghiên cứu cho thấy, doanh thu bình quân trên ha là 41.747 nghìn đồng/ha. Doanh thu trên ha đạt thấp nhất là 8.750 nghìn đồng/ha, cao nhất là 100.000 nghìn đồng/ha. Doanh thu/ha cao nhất và thấp nhất có sự trên lệch như vậy là do doanh thu/ha của hộ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giá bán và năng suất. Doanh thu/ha năm nay không cao do năng suất giảm đáng kể vì sự ảnh hưởng của thời tiết. Thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, khiến giá sản phẩm không ổn định.
- Chi phí trên ha
Chi phí sản xuất trên ha trung bình là 22.544 ngàn đồng/ha. Chi phí sản xuất muối bao gồm các loại chi phí như chi phí thuê đất sản xuất, chi phí vốn vay, chi phí khấu hao trang thiết bị máy móc, chi phí nhiên liệu, chi phí lao động, chi phí thu hoạch, chi phí bảo quản và chi phí tiêu thụ. Sản xuất muối không tốn nhiều chi phí, bởi nguyên liệu chính để làm muối là nước biển. Chỉ sử dụng các yếu tố tự nhiên như nắng, gió, lao động con người tác động để được sản phẩm. Đa số các hộ làm muối trên đất canh tác của gia đình nên không tốn chi phí thuê đất. Do công nghệ sản xuất thô sơ, thủ công nên sử dụng nhiều sức lao động là chính. Chi phí sản xuất thấp nhất là 12.015 ngàn đồng và cao nhất là 67.914 ngàn đồng. Các loại chi phí tạo sự khác biệt ở đây là chi phí bảo quản và chi phí khấu hao cơ sở vật chất.
- Lợi nhuận trên ha
Qua kết quả điều tra cho thấy, sau khi trừ đi mọi khoản chi phí lợi nhuận trên ha bình quân của hộ là 19.203 nghìn đồng. Hộ có lợi nhuận/ha cao nhất là 75.840 nghìn đồng/ha. Hộ có lợi nhuận trên ha thấp nhất là -24.700 nghìn đồng. Tuy nhiên, vì hoạt động sản xuất chủ yếu là tạo thu nhập cho hộ và khai thác lao động nhà nên chỉ tiêu lợi nhuận không quan trọng, đa số hộ tham gia hoạt động bỏ công để làm lời nên có những hộ khi tính các khoản chi phí (bao gồm cả lao động thuê và lao động nhà) thì lợi nhuận/ha có thể là âm. Do đó, thay vì sử dụng các chỉ tiêu về lợi nhuận, chỉ tiêu về thu nhập rất quan trọng khi xác định hiệu quả hoạt động của các hộ.
- Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí
Tỷ suất lợi nhuận trên chi phí cho biết một đồng chi phí hộ sử dụng tạo ra bao nhiêu đồng thu nhập. Qua kết quả điều tra ta thấy, tỷ suất lợi nhuận trên chi phí trung bình là 1,52 lần, tức bình quân hộ bỏ ra 1 đồng chi phí sẽ tạo được 1,52 đồng lợi nhuận cho hộ. Tỷ suất sinh lợi trên chi phí này là khá lớn so với lãi suất ngân hàng hiện tại, bởi vì hoạt động sản xuất muối không đòi hỏi chi phí đầu tư cao, chủ yếu là lấy công làm lời.
3.3. Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của diêm dân ở Đông Hải
Sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của hoạt động sản xuất muối tại huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, lợi nhuận của hộ tính trên 1.000m2 là biến phụ thuộc (Y) và 7 biến độc lập được xác định ở bảng 1. Kết quả phân tích mô hình được trình bày như sau:
Bằng việc áp dụng phương pháp chọn biến đồng thời (enter), Chỉ số R2 Square = 51%, và R2 hiệu chỉnh =50.2%, thể hiện mức độ phù hợp của mô hình ở mức tốt (Mô hình giải thích được 50.2% sự biến thiên của các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở Đông Hải, tuy nhiên sự phù hợp này chỉ đúng với dữ liệu mẫu. Để kiểm định xem có thể suy diễn mô hình cho tổng thể thực hay không ta phải kiểm định độ phù hợp của mô hình. Kết quả kiểm định như sau: Giá trị sig = 0,00 <0,05 trị thống kê F được tính từ giá trị R square của mô hình đầy đủ với mức ý nghĩa (giá trị Sig) rất nhỏ cho thấy mô hình hồi quy tuyến tính bội của ta phù hợp với tập dữ liệu và sử dụng được.
Hệ số phóng đại phương sai VIF của từng nhân tố có giá trị nhỏ hơn 10 chứng tỏ mô hình hồi quy không vi phạm hiện tượng đa cộng tuyến (các biến độc lập có tương quan chặt chẽ với nhau).
Mức ý nghĩa của t (Sig) của các yếu tố: Diện tích, Rủi ro thời tiết, Tiếp cận tín dụng, Năng suất, Kinh nghiệm đều đạt yêu cầu là Sig < 0,05 cho thấy nó có ý nghĩa trong mô hình, nghĩa là sự biến thiên tăng hay giảm hệ số của từng biến này đều có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở Đông Hải. Như vậy, kết quả cho thấy có 5 biến độc lập tác động đến biến phụ thuộc hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở Đông Hải.
