Pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta

PHAN KHUYÊN (Học viên cao học luật, Phân viện Học viện hành chính Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Việt Nam đã có một khung pháp lý khá đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta. Nhờ đó, phụ nữ đã dần được khẳng định vị thế, vai trò của mình trong tổ chức Quốc hội thông qua số lượng và chất lượng tham gia vào việc ra các quyết sách quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Mặc dù vậy, các bằng chứng nghiên cứu đã cho thấy, việc thực thi chính sách bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nói riêng còn một số bất cập.

Từ khóa: bình đẳng giới, pháp luật về bình đẳng giới, bình đẳng giới trong Quốc hội, thực thi về bình đẳng giới.

1. Pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta

Vấn đề bình đẳng giới là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm; được thể hiện qua những quy định rõ ràng và xuyên suốt trong các bản Hiến pháp cũng như trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta.

Trong Hiến pháp, vấn đề bình đẳng giới là một trong những chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm; được thể hiện qua những quy định rõ ràng và xuyên suốt tại các bản Hiến pháp, cũng như trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Ngay tại bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Điều 9 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”.

Trên cơ sở quy định về bình đẳng giới tại Hiến pháp năm 1946, các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, 2013 đã có sự kế thừa và hoàn thiện chế định bình đẳng giới thành một điều luật chi tiết và cụ thể hơn. Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.Đến Điều 63 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình. Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội; chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác để giảm nhẹ gánh nặng gia đình, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi và làm tròn bổn phận của người mẹ.

Và đến nay, tại Điều 26 Hiến pháp năm 2013 chế định bình đẳng giới đã được hoàn thiện hơn một bước:

“1. Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

2. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Trong pháp luật chuyên ngành, Luật Bình đẳng giới 2006 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007 đã từng bước được triển khai đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác bình đẳng giới; bước đầu có kết quả tích cực, tạo được sự bình đẳng thực chất của nam, nữ trong các lĩnh vực của xã hội, cũng như đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Luật đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình. Đây là cơ sở để xây dựng các quy định, chính sách, cũng như tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội ngang nhau được tham gia, phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực. Đặc biệt, để giảm khoảng cách tỉ lệ nữ giới so với nam giới tham gia trong lĩnh vực chính trị, Luật đã quy định nội dung cũng như biện pháp để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định trong các nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật[1]. Quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong toàn bộ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bằng các quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, thủ tục, hồ sơ và được bắt đầu ngay từ khi lập đề nghị Chương trình xây dưng luật, pháp lệnh. Thông qua việc thực hiện nghiêm túc quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình ban hành văn bản vi phạm pháp luật, cũng như việc thay đổi nhận thức của các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan có liên quan trong nhiều luật chuyên ngành đã có những quy định cụ thể đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Như vậy, bình đẳng giới không phải là một lĩnh vực mà là một nội dung bao trùm và lồng ghép trong các lĩnh vực khác nhau.

Vì vậy, pháp luật về bình đẳng giới hiểu theo nghĩa rộng bao hàm tất cả các quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Theo nghĩa hẹp, pháp luật về bình đẳng giới là tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp vấn đề bình đẳng giới.

Pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta được quy định trong Luật Bình đẳng giới năm 2006 và lồng ghép trong Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi, bổ sung 2020, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Cụ thể:

- Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định tại Khoản 3 Điều 11, nam nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Tại Khoản 5 Điều này, Luật cũng quy định rõ các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị như bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh ở cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

- Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2020 quy định về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội tại Điều 22 với 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, bao gồm:

(i) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

(ii) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

(iii) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội;

(iv) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm;

(v) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Như vậy, điều luật chỉ quy định tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội mà không có sự phân biệt giới tính.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội[2] như: quyết định thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo đề nghị của Chính phủ; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hằng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia,…

- Trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, bình đẳng giới được thể hiện ở những quy định về đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 35% ứng cử viên là nữ[3]. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội[4].

2. Thực tiễn thực thi pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nước ta

Việt Nam đã có một khung pháp lý khá đầy đủ để đảm bảo quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong tổ chức Quốc hội. Nhờ đó, phụ nữ đã dần được khẳng định vị thế, vai trò của mình trong lĩnh vực này thông qua số lượng và chất lượng tham gia vào việc ra các quyết sách quan trọng đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Có thể nhận thấy trong Quốc hội, tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội tăng dần qua từng nhiệm kỳ. Nếu Quốc hội khóa I (1946-1960) chỉ có 10 đại biểu là nữ, chiếm 3% thì đến Quốc hội khóa XIV số đại biểu nữ được nâng lên 133 người, chiếm 26,8%. Đặc biệt, tại Quốc hội khóa XIV đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên tại Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 65/162 và nằm trong nhóm 1/3 các quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội[5].

