Khi đến một địa phương nào đó, bạn muốn tìm hiểu nếp sống, lối sinh hoạt đời thường của người dân bản địa thì không có cách nào tốt hơn là sống cùng họ và đó chính là homestay - nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Homestay là loại hình lưu trú du lịch khá phổ biến, đặc biệt tại các nước mới phát triển, nhưng ở Việt Nam thì việc kinh doanh loại hình lưu trú này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và mang tính tự phát làm mất dần bản sắc du lịch. Từ thực tiễn quy định của pháp luật về kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay, bài viết đưa ra một vài kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật để loại hình lưu trú này phát triển đúng bản chất của nó và góp phần đưa Du lịch của nước ta phát triển bền vững.
Từ khóa: Homestay, lưu trú du lịch, kinh doanh. 1. Quy định của pháp luật về loại hình lưu trú du lịch homestay
Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là một loại hình cơ sở lưu trú du lịch đặc biệt, dựa vào cộng đồng, được rất nhiều du khách yêu thích. Khác với khách sạn, nhà nghỉ hay nhà trọ, khách du lịch tới các homestay sẽ được sinh hoạt cùng người dân bản xứ, đón những trải nghiệm đặc sắc, ấn tượng, nhằm hiểu thêm về văn hóa bản địa, cuộc sống thường nhật của người dân địa phương và sẵn sàng chia sẻ việc nhà với gia chủ.
Tại Việt Nam, loại hình lưu trú homestay đã có từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ yếu ở các vùng cao và phát triển mạnh mẽ hơn từ năm 1990, khi Việt Nam có chủ trương “mở cửa” đón khách du lịch quốc tế. Đến nay, hầu như tỉnh thành nào của Việt Nam cũng có loại hình lưu trú này nhưng tập trung nhiều nhất ở các khu vực ngoại thành, làng xã, thôn bản, vùng dân tộc ít người, vùng Tây Nguyên, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam…
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì homestay - nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được hiểu là nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưutrú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà. Đây là một loại hình lưu trú du lịch cho nên chủ thể chỉ được kinh doanh lưu trú du lịch kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.2 Do đó, ngoài những quy định chung về kinh doanh lưu trú du lịch như có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch...3 thì nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê phải có các điều kiện tối thiểu sau:4
1. Có đèn chiếu sáng, nước sạch.
2. Có khu vực sinh hoạt chung; có khu vực lưu trú cho khách; có bếp, phòng tắm, phòng vệ sinh.
3. Có giường, đệm hoặc chiếu; có chăn, gối, màn, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm hoặc chiếu; thay bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
4. Chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
Bên cạnh đó, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn TCVN 7800:2009 theo Quyết định số 217/QĐ-TCDL ngày 15/6/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch về Tiêu chuẩn quốc gia về phân loại xếp hạng cơ sở lưu trú, bao gồm tiêu chuẩn về: diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh và phòng tắm; trang thiết bị, tiện nghi; dịch vụ và mức độ phục vụ; người quản lý và nhân viên phục vụ; bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ thể kinh doanh homestay có thể đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú khi đáp ứng điều kiện kinh doanh nêu trên. Hồ sơ đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể và trình tự đăng ký được quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP như sau: Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.5
Vì chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch cũng là chủ thể kinh doanh du lịch cho nên có các quyền và nghĩa vụ chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, ngoài ra còn có các quyền và nghĩa vụ riêng đối với chủ thể kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
Theo Điều 53 Luật Du lịch thì chủ thể kinh doanh lưu trú du lịch homestay có các quyền sau: Từ chối tiếp nhận khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch hoặc khi cơ sở lưu trú du lịch không còn khả năng đáp ứng yêu cầu của khách du lịch; hủy bỏ hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy của cơ sở lưu trú du lịch. Đồng thời, chủ thể kinh doanh lưu trú homestay phải thực hiện nghĩa vụ sau đây: bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch; niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch; bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự; thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp chủ cơ sở kinh doanh lưu trú homestay không thực hiện đúng quy định về thông báo thời điểm bắt đầu hoạt động, không ban hành, niêm yết nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú du lịch; không thông tin rõ ràng, công khai về số lượng, chất lượng và niêm yết giá cả các dịch vụ, hàng hóa cho khách du lịch; không bảo đảm số lượng, diện tích buồng ngủ theo tiêu chuẩn; không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định,... thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.6
2. Thực trạng áp dụng pháp luật về kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay
Homestay là loại hình cơ sở lưu trú phổ biến và được khách du lịch ưa chuộng vì giá cả rẻ, không khí ấm cúng, khách cảm thấy tự do thoải mái như ở nhà. Loại hình du lịch này ngày càng phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới. Tiêu chuẩn về phòng và trang bị cũng giống như khách sạn, khách có thể nấu ăn hoặc thuê chủ nhà. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn homestay không đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về loại hình lưu trú này.