Phương trình hồi quy chuẩn hóa thể hiện như sau:
Hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở Đông Hải = 0.333*Diện tích + 0.227*Năng suất + 0.210 *Rủi ro thời tiết + 0.150*Kinh nghiệm+ 0.099*Tiếp cận tín dụng.
Theo kết quả phân tích có 5 yếu tố trong mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kê ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất muối: Diện tích, năng suất, rủi ro thời tiết, kinh nghiệm và tiếp cận tính dụng.
Hoạt động sản xuất muối của bà con diêm dân phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Đây là một trở ngại lớn trong sản xuất muối của diêm dân ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Do đặc tính của hoạt động sản xuất muối chủ yếu phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là nước biển và thời tiết đồng thời phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nắng nóng, nên bà con chỉ sản xuất muối từ tháng 10 đến đầu tháng 4 năm sau (đặc điểm khí hậu Việt Nam chủ yếu là 2 mùa nắng mưa).
Khu vực hoạt động sản xuất muối thường là những khu vực gần biển để thuận tiện đưa nước vào bể lắng, thế nên nước biển không có trở ngại gì đối với hoạt động sản xuất muối mà chủ yếu là do thời tiết, nếu thời tiết ổn định tức nắng suốt mùa thì bà con diêm dân có thể an tâm sản xuất và thu hoạch. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nên thời tiết rất thất thường, cho dù đã vào mùa nắng nhưng vẫn xuất hiện những cơn mưa trái mùa, gây ra không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất của bà con diêm dân sản xuất muối ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Từ khảo sát thực tế các diêm dân ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thì đa số diêm dân ở đây cho rằng, nghề muối là nghề bỏ chi phí ra thấp mà bỏ công ra thì nhiều, hộ nào có diện tích sản xuất nhiều thì cho ra sản lượng nhiều, năng suất cũng cao hơn những hộ có diện tích tương đối và nhỏ. Do diện tích rộng thì tạo các ô chạt và hồ phơi kết tinh rộng lượng nước biển cho vào nhiều hơn và sản lượng thu được cũng nhiều hơn những hộ có diện tích sản xuất nhỏ.
Năng suất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất muối của diêm dân ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam thường là “được mùa, mất giá”. Năng suất cao cũng có nghĩa là bà con diêm dân được mùa, trúng lớn nhưng kéo theo đó cũng là tình trạng thừa cung thiếu cầu dẫn đến việc giá bán thấp. Bà con nông dân nói chung và bà con diêm dân nói riêng rất hiếm khi được hưởng trọn niềm vui mừng “trúng mùa, được giá”.
Ngoài ra, kinh nghiệm sản xuất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất muối của diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Những hộ sản xuất lâu năm có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, nên hiệu quả sản xuất sẽ cao, cụ thể là có mối tiêu thụ tốt hơn, quy trình sản xuất tiết kiệm được nhiều công đoạn không cần thiết hơn, kinh nghiệm sản xuất tốt cũng có thể tiên lượng được tình trạng thời tiết để có thể trở tay kịp khi thời tiết thất thường, như: dự trữ muối kịp thời, xây dựng các hồ chứa nước ót linh động hơn.
Về tiếp cận nguồn vốn, nếu việc tiếp cận nguồn vốn được thuận lợi cũng sẽ giúp cho diêm dân sản xuất hiệu quả hơn. Giúp họ xoay chuyển tốt nguồn vốn cho vụ mùa kế tiếp, hoặc xoay chuyển kịp thời trong những trường hợp khó khăn trong sản xuất như gặp mưa trái mùa thường xuyên. Nguồn vốn vay cũng giúp họ có đủ chi phí để xây dựng kho dự trữ để chủ động được giá bán, hoặc xây dựng hồ chứa nước ót kiên cố để tái sử dụng cho mùa sau, rút ngắn được thời gian thu hoạch muối và thu hoạch được nhiều lần trong suốt mùa vụ sản xuất.
4.Kết luận
Hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở Đông Hải chịu tác động lớn nhất bởi nhân tố Diện tích (b= 0.333), kế đến là Năng suất (b = 0.227), tiếp nữa là Rủi ro thời tiết (b = 0.210) và Kinh nghiệm (b = 0.150); cuối cùng là Tiếp cận tín dụng (b = 0.099). Các kết quả phân tích trên đây sẽ là cơ sở để tác giả đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất muối của diêm dân ở huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.
Analyzing the financial efficiency of salt production households in Bac Lieu province
Ph.D student, Master. Nguyen Thi Hong Lieu
College of Economics, Can Tho University
Abstract:
Salt producers play an increasingly important role in Bac Lieu province’s socio-economic development. However, the provincial salt Industry has faced many difficulties. For example, sales of natural salt are going down, industrial salt products have not yet met the demand for chemical production, the market for salt is being narrowed and the salt production areas have been converted to acquaculture activities on a large scale. Therefore, this article focuses on researching and analyzing the financial efficiency of salt production households in Bac Lieu province, thereby proposing some basic solutions to sustainably develop the salt industry of Bac Lieu Province.
Keywords: Financial efficiency, salt production households, salt production, Bac Lieu province, salt industry.