Số đại biểu trong các cơ quan của Quốc hội khóa XIV đã thể hiện sự gia tăng, nữ đại biểu đã chiếm một tỷ lệ nhất định trong cơ cấu tổ chức, như: Tại Hội đồng dân tộc, tổng số thành viên là 46 đại biểu trong đó, giới tính nam và nữ cân bằng nhau: 23, tỷ lệ nam = tỷ lệ nữ; ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh, thiếu niên và nhi đồng, tổng số thành viên là 43, giới tính nam: 22 (chiếm 51.2%), nữ: 21 (chiếm tỷ lệ 48,8%). Một số cơ quan còn chiếm tỷ lệ số đại biểu nữ ít, như: Ủy ban kinh tế (tổng số thành viên 41, giới tính nam 37 (chiếm 90.2%); nữ: 4 (chiếm 9.8%); Ủy ban Quốc phòng và anh ninh tổng thành viên 40, giới tính nam: 37 (chiếm 92.5%), giới tính nữ: 3 (chiếm 7.5%)[6].

Theo phân tích của Cổng thông tin điện tử Quốc hội về thực trạng hoạt động của nữ đại biểu trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, mặc dù chiếm chưa tới 1/3 nhưng các nữ đại biểu hoạt động khá tích cực và được đánh giá cao. Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ví dụ cụ thể tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ Hai (tháng 10/2016) có 86 lượt ý kiến phát biểu, trong đó ý kiến của đại biểu nữ là 19 (22,10%); tại Kỳ họp thứ Tư (năm 2017) tỷ lệ này là 21/94 lượt ý kiến (22,34%) và tại Kỳ họp thứ Sáu (năm 2018) là 21/88 (23,86%)[7].

Chất lượng nữ đại biểu Quốc hội cũng được nâng cao dần - hàm lượng khoa học, chuyên môn trong các bài phát biểu của nữ giới trong những khóa Quốc hội gần đây tương đương với nam giới. Khóa Quốc hội nào cũng có những gương mặt nữ nổi trội, thảo luận sôi nổi, chất vấn thẳng thắn, giải quyết đến cùng sự việc. Khi trở thành đại biểu Quốc hội, phụ nữ có điều kiện tham gia xây dựng chính sách, nhất là những chính sách liên quan đến nữ giới, nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có đủ điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần vào thành công của chiến lược bình đẳng giới về thực chất.

Tuy nhiên, chính sách bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội còn một số bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, nhìn vào những số liệu nêu trên có thể nhận thấy, mặc dù khung pháp lý về bình đẳng giới trong tổ chức của Quốc hội đã được đảm bảo đầy đủ quyền của phụ nữ trong công tác tổ chức của Quốc hội; song trong quá trình thực thi này, cán cân số lượng đại biểu nữ trong Quốc hội là ít, các cơ quan của Quốc hội có số lượng thành viên có xu hướng thiên về nam giới. Điều này đã tạo ra khoảng trống giữa pháp luật về bình đẳng giới trong tổ chức của Quốc hội và thực thi pháp luật. Vì thế, phụ nữ luôn gặp bất lợi trong bố trí các vị trí chủ chốt.

Việc triển khai chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội là nữ chưa đạt. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, trên tinh thần thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015: “Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”. Thực tế triển khai thực hiện quy định này cho thấy, nhiều tỉnh không đạt tỷ lệ nữ ứng cử viên tối thiểu theo luật định. Song, do không có chế tài ràng buộc nên không có cơ quan, đơn vị, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về kết quả này.

Thứ hai, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu QH, đại biểu HĐND, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu QH, đại biểu HĐND phải bảo đảm ít nhất 35%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặt mục tiêu phải đạt hơn 30% nữ đại biểu Quốc hội trúng cử. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi các nữ ứng cử viên phải nỗ lực cao trong quá trình tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, để có được niềm tin của cử tri[8]. Để đạt được tỷ lệ nữ trúng cử là 30%, tỷ lệ nữ ứng cử viên được quy định trong Luật ít nhất 35% là chưa phù hợp, cần nâng tỷ lệ nữ ứng cử viên ít nhất phải đạt 45%. Để đạt tỷ lệ ít nhất 30% như mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn.