Thứ nhất, homestay nơi sinh sống của người sở hữu nhà hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà; nhưng tiêu chuẩn cụ thể về phòng ngủ cho khách du lịch thuê đối với từng loại nhà ở như nhà sàn, nhà cổ, chung cư,... lại không được quy định cho nên hầu hết các cơ sở kinh doanh homestay đều có quy mô nhỏ, vừa là nhà ở vừa tận dụng phòng trống hoặc thuê lại để kinh doanh nên mức độ đầu tư trang thiết bị vật chất, tiện nghi rất hạn chế, chất lượng phục vụ và dịch vụ thiếu tính chuyên nghiệp, chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho du khách. Tiêu chuẩn phòng ngủ tối thiểu đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê một giường đơn là 8m2, đối với giường đôi là 10m2, phòng vệ sinh và tắm chung là 3m2 7 nhưng ở một số địa phương như Sapa, Mộc Châu, Điện Biên... thì người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc cho nên homestay được tận dụng từ những ngôi nhà sàn của người dân, đầu tư thêm nệm hoặc chiếu, mền, gối. Khách thường sử dụng chiếu hoặc nệm mỏng, trải xếp lớp liền kề. Khi ăn hoặc ngủ xong thì cuốn lại, chỗ ăn và ngủ chung nên khá luộm thuộm và không đảm bảo vệ sinh. Khu vực vệ sinh thì vị trí không phù hợp, chật hẹp, sử dụng chung, không có nước nóng,.. Ở khu vực Tây Nguyên, homestay là các nhà rông cũng được trang bị như các nhà sàn ở Tây Bắc để phục vụ khách du lịch; ở Hội An, hay các tỉnh miền Tây thì những ngôi nhà cổ được sử dụng để đón khách du lịch. Với sức hút của loại hình lưu trú du lịch này, người dân không chỉ cải tạo nhà ở của mình để làm homestay mà còn đưa ra ý tưởng kiến trúc lạ, xây dựng các phòng lưu trú cho du khách bằng các vật liệu không kiên cố, nhà tiền chế nhằm thu hút du khách như sử dụng Pi ống cống, đất và gỗ, container,… chỉ cần có “view” - không gian, cảnh quan đẹp. Thậm chí, có khi những cơ sở dịch vụ lưu trú homestay lại rất bình dân như phòng trọ sinh viên, có cả hệ thống giường tầng đơn giản, giá rẻ và đón khách rất đông, mộtphòng chỉ rộng khoảng 20 m2 nhưng lại đón 30 - 40 người ngủ nghỉ bởi khách chỉ cần có chỗ nghỉ chân vào buổi tối, chủ yếu thời gian trong ngày dành để đi tham quan, khám phá. Theo Thống kê của Phòng Văn hóa - thông tin Đà Lạt, tính đến tháng 4/2017, toàn thành phố Đà Lạt hiện có 928 cơ sở lưu trú du lịch với 14.637 phòng. Trong đó, có 252 cơ sở lưu trú dạng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay, với tổng số 2.024 phòng, trong đó có 85 cơ sở kinh doanh phòng tập thể. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng có 136 cơ sở với 1.667 phòng chưa đăng ký thẩm định hoặc thẩm định chưa đạt.8
Thứ hai, trên thực tế, phần lớn các hộ kinh doanh này không đăng ký với cơ quan nhà nước, mà chủ yếu tự do đưa thông tin lên các trang mạng xã hội để quảng cáo, mời gọi thu hút khách nhưng chưa tiến hành đăng ký thủ tục kê khai giá, không ban hành nội quy cơ sở dành cho khách đến lưu trú dẫn đến tình trạng giá cả tăng cao vào các dịp lễ, Tết, mùa cao điểm, còn những mùa thấp điểm thì hạ giá quá thấp, thậm chí chỉ có vài chục ngàn/ngày dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các loại hình lưu trú du lịch khác, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Thứ ba, các cơ sở kinh doanh loại hình lưu trú homestay đều mang tính chất tự phát, vì vậy, người quản lý và nhân viên phục vụ đều là thành viên của gia đình, chưa từng qua lớp tập huấn nghiệp vụ, quản lý lưu trú du lịch, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nào nên kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch còn thiếu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc nhà nhà, người người đua nhau phát triển dịch vụ homestay có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường thiên nhiên. Người điều hành homestay do không được đào tạo về loại hình này, không thông thạo ngoại ngữ nên có nhiều hạn chế trong quá trình giao lưu với du khách.
Thứ tư, vai trò của chính quyền địa phương đối với loại hình lưu trú du lịch homestay còn hạn chế, chưa có chiến lược, định hướng để phát triển du lịch bền vững của địa phương dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, rầm rộ như hiện nay; chưa có sự hỗ trợ về thủ tục cũng như kinh tế để các hộ kinh doanh ở những vùng khó khăn có điều kiện kinh doanh.