Thứ ba, khi rà soát các văn bản pháp lý liên quan đến quyền tham chính của phụ nữ cho thấy dù ở cấp quốc gia hay ở cấp địa phương đã có những quy định pháp lý nhằm đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ, song nhìn chung những quy định đó còn nặng về tính định hướng mà thiếu vắng những giải pháp cụ thể, chi tiết, đặc biệt nhằm hỗ trợ và thúc đẩy phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động chính trị, đặc biệt là ứng cử vào các vị trí lãnh đạo quản lý. Ví dụ, Luật Bình đẳng giới 2006; Hiến pháp 2013; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, quy định đảm bảo quyền bầu cử và ứng cử, như: Quy định tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Các cấp, các ngành khi xây dựng các kế hoạch, tiêu chí, cơ cấu,… bầu cử, hầu hết mới chỉ dừng ở số lượng cơ cấu mà chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu đảm bảo cho nữ trúng cử (nói chưa có giải pháp cũng không đúng, thực ra Trung tâm Bồi dưỡng Dân cử của Quốc hội luôn có các lớp tập huấn cho nữ ứng cử viên ĐBQH và HĐND cấp tỉnh trước bầu cử, rèn luyện các kỹ năng vận động tranh cử,… Tuy nhiên, cần thêm nhiều giải pháp hữu hiệu khác.

Thứ tư, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội thiếu sự ổn định.

Theo các báo cáo gửi Quốc hội và các báo cáo quốc gia về bình giới hàng năm của Chính phủ thì: Quốc hội khóa XI tới Quốc hội khóa XIV tỉ lệ số lượng nữ đại biểu Quốc hội có giảm. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII cho thấy sự sụt giảm đáng kể và thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ gần đây và trong vòng 14 năm (từ năm 2002 đến năm 2016), đại biểu Quốc hội là nữ giảm 0,51%. Điều này phản ánh, tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội thiếu sự ổn định. Cụ thể: Nhiệm kỳ khóa XI (2002-2007), số lượng nữ đại biểu: 136; khóa XII (2007-2011): 127; khóa XIII (2011-2016): 122; khóa XIV (2016-2020): 133. Quốc hội khóa XV (2021-2026): 151, lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30%. Như vậy, số liệu trên thể hiện những khóa Quốc hội gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu có lúc tăng, lúc giảm.

Thứ năm, số lượng nữ đại biểu đủ tuổi tái cử khóa tiếp theo không nhiều, tuổi đời trung bình của cán bộ nữ khá cao. Điều này sẽ dẫn đến một thực trạng đó là ở nhiệm kỳ tiếp theo có không nhiều đại biểu nữ đủ điều kiện về tuổi để tái cử, dẫn đến những kinh nghiệm của đại biểu không được phát huy. Đây cũng là điều hạn chế, bởi như đã phân tích ở trên, đa số nữ đại biểu hoạt động sắc sảo, chất vấn “tới cùng” là những đại biểu hoạt động từ nhiệm kỳ thứ hai trở đi.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do:

- Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng mới chỉ quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”, mà chưa quy định cụ thể tại Luật Tổ chức Quốc hội, tỷ lệ cơ cấu nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Do vậy, quy định trên tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 chỉ mang tính định hướng, nên cần phải quy định rõ về tỷ lệ nữ trong Quốc hội là chỉ tiêu bắt buộc.

- Việc giới thiệu ứng cử viên nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, chưa tương xứng (về trình độ, chức vụ, bằng cấp,…) so với nhân sự nam.

- Bản thân phụ nữ chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng, sự tự tin, bản lĩnh để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của bản thân.

- Việt Nam vẫn đang là nước chịu sự ảnh hưởng rất lớn của những tư tưởng văn hóa truyền thống phương Đông, coi phụ nữ chỉ nên làm việc gia đình là chính, không nên tham gia nhiều vào công việc xã hội. Chính vì vậy, bản thân phụ nữ cũng dễ dàng tự hài lòng với việc phục vụ gia đình, ít chí hướng theo con đường chính trị và chính người thân của phụ nữ cũng ít ủng hộ phụ nữ phấn đấu (vì nếu tham gia chính trị, phấn đấu sẽ mất nhiều thời gian, công sức, không thể dành nhiều thời gian để lo việc gia đình.

3. Một số giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở nước ta hiện nay:

Một là, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề bình đẳng giới trong tổ chức của Quốc hội.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ, thay đổi nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về giới trong lĩnh vực chính trị. Từ đó, hành vi giới sẽ thay đổi theo hướng tiến bộ bình đẳng nam, nữ thực chất. Khi cộng đồng dân cư và gia đình tôn trọng và ủng hộ phụ nữ tham gia vào các cơ quan nhà nước thì vai trò của phụ nữ sẽ được phát huy. Không chỉ tôn trọng và quan tâm mà chính xã hội và gia đình cần phải nhận thức đúng đắn vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của cộng đồng và toàn xã hội. Nâng cao nhận thức của người dân, của các thành viên trong gia đình về vai trò, vị trí của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý cũng chính là để người dân nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ xã hội là biện pháp hữu hiệu và cấp thiết hiện nay.