3. Một số kiến nghị
Thứ nhất, dịch vụ homestay đang ngày càng trở nên thân quen và phổ biến đối với những người làm du lịch cũng như đối với mỗi du khách quốc tế yêu thích khám phá văn hóa tại các nước bản địa. Homestay là dịch vụ du lịch mà khách du lịch lưu trú và sinh hoạt cùng với gia đình người địa phương như một thành viên trong gia đình để được trải nghiệm cuộc sống cùng với các giá trị văn hóa của người dân địa phương. Do vậy, không nên quy định homestay chỉ đơn thuần là cơ sở lưu trú du lịch theo pháp luật hiện hành với tiêu chuẩn như các loại hình lưu trú du lịch khác mà nên xem xét homestay dưới góc độ là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm, v.v... và mỗi hộ gia đình chính là một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch. Ngoài những quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại nhà ở như nhà cổ, nhà sàn hay chung cư,... phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương.
Hiện nay, các nước ASEAN đã thống nhất xây dựng tiêu chuẩn chung của các nước ASEAN. Mặc dù tiêu chuẩn ASEAN không mang tính chất bắt buộc áp dụng thực hiện, tuy nhiên, để hội nhập trong khu vực thì phải hướng tới tiêu chuẩn chung trong khu vực, cần thiết có sự hài hòa hóa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của các nước trên thế giới và khu vực. Vì vậy, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không chỉ đáp ứng về nơi ở mà còn đáp ứng các tiêu chí khác như các hoạt động cộng đồng gắn với tính nguyên bản về tài nguyên du lịch, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương cũng như đảm bảo về trật tự an ninh, vệ sinh và an toàn thực phẩm,... 9
Thứ hai, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch cũng như khả năng ngoại ngữ cho các hộ gia đình. Đối với loại dịch vụ này thì cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn, bởi vì du khách khi lựa chọn dịch vụ homestay tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu. Quan trọng nhất chính là chủ nhà. Làm thế nào để người chủ nhà nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội. Việc lựa chọn hộ gia đình làm dịch vụ homestay dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc. Dịch vụ homestay có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến nên người làm dịch vụ này không chỉ có kiến thức về du lịch mà còn phải có phẩm chất tốt, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để giới thiệu cho khách, có tầm nhìn xa và phải biết vì lợi ích của cả cộng đồng chứ không như phần lớn người dân hiện nay cho rằng homestay là một dạng lưu trú du lịch giá rẻ.
Thứ ba, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong việc kinh doanh, quảng cáo tiếp thị, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển loại hình lưu trú du lịch homestay, ban hành quy chế quản lý để quản lý việc kinh doanh cũng như đảm bảo quyền lợi của du khách.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản vănhóavà các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội thì homestay là một trong những dịch vụ chủ đạo của loại hình du lịch cộng đồng. Đây là dịch vụ du lịch đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay là cần thiết.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1 Khoản 6 Điều 21 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
2 Theo quy định tại Phụ lục IV, Luật Đầu tư năm 2014 thì kinh doanh lưu trú du lịch là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
3 Điều 49 Luật Du lịch 2017.
4 Điều 27 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
5 Điều 71 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về Đăng ký Doanh nghiệp.
6 Điều 45 Nghị định số 1433/VBHN-BVHTTDL ngày 10/4/2017 Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng bá.
7 TCNV 7800:2009
8 Thống kê cơ sở lưu trú du lịch tháng 4/2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng
9 Tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của Asean, Vụ Khách sạn (2014).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.
2. Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
3. Luật Đầu tư số: 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
4. Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 Quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
5. Nghị định số 1433/VBHN-BVHTTDL ngày 10/4/2017 Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng bá.
6. Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 về Đăng ký Doanh nghiệp.
7. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2009, Tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ngày 15/6/2009.
8. Tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của Asean, Vụ Khách sạn (2014).
9. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017, Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
10. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng, Thống kê cơ sở lưu trú du lịch tháng 4/2017 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
11. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Lâm Đồng, Báo cáo công tác văn hóa, thể thao, du lịch năm 2017 - Phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.
12. Đỗ Hồng Xoan (2004), "Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam", Du lịch Việt Nam, số 11, tr 12-13.
THE LAW ON BUSINESS TYPE HOMESTAY TOURIST
MA. TRAN THI KHANH CHI
Lecturer of Faculty of Law, Da Lat University
ABSTRACT:
Traveling to local place, tourists want to find out the lifestyle of the indigenous people. Then there is no better way than to live with them. Homestay is a really popular tourist accommodation, especially in the newly developed countries, however, in Vietnam this type of accommodation faces many difficulties. Furthermore, the spontaneity of this business is causing the lost of cultural identity. From the practical application of the law on business of homestay, the article makes a number of recommendations to improve the law to improve this new kind of accommodation, contributing to the sustainable development of national economy.
Keywords: Homestay, tourist accommodation, business.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 5 + 6 tháng 4/2018 tại đây