Ba là, nâng cao ý thức, nhận thức và nỗ lực vươn lên của chính phụ nữ. Trên thực tế, một bộ phận không nhỏ phụ nữ vẫn còn tự ti, an phận, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên. Ảnh hưởng lâu dài của các định kiến xã hội về giới không chỉ ăn sâu, bén rễ trong nhận thức của nam giới, mà còn in đậm trong tâm tưởng của nữ giới ở Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn và miền núi. Bản thân phụ nữ chưa thay đổi cách nghĩ về vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Ngay cả những phụ nữ có trình độ chuyên môn cao cũng có tâm lý e ngại khi luân chuyển công tác xa gia đình. Mặt khác, trong cơ chế thị trường, đòi hỏi phụ nữ phải cố gắng phấn đấu trong chuyên môn như nam giới, song bản thân phụ nữ phải gánh thêm vai trò làm mẹ, cộng với quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nên một bộ phận phụ nữ ít nhận được sự chia sẻ của nam giới, cũng như sự ủng hộ của gia đình khi tham gia công tác.

Trong thời kỳ đổi mới, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam hiện nay đòi hỏi phụ nữ muốn được giao và đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý cần phải luôn có ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên trong công việc, có chí tiến thủ, chú trọng việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong; biết cách khắc phục những khó khăn, thu xếp công việc gia đình hợp lý, cân đối để hài hòa việc gia đình và việc lãnh đạo, không để ảnh hưởng lẫn nhau; biết cách thuyết phục các thành viên trong gia đình, nhất là người chồng quan tâm, chia sẻ gánh nặng gia đình và ủng hộ cho sự nghiệp của bản thân; luôn cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ và năng lực quản lý; dũng cảm vượt qua những định kiến xã hội và vượt qua chính mình, mạnh dạn, tự tin, phát huy thế mạnh của bản thân, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn và bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao và sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên. Cần tiếp tục nghiêm túc quán triệt nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là vai trò của người đứng đầu, tránh bệnh thành tích, quan tâm tới tính đặc thù. Phải có chính sách quan tâm, tạo mọi điều kiện để phụ nữ chủ động vươn lên, khắc phục khó khăn, tự tin khẳng định mình trong cuộc sống và công tác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Theo đó, trước hết là quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, kịp thời phát hiện những hạn chế, nguyên nhân để có những giải pháp kịp thời về công tác cán bộ nữ.

Như vậy, nước ta đã xây dựng lên có một khung pháp lý khá đầy đủ để thực hiện bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội. Nhờ đó, phụ nữ đã dần được khẳng định vị thế, vai trò trong lĩnh vực này. Mặc dù vậy, các bằng chứng nghiên cứu đã cho thấy, việc thực thi chính sách bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong tổ chức Quốc hội nói riêng còn một số bất cập. Chính điều đó đã khiến sự tham gia của phụ nữ trong tổ chức Quốc hội chưa thật sự bền vững.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020

[2] Điều 21, Luật Tổ chức Quốc hội 2014, sửa đổi, bổ sung 2020.

[3] Khoản 3, Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;

[4] Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;

[5] html https://dangcongsan.vn/thoi-su/khang-dinh-vai-tro-quan-trong-cua-nu-dai-bieu-quoc-hoi-trong-su-phat-trien-cua-viet-nam-574299.html.

[6] https://baucuquochoi.vn/nu-dai-bieu-quoc-hoi-nhiem-ky-20162021-dau-an-cua-binh-dang-tien-bo/549.vnp

[7] https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=56001

[8] https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=55774

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội, (1946), Hiến pháp năm 1946.

2. Quốc hội, (1959), Hiến pháp năm 1959.

3. Quốc hội, (1980), Hiến pháp năm 1980.

4. Quốc hội, (1992), Hiến pháp năm 1992.

5. Quốc hội, (2013), Hiến pháp năm 2013.

6. Quốc hội, (2015), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

7. Quốc hội, (2020),  Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020.

8. https://dangcongsan.vn/thoi-su/khang-dinh-vai-tro-quan-trong-cua-nu-dai-bieu-quoc-hoi-trong-su-phat-trien-cua-viet-nam-574299.html .

9. https://baucuquochoi.vn/nu-dai-bieu-quoc-hoi-nhiem-ky-20162021-dau-an-cua-binh-dang-tien-bo/549.vnp

10. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=56001

11. https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=55774.

Gender equality policies in the organization of the National Assembly of Vietnam

Master’s student Phan Khuyen

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Vietnam already has a fairly completed legal framework on gender equality in the organization of the National Assembly of Vietnam. As a result, women have gradually affirmed their positions and roles in the National Assembly by taking part in the decision-making process of many social sustainable development policies. However, it shows that there are some obstacles for the adoption of gender equality policies in the National Assembly.

Keywords: gender equality, the Law on Gender Equality, gender equality in the National Assembly, enforcing regulations on gender equality.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2021]